Tổn thất tài nguyên khoáng sản là vô cùng lớn, nhất là các địa phương có biên giới, có cảng thì xuất khẩu khoáng sản thô là chủ yếu. Số lượng giấy phép khai thác khoáng sản nhiều nhưng số lượng dự án chế biến sâu khoáng sản còn quá ít. Trong các năm qua, chính quyền nhiều địa phương đã cấp hơn 4.000 giấy phép khai thác, trong khi đó số lượng dự án chế biến khoáng sản còn rất ít.
Mới đây, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thực hiện một cuộc khảo sát tại 13 địa phương, 58 khu vực khai thác mỏ của nhiều doanh nghiệp nhằm chấn chỉnh việc cấp phép, rà soát và thu hồi những giấy phép đã cấp không đúng quy định; các dự án khai thác khoáng sản tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đồng thời tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản…
Trần tình với đoàn giám sát về tình trạng khai thác trái phép khoáng sản vẫn diễn ra, nhiều địa phương than rằng: Quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản nằm rải rác là rất khó, trong khi đó lực lượng cán bộ phần lớn là kiêm nhiệm nên không thể quản lý nổi nguồn tài nguyên khoáng sản của địa phương mình.
Quỳ Hợp – điểm nóng khai thác đá ở Nghệ An. Ảnh Đại An
Số liệu của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm phần nào cho thấy thực trạng này. Từ năm 2007 đến tháng 7-2012 lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện xử lý 4.142 vụ vi phạm do khai thác bừa bãi. Riêng năm 2011 và sáu tháng đầu năm 2012 phát hiện và xử lý 2.117 vụ, phạt vi phạm hành chính 21,7 tỉ đồng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm là do doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, áp lực phải thu hồi vốn nhanh và chính sách về thuế chưa thực sự hợp lý khiến các khu vực khoáng sản có chất lượng cao bị khai thác cạn kiệt nhằm hạ giá thành và tăng tối đa lợi nhuận, làm tổn thất tài nguyên đáng kể, gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế.
Thực tế này phù hợp với những gì mà kết quả giám sát cho thấy hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản còn bộc lộ nhiều bất cập. Một số quy định về thuế tài nguyên và quy định cấp các loại giấy phép chưa thực sự hợp lý gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Đặc biệt, lợi ích từ việc khai thác khoáng sản dường như chủ yếu thuộc về các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; còn lợi ích của quốc gia, chính quyền và người dân thì bị xem nhẹ, thậm chí ở nhiều vùng người dân phải gánh chịu hậu quả về ô nhiễm môi trường.
Một báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định rằng hoạt động khai thác khoáng sản tại các địa phương không chỉ tác động tới đời sống và sinh kế của các hộ dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản, nguồn nước và hệ thống công trình thủy lợi.
Chẳng hạn hiện nay gần 30.000 hộ dân ở ĐBSCL nằm trong khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở bờ sông cần phải di dời mà nguyên nhân chính là do hoạt động khai thác cát của các tổ chức, cá nhân gây nên.
Riêng trong lĩnh vực lâm nghiệp, thống kê từ năm 2008 đến năm 2011, toàn quốc đã chuyển mục đích sử dụng 11.312 hécta rừng và đất lâm nghiệp sang khai thác khoáng sản, trong đó không ít trường hợp bị lợi dụng để khai thác lâm sản trái phép ở các khu vực lân cận, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Đó là chưa kể tới nguy cơ ô nhiễm do nước thải từ các hoạt động khai thác không được xử lý chảy tràn vào nguồn nước tự nhiên gây biến đổi chất lượng nguồn nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đã có không ít ý kiến từ các cơ quan chức năng cảnh báo về thực trạng đấu giá quyền khai thác khoáng sản được tổ chức hời hợt như hiện nay rất dễ trở thành sân nhà của nhóm lợi ích. PGS-TS Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam, từng công khai phát biểu rằng “Toàn quốc có hơn 5.000 điểm mỏ quặng, tương ứng với nó là hơn 5.000 giấy phép. Thân quen, chi tiền là được cấp giấy phép. Xin một cái giấy phép khai thác khoáng sản, kể cả tiêu cực phí hết khoảng 7 tỉ đồng nhưng chuyển nhượng giấy phép đó sẽ thu 30 tỉ đồng. Lãi kinh khủng! Sau khi khai thác khoáng sản, ai được? Chỉ các nhóm trung gian và một số ít người được lợi. Thuế tài nguyên thu được rất ít”.
Một thực trạng khác, theo ông Vinh: “Bình Thuận là một tỉnh nhỏ mà trong 13 năm cấp 200 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Những mỏ khoáng sản đó Nhà nước phải quản lý nhưng địa phương cứ băm nhỏ ra cấp cho tư nhân. Khai thác tài nguyên khoáng sản tràn lan, nhiều nơi vô tổ chức không những đã làm thất thoát lớn nguồn tài nguyên mà còn ảnh hưởng xấu đến cơ sở hạ tầng, làm xuống cấp rất nhanh hệ thống đường sá, cầu cống, phá hủy môi trường sống, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội cho địa phương…”.
Tình hình tại phía Bắc cũng tương tự. Ông Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng nói thẳng: “Tình trạng khai thác khoáng sản đã và đang ngày càng diễn biến phức tạp và tiêu cực. Hai công cụ cấp phép và phân quyền cho các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản đã đóng vai trò rất quyết định trong việc chuyển đổi khối lượng lớn tài nguyên khoáng sản từ sở hữu toàn dân trở thành nguồn thu của những nhóm lợi ích và doanh nghiệp”.
Đã đến lúc hoạt động khai thác khoáng sản cần phải được xem xét lại một cách toàn diện và công khai, minh bạch. Vì lợi ích của Nhà nước, Chính phủ cần điều chỉnh các quy định có tính pháp lý để tài nguyên quốc gia không rơi vào tay một vài doanh nghiệp hay một số nhóm lợi ích.
Việc đầu tiên cần làm là rà soát lại tất cả các dự án khai thác và thăm dò khoáng sản, nhất là các dự án núp bóng dưới các chương trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, cương quyết thu hồi các dự án đã cấp không đúng quy định, không cấp phép cho các dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Minh Trí