Alex Lưu – kiến trúc sư chủ trì của AZ Architects – từng ghi dấu ấn ở những công trình sáng tạo mang tính đột phá, như Telescope House, một ngôi nhà “lạc” trên mây ở Vũng Tàu hay Lancaster Eden (Quận 2), một kiến trúc kết nối và tăng tính tương tác bằng một “công viên cộng đồng”. “Tôi thường có những ý tưởng điên rồ nhưng thực tế, thỉnh thoảng tôi đổi luôn “đề tài” của chủ đầu tư để có “đất diễn” cho những ý tưởng tạo bạo của mình”, Alex Lưu chia sẻ.
____Đổi đề tài của chủ đầu tư là một việc làm mạo hiểm, vì có thể làm phật ý chủ đầu tư hoặc có khi anh đưa ra một ý tưởng không phù hợp, đúng không?
Chủ đầu tư không phải ai cũng có kiến thức về chuyên môn, nên kiến trúc sư không chỉ làm công việc thiết kế mà còn phải tư vấn nữa. Chủ của Telescope House – ngôi nhà trên mây ở Vũng Tàu – từng thuê đến ba đơn vị thiết kế nhưng không cảm thấy hài lòng. Lý do là vì đơn vị thiết kế chỉ làm theo yêu cầu của chủ đầu tư là thiết kế một villa một trệt một lầu, kết quả là ngôi nhà gần biển nhưng không thấy biển.
Muốn có một thiết kế phù hợp, kiến trúc sư hãy đặt chân trên khu đất, nghe đất kể chuyện và tự hỏi mình sẽ tạo ra điều gì ở đây? Khi nhận thiết kế Telescope House, tôi đã tìm kiếm cho mình một chỗ đứng ở trên cao để bao quát được quang cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, biển cả, mây trời, một quan cảnh đẹp như giấc mơ. Trong phút giây cao hứng của một gã điên lãng mạn, tôi nói với chủ đầu tư: “Hãy cho tôi một bệ phóng, tôi sẽ đưa ngôi nhà lên cao để anh được ngủ trên bầu trời”. Và khi công trình hoàn thiện, gia đình chủ đầu tư ngủ trên bầu trời thật. Anh ấy rất thích ngôi nhà và chúng tôi trở thành bạn bè sau đó.
____Làm sao để đưa nhà lên cao, trong khi villa vốn chỉ có một trệt một lầu?
Tôi thiết kế hai villa chồng lên nhau, chủ nhà sống ở tầng cao nhất. Thời điểm năm 2012, kiến trúc hiện đại rất mơ hồ với thị trường. Ngay cả người làm về kết cấu cũng khẳng định không xây dựng được. Nhưng công trình đã hoàn thành ngoài mong đợi. Buổi sáng thức dậy ở độ cao khoảng 10m so với tầng trệt, tầm mắt hướng ra biển và bầu trời lãng đãng mây, cảm giác rất “phê”. Phía dưới là đầu những ngọn cây, bên cạnh là một đồi sứ đang mùa hoa khoe sắc, xa xa là nơi những con thuyền nhiều màu neo đậu. Tôi có cảm giác như mình đang thưởng lãm những khung tranh chuyển động. Đến bây giờ, những khung tranh đẹp đẽ đó vẫn lưu giữ trong miền ký ức của tôi.
____Để có được những kiến trúc sáng tạo và đột phá như vậy thì đòi hỏi chủ đầu tư cũng phải có tư tưởng cởi mở, chấp nhận những sáng tạo đột phá…
Đúng vậy, nhưng phải là ý tưởng đột phá để phát triển, định hướng thị trường, chứ không phải phá cách để khác đi. Nếu chủ đầu tư chọn cách an toàn, thì khó mà đưa các ý tưởng này vào thực tế. Chẳng hạn như ý tưởng về “một mảnh vườn chung” kết nối quần thể villa tôi từng đề xuất cho một chủ đầu tư tại Phnôm Pênh, nhưng họ không muốn mạo hiểm. Sau này, ý tưởng này đã được thực hiện hóa tại Lancaster Eden (Quận 2), trở thành khu vườn kết nối, nơi người ta gặp nhau, trò chuyện và chia sẻ nụ cười.
Trong các thiết kế cảnh quang đô thị, khu công viên chung chỉ mang tính hình thức, chưa tạo ra sự gần gũi và cần thiết để mọi người muốn tới công viên. Tôi thiết kế công viên gắn liền với tầng trệt của biệt thự Eden, người ta chỉ cần bước chân ra khỏi nhà đã chạm đến công viên rồi. Nên mọi người sẽ dễ dàng bắt gặp một ánh mắt, nụ cười của những người hàng xóm trong sự kết nối tình cờ. Đó là câu chuyện cộng sinh (symbiotic) trong tương tác cộng đồng. Câu chuyện cộng sinh cũng là ý tưởng thiết kế mà tôi dùng để tham gia cuộc thi ở Mỹ, đề cập đến việc tận dụng các không gian thừa trong đô thị.
