Đầu tuần qua, lần đầu tiên trong vòng ba năm gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng mức dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu mà cơ sở để đưa ra nhận định đó là các nền kinh tế phát triển đã bắt đầu đẩy nhanh đà tăng trưởng, trong đó dẫn đầu là Hoa Kỳ. Triển vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho phép WB dự đoán sau những khủng hoảng nặng nề khởi đầu từ năm 2007, thế giới đã đi qua giai đoạn hồi phục kinh tế chậm chạp và một tương lai tươi sáng hơn đang mở ra.
Kinh tế các nước giàu đã lấy lại phong độ
Trong bản báo cáo mới nhất mang tên Triển vọng kinh tế toàn cầu (thực hiện thường kỳ sáu tháng một lần), WB dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới sẽ tăng 3,2% trong năm nay (năm 2013 đạt 2,4%), tức là có nhỉnh hơn một chút so với mức dự báo 3% đưa ra hồi tháng 6-2013. Tổ chức Chống lại sự nghèo khó trực thuộc WB cũng cho rằng nền kinh tế thế giới đã chuyển sang bước ngoặt mới khi những chính sách tài khóa khắc khổ hay tình trạng thiếu ổn định không còn là mối bận tâm đáng kể của những nền kinh tế giàu có. WB đặt kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn (2,8% trong năm nay, cao hơn con số 1,8% của năm 2013). Theo ông Kaushik Basu – trưởng nhóm các nhà kinh tế học tại WB, lần đầu tiên trong vòng năm năm qua, các nước giàu đã có thể hòa cùng những nước đang phát triển để nâng cao nhịp độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, WB đã cắt giảm nhẹ mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 đối với nhóm các nước phát triển, cụ thể là từ 5,6% (dự báo cách đây sáu tháng) xuống còn 5,3%. Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra (trước năm 2008), các nước nói trên đạt mức tăng trưởng rất cao (khoảng 7,5%), nhưng khoảng hai năm gần đây, các nền kinh tế này đạt tốc độ phát triển chậm chạp nhất trong vòng một thập niên vừa qua.
Báo cáo của WB còn chỉ ra rằng một khi những nền kinh tế phát triển bắt đầu trở lại giai đoạn cất cánh, rất có thể những công cụ kích cầu tiền tệ vốn được sử dụng trong giai đoạn khủng hoảng sẽ được thu hồi lại. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã bắt đầu những kế hoạch mua lại tài sản từ tháng 1-2014, cho dù vẫn giữ ý định duy trì mức lãi suất thấp hiện tại thêm ít nhất một năm nữa. Nếu lãi suất tiếp tục gia tăng chậm trên toàn thế giới thì sẽ dẫn đến một sự hụt hẫng đáng kể tại nhóm các nước nghèo vì dòng tiền đầu tư vào khu vực này sẽ chậm dần, mà lý do là giới đầu tư chuyển dòng tiền sang những nước giàu. Khi đó, những nước nghèo không còn nhiều thuận lợi trong việc đầu tư phát triển nền kinh tế, nhưng vẫn có thể tự xoay xở nhờ việc tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang các nước giàu. Trong trường hợp lãi suất gia tăng đột ngột, các quốc gia đang ôm mức nợ cao hoặc bị thâm hụt tài khoản thanh toán cao như Thái Lan hay Malaysia sẽ trở thành nạn nhân. Ngoài ra, WB cho rằng dù nền kinh tế thế giới đi lên thì những rủi ro đã từng xuất hiện, bao gồm tình trạng mất cân bằng lớn tại Trung Quốc, sự phục hồi yếu kém tại Eurozone hay chính sách tài khóa không ổn định tại Mỹ… vẫn chưa hết, nhưng thuyên giảm được phần nào.
Lâm Kiên theo Reuters