Nếu bạn cho rằng phù thủy chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng thì hơi nhầm rồi đấy! Sau 3 năm lang thang kiếm tìm khắp nước Mỹ, lục lọi từ bang Massachusetts, cái nôi của phù thủy cho đến cả những vùng xa xôi, nhiếp ảnh gia Frances F. Denny đã gặp hơn 70 phụ nữ tự nhận là phù thủy. Họ có thể chuyên nghề “phù thủy”, cũng có thể có công ăn việc làm bình thường như giáo viên, thủ thư, diễn giả…
Lùi về thế kỷ XVII, khi mà phù thủy đang bị cho là hiểm họa đe dọa cuộc sống của những người yếu đuối, hiền lương, bạn sẽ bắt gặp cuộc săn lùng phù thủy rùng rợn nhất nước Mỹ tại bang Massachusetts gọi là “Salem Witch Trials”. Chỉ trong vòng một năm, từ tháng 2.1692 đến tháng 5.1693, phiên tòa xét xử và truy tố những người bị tình nghi là phù thủy này đã cho thi hành án treo cổ với 19 người, 14 phụ nữ và 5 người đàn ông. Bên cạnh những số phận bất hạnh ấy là hàng trăm nạn nhân bị bắt giam. Tất cả đều phải chịu muôn vàn khổ ải chỉ để chứng minh rằng họ là… con người.
Lý do để lên đường
Một ngày bình thường của năm 2013, nữ nhiếp ảnh gia người Mỹ Frances F. Denny lấy phả hệ gia đình ra đọc. Cô bất ngờ phát hiện ông tổ của mình, Samuel Sewall, từng là một trong những thẩm phán của phiên tòa xét xử phù thủy Salem đình đám. Càng bất ngờ hơn nữa là Mary Bliss Parsons, một phụ nữ từng bị tình nghi là phù thủy, cũng là một bà tổ của Denny. Phù thủy là gì? Cô bắt đầu có chút tò mò. Đến năm 2015, Denny lại vô tình đọc được The Witches: Salem, 1692, cuốn sách viết về cuộc săn lùng phù thủy vừa mới xuất bản của Stacy Schiff, nữ nhà văn nổi bật người Mỹ. Trong cuốn sách, Schiff cũng đề cập tới thẩm phán Samuel Sewall. Điều ấy khiến Denny lần nữa nhớ về gia phả dòng họ. Cô thật sự hiếu kỳ, muốn tìm hiểu cặn kẽ xem những người thế nào thì được gọi là phù thủy và liệu họ có còn tồn tại trong cuộc sống ngày nay hay không.
“Trước khi bắt đầu cuộc hành trình, tôi đã viết một bức thư kể tường tận mục đích. Tôi giới thiệu rõ ràng mình là ai, có ý định gì, kế hoạch thực hiện ra làm sao”. Sau đó, cô gửi nó cho một tổ chức hỗ trợ và nhận được sự trợ giúp cần thiết nhất để bắt đầu.
“Tôi đã gặp một phụ nữ ở miền Tây Massachusetts, cái nôi của phù thủy một thời”, Denny kể lại. “Bà ấy có vẻ chần chừ khi được đề nghị chụp ảnh. Trên cánh đồng, chúng tôi ngồi bắt chéo chân. Bà ấy hát cho tôi nghe một khúc ca Celtic”. Ban đầu, người phụ nữ này không muốn để Denny chụp hình. Bà ra điều kiện chỉ đồng ý nếu cô chắc chắn bảo vệ được bà khỏi sự chế giễu của dư luận. Denny thành thật trả lời rằng mình không cách nào kiểm soát được miệng lưỡi thế gian, nhưng hứa sẽ nỗ lực hết sức để thay đổi cách nhìn của mọi người về phù thủy thông qua máy ảnh.
Sau một hồi lâu suy nghĩ, người phụ nữ này gật đầu. Và đó chính là một trong rất nhiều cuộc gặp gỡ với các phù thủy giữa thế giới hiện đại của nữ nhiếp ảnh gia. Trong suốt 3 năm lùng sục khắp nước Mỹ, đi từ California đến Louisiana rồi lại lặn lội tới New Jersey, Maine, Denny gặp tổng cộng hơn 70 người tự nhận là phù thủy. Với mỗi người, cô đều thận trọng lắng nghe câu chuyện của họ, sau đó xin phép chụp hình, cuối cùng trình làng tập ảnh mang chủ đề Major Arcana: Witches in America.
