Ba ngày sau buổi hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp năm 2013 về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan” diễn ra ngày 5-11, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức một buổi hội thảo nhằm cùng các đại diện Cục Thuế thành phố tháo gỡ những vướng mắc trong lĩnh vực thuế cho doanh nghiệp trên địa bàn một cách “thấu tình, đạt lý”.
Doanh nghiệp lao đao vì truy xuất thuế
Chưa có thời điểm nào mà ngành thuế lại cưỡng chế, truy thu thuế quyết liệt như những tháng gần đây. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) kèm theo khoản phạt nộp chậm quá lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cũng như uy tín của doanh nghiệp.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp tỏ ra bức xúc vì bị truy thu thuế và phạt hành chính từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng. Nguyên nhân là do văn bản hướng dẫn về việc hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và ưu đãi thuế khi niêm yết trên sàn lần đầu giữa Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh với Tổng cục Thuế không thống nhất. Như trường hợp một doanh nghiệp nhựa đã chuyển sang cổ phần hóa năm 2004 nên được miễn thuế TNDN hai năm đầu, ba năm sau nộp 50%. Đến năm 2006, doanh nghiệp này tiếp tục được ưu đãi 50% thuế TNDN vì niêm yết trên sàn lần đầu. Khi kê khai thuế với Cục Thuế thành phố, thì doanh nghiệp chỉ được chọn một trong hai ưu đãi nói trên. Đến khi gửi văn bản kiến nghị lên Tổng cục Thuế thì được trả lời rằng doanh nghiệp được hưởng đồng thời cả hai loại ưu đãi thuế. Đến thời điểm kiểm tra thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định, doanh nghiệp nhựa nói trên bị quy vào hành vi gian lận thuế đồng thời bị truy thu thuế và phạt nộp chậm lên đến hơn 100 tỉ đồng. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến giá cổ phiếu, tâm lý cổ đông và tâm lý của công nhân làm việc trong công ty. Đã vậy, số tiền phạt đã tăng lên chóng mặt do nộp chậm vì doanh nghiệp không thể có đủ số tiền hàng trăm tỉ để nộp trong thời hạn 10 ngày sau khi có quyết định xử phạt.
Hiện rất nhiều doanh nghiệp bị truy thu, bị phạt oan và bị cho là hành vi gian lận thuế giống như trường hợp doanh nghiệp nhựa nói trên do hiểu sai về thuế ưu đãi doanh nghiệp. Ngoài ra, mức phạt nộp chậm gần bằng số tiền truy thu nên đã đẩy doanh nghiệp vào thế khó khăn về tài chính. Trước những bức xúc của doanh nghiệp, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề phạt vi phạm nộp chậm vì kê khai không đúng do nhầm lẫn chính sách, ngành thuế chỉ có thể ghi nhận vì việc phạt nộp chậm được quy định rõ trong thông tư về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế. Nếu trước đây luật và nghị định chưa nêu rõ thì nay Tổng cục Thuế đã có những hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp. Thông tư không có quy định về trường hợp cụ thể nào được miễn do nộp chậm. Thiết nghĩ, những lý giải này của cơ quan thuế có vẻ không thuyết phục vì với những văn bản pháp luật mới ban hành Cục Thuế có trách nhiệm hướng dẫn cho doanh nghiệp và sự bất nhất về pháp luật thuế, không thể đổ trách nhiệm cho doanh nghiệp.
Hiện Cục Thuế thành phố đã gởi văn bản xin ý kiến của Tổng cục Thuế về những vướng mắc xung quanh vấn đề truy thu này. Liệu Bộ Tài chính hoặc Tổng cục thuế có chỉ đạo không truy thu nữa hay không, ngay cả Chi cục Thuế thành phố cũng không thể trả lời được. Trong khi chờ đợi quyết định từ Tổng cục Thuế thì nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục “mất ăn mất ngủ” vì số tiền phạt nộp thuế chậm vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày.
