Cũng như ở nhiều nước châu Á khác, gạo là thực phẩm chính trong bữa ăn hằng ngày của người dân Hàn Quốc, vì vậy bất cứ chuyển biến nào về giá cả, khối lượng mua bán, xuất nhập khẩu của mặt hàng nông sản này đều có những tác động nhất định lên đời sống xã hội trong nước. Một cam kết của chính phủ Hàn Quốc với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc nhập khẩu gạo vào tháng 6 năm nay đã gây ra một làn sóng phản đối trong nhiều thành phần dân chúng, đặc biệt là giới nông dân. Theo cam kết này, Hàn Quốc sẽ phải chọn một trong hai hình thức: mở rộng thị trường lúa gạo cho nhà cung cấp nước ngoài, hoặc nhập khẩu một lượng gạo nhất định hằng năm từ một số quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan. Lựa chọn thứ nhất sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh khắc nghiệt giữa các chủng loại gạo trong và ngoài nước, người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn, nhưng nông dân Hàn Quốc có nguy cơ thất thế; còn lựa chọn thứ hai cho phép một lượng gạo khổng lồ nhập vào, trong khi nhu cầu nội địa không nhiều. Cả hai sự lựa chọn đều khó khăn cho Seoul, nhất là trước phản ứng mạnh mẽ của nông dân trong nước.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, năm 1982, trung bình mỗi người dân tiêu thụ 130kg gạo, con số này còn 112,9kg vào năm 1992, và đến năm 2013 vừa qua, chỉ còn 67,2kg, do đời sống được nâng cao, cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn của người dân đã thay đổi. Trong lúc nhu cầu tiêu thụ gạo của người dân ngày một giảm đi, thì cam kết của chính phủ Hàn Quốc lại vô tình làm tăng lượng gạo nhập vào. Năm 1994, nước này nhập một lượng gạo bằng 4% mức tiêu thụ hằng năm, mười năm sau (2004), tỷ lệ này tăng lên 10%. Lượng gạo nhập theo hạn ngạch tăng từ 225 ngàn tấn năm 2005 lên đến 408 ngàn tấn (năm 2014), gần bằng 10% sản lượng gạo năm 2013 là 4,23 triệu tấn. Các nước cung cấp gạo cho Hàn Quốc gồm Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, ngoài ra còn có thêm Ấn Độ, Việt Nam và Campuchia. Số người dân Hàn Quốc tiêu thụ gạo nhập khẩu không nhiều, vì họ quen ăn các loại gạo ngon sản xuất trong nước. Phần lớn gạo nhập khẩu dùng chế biến thực phẩm, rượu hay bánh kẹo. Theo một viên chức cao cấp của Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, nếu mở cửa thị trường lúa gạo, chính phủ cần áp đặt một mức thuế suất bằng 300% hay 500% giá nhập khẩu, qua đó sự cách biệt giữa gạo nhập khẩu và gạo sản xuất trong nước sẽ giúp người nông dân không bị thiệt hại. Hiện nay, giá một gamani (bao 80kg) gạo nội địa ở Hàn Quốc là 162 USD, nếu nhập khẩu gạo với giá 56-65 USD/gamani và áp thuế suất 400% thì giá gạo nhập khẩu bán trên thị trường Hàn Quốc sẽ lên đến 280 USD/gamani. Nhưng điều này không dễ gì nhận được sự đồng thuận của WTO.
Hiện Hàn Quốc có 1,15 triệu nông hộ, trong đó hơn 494 ngàn người trồng lúa. Tháng 3-2014 vừa qua, khoảng 10 ngàn nông dân đã tập trung phản đối tại một cao ốc ở Seoul, nơi các quan chức Hàn Quốc và Trung Quốc họp để thảo luận về một thỏa hiệp thương mại tự do song phương, trong đó có việc giảm hay miễn thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng, có thể có cả gạo. Điều này cho thấy chính phủ Hàn Quốc đang đứng trước một bài toán khó, vừa đảm bảo sự hội nhập, vừa bảo vệ đời sống của người dân trong nước.
Lê Nguyễn tổng hợp