Các bà mẹ lứa “gái văn phòng” tuổi bốn mươi là đối tượng của những khóa học kiểu “siêu học tập” của các ông thầy đến từ nước ngoài, giá vé một khóa học cả ngàn đô. Càng đắt càng hấp dẫn vì “đắt xắt ra miếng”.
Chứ bây giờ đã chán các bài báo cũng như chuyên gia tâm lý giáo dục hay nói trên tivi, chẳng có gì mới, mà nhiều khi còn… tức anh ách. Thí dụ bà mẹ hỏi làm thế nào bảo vệ con trước những nguy hiểm rình rập hằng ngày, thì họ bảo là dạy con nhận biết và tránh xa nguy hiểm. Cái này phổ thông quá, cha mẹ nào chẳng dạy con ra đường đừng đi với người lạ, ai cho gì đừng ăn…
Nhưng bây giờ họ lại mò vào tận nhà vệ sinh trường học bắt con mình đi cơ mà. Đến như bệnh viện là nơi sạch sẽ yên tĩnh an toàn bây giờ còn hơn cả ngoài phòng trọ. Mẹ dậy đi vệ sinh một cái là quay vào có khi con đang nằm ngủ lúc nãy đã bị bọn chúng bế đi mất. Hóa ra là lý thuyết bao giờ cũng đi chậm hơn so với thực tế.
- Xem thêm: Lời xưa
Lang thang trên mạng, trên Facebook có khi học được khối bài hay. Mẹo chữa viêm họng, ho lâu ngày của trẻ con. Chỉ việc day huyệt (chẳng cần nhớ tên huyệt gì) cứ biết giữa bàn chân mà day. Xong bôi dầu, đi vớ cho con ngủ, thần dược hiệu nghiệm.
Dễ học quá. Con chảy máu cam thì làm thế nào. Dấu hiệu nhận biết người đột quỵ, chỉ gói trong ba chữ N: Cho họ nói (xem có ngọng không)… thí dụ thế. Dễ nhớ mà chẳng phải lụy cái bệnh viện nào.
Bao nhiêu vốn cổ, bao niềm tin y khoa phản khoa học nữa có khi – cũng ở tuốt trên mạng. Thế nên người ta mới nói phải thận trọng trước biển thông tin, mà chẳng biết thận trọng nghĩa là phải làm gì.
Bà mẹ văn phòng tuổi bốn mươi đang sung sức trong chuyên môn, con chưa lớn lắm nhưng cũng không còn nhỏ, phải đối mặt với bao nhiêu chuyện, có nhà văn còn bảo đó là tuổi “chưa kịp chán sở này đã nhảy sở khác”.
Nhà nọ có cô con dâu như thế, bà mẹ chồng hãi quá, không hiểu sao thỉnh thoảng cô con dâu lại nghỉ ở nhà hàng tháng, nói là chờ thi tuyển, chờ người ta gọi. Bà bèn khẽ hỏi con trai, anh ta gạt phắt: “Chuyện của cô ấy, con không can thiệp”.
Đến con mình còn chẳng dám hỏi (hoặc là chiều vợ, nhất vợ nhì trời) thế thì mình cũng chẳng hỏi làm gì. Cô ấy cứ lượn siêu thị, cửa hàng, về nhà khi con đi học chồng đi làm thì lôi máy ra lên mạng.
Không ra cô thiếu nữ đi học, cũng chẳng giống bà về hưu. Cô ấy chỉ nhảy việc – một thứ hiển nhiên thời hiện đại. Ông bà cha mẹ chớ có mà lôi cái lý thuyết yêu nghề này nọ, thâm niên chẳng cần, lạc hậu quá. Cứ ở đâu có nhiều tiền thì làm, thời thị trường mà lại.
Nhưng cũng nhà văn nọ “bóc mẽ” phụ nữ bốn mươi “chưa kịp no đủ đã thấy thiếu thốn, chưa kịp hết yêu người này đã gặp người khác thú vị hơn”… Nhưng mà câu cuối thì ghê quá: “Đàn bà bốn mươi không muốn đổi chồng nữa nhưng đó là lúc đàn ông muốn ngoại tình”. Thật hết hồn nhé.
Bây giờ họ lý thuyết đầy mình, chẳng gì không biết. Nào mẹ Tây mẹ Hổ cãi nhau chán về lý thuyết dạy con, nào mẹ Hàn mẹ Nhật rèn con. Mẹ Việt Nam ngày xưa hy sinh gian khổ nuôi con, tất cả cho con, nay cũng đã lu mờ rồi. Đất nước nghèo khổ chiến tranh kể làm gì. Bây giờ không bom đạn, cuộc sống tân kỳ, phụ nữ chán ghét ai nói đến chữ “hy sinh”.
- Xem thêm: Nhà nào cũng thế
Nói dâu thảo mẹ hiền vợ hiền càng ghét nữa. Giờ là lúc các cô tân kỳ làm chủ cuộc sống này. Ở nhà, họ là nhân vật trung tâm. Anh chồng sợ vợ hay không khỏi cần cãi, nhưng “nhất vợ nhì trời” là đúng rồi.
Lũ con tất nhiên nghe mẹ, về phe mẹ. Còn ông bà à, nhân vật hết thời, ngay cả khi xưa oanh liệt, có của để cho con thừa kế hẳn hoi, chúng cũng chẳng nể. Khi chết ông bà có mang theo được đâu, đằng nào con chẳng hưởng, công lao gì, ai chẳng thế.
Vậy là “mọi lý thuyết đều xám ngắt, chỉ có cây đời là mãi xanh tươi” thôi. Thực tế trên hết. Lý thuyết làm gì, mọi lý thuyết đều lạc hậu.
Kiểu gì cũng… bí.