Một kết quả khảo sát vừa được tổ chức LIS (Luxembourg Income Study Database) công bố, theo đó giới trung lưu Mỹ đã không còn giữ được vị trí ưu thế trong kinh tế quốc tế như cách đây mấy thập niên. Các nhà nghiên cứu tham gia cuộc khảo sát nhận định rằng cho dù sự tăng trưởng kinh tế của Mỹ vẫn bằng hoặc hơn so với nhiều nước khác, nhưng chỉ có một tỷ lệ nhỏ số hộ gia đình ở Mỹ hưởng lợi từ điều này. Năm 2010, thu nhập bình quân của người dân Canada ngang bằng với thu nhập bình quân của người dân Mỹ, nhưng từ ấy đến nay, người Canada đã vượt qua người Mỹ về khoản này. Ở Tây Âu, tuy thu nhập bình quân của người dân vẫn chưa vượt người Mỹ, nhưng tại nhiều nước như Anh, Hà Lan và Thụy Điển, khoảng cách đã thu hẹp rất nhiều so với cách nay một thập niên. Hơn thế nữa, những dữ liệu do LIS công bố còn nói lên tình trạng đáng lo ngại trước tốc độ phát triển về thu nhập bình quân của người Mỹ. Năm 2010, mức thu nhập bình quân của một người Mỹ là 18.700 USD, tăng 20% so với năm 1980, nhưng nếu tính từ năm 2000 đến năm 2010 thì hầu như không thay đổi. Trong khi đó, từ 2000 đến 2010, thu nhập bình quân của người Anh tăng khoảng 20%, của người Canada tăng 20%, Ireland tăng 16%, Hà Lan tăng 14%…
Thu nhập của người lao động Mỹ không được cải thiện từ nhiều năm qua
Theo kết quả một cuộc nghiên cứu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tiến hành, người Mỹ trong độ tuổi 55-65 có trình độ hiểu biết và kỹ năng công nghệ cao hơn những người cùng độ tuổi ở các nước công nghiệp hóa khác, nhưng giới trẻ Mỹ lại không đạt được điều này. Các công ty trong nền kinh tế Mỹ chia sẻ lợi nhuận cho giới trung lưu và người nghèo ít hơn những doanh nghiệp ở các nước khác. Hậu quả là ở Mỹ, mức lương tối thiểu thấp và hoạt động của công đoàn yếu kém. Trong khi các chính phủ ở Canada và Tây Âu đã tiến những bước dài trong việc nâng cao mức lương sau thuế cho những hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, thì ở Mỹ, người lao động không được hưởng quyền lợi này. Ngay cả nước có sự tăng trưởng về thu nhập thấp nhất ở châu Âu là Đức (1,5% trong khoảng thời gian 2000-2010), người nghèo cũng có thu nhập tốt hơn người nghèo ở Mỹ. Điều này đặt ra cho chính quyền Obama một trách nhiệm nặng nề trong việc vực dậy lớp trung lưu đông đảo để có thể tạo ra những chuyển biến cần thiết cho một nền kinh tế vừa thoát khỏi cơn khủng hoảng.
Lê Nguyễn tổng hợp