Truyện ngắn của Nguyễn Thanh
Tôi nhớ lại cả một thời thơ ấu xa cách làng quê ra tỉnh học, vào buổi sáng muộn thứ bảy cuối tuần những ngày giáp Tết, sau lễ đưa Táo quân về trời báo cáo lại tin tức ở trần gian, tôi thường hẹn các bạn học tại nhà trọ bên bờ sông Cái Khế, để cùng nhau về quê nghỉ Tết. Bầu trời cao lồng lộng trong xanh, mượt mà tráng gương như được quét sạch bởi cơn gió đông hắt hiu se lạnh từ con sông Hậu mênh mông, xao xác thổi về hơn mấy tuần qua. Với túi sách vở trĩu nặng và quần áo lủ khủ bên hông, anh em vui vẻ, mặt mày hí hởn, lũ lượt kéo đi một đoàn như bầy vịt.
Qua khỏi chiếc cầu sắt Cái Khế cũ kỹ, màu đen bạc thếch với mưa nắng thời gian và tang thương binh lửa còn lại từ thời thực dân, chẳng mấy chốc, anh em bè bạn tôi lại cảm thấy hồi hộp đi qua cầu Sáu Thanh bằng gỗ, cao chông chênh để bước vội về bến bắc Cần Thơ (phà /le bac). Ngày ấy chưa có chiếc cầu thế kỷ Cần Thơ nối nhịp đôi bờ sông Hậu như hiện nay, mỗi lần muốn qua sông, không đi đò ngang đôi khi nguy hiểm vì sóng to gió cả, tôi phải đi phà mất hơn tiếng đồng hồ. Nhưng ở trên phà bồng bềnh qua sông, cảm giác dễ chịu trước không khí trong lành mát mẻ, nghe sóng vỗ lách tách mạn phà, tôi có dịp thả hồn thơ phiêu lãng: Thành phố lên xuân cả bốn mùa/ Mai đào không đợi sắc hoa phô/ Lưng trời chưa có bầy chim én/ Xuân cũng theo về năm ngón thơ, hoặc trầm tư vu vơ trước cảnh trời rộng sông dài. Hậu giang vào xuân là con sông thơ, đẹp như một dải lụa màu, long lanh ánh dương giữa những hòn tiểu đảo xanh um thủy liễu: Tiểu đảo mấy hòn xanh thủy liễu/ Trường giang một dải rợp ngư thuyền // Một dải trường giang khoe nước biếc/ Mấy hòn tiểu đảo gợi hồn thơ.
Chiếc phà cao to, hai tầng, chở nặng hành khách và xe cộ gầm gừ như con hà mã, lừ đừ cặp bến Bình Minh, thả anh em tôi, hành khách và xe cộ lên bờ. Xế trưa, trời đứng bóng, tôi và các bạn thả bộ dọc theo con hương lộ mặt đường còn lởm chởm đá núi và đất nung, lẹp bẹp hướng về phía chợ Tân Quới, nơi có mấy cây sao cổ thụ cao lênh khênh đứng cạnh đình làng. Dọc đường làng, tôi cảm thấy trong lòng dậy lên niềm vui ấm áp khi nhìn nhà cửa, cảnh vật hai bên trong những ngày cuối chạp đã bắt đầu nhuốm lên màu Tết. Những vỉ bánh tráng dựng lớp lớp trước sân phơi, những nia bánh phồng, sàng chuối khô hương thơm ngào ngạt nằm san sát trên mái nhà bắt đầu quyến rũ đàn chim trao trảo sáng chiều không ngớt vần vũ bay quanh. Trong không gian trong sáng chờ xuân, dọc đường, tôi thỉnh thoảng bắt gặp chủ nhà những gia đình khá giả, đang xúm xít lo quét vôi lại nhà cửa, chuẩn bị đón chào xuân mới.
