Chỉ trong tháng Mười, những cơn mưa bất kể sáng, trưa, chiều đều biến nhiều con đường trong thành phố thành sông, kéo theo nhiều hệ lụy về giao thông, sinh kế của người dân gặp khó khăn. Nhất là vào giờ cao điểm, kẹt xe, dòng người bì bõm lội nước làm nhiều người ngao ngán. Những điểm đen ấy ai cũng biết, cũng thấy cứ mưa là ngập như một điệp khúc, nhưng chẳng hiểu sao vẫn không được khắc phục cho dân nhờ. Đường Hòa Bình (Q.11 và Q. Tân Phú) là con đường đau khổ bởi mưa kiểu gì cũng ngập, mưa lớn thì nước ngập sâu qua cả bánh xe gắn máy. Các con hẻm hai bên cũng bị nước cống tràn lên cùng với rác bẩn. Tại Trường Tiểu học Hòa Bình (Q.11), nước ngập sân trường, tràn cả vào phòng học. Các tuyến đường như Âu Cơ (Q. Tân Bình), Quốc lộ 13 (P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức), Nguyễn Xí (Q. Bình Thạnh), Phạm Phú Thứ, Đồng Đen, Bàu Cát, Hồng Lạc (Q. Tân Bình), Khuông Việt (Q. Tân Phú), Kinh Dương Vương (Q.6)… ngập nước. Nhiều tuyến đường trên ngập sâu, hàng trăm xe cộ chết máy. Một số nhà dân phải lấy bao tải ngăn nước tràn vào nhà.
Đường Hòa Bình biến thành sông mỗi khi mưa khiến việc giao thông rất khó khăn
Chưa kể lúc mưa cùng với thủy triều dâng làm tình trạng ngập càng nghiêm trọng hơn, nhiều tuyến đường như Lương Định Của (Q.2), An Dương Vương (Q. Bình Tân), Linh Đông (Q. Thủ Đức)… Bến Phú Định (Q.8) dù khu vực đã hoàn thành công trình xây dựng tường chắn ngăn triều cường nhưng nhiều đoạn vẫn ngập sâu trong nước. Nước tràn vào các con hẻm nhỏ ngập hơn nửa mét, người dân ở hai bên đường phải lấy bao tải chắn nước tràn vào nhà.
Các đoạn đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bùi Hữu Nghĩa, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Hữu Cảnh (Q. Bình Thạnh) cũng nằm trong danh sách mưa là ngập. Một số tuyến Trần Hưng Đạo, Châu Văn Liêm, Hồng Bàng (Q.5), An Dương Vương (Q.6), Nguyễn Văn Quá, Song Hành, Phan Văn Hớn (Q.12), Phan Huy Ích (Q. Gò Vấp), Đỗ Xuân Hợp (Q.9), xa lộ Hà Nội, Lê Văn Việt (Q.9), Kha Vạn Cân (Q. Thủ Đức), nhiều đoạn cũng thường xuyên ngập. Khu vực ngập nặng nhất là quận Tân Bình và quận Tân Phú. Các tuyến Đồng Đen, Bàu Cát, Hồng Lạc, Âu Cơ… có mưa lớn là chìm trong biển nước.
Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM, tình trạng ngập nặng là do đường bị thấp trũng, hệ thống thoát nước không đáp ứng khi có mưa lớn cùng với triều cường. Riêng đường Tân Hòa Đông bịảnh hưởng của dự án Tân Hóa – Lò Gốm. Tuyến kênh Tân Hóa – Lò Gốm có nhiệm vụ thoát nước cho lưu vực rộng hơn 1.400ha, nhưng trong quá trình chặn dòng phục vụ thi công, các đơn vị liên quan không đảm bảo phương án tạm dẫn dòng hiệu quả, làm khả năng thoát nước bị thu hẹp. Trong lúc chờ khắc phục, người dân Sài Gòn vẫn lo thắc thỏm mỗi khi mưa với câu hỏi “Biết đến bao giờ đường hết ngập?”.
Lê Duy