Rất nhiều giữa cuộc sống đời thường
Nhìn lại năm 1692-1963 lịch sử, chúng ta sẽ thấy người dân Salem khẳng định rằng phù thủy là những kẻ ám hại người khác bằng tà thuật. Để chứng minh mình là người chứ không phải phù thủy, các đối tượng tình nghi buộc phải trải qua một loạt những thử thách quái gở nhất trần đời, từ phải ăn bánh phù thủy làm bằng bột mì nhào nước tiểu đến bị dao đâm, thậm chí còn phải có cân nặng đúng bằng trọng lượng của chồng Kinh thánh đối chứng trên tòa án. Riêng viễn tưởng lại thường miêu tả phù thủy là một bà già nhăn nheo, mũi khoằm, mặc đồ đen, có nụ cười hiểm ác và có sở thích khuấy cái nồi thuốc độc to lớn chứa đầy những thứ mà chỉ nhìn thôi cũng đủ nổi da gà.
Còn các phù thủy đời thực mà Denny gặp trên khắp nước Mỹ thì khá đa dạng, bao gồm mọi độ tuổi, từ thanh xuân phơi phới đến trung niên, lão niên. Họ có một điểm chung là đều dành thì giờ cho các “công việc” mang tính chất “phù thủy” như chiêm tinh, bói toán, dự đoán tương lai bằng quả cầu pha lê, tự chế bùa chú… Một số thích “một mình một cõi”, tự nghiên cứu và thử nghiệm trên chính bản thân. Một số khác lại muốn tụ tập, cùng nhau trao đổi, tham khảo.
- Xem thêm: Những câu chuyện bình phục như phép màu
Có người tự xưng là phù thủy xanh. Có người lại bảo mình là phù thủy trắng, phù thủy nhà bếp, phù thủy không gian, phù thủy ái tình… Trong các kiểu phù thủy này thì phù thủy xanh rất giống nhà thảo dược. Họ thích tìm hiểu tính năng và công dụng của các loài cây thuốc, sử dụng hiểu biết của mình mà chế ra các kiểu thảo dược chữa trị bệnh tật hiệu quả.
Những phụ nữ tự do nhất
“Nhiều phù thủy trong các tấm ảnh của tôi còn có công việc thường nhật không liên quan gì đến cái gọi là phù thủy”, Denny cho hay. Có người là thủ thư. Có người là nhà làm phim. Có người còn là tác giả, diễn giả nổi tiếng. “Theo hiểu biết của tôi sau 3 năm tìm hiểu thì phù thủy là những người an nhiên, tự do tự tại, thích ôm giữ cả sự u ám, tối tăm, cái mà tất thảy chúng ta đều không mấy muốn có,” cô rút ra kết luận.
Người Mỹ có xu hướng ưa kiểu hướng ngoại và kỳ thị các cá nhân hướng nội. Với Denny, những phụ nữ tự nhận là phù thủy mà cô gặp về thực chất chỉ là những người có cá tính lập dị, muốn được sống thật với bản thân. Họ bất chấp các nguyên tắc của xã hội, thừa nhận cả mặt xấu của mình và đồng ý sống chung với “phần người” mà ai nấy cũng đều cố gắng giấu giếm ấy. Thêm vào đó, Denny còn nhận thấy cái gọi là “phù thủy” thật ra cũng chỉ là một biểu hiện bất mãn với thực trạng chính trị đương thời. Nhiều trong số các phù thủy trẻ mà cô gặp là người vỡ mộng khi phải đối diện với quan điểm phân biệt giới tính cổ hủ. Trở thành phù thủy vừa là cách để họ thoát khỏi hiện thực không như ý, lại vừa là cách tự do thể hiện bản ngã, sống đúng với bản chất và sở thích.
- Xem thêm: “Phù thủy” – ai mà không ngán!
Nói một cách khác, phù thủy trong thế giới hiện đại là những phụ nữ mạnh mẽ, dám tự thể hiện và biết trân trọng bản thân nhất. Để giúp họ bộc lộ toàn bộ các khía cạnh này, Denny khuyến khích họ tùy ý chọn lựa trang phục, bối cảnh, tạo dáng. “Tôi đã có một chiều hè đáng nhớ bên bờ sông ở vùng ngoại ô New York với phù thủy rắn tên là Serpentessa”, cô kể. “Bà ấy mang theo 2 con trăn”. Ban đầu, Denny bị 2 con trăn dọa cho chết khiếp. Nhưng chỉ sau một lúc nhìn chúng quấn quýt với Serpentessa, cô đã dám sờ thử và rồi mê mẩn lũ bò sát to xác, có lớp da láng mịn này luôn.
Lần khác, khi ở Vermont với một phù thủy tên là Leonore, người đã mang theo cả cung tên để tạo dáng với chiếc áo choàng đen dài chấm gót, Denny bất ngờ được thưởng thức tiếng gọi vật nuôi xuống núi của người Scandinavi. Sau khi chụp hình trong rừng ra về, băng qua đồng cỏ bát ngát đúng lúc mặt trời lặn, Leonore nổi hứng hú một hồi dài. “Đó thật sự là âm thanh tuyệt nhất mà tôi từng được nghe”, Denny hồi tưởng.