Sau bao nỗ lực của những người làm sách và các đơn vị quản lý nhà nước, đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, đường sách đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức hoạt động tại đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP.HCM. Trong không khí rộn rã của những ngày cuối năm, nơi đây góp thêm một địa chỉ văn hóa bổ ích cho cư dân và được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc.
Ngoài 20 gian hàng sách được bài trí bắt mắt của các đơn vị có uy tín; đường sách có ba kiosque bán sách, báo, tạp chí, vật phẩm văn hóa; hai quán cà phê được thiết kế tinh tế để làm điểm nghỉ chân và tổ chức các hoạt động giao lưu với độc giả. Thế nhưng, điểm thú vị của đường sách chính là không gian mở thoáng đãng dành cho các hoạt động văn hóa. Ban tổ chức cũng ưu ái dành một không gian riêng cho thiếu nhi, nơi các em nhỏ có thể mượn sách, đọc sách, tham gia các hoạt động với sách. Đây sẽ là điểm bắt đầu để khơi niềm đam mê sách, từ đó nuôi dưỡng tâm hồn các thế hệ mai sau.
Trong ngày khai trương, các hoạt động trưng bày – triển lãm sách, báo văn thơ thời kỳ kháng chiến, thưởng thức trà đạo, ký tặng thư pháp… đã nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của khách tham quan. Đặc biệt, “chợ phiên sách cũ” chiếm được nhiều cảm tình của độc giả. Hàng trăm người đã chen nhau để lựa chọn những cuốn sách cũ được bán đồng giá và không khỏi xuýt xoa không dễ để mua được cuốn sách quý như vậy. Theo ông Vũ Đức Thắng, một nhà văn và nhà báo đã về hưu, sự ra đời của đường sách này không chỉ có ý nghĩa lớn với những người yêu sách, thích sưu tầm sách cũ như ông mà còn có ý nghĩa với thành phố để góp phần phát triển văn hóa đọc.
Nhà văn Trang Hạ, tác giả “mở hàng” giao lưu độc giả trong ngày khai trương đường sách nhận xét: “Ban tổ chức đã thành công trong việc xây dựng một không gian cởi mở và thân thiện để tiếp thị sách. Thế nhưng thành công lớn hơn là những người tìm đến đây là người đã từng đọc sách, yêu đọc sách và có thể gắn bó lâu dài với đường sách. Đây mới là giá trị thật sự của một đường sách chứ không đơn giản chỉ là nơi tiếp thị, mua bán”.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đại diện ban điều hành đường sách cho biết: “Thật vui mừng vì sau bao nhiêu nỗ lực, đường sách đã đi vào hoạt động. Dưới góc độ của người quản lý và làm nghề, tôi mong muốn đây sẽ là một điểm đến văn hóa, góp phần làm lành mạnh hơn ngành xuất bản cũng như cung cấp một nguồn tri thức cho tất cả những người yêu sách. Vì là mô hình mới, ban điều hành hiện vẫn đang từng bước hoàn thiện đường sách, từ phương thức hoạt động, quản lý, đến kinh doanh, góp vốn… Chúng tôi hy vọng sớm có mô hình chuẩn để nhân rộng cho các quận, huyện, tỉnh – thành khác”.
Dù mới ra đời, đường sách đã trở thành một biểu tượng văn hóa của thành phố thu hút người dân. Các đơn vị tham gia đường sách cho biết đã chuẩn bị rất nhiều sự kiện phục vụ người dân và du khách từ nay đến Tết Nguyên đán. Ngoài trưng bày các ấn phẩm báo chí xuân từ trước năm 1975 đến nay, triển lãm toàn bộấn phẩm báo chí Xuân 2016, triển lãm Thiệp xuân, còn có những buổi giao lưu với tác giả, tọa đàm về sử học… và nhiều hoạt động cho thiếu nhi. Với lịch dày đặc như thế, việc cần làm của các nhà quản lý là làm sao quảng bá các sự kiện để bạn đọc nắm thông tin cũng như việc xây dựng, hệ thống các hoạt động hiệu quả để đường sách thật sự góp phần phát triển văn hóa đọc và tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
- Bích Tuyền