***
Ba mẹ biểu lộ vẻ vui mừng nhìn lại khi thấy tôi vừa về đến nhà rồi tiếp tục công việc. Ba trở ra sân cúc cúc, kíp kíp gọi bầy gà vịt cho ăn suất chiều để lùa vô chuồng. Mẹ tôi ở góc nhà sau đong mấy lít nếp tốt, chuẩn bị gói bánh tét cúng ông bà. Chị ba tôi bên chiếc cối đá, đang lo xây bột làm bánh ngoài hiên nhà trong khi chị tư tôi đang ngồi lặt một rỗ hành kiệu tươi rói hăng hắc hương nồng chuẩn bị làm dưa chua.
Gác tạm lại việc sách đèn sang một bên để lo dọn dẹp nhà cửa cùng với mọi người. Việc thóc lúa ruộng đồng coi như các chị đã giải quyết xong, mấy cái đìa to đậm đặc cá tôm ngoài ruộng, các chị tôi cũng đã tát cạn, bắt cá rọng vào khạp từ mấy ngày qua. Sáng sớm hôm sau, tôi phải sang nhà bác Tư nhắc các anh họ tôi chuẩn bị giở đống chà lớn bên cây cầu dừa dưới sông, lấy cá chia cho bà con cùng sử dụng trong các ngày Tết. Thời gian lơi bớt công việc, tôi lãnh phần thay thế chị tôi, lau chùi mấy bộ lư đồng trên bàn thờ ông bà, tổ tiên, và sử dụng cây chổi cán dài, quét sạch bụi bặm, mạng nhện bám trên trần nhà.
- Xem thêm: Nhớ tết quê
Trước ngày ba mươi Tết, công việc ở quê dồn dập nhiều thứ. Có đêm, các anh họ rủ tôi ra đồng cắt những bụi nếp vừa quá thời ngậm sữa đem về rang trong chảo lớn, sau đó đem ra cối quết làm cốm dẹp. Tôi rất thích đêm đêm được xem các anh tôi giả cốm dẹp hoặc quết bánh phồng. Tiếng chày ba cụm cùm cum giả nếp làm cốm dẹp hoặc tiếng chày gỗ nện bình bịch vào khối nếp to nấu chín trong cối làm bánh phồng, tạo nên một âm vang trữ tình đậm hồn dân tộc, quê hương trong những đêm thanh vắng ở nông thôn ngày xưa. Ban ngày, mẹ tôi ngồi bên ngoài hiên nhà tráng bánh cho chị Ba tôi đặt bánh vào vỉ mang đi phơi. Chị Tư tôi lo ép chuối, phơi khô để làm mứt. Thằng Tý em trai tôi o bế lại mấy chiếc lọp, nò đi bắt cá dưới sông hay ngoài ruộng. Các tin sương không ra vườn. Ba tôi dành thì giờ chăm sóc cho mấy chậu hoa mai, hoa tử kinh để trưng bày vui nhà trong mấy ngày xuân. Buổi trưa rảnh rang công việc nhà, ba tôi thong dong vừa hút thuốc vừa săn sóc mấy chú chim cu xinh xắn để ban ngày nghe tiếng gáy cúc cu vui vui của chúng. Mấy con gà cảnh sắc lông sặc sỡ cũng được ba tôi đặc biệt chăm sóc để ban đêm được nghe tiếng gáy dõng dạc báo thức ò – ó – o rất sảng khoái của chúng.
Trong không khí mát mẻ ngày chớm xuân ở làng quê xưa, cứ bắt đầu vào hạ tuần tháng chạp, dưới sông bắt đầu xuất hiện rộn ràng mấy chiếc ghe nhỏ gắn máy đuôi tôm Kohler chạy khắp làng trên đó có những người xem ra không phải là người trong làng. Họ chính là nhân viên gánh hát đi cổ động cho chương trình hát Tết của đoàn. Ngồi trên chiếc ghe trên mui treo phất phơ lá cờ biểu tượng của đoàn hát, họ gióng trống dập dồn, phát loa inh ỏi, quảng cáo cho đoàn hát đang đóng đô tại nhà lồng chợ xã để biểu diễn phục vụ công chúng mộ điệu cải lương trong những ngày Tết sắp đến.
