Buổi sáng ngồi quán cà phê, chợt nghe cơn gió thổi qua, mát dịu, ngây ngây như những ngày giáp tết. Nhưng mới cuối tháng 9 mà. Mấy người bạn nói, gió chướng non mùa nước nổi của đồng bằng đó.
Ra vậy. Mùa chướng này nước từ các tỉnh đầu nguồn đang tràn về miền Tây đây. Một chị bạn vu vơ: “Những ngày này ra Hà Nội sẽ gặp mùa thu về. Trời đất dễ chịu và thơ mộng hết ý đó”. Ừ, nghe mà thèm. Muốn bay vèo ra ngoài đó để cảm nhận cho hết vẻ đẹp của “Thu vàng” trong bài nhạc của Cung Tiến mình từng mê đắm một thời. Bất chợt những ca từ đẹp đẽ vang lên trong trí nhớ “Chiều hôm qua lang thang trên đường/ Hoàng hôn xuống chiều thắm muôn phương/ Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng/ Có mùa thu về tơ vàng vương vương…”.
Đúng là cứ nhắc đến mùa thu là màu vàng rực rỡ lại hiện ra. Chẳng thế mà Xuân Diệu đã viết: Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu/ Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên (Thu).
Hình ảnh và sự liên tưởng thật tuyệt vời phải không? Vị thầy kính yêu của tôi ở trường đại học xưa vốn là người miền Bắc nên mỗi độ thu về thầy hay cảm khái sáng tác hoặc dịch mấy bài thơ thu của Đỗ Phủ (nhà thơ Đường thầy thích nhất) rồi đọc cho chúng tôi nghe. Tâm hồn nghệ sĩ của nhà nho cuối mùa ấy đã tỏa sáng mãi trong lòng chúng tôi. Và tôi nghĩ, vài đứa trong chúng tôi ngày ấy bước vào con đường văn chương, thơ phú chắc là từ sự kính yêu, cảm mến đối với thầy.
Mùa thu phương Nam không có lá vàng rơi như mùa thu Hà Nội, thời tiết cũng không chuyển đổi rõ rệt từ cái nóng gay gắt của mùa hạ sang cái mát mẻ dễ chịu của mùa thu. Họa chăng chỉ có những cây bàng tầng hai bên vệ đường lốm đốm những chiếc lá đỏ rụng rải rác xuống đất mà thỉnh thoảng tôi nhặt lên ép vào trang sách như ép những cánh phượng mùa hè để giữ lấy màu đỏ của chúng.
Giống như một ngày nào đó, vào quán cà phê quen, bức tranh Rừng thu của Levitan treo trên tường đã khiến tôi ngây ngất, đắm mình trong cái màu vàng óng, mượt mà như mật ngọt rót xuống tự trời xanh để mỗi lần buồn chán, tôi lại tìm đến quán, ngắm nhìn bức tranh kỳ ảo ấy cho dịu lòng.
- Xem thêm: Một cỗ trăng đầy
Mùa thu của đất trời, của thiên nhiên sao mà đẹp đẽ, diệu kỳ đến thế, còn mùa thu của đời người lại man mác u hoài. “Xuân sinh, hạ trưởng, thu yểm, đông tàn”. Nếu mùa xuân mọi vật đâm chồi nảy lộc, mùa hạ lớn lên, mùa đông tàn lụi thì mùa thu há chẳng phải ẩn chứa, tiềm tàng, bao phủ lên mọi thứ như để ấp ủ, giữ gìn đó sao? Có phải vì thế mà trong từng bước chân đi, từng nhịp thở, từng ánh mắt nhìn nơi tôi những lúc thu về cứ xao xuyến, rưng rưng một nỗi nhớ nhung, tiếc nhớ.
Tuổi thanh xuân nồng nàn, những mối tình lãng mạn, những mùa qua bịn rịn, vấn vương… Ngoảnh mặt lại, càng thấm thía hình ảnh “cao đường bi bạch phát” (nhà cao thương tóc bạc) trong thơ Lý Bạch. Đúng là xuân, hạ, thu, đông, mùa lại qua mùa theo vòng quay của tự nhiên nhưng đời người có mấy mùa thu để thổn thức, bâng khuâng?
Buổi sáng mùa thu, tôi đi tìm bạn để cùng chia sẻ cảm xúc buồn nhớ lúc giao mùa. Chị bạn ra mở cửa, cười tươi như mới trúng số. Đi phát quà trung thu cho học sinh nghèo trên Giai Xuân đi, trường kết nghĩa với mình đó. Ừ, về hưu cả chục năm rồi mà năm nào chị cũng nhớ. Nhìn vẻ tươi cười linh hoạt của chị, chút nhớ tiếc ngậm ngùi trong tôi chợt tan biến.
Thì ra “mùa thu của đời người” vẫn nồng ấm rực rỡ vậy sao? Đi phát quà cùng bạn bè trở về, lòng nhẹ bỗng, lâng lâng. Ngồi một mình trước cửa nhà, nhìn ra con rạch nước lớn đang chảy về bỗng nghe bên tai ngập tràn âm điệu êm ả của Thu vàng:Chiều hôm nay trời nhiều mây bay/ Có mùa thu vàng bao nhiêu là hương…