Quỳnh Linh và Huyền Trân là hai sinh viên tốt nghiệp ngành Văn học, hệ cử nhân tài năng của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Một người làm khóa luận về tác phẩm Thế giới của Sophie của Jostein Gaarder, một người về Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và nơi tận cùng thế giới của Haruki Murakami; cả hai đều đạt điểm cao nhất trong lễ bảo vệ hồi tháng 6-2010. Những sinh viên như vậy thường được nhà trường giữ lại đào tạo tiếp thành giảng viên hay giới thiệu đến làm việc ở các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy. Nhưng Huyền Trân và Quỳnh Linh thì không thể. Đơn giản là vì hai cô đi học đại học theo chương trình học bổng 47 đào tạo sinh viên chất lượng cao cho TP. Đà Nẵng: quê hương lo kinh phí nuôi ăn học thì học xong phải về phục vụ quê hương.
Học văn mà về địa phương làm việc thì thích hợp nhất vẫn là dạy học hay làm báo, Linh và Trân được dành sẵn hai chỗ làm ở Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng, vị trí mà rất nhiều sinh viên mơ ước. Nhưng giữa văn và báo, nhất là báo hình, lại có nhiều khác biệt, hai cô phải dành một thời gian trau dồi và học hỏi, rồi cuối cùng mọi việc cũng trôi chảy. Công việc ở cơ quan tạm đi vào nề nếp, hai cô nghĩ đến một dự án đưa sách, nhất là sách văn học, đến với những người yêu sách ở thành phố quê nhà, thỏa mãn mơ ước và niềm đam mê từ thời sinh viên.
Ra trường được nửa năm, Linh và Trân đã bắt tay chuẩn bị và đến tháng 6-2011 thì dự án chính thức khởi động. Hai cô liên lạc với một đơn vị phát hành sách ở TP.HCM để nơi đây gửi sách theo đơn đặt hàng về Đà Nẵng. Hãy hình dung hai cô gái liễu yếu đào tơ đi xe máy đến bến xe hay một trạm trung chuyển, chở cả trăm cuốn sách về nhà riêng, rồi đi phân phối cho những bạn đọc có nhu cầu. Khi được đặt hàng, tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc ở cơ quan, chính hai cô trực tiếp giao sách đến từng người mua. Thời gian đầu, sách bán rất chậm. Có những lần chỉ để giao một vài cuốn sách giá không tới 50.000 đồng mà phải vượt một chặng đường xa gần 20km giữa cái nắng nóng của Đà Nẵng, để giữ chữ tín. Những ngày mưa, trời tối, tìm cho ra địa chỉ của khách hàng trong các ngõ hẻm là một kỳ công. Chính qua mạng xã hội Facebook mà hai cô phát huy khả năng của những người học văn, viết bài giới thiệu sách, quảng cáo sách mới và kết nối với bạn đọc. Một cuộc thi viết với chủ đề Cuốn sách của tôi đã được tổ chức để tìm ra những bài cảm nhận hay về cuốn sách “gối đầu giường” mà bạn đọc có ấn tượng và yêu thích nhất, thậm chí đã từng là “cái phao cứu vớt cuộc đời bạn”.
Một năm rong ruổi trên thị trường sách rất hẹp của Đà Nẵng, Huyền Trân và Quỳnh Linh nắm bắt được ít nhiều nhu cầu của người đọc sách và bước đầu gây dựng được “thương hiệu”. Hai cô nghĩ đến khả năng mở rộng dự án. Do một tình cờ may mắn, hai cô thuê được một mặt bằng có bề ngang chỉ hơn 2 mét trên đường Trần Phú. Đây là con đường một chiều ở trung tâm thành phố, hầu hết là những cửa hàng cao cấp, sang trọng; trước năm 1975 từng có hai tiệm sách nhưng kinh doanh không thành công, phải đóng cửa. Vậy là sau 37 năm, nay con đường du lịch này mới có tiệm sách duy nhất.
Ngày 22-6 vừa qua, nhờ sự giúp đỡ của người thân và bạn bè, Chilibookstore của Linh và Trân đã khai trương ở 196 Trần Phú, quận Hải Châu. Hai cô sinh viên nhỏ bé ngày nào, giờ vẫn còn nhỏ bé, nhưng đã trở thành hai cô chủ. Không còn cảnh lang thang khắp phố phường giao sách sau giờ làm việc. Ngoài 1.000 đầu sách, ở đây còn bán phụ kiện sách, đồ lưu niệm. Hai cô chủ dự tính sẽ bổ sung cho đa dạng các thể loại sách, lập website và một mai, khi có điều kiện, sẽ mở rộng thành một quán cà phê sách, làm điểm hẹn cho những người yêu sách gặp gỡ thường xuyên.
Mở cửa hàng quảng bá sách theo phương châm “từ sách đến tâm hồn” trong thời buổi kinh tế khó khăn này, Linh và Trân có lẽ cũng là những người lãng mạn. Gặp lại hai sinh viên cũ còn đầy nhiệt huyết giữa lòng Đà Nẵng, tôi cầu mong cho công việc của họ được thuận buồm xuôi gió.
- Huỳnh Như Phương