***
Màu Tết nhà tôi ở quê thực sự thể hiện rõ nét bắt đầu từ thời điểm đưa ông Táo về trời. Trước đó một hôm, đã có mấy em nhỏ chạy lăn xăn ngoài đường hô to: Cò bay, ngựa chạy, đưa ông Táo về trời đây hoặc chịu khó đến từng nhà mời mua loại vàng mã vẽ đủ các hình thù nghuệch ngoạc để đốt trong lễ đưa tiễn Táo quân về trời. Trên các nẻo đường vào thôn xóm bắt đầu xuất hiện một số người ham vui lén lút chơi bầu cua cá cọp, xí ngầu lác hay gầy sòng bạc đỏ đen sát phạt nhau, thường không tránh khỏi xảy gây gổ cãi lộn, đôi lúc dẫn đến đánh nhau. Nhóm thanh niên này thì tổ chức đá gà ăn tiền trong một bãi sân rộng khuất sau một lùm cây rậm, trong khi một nhóm người khác bày tiệc nhậu nhẹt, rồi mày chén tao chén, ly cạn ly đầy, lắm khi cũng dẫn đến chuyện không hay giữa anh em cùng trong một chiếu rượu. Ba tôi suốt đời chỉ biết lam lủ lo làm ăn, không thích dù chỉ một chút nhắp môi. Ba tôi trải nghiệm được cái hại khôn lường của những người quá chén nên anh em tôi theo gương cha, không ai là đệ tử của Lưu Linh, một đời chỉ biết lo học hành, làm ăn.
Không khí mừng xuân đón Tết ở nhà tôi mỗi năm chỉ kéo dài trong thời gian khoảng một tuần mặc dù trong nhà ai nấy cũng chuẩn bị sẵn mọi thứ từ sau ngày 23 tháng chạp âm lịch.
Trước đêm trừ tịch hai hôm, cũng như bao nhiêu gia đình khác trong làng, ở nhà tôi bao nhiêu công việc xem như đã chuẩn bị chu đáo cho mấy ngày đầu quan trọng nhất trong năm. Tinh sương ngày 30 Tết, theo lời nhắc nhở của ba tôi, các chị đã lo đủ một mâm ngũ quả gồm các loại trái cây tốt là được, không quá rập khuôn theo lề thói ước lệ phải tìm mua cho đúng các loại trái: Cầu (mãng cầu) – Sung – Dừa – Đủ (đu đủ) – Xoài, 5 thứ trái cây biểu tượng cho cụm từ mà người ta hay nói tếu cho vui miệng: Cầu sung vừa đủ xài.
***
Đêm trừ tịch miền quê ngày xưa có phần yên ắng, không giống bầu trời sáng lòa với những vầng pháo hoa nổ lụp bụp trên bầu trời và tiếng ca hát rộn ràng từ máy phát thanh ở thành phố thời hiện đại. Không gian ngày Tết nơi thôn bản tĩnh lặng hơn với sinh hoạt ngầm trong phạm vi ấm cúng giữa các thành viên ruột thịt gia đình. Ba tôi vốn là một ông đồ nặng hồn thơ, mỗi năm có truyền thống tống cựu nghinh tân (tiễn cũ đón mới) bằng ít vần thơ. Đêm trừ tịch, ngay sau thời điểm thiêng liêng nhạy cảm nhất của năm mới, năm nào ba tôi đều ăn mặc đàng hoàng, ngồi vào bàn viết. Bên bình trà nóng mới pha và gói thuốc lá bình dân, ba tôi bắt đầu viết lời khai bút đầu năm bằng một bài thơ tuyệt cú. Bài thơ này là thông điệp đầu năm của tác giả và cũng là lời chúc lành tốt đẹp, gởi cho bạn bè, bà con khi gặp gỡ, thăm viếng nhau trong những ngày xuân. Nơi một góc ngoài hiên nhà, các chị tôi đang cẩn thận cho thêm củi vào chiếc lò đất, chăm sóc nồi bánh tét to kềnh đang sôi sùng sục trên ngọn lửa bập bùng như muốn quét sạch bóng tối của một đêm không trăng, thỉnh thoảng vọng lại từ xa mấy tiếng gà gáy sớm báo hiệu sang khuya.
