Sân khấu Kịch Phú Nhuận vừa tung ra vởThoát xác do tác giả kịch bản kiêm đạo diễn Xuân Trang thực hiện. Ngay khi còn trên sàn tập, nhưng tin tức ban đầu của vở lộ diện đã lập tức thu hút sự chú ý của khán giả. Có vẻ như những người thực hiện khá tin tưởng vào khả năng thành công nên đã tổ chức tới hai suất diễn trong một ngày ngay hôm Thoát xác ra mắt công chúng. Đây không phải là hiện tượng mới của Sân khấu Kịch Phú Nhuận. Khán giả đã được kiểm chứng và tin vào độ hấp dẫn của thể loại kịch mang tính kinh dị, mà mở đầu là vởNgười vợ ma. Đây cũng là một thương hiệu ăn khách nhất của NSND Hồng Vân cho dù sau đó hàng loạt sân khấu khác cũng đua nhau dựng kịch kinh dị.
Thoát xác không dùng những hồn ma, bóng quế hù dọa trên sân khấu để đánh vào tâm lý thích mạo hiểm, thích ly kỳ của khán giả. Sự hấp dẫn của vở kịch trước hết là nhờ nghệ thuật khai thác tâm lý xã hội khá sâu sắc. Những mối quan hệ xã hội như cha mẹ, con cái phức tạp, ẩn chứa những bi kịch, những vụ án của con người… được mô tả rất chi tiết. Trong kịch có chất ly kỳ của yếu tố hình sự, lại có chút bí ẩn linh thiêng của yếu tố tâm linh. Vở kịch còn có sự bay bổng khác thường trong trí tưởng tượng của nhân vật. Những yếu tố đưa khán giả vào trạng thái hồi hộp, sợ hãi thường được đan cài trong những pha tâm lý hài hước để tạo ra những tràng cười thoải mái, hóa giải ngay được những cú giật đến thót tim. Kinh nghiệm dày dạn của Hồng Vân được kết hợp khá nhuần nhuyễn với tính bứt phá, thích phiêu lưu của các đạo diễn, diễn viên trẻ. Những yếu tố sân khấu như cảnh trí, ánh sáng, tiếng động, âm nhạc đều được tính toán, đảm bảo tạo ra sự rùng rợn bất ngờ, gây ấn tượng mạnh tới người xem. Vì vậy, Thoát xác đã thu hút rất đông khán giả, nhất là những người trẻ đến với Sân khấu Kịch Phú Nhuận.
Thoát xác bắt đầu vào một câu chuyện éo le của hai vợ chồng Trang (Xuân Trang và Hoàng Thy đóng) sau cái chết thảm thương của cô con gái bị té từ ban công. Họ đã không dám ở lại căn nhà của mình. Dù đã cho Phong (Cung Phong thủ vai) thuê nhà, nhưng nỗi ám ảnh về cái chết đã khiến họ sống trong tâm lý bất an, mà lại luôn muốn tìm cách trở về với ngôi nhà cũ. Sự sợ hãi không bình thường của người chồng tạo ra những điều khó hiểu và tâm lý không bình thường của người vợ. Ngôi nhà và chiếc ban công vỡ cứ ám ảnh cuộc sống của họ, tạo ra những ảo giác tâm linh và cả những khoảnh khắc phập phồng, hư hư thực thực đối với khán giả. Cấp độ lạ thường càng tăng hơn khi Phong và cô con gái nhỏ cùng bà mẹ già đến ở ngôi nhà đó. Phong vốn tính khí bất thường, còn cô bé Duyên luôn sống trong cô đơn vì không được sự săn sóc đầy đủ của cha mẹ. Bà nội Duyên (Hồng Vân đóng) là một người đàn bà xốc nổi, thương con cháu đến độ ém mình cũng là một nhân cách không bình thường. Tính khí bất thường của ba con người trong một gia đình nhỏấy gặp phải chủ nhà luôn bị ám ảnh đã tạo ra những lo âu, hoảng loạn. Bi kịch của Phong – một người chồng bất lực về sinh lý cũng là một nỗi khốn khổ của người vợ trẻ và khi không thể chung sống được với nhau, chính họ đã đẩy con gái mình vào hoàn cảnh sống thiếu tình mẫu tử. Bao trùm các bi kịch là một người mẹ vì những sơ suất đã để xảy ra tai nạn tạo nên một cậu con trai khiếm khuyết, khuyết tật suốt đời. Thế nhưng, càng dang tay ra bảo bọc, chở che thì bà càng làm con mình rớt sâu hơn xuống vực và đẩy mọi người vào bóng đêm. Khi càng che giấu những bi kịch của đời mình thì người ta càng trở nên không bình thường về tâm thần. Khi mà thế giới tinh thần của con người bị u mê trong những khoảng tối của chính mình, họ không chỉ đẩy người sống bên cạnh vào bế tắc, mà còn đưa chính bản thân vào vũng lầy không lối thoát. Những hành vi giết người đôi khi cũng xảy ra chính từ tâm lý đó.
