Hói đầu do rụng tóc được xem là một trong hai nỗi sợ lớn nhất của đàn ông trung niên (nỗi sợ còn lại là bất lực – Theo kết quả một cuộc khảo sát của tờ Daily Mail (Mỹ) trên 2.000 quý ông). Có lẽ vì tình trạng hói đầu ảnh hưởng ít nhiều đến thẩm mỹ như câu nói “Cái răng, cái tóc là gốc con người”.
Không ít người cảm thấy hoang mang khi thấy tóc rụng nhiều, nhất là khi gội đầu, chải đầu nhưng thực tế không phải mọi trường hợp rụng tóc đều là bệnh hay đều dẫn đến tình trạng hói đầu. Bài viết nhằm giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hiện tượng rụng tóc và phần nào giải tỏa nỗi lo lắng về chứng bệnh này.
Như thế nào mới là bệnh rụng tóc?
Trung bình mỗi người có khoảng từ 100.000-150.000 nang tóc và từ mỗi nang này sẽ luân phiên mọc khoảng 20 sợi tóc trong suốt cuộc đời mỗi người. Mỗi sợi tóc chỉ tồn tại một khoảng thời gian nhất định rồi rụng đi, nhường chỗ cho tóc mới mọc lên. Trung bình mỗi ngày rụng tóc từ 50 đến 100 sợi là bình thường, nếu thấy rụng quá 100 sợi mỗi ngày thì được xem là “có vấn đề”.
Rụng tóc bệnh lý thường xảy ra sau những tác động về hóa học hay vật lý như khi hóa trị, xạ trị trong bệnh ung thư, bị bệnh Lichen phẳng (những nốt sần dẹt trên da), nhiễm nấm nặng, bệnh Zona, Luput ban đỏ dạng đĩa mạn tính, xơ cứng bì (y học thường gọi là rụng tóc có sẹo). Những trường hợp này tóc thường rụng nhiều và rụng vĩnh viễn, không có loại thuốc nào chữa trị ngoài phẫu thuật cấy tóc.
Những trường hợp rụng tóc không sẹo, nghĩa là cơ thể không chịu tác động của các yếu tố hóa học hay vật lý, thì có thể bị rụng tóc lan tỏa, rụng tóc từng mảng hoặc hói đầu.
Rụng tóc lan tỏa (diffuse hair loss) rất thường gặp, tóc rụng rải rác khắp da đầu, khi dùng tay vuốt nhẹ thì tóc dễ dàng rụng theo.
Có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc lan tỏa như: phụ nữ sau sinh hoặc đến tuổi mãn kinh, người sau khi bị sốt cao kéo dài, bị sốt ổ nhiễm trùng đâu đó trong cơ thể như sâu răng, bệnh giang mai, suy dinh dưỡng, thiếu ăn, thiếu máu, giảm chức năng tuyến giáp trạng, uống thuốc trị bệnh ung thư, uống vitamin A liều cao kéo dài, sau khi uốn tóc hoặc bị một số hóa chất tác động, hoặc do thiếu tia X quang ở da đầu, bị stress nặng và kéo dài, tật tự nhổ tóc do tâm lý…
Rụng tóc từng mảng (bald patches): Thông thường ở da đầu chỉ có một hoặc vài vùng bị mất một mảng tóc mà nguyên nhân đến nay y học vẫn chưa biết rõ. Đôi khi rụng tóc có thể xảy ra nhiều và nặng đến nỗi mất hết cả tóc ở da đầu và rụng lông ở các vùng khác trên cơ thể.
Hói đầu (baldness): Hói đầu thường gặp ở nam giới hơn là nữ giới. Quá trình tóc rụng ở hai giới cũng khác nhau: Đàn ông thường rụng tóc ở hai vùng thái dương hoặc trên đỉnh đầu rồi lan dần có thể tạo những mảng hói đầu lớn (hói kiểu Hamilton).
