Hội chợ sách TP. Hồ Chí Minh 2014 sẽ diễn ra tại công viên Lê Văn Tám từ ngày 24 tới ngày 30-3 là một trong những sự kiện văn hóa quan trọng của không chỉ ngành xuất bản sách.
Hội chợ như thường lệ sẽ hội tụ tất cả những tên tuổi lớn trong ngành xuất bản sách ở Việt Nam, từ các nhà xuất bản lớn (NXB) tới những công ty sách tư nhân có tên tuổi. Dự kiến có khoảng trên 500 gian hàng của 156 đơn vị xuất bản lớn nhỏ với 200.000 tựa sách và 2 triệu bản sách được bày bán tại hội chợ năm nay. Những con số ấn tượng ấy cùng với lượng khách thăm khổng lồ đã được minh chứng ở những hội chợ trước dễ tạo ra một cảm giác rằng ngành xuất bản sách in ở Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển thịnh vượng và rằng văn hóa đọc đang thật sự lên ngôi.
Không đánh giá cuốn sách bằng cái bìa của nó”. Người phương Tây thường nói thế, và điều đó càng đúng trong ngành xuất bản sách hiện nay, đặc biệt ở Việt Nam, khi những người làm sách đang đối mặt với những thách thức chưa có tiền lệ. Người làm sách vẫn phải giải một bài toán như tất cả những người làm kinh doanh các ngành khác: làm sao bán được sản phẩm, cụ thểở đây là sách, để có doanh thu đủ nuôi doanh nghiệp? Bài toán này là một thách thức ngày càng lớn khi bản chất chủ quan của ngành và hoàn cảnh khách quan bên ngoài đều không thuận lợi cho những doanh nghiệp làm sách.
Tại một hội chợ sách năm 2013
Về mặt chủ quan, ngành sách có những đặc thù của riêng nó và ít trùng hợp với bất kỳ ngành nào khác. Đặc thù cơ bản thứ nhất là việc mua bán sách đa số diễn ra theo dạng thức ký gửi. Một công ty sách tư nhân hay NXB nhà nước thực chất không “bán” mà “ký gửi” sách vào các hệ thống nhà sách lớn như FAHASA, Phương Nam hay các hệ thống nhà sách nhỏ lẻ khác. Các nhà sách sẽ thanh toán cho đơn vị làm sách số tiền tương đương với số sách bán được và số lượng sách không bán được về nguyên tắc sẽ được trả ngược về cho đơn vị làm sách. Ký gửi là đặc thù không chỉ của ngành sách Việt Nam mà trên toàn thế giới. Đặc thù cơ bản thứ hai cũng có tính chất toàn cầu là tỷ lệ chiết khấu trong ngành sách rất cao: trung bình khoảng 40% giá in trên sách, nghĩa là với một cuốn sách bán giá 100.000 đồng, nếu bán được người làm sách cũng chỉ thu về khoảng 60.000 đồng. Doanh thu chiếm 60% giá bìa này phải dùng để chi trả cho rất nhiều khoản phí như tiền dịch, tiền bản quyền tác giả, tiền in, tiền giấy phép, và cả chi phí để vận hành toàn bộ doanh nghiệp.
Thực chất, lãi của người làm sách tính trên sổ sách sau chiết khấu cho nhà sách chỉ còn xấp xỉ 10%. Đây sẽ là tỷ lệ lợi nhuận tốt nếu doanh thu lớn và dòng tiền mặt quay về liên tục. Điều lý tưởng ấy không diễn ra trong ngành sách. Mỗi cuốn sách trung bình chỉ in khoảng 2.000 bản không thể tạo ra một doanh thu lớn cho doanh nghiệp, doanh nghiệp làm sách cỡ lớn cũng chỉ có doanh thu không đáng kể so với doanh nghiệp ở các ngành khác như du lịch, bất động sản, thủy sản, ngân hàng… Việc mua bán theo kiểu ký gửi không đảm bảo dòng tiền luôn luôn quay về đầy đủ, ngược lại, sách được coi là một trong những ngành “nghèo tiền mặt” nhất trong số các ngành. Chính vì thế, những người làm sách trên thế giới thường được gọi là “quý ông” và ngành sách là công nghiệp của các “quý ông”, những người luôn hào phóng trả trước mọi chi phí và nhận về mình mọi rủi ro nếu cuốn sách không bán được.
