Với kết quả 54 doanh nghiệp đã thực hiện thành công cổ phần hóa trong ba năm gần đây, Bộ Giao thông – Vận tải đang dẫn đầu các bộ, ngành về cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Người đứng đầu ngành, bộ trưởng Đinh La Thăng, vừa rồi đã có những phát biểu mạnh mẽ, khẳng định sẽ tiếp tục cổ phần hóa cả những đơn vị đang thua lỗ, hoặc kinh doanh chưa hiệu quả như Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin cũ), Tổng công ty Hàng Hải (Vinalines), Tổng công ty Hàng không VietnamAirlines, Tổng công ty Đường sắt… Trong Hội nghị về cổ phần hóa diễn ra ở Hà Nội giữa tháng 2-2014, ông Thăng đã nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước đó những người lãnh đạo, nếu không cổ phần hóa được doanh nghiệp, có thể bị thôi việc, cắt chức.
Quyết tâm chính trị, một trong những điểm còn thiếu ảnh hưởng tới sự chậm chạp của tiến trình cổ phần hóa suốt những năm qua, nay đã trở thành nhân tố tích cực. Chính phủ chuẩn bị ban hành Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2013-2015; Chỉ thị đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN đến năm 2015; Quyết định về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN. Khung pháp lý, những vướng mắc xung quanh việc xác định giá trị doanh nghiệp, cũng đã và đang được tháo gỡ. Thị trường chứng khoán đã có những dấu hiệu hồi phục, thuận lợi hơn cho việc phát hành cổ phiếu ra công chúng… Trên cái nền chuyển biến đó, cổ phần hóa dường như vẫn còn bị níu kéo bởi sức ỳ đâu đó. Phải chăng sức ỳ đó xuất phát từ sự thiếu vắng động lực chuyển đổi thành công ty cổ phần của DNNN?
Người cũ, công việc mới
Kể từ khi cổ phần hóa được bắt đầu vào đầu những năm 1990 và kéo dài mười mấy năm sau đó, đến tận 2006, dấu ấn rõ nét nhất là lãnh đạo của các DNNN, chủ yếu là tổng giám đốc và các phó tổng vẫn tiếp tục tại chức ở vị trí cũ trong công ty cổ phần mới. Họ tham gia mua cổ phần theo chế độưu đãi dành cho người lao động tính theo thâm niên công tác. Ngoài ra họ đăng ký mua thêm phần phát hành ra ngoài cho công chúng. Thường họ và những người liên quan trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp. Sở dĩ họ mạnh dạn mua thêm cổ phần là do đã có thời gian gắn bó với công ty, hiểu rõ sở trường sở đoản của đơn vị. Họ biết với cơ chế hoạt động có phần linh hoạt và thông thoáng của công ty cổ phần trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp có khả năng làm ăn tốt hơn, lợi nhuận nhiều hơn.
Cũng có những người tiếp tục đảm nhiệm cương vị cũ đại diện cho phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Khi cổ phần hóa, vốn của Nhà nước đều còn lại ít nhiều. Cơ quan chủ quản biết chọn ai để làm người đại diện, quản lý phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tốt hơn chính những lãnh đạo cũ?
Có một lý do mà ít khi được đề cập. Đó là trong một thời gian dài việc xác định giá trị doanh nghiệp theo những quy định cũ không được cập nhật. Giá trị doanh nghiệp của những đơn vị cổ phần hóa được định giá tương đối thấp, có trường hợp được cho là rẻ vì giá trị vô hình của thương hiệu bị bỏ qua, vì không đưa giá trị quyền sử dụng đất vào (khi ấy doanh nghiệp được thuê đất theo giá Nhà nước quy định, không phải theo giá thị trường). Về sau quy định này được chỉnh sửa, khiến giá trị doanh nghiệp khi xác định tăng vọt và mối quan tâm của nhà đầu tư giảm xuống thấy rõ.
Việc thiếu hoàn thiện của một số quy định pháp lý ban đầu trên thực tế không gây thiệt hại nhiều cho Nhà nước, bởi các doanh nghiệp cổ phần hóa đều có quy mô nhỏ, vốn ít. Vả lại nếu giá trị doanh nghiệp có rẻ đôi chút, thì “lọt sàng xuống nia”, người lao động được hưởng.
Giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank một ngân hàng đã được cổ phần hóa
Phân chia thặng dư và quyền lợi Nhà nước
Trước đây thặng dư thu được từ bán cổ phần ra bên ngoài của các đơn vị cổ phần hóa không lớn. Ngoài một phần nộp vào ngân sách thông qua Kho bạc Nhà nước, đa số thặng dư được để lại cho doanh nghiệp để giải quyết lao động dôi dư, đào tạo lại tay nghề cho nhân viên. Hầu hết người lao động sau cổ phần hóa vẫn giữ được việc làm. Có đơn vị còn mở rộng sản xuất, tuyển thêm công nhân. Chính điều này góp phần giải bài toán công ăn việc làm, khuyến khích người lao động tích cực làm việc, nâng hiệu quả kinh doanh của công ty.
Những năm 2005-2007, với sự đi lên của thị trường chứng khoán, các đợt cổ phần hóa, các đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên ra thị trường, DNNN mang lại thặng dư rất lớn và Nhà nước quyết định gần như toàn bộ thặng dư phải nộp về ngân sách. Công ty cổ phần chỉ được hưởng một tỷ lệ nhỏ thặng dư. Vietcombank, Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ, Công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí… đều phải nộp thặng dư vào Kho bạc. Vietcombank đã nộp số thặng dư hơn 9.000 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến thời điểm đó và số thặng dư này đến giờ vẫn thuộc loại hàng tốp.