Ở đàn bà thường rụng tóc ở một vùng lớn trên đỉnh đầu (hói đầu kiểu Ludwig). Ở người bị hói đầu thì giai đoạn mọc tóc trở nên ngắn hơn trong khi đó giai đoạn rụng tóc xảy ra nhanh. Ở nam giới nhiều người hay mọc lông ở mặt, ngực, bụng để bù lại rụng tóc ở da đầu.
Ở châu Âu, đàn ông lứa tuổi 20 có khoảng 25% bị hói đầu, đến 50 tuổi tỷ lệ này là khoảng 50%. Yếu tố di truyền và nội tiết tố Androgen (thường bắt đầu tạo ra từ tuổi dậy thì) có thể ảnh hưởng đến hói đầu. Người có sự gia tăng sản xuất Androgen thì dễ bị hói đầu (thường gọi là hói đầu do Androgen).
Hói đầu nên sử dụng thuốc bôi là chủ yếu
Cũng giống như nhiều bệnh lý khác trong cơ thể, khi muốn điều trị bệnh rụng tóc, điều đầu tiên là phải xác định nguyên nhân để có cách điều trị phù hợp. Cho đến nay, hiện tượng rụng tóc do những nguyên nhân bên trong nang tóc vẫn chưa có phương pháp nào để điều trị hiệu quả tuyệt đối.
Người bị hói đầu do ảnh hưởng của nội tiết tố Androgen đến điều trị ở Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh thường được cho sử dụng thuốc bôi Minoxidil 2% và 5%, kết quả đạt được khoảng 30% sau từ sáu tháng bôi thuốc liên tục.
Gần đây ở một số nước láng giềng như Singapore, Thái Lan đã có thuốc Finasterid (tên thương mại là Propecia), giúp ức chế men 5-alpha reductase, hạn chế bệnh hói đầu do Androgen. Thuốc này cũng chỉ có tác dụng trên một số người nhất định. Bệnh nhân hói đầu cũng có thể dùng phương pháp cấy tóc – phẫu thuật ghép vùng da không bị rụng tóc lên vùng bị rụng tóc, đây là một phương pháp áp dụng mới nhất hiện nay.
Trước khi phẫu thuật ghép tóc, người ta dùng kỹ thuật nong kéo giãn da đầu phần không bị rụng tóc vùng lân cận mà dự định sẽ lấy ghép, sau một thời gian, độ giãn da đủ để ghép lên vùng da bị mất tóc thì lúc này chuẩn bị phẫu thuật ghép tóc. Phương pháp này áp dụng rất tốt cho các trường hợp rụng tóc từng vùng.
Ngoài ra, một số phương pháp mới được phát hiện và ứng dụng tại Việt Nam như: phương pháp tiêm huyết tương làm giàu tiểu cầu PRP (Platete Rich Plasma), phương pháp giãn mô vùng rụng tóc, phương pháp điện chuyển qua lỗ chân lông đã được làm nở ra với chất cần thiết vào vùng tóc bị rụng như Minoxidil, vitamin, acid amin… chỉ hiệu quả trong một vài trường hợp hói đầu.
Chúng ta cũng nên lưu ý những thói quen sau để đề phòng rụng tóc bệnh lý:
- Hạn chế uốn, duỗi, sấy, nhuộm tóc hay thay đổi dầu gội liên tục vì những thói quen này có thể làm da đầu bị ảnh hưởng và tóc rụng nhiều hơn.
- Ăn uống dinh dưỡng đầy đủ đạm, vitamin, khoáng chất giúp kích thích mọc tóc tốt sau khi rụng tóc vì lý do dinh dưỡng.
- Cần phân biệt rụng tóc từ gốc và rụng tóc do đứt ngang sợi tóc. Nếu rụng tóc do đứt ngang sợi thì cần tìm nguyên nhân để loại trừ, gội đầu bằng dầu gội và dầu xả có chất dưỡng tóc Pro-vitamin B5 hoặc từ nước bồ kết sẽ giúp tóc mượt mà, hạn chế được hiện tượng tóc gãy rụng.
- Khi gội đầu nên sử dụng thêm dầu xả để giúp tóc mềm mại và đỡ hư hại hơn.