Các “quý ông” làm sách ở Việt Nam không phải là ngoại lệ. Khi thị trường sách còn sơ khai thời kỳ đầu đổi mới, một số “quý ông” đã khéo léo tận dụng sự thiếu thốn sách vở thời đó để làm giàu. Trong một thị trường gần như hoang vắng, nhiều tựa sách bán được hàng chục thậm chí hàng trăm ngàn bản in. Số lượng lớn tạo ra doanh thu đủ làm giàu cho người làm sách. Giờ đây, thị trường sách ở Việt Nam đã bão hòa và trừ sách giáo khoa bắt buộc, con số hàng trăm ngàn bản gần như là “điệp vụ bất khả thi” với hầu hết các đầu sách phổ thông. Hiện nay, một đầu sách bán được vài chục ngàn bản trong một vài năm đã được coi là bán chạy. Số lượng đầu sách không bán nổi hoặc bán đì đẹt một hai ngàn bản chiếm đa số.
Hơn thế, các “quý ông” Việt Nam còn đối đầu với hai trắc trở đặc trưng của thị trường Việt Nam. Thứ nhất là nạn làm sách lậu. Các đầu sách bán chạy, nguồn cung doanh thu chính cho doanh nghiệp, lại thường bị các cá nhân khác làm lậu, nghĩa là cuốn sách bị in chui lủi ở đâu đó và tuồn ra thị trường. Những đầu sách hot một thời nhưNhật ký Đặng Thùy Trâm, Chuyện tình New York, Cánh đồng bất tận…, đặc biệt là sách dịch nhưMật mã Da Vinci, sách về cuộc đời của Steve Jobs hay Mật mã Tây Tạng… bị nhiều đơn vị cùng làm lậu. Sách lậu xuất hiện khiến cho sách thật ngay lập tức bán chậm lại, triệt tiêu nguồn doanh thu quan trọng nhất đối với các đơn vị xuất bản. Thứ hai là dung lượng thị trường Việt Nam vẫn thấp so với các quốc gia khu vực. Văn hóa đọc trong dân ở mức độ thấp và đa số đầu sách không liên quan tới giáo dục bắt buộc được bán chủ yếu ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Khó tìm được một nhà sách quy mô ngay cảở những thành phố lớn như Đà Nẵng.
Về mặt khách quan, ngành sách in không chỉở Việt Nam mà trên toàn thế giới đang khủng hoảng nghiêm trọng. Thời đại kỹ thuật số đã tạo ra nhiều kênh truyền thông mới nơi người đọc có thể tiếp cận tri thức mà không cần sách in. Sách in vốn là kênh truyền thông chính thống đầu tiên trên thế giới ngày càng bị coi là lỗi thời so với những kênh khác. Đặc biệt những thiết bị đọc sách số như iPad, Kindle, Nook… đang lên ngôi mạnh mẽ, khiến cho doanh số sách điện tử đã vượt sách giấy ít nhất trên thị trường Mỹ. Xu hướng này dù manh nha ở Việt Nam nhưng đang phát triển nhanh và sẽ sớm trở thành mối đe dọa trực tiếp cho những người làm sách in.
Những người làm sách, đặc biệt các đơn vị sách tư nhân có thương hiệu hiện nay như Nhã Nam, Alphabooks, First News, Thái Hà… đều thách thức lại những thách thức cả chủ quan và khách quan ấy, bằng một niềm đam mê lớn với sách. Sách với họ không chỉ là một nghề để kiếm tiền, mà là một nghiệp định sẵn. Có những “quý ông” tự trao cho mình những sứ mệnh cao cả như mang lại giá trị tinh thần cho cộng đồng, có những người khiêm tốn tự nhận rằng không biết làm gì nữa nên phải làm sách, người khác lại làm sách để thỏa mãn đam mê cá nhân. Dù tự nhận là ai, bất chấp khó khăn, những người làm sách đã đóng góp âm thầm vào sự phát triển Việt Nam. Hội sách TP. Hồ Chí Minh là cơ hội không chỉ để kích thích doanh số giúp họ, mà còn là nơi tôn vinh những đóng góp của họ. Đó thật sự là một ngày hội đúng với cái tên của nó trong bối cảnh thị trường sách in hiện nay không phải là “lễ hội” với các “quý ông” làm sách tại Việt Nam.
Minh Phương