____Chủ đề mà cuộc thi đề cập có vẻ thú vị, bài thi của anh thế nào?Tôi ít khi tham gia các cuộc thi vì quá bận. Lần đó, thông tin cuộc thi xuất hiện khi tôi đang làm việc ở Phnôm Pênh (Campuchia) và có những phút rảnh rỗi hiếm hoi. Chủ đề cuộc thi rất hay, nhưng lúc đầu tôi tìm mãi không ra ý tưởng. Đến khi tôi nghĩ đã bỏ cuộc thì bỗng trong đầu tôi vang lên hai chữ “cộng sinh”, dồn dập như tiếng trống. Tôi bắt đầu tìm kiếm “symbiotic” trên internet thì bắt gặp khái niệm về cộng sinh, chỉ các tương tác cộng đồng trong đô thị, cho thấy người ta sống trong cộng đồng còn gắn kết hơn cả bào thai đôi, vì tất cả những hành vi của người này ảnh hưởng đến người khác và ngược lại. Nếu thiếu sự cộng sinh đó thì xã hội sẽ không thể tồn tại…
Thế là tôi thiết kế một thế giới song song trong kiến trúc, kết nối hai ngôi nhà bằng hành trình thang xéo và một khu vườn chung. Khi hai nhà gần nhau có một khu vườn chung, mọi người cùng có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc và thụ hưởng thành quả chung từ vườn. Và khi đó mọi người sẽ không cô đơn trong xã hội có sự gắn kết. Triết lý đó thuyết phục được ban giám khảo nên tôi cũng có giải thưởng, chứ thực ra bài thi của tôi bị… lạc đề. Ý tưởng về khoảng sân chung trong thiết kế tôi bị ảnh hưởng bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật Tadao Ando và nó cũng là một phần quan trọng trong ký ức tuổi thơ tôi.
____Nhiều người cho rằng thiết kế của KTS Tadao Ando thiếu sự mềm mại, anh nghĩ sao?
Tôi cũng từng nghĩ như vậy. Thời sinh viên, tôi kiếm được 800 ngàn đồng từ dự án vẽ đầu tiên. Thế là tôi đem toàn bộ số tiền đó để mua một cuốn sách về kiến trúc. Tìm mãi mới được cuốn sách về Tadao Ando. Cuốn sách trở thành “sách gối đầu giường” theo nghĩa đen vì tôi chỉ bỏ ở đầu giường chứ không đọc. Thiết kế của ông toàn những hình khối khô khan, không có chút bay bổng chút nào nên không hợp với tôi. Khá lâu sau đó, vào một ngày mưa, tôi đọc lại cuốn sách một cách cuốn hút, như đọc được suy nghĩ của tác giả và thấy chính mình trong đó.
Lúc nhỏ, nhà tôi có một cái sân trong, là nơi tôi chơi một mình, khóc một mình và tắm mưa trong đó. Những thiết kế của tôi sau này cũng hay có khoảng sân trong, như một sự kết nối giữa kiến trúc với hoài niệm, với tâm hồn. Ngôn ngữ và triết lý trong thiết kế của KTS Tadao Ando đã ảnh hưởng rất nhiều đến nghề nghiệp của tôi. Nó giúp tôi có những thiết kế mang tính thực tế nhưng rất tình cảm. Dù tôn thờ kiến trúc hiện đại, tôi vẫn luôn muốn bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và di sản. Ngẫm ra thiết kế không cần quá cao siêu, chỉ cần thể hiện được cái đẹp của cảm xúc, tâm hồn con người. Cái đẹp bên ngoài chỉ có thể chinh phục sự tò mò, còn cái đẹp nội tâm mới có sức mạnh chinh phục và lưu giữ tình cảm.
____Tình cảm trong thiết kế được thể hiện ở những yếu tố nào, thưa anh?
Tình cảm được thể hiện trong cách tổ chức không gian có nhấn thả, tạo cao trào trong thiết kế. Hành lang trong thiết kế của KTS Tadao Ando được vẽ ra như một cây cầu kết nối ký ức, hoài niệm con người, để ai đứng trước nó cũng có thể thấy chính mình thời trẻ. Chính điều đó tạo nên cảm xúc mạnh mẽ. Tôi học rất nhiều về kỹ năng tạo cảm xúc trong thiết kế từ vị kiến trúc sư nổi tiếng này, nó là cách xử lý hình khối, bỏ nhỏ sáng – tối, bẫy nắng, bẫy gió… một cách tinh tế.
____Qua cách trò chuyện của anh có thể thấy câu chuyện về thiết kế thật thú vị, không thấy chút bi quan nào về chuyện nghề cả…
Bi quan và thất bại tôi đã trải qua nhiều trong hơn 15 năm làm nghề. Khi mới mở công ty, tôi nhận các hợp đồng tiền tỷ một cách dễ dàng. Nghĩ rằng thành công đến với mình quá nhanh chóng, tôi sau đó đã phải trả giá bằng những tuyệt vọng, stress. Nhưng rồi, tôi nhớ câu nói: “Khi muốn bỏ cuộc, hãy nghĩ đến lý do khiến bạn bắt đầu”. Tôi đã từng bắt đầu đầy đam mê và hào hứng, lẽ nào lại bỏ cuộc lúc này? Thế là tôi tìm cách đứng dậy, làm lại từ đầu bằng những bước đi từ tốn nhất.
Con đường tôi đi cùng AZ Architects trong năm năm qua chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng có anh hùng nào không bị trầy xước đâu nhỉ? Tôi đã đi qua những vết thương lớn, nên có thêm vài vết trầy xước cũng chỉ làm mình mạnh mẽ hơn. Dù còn nhiều khó khăn, tôi cũng quyết tâm xây dựng AZ Architects là một môi trường làm việc sạch sẽ, nghiêm túc, giữ vững niềm tin và đam mê cho các kiến trúc sư. Phía trước vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách, nhưng tôi thấy thật may mắn khi đi qua từng cuộc chiến, tôi lại có một phiên bản tốt hơn của mình.
____Cảm ơn anh về những chia sẻ trên.