Chưa kể khi cổ phần hóa thời gian trước đây, người lao động thường được mua cổ phiếu bằng mệnh giá. Nhưng từ 2006 quy định thay đổi, giá ưu đãi bán cho người lao động bằng 60% giá đấu giá bình quân lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng. Thế mới có chuyện cổ phiếu ưu đãi cho người lao động ở một số doanh nghiệp, như Vietcombank, trở thành “ngược đãi”. Giá phát hành lần đầu ra công chúng của Vietcombank là 102.000 đồng/cổ phiếu, người lao động được mua với giá hơn 60.000 đồng/cổ phiếu. Sau này, giá cổ phiếu Vietcombank có thời rớt chỉ còn khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu.
Kiểm nghiệm minh bạch thông tin
Trong số khoảng 450 doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong ba năm tới, có không ít tổng công ty tầm cỡ mà việc xác định giá trị doanh nghiệp phải làm kỹ lưỡng để không làm thất thoát tài sản Nhà nước. Mọi chi phí đều được tính tới. Chẳng hạn gần đây VietnamAirlines cho biết việc IPO có thể chậm lại so với kế hoạch vì một số vướng mắc trong xác định giá trị doanh nghiệp. VietnamAirlines có chi phí đào tạo phi công và chi phí này rất cao, trong khi phi công không phải cứ đào tạo 100% là sử dụng được hết 100%. Đây là ngành nghề đặc biệt. Phía Nhà nước yêu cầu phải đưa chi phí đào tạo phi công vào giá trị doanh nghiệp. VietnamAirlines nhận định nếu đưa vào, giá trị doanh nghiệp tăng cao, sẽảnh hưởng tới việc gọi vốn những cổ đông chiến lược nước ngoài có thể hỗ trợ hãng phát triển sau cổ phần hóa.
Kế đó một số tổng công ty ngoài kinh doanh, còn phải làm nhiệm vụ chính trị như hỗ trợ người thu nhập chưa cao, giảm giá sản phẩm-dịch vụ cho vùng sâu vùng xa, tham gia bình ổn giá theo chương trình của Nhà nước… Điều này rõ ràng tác động đến kết quả kinh doanh, trong khi đây lại là mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư, đặc biệt nước ngoài.
Một số tổng công ty, ngân hàng được xác định ngay từ bây giờ là Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối sau cổ phần hóa. Có những đơn vị Nhà nước sẽ nắm giữ tối đa tới 75%. Đây là những doanh nghiệp có vốn điều lệ hàng ngàn, chục ngàn tỉ đồng và việc IPO sẽ không chỉ trông cậy vào các nhà đầu tư trong nước. Nhà nước và bản thân các tổng công ty, ngân hàng muốn có sự tham gia của những tập đoàn quốc tế tên tuổi. Trong khi các tên tuổi thế giới lại không muốn bỏ tiền vào những doanh nghiệp nơi Nhà nước vẫn nắm quyền “thống trị”. Khi đã đầu tư những khoản vốn tầm cỡ, họ đều thể hiện ý định tham gia vào hội đồng quản trị, thậm chí ban điều hành, có ý kiến cho các quyết sách quan trọng của doanh nghiệp. Ở đây có mâu thuẫn: Việt Nam muốn đối tác nước ngoài hỗ trợ công nghệ, thị trường, quản trị doanh nghiệp, chiến lược phát triển và nguồn vốn để nâng tiềm lực tài chính, đồng thời lại vẫn là ông chủ chi phối, có quyền phủ quyết mọi vấn đề. Đối tác ngoại nào đáp ứng được đòi hỏi này đây?
Một vấn đề nổi cộm khác là minh bạch thông tin. Có không ít câu hỏi nhà đầu tư quan tâm mà họ không thể tìm thấy khi đọc các tài liệu về doanh nghiệp IPO như bản cáo bạch, báo cáo tài chính, báo cáo thường niên. Đối với các tổng công ty nhà nước, việc nhà đầu tư xác định chính xác con số vay nợ, đánh giá hiệu quả các dự án đang và sẽ triển khai, những khoản đầu tư tài sản cố định, triển vọng tương lai… là khó. Họ chỉ có thể dựa vào số liệu do doanh nghiệp công bố. Đã từng có những DNNN dự kiến lợi nhuận sau cổ phần hóa tăng nhanh nhưng thực tế lại giảm, hoặc ngược lại. Một số “ông lớn” sau cổ phần hóa, niêm yết đã chứng thực điều này như Tổng công ty Xây lắp dầu khí, Tổng công ty Vinaconex. Không phải ngẫu nhiên mà một số tổng công ty hiện nay không bán hết cổ phần chào bán khi IPO. Thông tin không rõ ràng và thiếu vắng những đợt roadshow chuyên nghiệp dành cho nhà đầu tư, thì khó thu hút công chúng tham gia mua cổ phần.
Tạo động lực cho cổ phần hóa, vì thế, có lẽ phải đồng bộ từ ba phía: Nhà nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nhà nước quyết tâm và đang nỗ lực tạo ra một sân chơi cổ phần hóa. Tuy nhiên sân chơi tốt chưa đủ, còn cần có đội bóng đẹp và cầu thủ đá hay. Các doanh nghiệp chính là các đội bóng và nhà đầu tư chính là khán giả đến sân. Sân đạt tiêu chuẩn, đội bóng chất lượng cao, tất yếu sẽ đông khán giả và khi đó nhà tổ chức có nâng giá vé vào cửa lên một mức hợp lý, thì vẫn có người chi tiền mua vé vào xem. Cổ phần hóa xem ra cần nhiều sự phối hợp đồng bộ và đột phá hơn nữa!
Hải Lý