Với nhiều người phương Tây thuộc giới trung lưu nhưng đam mê mỹ thuật, làm sao họ dám mơ ước có được tranh của những tên tuổi cỡ Renoir, Degas hay Warhol mà giá lên đến hàng chục triệu USD.
Nhưng nay, chỉ cần bỏ ra chừng vài ngàn USD họ cũng có thể mua được tác phẩm của các bậc thầy hội họa.
Mới đây, bạn bè ông David Tom, một bác sĩ chuyên phẫu thuật mắt 58 tuổi ở Weston (bang Connecticutt, Mỹ) đã hết sức kinh ngạc khi hay tin ông sở hữu không chỉ một mà tới hơn chục tác phẩm của Rembrandt. Bởi họ từng biết một tác phẩm của bậc thầy Hà Lan này được bán với giá hơn 25 triệu USD trong một cuộc đấu giá tại nhà Christie’s ở London năm 2009. Tất nhiên bác sĩ David Tom không thể mua tranh với giá đó; hóa ra ông chỉ mua tranh khắc in trên giấy của Rembrandt, loại tranh vốn không quá hiếm trên thị trường.
Nhu cầu lớn về tác phẩm thứ cấp
Khi mà tranh của các họa sĩ nổi tiếng – được coi là kênh đầu tư an toàn – có giá lên đến hàng chục triệu USD thì, để thỏa mãn giới sưu tập trung lưu, cách đây chỉ vài năm thị trường nghệ thuật đã đưa ra những gì vừa túi tiền của họ: những bức tiểu họa, phác thảo, đồ gốm… của các tên tuổi lớn, thậm chí cả những gì được các bậc thầy nguệch ngoạc trên giấy, cũng như những thứ lẽ ra họ đã vứt bỏ trong quá trình sáng tác. Nhưng đối với các nhà sưu tập khiêm tốn thì sở hữu được những thứ be bé như thế cũng là một niềm vui lớn.
Năm ngoái, một đôi vợ chồng ở Florida (Mỹ) đã đấu giá thành công một phác thảo của Pierre-Auguste Renoir với giá 6.250 USD. Tác phẩm đầu tiên ấy trong sưu tập của họ có kích thước một tấm bưu ảnh, lại không có chữ ký của nhà danh họa và không có tư liệu nào cho biết nguồn gốc của nó. Tuy nhiên, nhà đấu giá Heritage đã xác minh được phác thảo ấy thật sự là của Renoir nhờ sự giúp đỡ của một giám tuyển ở Bảo tàng Renoir tại Pháp. Đó cũng là lý do để đôi vợ chồng ở Florida quyết tâm theo đuổi bức phác thảo và cuối cùng đã vượt qua mười người đặt giá khác để mua nó với giá cao hơn gấp đôi giá ước tính ban đầu.
Tại một cuộc đấu giá khác, một chiếc khăn ăn có chữ ký và vài dòng nguệch ngoạc của Andy Warhol đã được bán với giá 1.395 USD. Còn với gần 4.000 USD, người ta có cơ hội đem về nhà một cái đĩa bằng gốm có hình ảnh đấu bò ở Tây Ban Nha mà người làm ra nó là Picasso. Sinh thời, ông tổ phái Lập thể có lẽ đã làm hàng ngàn chiếc như thế. Năm 2010, một mảnh gốm của Picasso được bán với giá không tới 1.000 USD, nhưng nay người ta phải trả hơn gấp bốn lần số tiền đó mới mua được nó. Một tranh in hình con bò khổ giấy dán tường của Andy Warhol vài năm trước có giá khoảng 5.000 USD thì nay cũng đã tăng lên gấp bốn lần hoặc hơn thế! Nhu cầu về loại tác phẩm thứ cấp lớn đến mức trong năm năm qua, theo dữ liệu của Artnet, đã có tới 17.000 tranh in (với số lượng hạn chế, có chữ ký của tác giả) của 10 danh họa hàng đầu thế giới như Marc Chagall, Joan Miró và Edgas Degas đã được bán tại các nhà đấu giá với giá từ 1.000 USD đến 10.000 USD, tăng 45% so với một thập niên trước. Trong thị trường tác phẩm thứ cấp của các tên tuổi lớn, những gì thuộc về ông vua pop-art Andy Warhol có giá rất cao. Một phác thảo vẽ chiếc giày được bán với giá 3.250 USD, một ký họa khỏa thân nam bằng bút bi có giá 7.500 USD, một phác thảo tiên nữ đang ngồi đánh máy bằng bút chì có giá 6.000 USD.
Giá trị thực hay ảo?
Không phải ai cũng hoan nghênh kiểu sưu tầm tác phẩm thứ cấp. Bà Véronique Wiesinger, nguyên giám đốc Quỹ Giacometti cho rằng: “Một số vật phẩm loại đó cuối cùng đang trở nên có giá trên thị trường bởi được một số nhà sưu tập thiếu thông tin – số này đang ngày càng nhiều – ca ngợi. Không nghi ngờ gì nữa, điều đó phản ánh tình trạng thiếu am hiểu từ giới sưu tập cho tới các chuyên gia đấu giá”. Tuy nhiên, bà Diana Widmaier-Picasso, nhà sử học nghệ thuật và là cháu nội họa sĩ Picasso lại cho rằng một bức phác thảo dù vẽ vội của các tên tuổi bất tử vẫn có giá trị thực sự: “Thật ra, trong số nhiều bạn hữu của tôi có những người là nhà sưu tập lớn nhất thế giới nhưng họ vẫn thích thú khi có được những phác thảo như thế”.
Tuy nhiên, có một vấn đề đối với những loại vật phẩm nghệ thuật nêu trên: chúng rất dễ bị làm giả và cũng dễ bị đánh cắp (vì kích thước quá nhỏ). Có những phác thảo quá đơn giản mà để làm giả không cần tốn nhiều công phu. Như cảnh báo của nhiều chuyên gia mỹ thuật, phần lớn các phác thảo hay ký họa của các bậc danh họa thế giới thường không có chữ ký của họ, và với những người đã khuất bóng từ nhiều thế kỷ như Rembrandt thì để chứng minh một bức tranh in thật sự được ông thực hiện chẳng dễ dàng gì.
- Lê Bản