Ở quê tôi ngày xưa, mùng một Tết được coi là ngày đoàn tụ chính thức của gia đình, ít ai ra khỏi nhà. Trường hợp con cái lớn đã trưởng thành có gia đình ra riêng, ở xa thì hôm ấy phải về thăm cha mẹ cho phải đạo: Mồng một Tết cha. Dù vậy, mọi người trong nhà vẫn ăn mặc đẹp, bánh trái, trà nước chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng trên bàn như đang sắp sửa đón khách quý. Riêng tôi, là con trai cả trong nhà, nên có bổn phận đến viếng nhà bác tôi để mừng lạy ông cố, sau đó tặng quà cúng Tết. Ngày mồng hai, theo truyền thống gia đình, anh em tôi ăn mặc đàng hoàng, có thể bắt đầu xuất hành đi thăm lần bà con, bè bạn gần xa. Ba tôi tính kỹ lưỡng, dè dặt nên luôn nhắc nhở anh em tôi trước khi đi đâu trong những ngày đầu năm. Bởi lẽ, trong những ngày đầu năm thiêng liêng, sự hiện diện tại nhà người khác thầm mang ý nghĩa đi xông đất, ngoài y phục phải đàng hoàng, sáng sủa, chúng tôi phải cẩn thận nhất cử nhất động, luôn giữ gìn cả lời ăn tiếng nói. Mục đích sao cho thể hiện được trí tuệ và nhân cách của mình để làm vui lòng những người thân trong khoảnh khắc tốt đẹp đầu năm. Thiện ý ba muốn nhắc tôi tư tưởng thanh cao của người xưa: Khởi đầu tốt đẹp, mọi điều về sau được suôn sẻ (Nguyên trinh hanh thông).
- Xem thêm: Tết quê
Buổi sáng mồng ba, lúc mấy con chim trao trảo ngoài vườn mận nhà sau báo hiệu bằng mấy tiếng lảnh lót trong trẻo rất vui tai, đánh thức cả nhà, thì mẹ và các chị
Nhúng nước sôi, đem ra nhổ sạch lông gà xong, ba tôi đặc phần thân gà trần trụi như nhộng vào nồi cháo đang sôi sùng sục trên bếp lửa bập bùng và giữ lại cặp chân gà. Không khí gia đình ấm áp với sinh hoạt rộn ràng của ngày mới đầu năm. Như đã thành lệ, năm nào ba tôi giữ lại đôi chân gà với những ngón cong queo tội nghiệp rồi ngắm nghía. Vui vui vẻ mặt, nheo nheo đôi mắt đã nhuốm hình dấu chân chim hai bên khóe, sau tròng kính lão, ba tôi thao thao bất tuyệt không khác nào một chiêm tinh gia hay nhà phong thủy khiến tôi phải đầu hàng ba vô điều kiện!
Ngày ấy, dù đã sang đệ nhất cấp, tôi vẫn ngây thơ ngờ nghệch, không biết đã dựa trên cơ sở nào ở cặp chân gà khẳng khiu co quắp mà ba tôi đã thao thao bất tuyệt như thế!
Mồng ba tết thầy, với lời lẽ dịu dàng khuyến khích, ba mẹ không quên nhắc nhở phải đến viếng thăm hết những thầy cô ngày trước đã dạy dỗ và thầy cô hôm nay. Ngày trước, không mấy khi học trò có hiếu dám thẳng thừng gởi tiền cho thầy cô trong bao thư, dù có thực dụng như thời hiện đại kim tiền. Yêu thương kính trọng, ý thức được công lao dạy dỗ của thầy cô, vào ngày những mùa Tết năm xưa, tùy theo hoàn cảnh, chúng tôi chỉ dám thể hiện lòng biết ơn sâu nặng bằng cách mang tặng thầy cô con gà, con vịt xin của ba mẹ hoặc hộp sữa, ký đường, vài ký gạo, lít nếp, mớ khoai… với cung cách lễ độ và lời biết ơn thốt ra từ sâu thẳm trái tim mình.