Phong dù có cố giấu giếm thì vẫn phải sống với nỗi bất hạnh của mình. Anh ta càng điên cuồng, càng muốn chứng tỏ mình là người bình thường, cố bảo vệ hạnh phúc gia đình thì lại càng đẩy con, vợ và mẹ anh vào những nỗi thống khổ. Vợ anh ta không được đi tìm hạnh phúc của mình. Con anh ta không được gần mẹ, gần bà. Bà không được chăm sóc cháu. Chính sự hoảng sợ mất mát, sợ chia sẻ của Phong luôn tạo cho anh ta những hành vi không bình thường. Vốn thương con, thương cháu, nhưng bà nội càng cam chịu thì rối rắm trong gia đình càng bộn bề hơn. Những ảo giác, suy diễn của nhân vật cứ tạo căng thẳng cho người xem. Cuộc sống thường nhật không khỏa lấp được nỗi lo trong đời sống tâm linh và điều đó làm cho nhân vật trong kịch sợ hãi, người xem cũng sợ hãi. Mới thấy, Thoát xác đã điểm “đúng huyệt” thể loại kịch kinh dị.
Cái hay của vở kịch này nằm ở chính sự hấp dẫn trong cách diễn của các nhân vật. Trang của Xuân Trang không phải là một nhân vật để gây cười. Sau cái sốc về cái chết của con và những cú stress của vợ, từ một người đàn ông tự tin, anh ta trở nên hoang mang, dễ hoảng loạn. Những tính cách bất thường của nhân vật được Xuân Trang diễn rất tỉnh. Khán giả khi bị anh lôi kéo vào nỗi sợ hãi mơ hồ, lúc lại cười ngặt nghẽo khi cảm nhận được anh tự cưỡng lại nỗi sợ của mình. Xuân Trang có khả năng đẩy nhanh khán giả từ cực điểm của trạng thái hoang mang, do dự sang cực điểm của trạng thái buồn hay khôi hài. Cung Phong với vai Phong cũng có một đất diễn hay. Anh không tìm cách diễn ái nam ái nữ kiểu õng ẹo, mà tỏ ra là một người đàn ông mạnh mẽ, cứng rắn. Những cố gắng lảng tránh và giấu giếm bệnh tình của mình khiến anh càng bạo ngược. Anh đã làm khán giả tin và cũng sợ cả tính cách của nhân vật. Cung Phong đẩy chuyển biến tâm lý, hành động của nhân vật khá nhanh. Cách diễn của anh tạo ra những xung lực mạnh, khiến các khán giả trẻ bị lôi cuốn và thích thú.
Một số cảnh trong vở “Thoát xác”
Có một vai không chứa một bi kịch nào của câu chuyện thảm khốc này, nhưng khi xen ngang vào câu chuyện của mỗi người thì tạo ra hiệu ứng đặc biệt trong khán giả giống như miếng gừng hạ nhiệt cho người đang bị sốt cao. Một tên trộm (Duy Anh đóng) mà động một chút là nói tuốt ra hành vi của mình nên sự ngu ngơ tưởng như vô duyên của hắn đã tạo ra phút hứng khởi cho khán giả. Các nhân vật hài hước không thể thiếu sau những màn kinh dị đã được hóa giải, làm dịu thần kinh cho khán giả sau những phút hết sức rùng rợn và đúng là Duy Anh đã góp phần làm nên những mảng miếng hấp dẫn cho vở kịch. Trong vai bà nội, có lẽ đã lâu lắm rồi Hồng Vân mới được tung “chưởng” trọn vẹn cho một vai kịch độc đáo. Bà nội to béo vừa xuất hiện đã áp chế ngay được người khác. Bà dễ dàng nóng giận khi người khác không làm theo ý mình nhưng lại sẵn sàng nhún mình khi con trai cất tiếng. Khán giả đau xót khi bà bị con trai chia cắt, không cho gần gũi đứa cháu nội. Khán giả nổi cười nghiêng ngả khi bà đùng đùng nổi đóa với vợ chồng người chủ nhà hay lằng nhằng, năn nỉ chạy theo con. Bà thương con trai đến mụ cả người. Trước mặt con, bà vào hùa với con cả những điều mà lòng bà không muốn. Sự nhân hậu trong tính cách bất thường của bà luôn làm cho khán giả thấy ấm áp. Hồng Vân cứ nhẹ nhàng cho người xem thấy nỗi đau mà bà không trách ai được. Nỗi đau không ra nước mắt cứ làm khán giả xốn xang trong từng lời nói, giọng cười của bà. Trong chiều sâu của vở kịch kinh dịấy là những bi kịch cùng quẫn của con người!
ỞThoát xác không có sự khoa trương, giả tạo của tình huống, tất cả đều diễn ra một cách sâu sắc, hợp lý từ trong thế giới tâm linh của các nhân vật. Điều đó càng tạo nên thành công cho sản phẩm mới của tác giả kịch bản – đạo diễn Xuân Trang.
Việt Nga