Muốn đạt được thành công trên các kênh truyền thông xã hội thì phải trải qua một chặng đường dài với nhiều bước đi được thiết kế chu đáo và thực hiện đúng cách.
Nếu chưa có bí quyết đặc biệt nào theo kiểu “đi tắt đón đầu”, bạn nên vận dụng những chỉ dẫn dưới đây để thực hiện các chương trình quảng bá trên miền cộng đồng theo hướng hợp lý nhất.
Rèn kỹ năng truyền tin giỏi
Truyền thông xã hội thực chất là những cuộc trò chuyện của một nhóm đông. Vì thế, những gì bạn cần làm là tìm cách nhập vào đám đông ấy và gắn kết với những thành viên của nhóm. Muốn vậy, bạn cần:
- Thể hiện ý tứ một cách súc tích, có sức thuyết phục bằng văn bản. Cố gắng viết bằng một giọng văn thoải mái, tự nhiên, đừng sử dụng những cụm từ quá lạ lẫm. Trước khi đăng tin của bạn trên Facebook hay Twitter, hãy kiểm tra kỹ lại nội dung, ngữ pháp, câu cú rồi mới nhấp chuột đăng tải.
- Sử dụng hình ảnh hợp lý. Kết quả khảo sát của Công ty Portent (chuyên về marketing trên mạng xã hội) cho thấy những dòng đăng tải đi kèm hình ảnh thường có độ tương tác và hấp dẫn người truy cập cao hơn từ hai đến ba lần. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải kèm hình ảnh vào trong mọi đăng tải chỉ để cho có hình ảnh.
- Tận dụng video. Nên sử dụng các nền tảng clip như YouTube hay Vimeo để thu hút thêm độc giả. Tương tự như hình ảnh, việc chia sẻ video của bạn phải đảm bảo tính phù hợp.
- Tận dụng nhiều mạng lưới xã hội khác nhau. Dù rất nhiều người sử dụng thời gian để kết nối trên Facebook hay Twitter nhưng vẫn còn khá nhiều miền cộng đồng đáng để bạn quan tâm vì một số trang xã hội đang được đầu tư và ngày càng trở nên phổ biến nhờ những tính năng độc đáo. Chẳng hạn Google+ gắn kết với nhiều dịch vụ miễn phí của Google, SlideShare có khả năng chia sẻ slide hình ảnh và tập tin, LinkedIn là trung tâm hội tụ của giới nhân viên văn phòng, còn Pinterest hay Instagram thì tập trung vào hình ảnh…
- Trả lời tức thời. Nếu người hâm mộ hay khách hàng đặt câu hỏi cho bạn về một vấn đề nào đó, hãy sớm trả lời để tạo cho họ ấn tượng rằng bạn quan tâm đến nhu cầu của họ và luôn sẵn sàng tương tác với họ bất cứ lúc nào, bất cứ đâu.
- Đừng tỏ ra bức xúc. Một khi chiến lược truyền thông xã hội của bạn được mở rộng, bạn sẽ sớm nhìn thấy những dòng nhận xét tiêu cực hoặc phàn nàn từ phía công chúng. Khi ấy, đừng bức xúc và phản ứng một cách giận dữ, mà hồi đáp một cách nhã nhặn hoặc hoàn toàn im lặng.
- Xem thêm: Khai thác truyền thông xã hội đúng cách
Mua quảng cáo
Đừng đắn đo khi bạn phải trả phí để quảng bá những dòng đăng tải của mình trên các trang xã hội như LinkedIn hay Facebook. Lý do là bạn cần sử dụng những công cụ phân nhóm khách hàng mục tiêu để tránh việc phát hành những dòng quảng cáo đơn lẻ đến một lượng công chúng khổng lồ mà không biết được ai là người thật sự muốn lắng nghe.
Nếu những thông tin của bạn không đến được với đối tượng chính thì xem ra bạn đã thực hiện một chương trình quảng cáo hoang phí. Nên tạo ra nhiều mẫu quảng cáo khác nhau hướng đến từng phân nhóm khách hàng cụ thể và phù hợp với gói sản phẩm và dịch vụ của bạn, sau đó xem xét mẫu quảng bá nào thu hút được nhiều người theo dõi đích thực nhất.
Tránh thể hiện quá đáng cái tôi của mình
Đừng để tất cả các dòng đăng tải của bạn chỉ nói về bạn hay về công ty của bạn. Hãy áp dụng công thức 80/20, nghĩa là 80% nội dung phi thương mại, chỉ có 20% còn lại mang tính chất thương mại. Vậy bạn sẽ làm gì với 80% nội dung phi thương mại?
– Để trả lời những thắc mắc thường gặp nhất ở công chúng.
– Để trích dẫn nội dung từ những nguồn tin uy tín khác.
– Để bình luận, nêu quan điểm của bạn về những sự kiện mới mẻ.
Vươn tới những người chưa thuộc nhóm khách hàng mục tiêu
Hẳn nhiên, bạn muốn thu hút cả công chúng đang nằm ngoài nhóm khách hàng mục tiêu của mình. Hãy quan tâm đến cả những người dễ dàng phản ứng hay có xu hướng theo dõi bạn. Những cá nhân ấy được Seth Godin – một bậc thầy về marketing gọi là “kẻ kỳ quặc”. Cho dù họ chẳng bao giờ mua hàng của bạn nhưng họ sẽ nói với mọi người khác về bạn.
Tạo quan hệ với fan của các nhân vật có ảnh hưởng.
Nên sử dụng các công cụ như Followerwonk hay Topsy để tìm ra ai là những nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh của bạn hoặc những nhân vật có ảnh hưởng trên các trang xã hội. Sau đó, hãy tìm hiểu những người theo dõi họ và quan trọng hơn là theo dõi những người ấy.
Bạn sẽ thấy rằng những người hâm mộ đó cũng sẽ dễ dàng trao đổi ý kiến với bạn. Nếu ai đó đăng tải một nội dung mà bạn ưa thích, hãy cho họ biết rằng bạn thích (like) và còn chia sẻ nội dung ấy với người khác. Cách làm này sẽ giúp mọi người biết nhiều hơn về bạn và có khuynh hướng chia sẻ nội dung mà bạn sẽ đăng tải trong tương lai.