Những ngày thời tiết se lạnh, về miệt Sóc Trăng, Bạc Liêu, không gì ấm lòng hơn khi nhấp từng ngụm trà nóng cùng miếng bánh pía, viên mè láo thơm ngon. Các đặc sản trên thật ra là của những lưu dân Triều Châu (Trung Quốc) mấy trăm năm trước đến vùng đất phương Nam nước ta lập nghiệp, sống chan hòa với cư dân bản địa. Có dịp về Sóc Trăng, ngang qua đường về trung tâm thành phố, dễ nhận ra hàng loạt điểm bán các đặc sản này. Cùng với nhiều đại lý bán bánh pía – mè láo khắp nơi, trong các siêu thị lớn ở nhiều tỉnh thành cũng có bán đặc sản trên.
Bánh pía
Công ty Tân Huê Viên, một thương hiệu lớn về bánh pía – mè láo có trụ sở và xưởng sản xuất ở Hiệp An huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng cho biết: khách hàng của công ty đến từ các tỉnh miền Tây Nam bộ và TP.HCM, tiêu thụ khoảng 70 – 80% sản lượng bánh của Tân Huê Viên. Riêng làng nghề truyền thống bánh pía – mè láo Vũng Thơm có cách đây khoảng trên trăm năm, thuộc xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú. Hiện làng nghề có vài chục công ty, cơ sở lớn.
Một thương hiệu bánh pía – mè láo khác cũng nổi tiếng từ lâu là Công Lập Thành, với người chủ đầu tiên là ông Âu Như Xương, từ thuở nhỏ đã làm thuê cho một lò bánh pía uy tín trong vùng. Sau này thành thợ giỏi nghề, ông Xương mở cơ sở riêng. Hiện Công Lập Thành có khoảng trăm thợ, còn chủ nhân đời thứ hai có cơ ngơi tại làng nghề Vũng Thơm.
Mè láo
Theo thời gian, bánh pía – mè láo Vũng Thơm ngày càng được chăm sóc về chất lượng lẫn bao bì và trở thành mặt hàng xuất khẩu sang nhiều nước có đông bà con người Việt sinh sống. Nhân bánh pía nhờ đó cũng ngày càng phong phú hơn: khoai môn, trứng vịt muối, đậu xanh, sầu riêng, vịt lạp, mứt bí… Theo anh Châu Minh, bác sĩ Đông y ở TP. Sóc Trăng: “Buổi sáng có thể ăn một cái bánh pía, uống vài chung trà, nhấm nháp thêm viên mè láo là đủ no đến trưa”. Thường trong những đám giỗở thôn quê Nam bộ, khách được mời hay mua bánh pía đến cúng. Con cháu ở xa về thăm nhà cũng mua cây bánh pía biếu ông bà, cha mẹ “ăn lấy thảo”.
Sỹ Long