Quyết định hoàn thuế cũng khó khăn không kém
Việc xin hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm qua được thực thi một cách chậm chạp khiến doanh nghiệp bế tắc về nguồn vốn lưu động, càng khó khăn hơn trong giải quyết hàng tồn kho vì số tiền thuế GTGT đóng trước lên đến hàng tỉ đồng. Trước đây cơ quan thuế chỉ kiểm tra hóa đơn, chứng từ của một đơn vị bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp để thực hiện thủ tục hoàn thuế GTGT. Nhưng từ 1-7-2013, theo quy định mới, cơ quan thuế phải xác minh từ người bán đầu tiên đến người bán cuối cùng. Vì vậy, một bộ hồ sơ hoàn thuế có liên quan đến vài chục khâu trung gian cần kiểm tra, xác minh. “Trong quá trình kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, nếu cơ quan thuế phát hiện một doanh nghiệp nợ thuế hoặc “biến mất” thì hồ sơ sẽ bị “ngâm” dài dài. Mà trong tình hình kinh tế không sáng sủa như hiện nay thì việc một công ty “biến mất” cũng không có gì khó hiểu”, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ chia sẻ. Đó là chưa kể các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản các doanh nghiệp ở các thành phố lớn chủ yếu thu mua từ nhiều tỉnh thành và vùng nông thôn khác nhau nên việc kiểm tra thực hiện trong vòng 40 ngày theo quy định của Bộ Tài chính e là điều “bất khả thi”. Việc gửi công văn đến các địa phương và chờ trả lời thì lại càng mất thêm nhiều thời gian hơn. Thật may, hiện đã có quy định chỉ xác minh người bán đầu tiên và thông báo đến các khâu trung gian khác. Ngoài ra, nếu sau 40 ngày mà vẫn chưa có kết quả xác minh, đơn vị thuế vẫn giải quyết hoàn thuế theo quy định, chỉ giữ lại những hồ sơ được xem là “có vấn đề”.
Có mặt tại hội thảo, đại diện một công ty về thời trang và mỹ phẩm cũng rất bức xúc vì 25 tỉ đồng tiền thuế GTGT xin hoàn từ năm 2012 đến nay vẫn chưa được giải quyết vì hàng tồn kho quá nhiều. Quyết định này được cho là quá cứng nhắc vì doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thời trang và mỹ phẩm cần hàng trưng bày nhiều và hàng dự trữ để đáp ứng nhu cầu đối tác. Việc lấy lý do hàng tồn kho nhiều để từ chối hoàn thuế cho doanh nghiệp là điều bất hợp lý. Trường hợp này, trong buổi đối thoại doanh nghiệp tổ chức ngày 5-11 tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã quyết định cho doanh nghiệp này được hoàn thuế, nếu chậm trễ thì phải tính lãi cho doanh nghiệp. Cần lưu ý thêm là quy định doanh nghiệp có hàng tồn kho 12 tháng liền không được hoàn thuế GTGT chỉ được áp dụng từ năm 2014.
Trong thời gian tới, Cục Thuế thành phố sẽ tiếp tục tổ chức tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế, đồng thời tại các Chi cục Thuế địa phương cũng sẽ tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý, nhằm tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện chính sách thuế. Theo đó, từ ngày 11 đến ngày 17-11, tuần lễ “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế năm 2013” sẽ diễn ra đồng loạt tại văn phòng Cục Thuế thành phố và 24 chi cục thuế quận, huyện với các chương trình như: tổ chức hội nghị đối thoại lắng nghe ý kiến người nộp thuế trên địa bàn, phản hồi ý kiến người nộp thuế qua các mạng thông tin điện tử, hệ thống đối thoại doanh nghiệp với chính quyền thành phố, trả lời trực tiếp những câu hỏi của người nộp thuế đến liên hệ tại văn phòng Cục Thuế thành phố và các chi cục thuế quận, huyện…