Nỗi niềm về Trà Vinh ghi đậm nét trong thơ của một nữ sĩ Hà Nội: Vân Đài. Sở dĩ như thế, vì nơi này còn lưu lại chuyện tình của chính tác giả.
Ba mươi năm ấp ủ một tình yêu
Thương nhớ bao nhiêu Trà Vinh xa cách
Nhớ mãi nơi đầu sông ngọn rạch
Con nước Cổ Chiên khi lớn khi ròng
Nhớ hàng dừa xõa tóc đứng ven sông…
Thời bà chưa về Trà Vinh, còn son trẻ, ngày ấy, tại Hà Nội vào mùa hạ tiếng ve vẫn kêu râm ran trên vòm cây rợp mát. Những trai thanh gái lịch mỗi lúc đi ngang qua cửa hàng mỹ nghệ đồ gỗ trên phố Hàng Trống cũng đều ngước mắt nhìn vào bên trong. Nghe nói, nhà đó có ba cô gái đẹp nhất Hà Nội. Thật vậy, nhìn thấy nhan sắc tuyệt vời ấy, mọi người có cảm giác như gặp một dòng suối mát trong ngày hè oi bức. Vì thấy họ đẹp nên có người cho rằng, báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn đã dựa bức ảnh ba chị em chụp chung để vẽ ảnh bìa của báo, dưới có ghi hai câu thơ nổi tiếng:
Phấn son tô điểm sơn hà
Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam
Không rõ có đúng vậy không, chứ nhà văn Nguyễn Công Hoan, nổi tiếng từ năm thập niên đầu 1920, cũng từng ngắm nghía và sau này có phát biểu hài hước với nhà văn Tô Hoài: “Đi theo sau chị em nhà này là cái đuôi dài ngoằng, tớ có sắp hàng thì cũng phải đứng vào loại rìa hàng tá, ăn thua gì!”. Nói như thế để thấy rằng, cả ba chị em đều sắc nước hương trời. Trong số này, cô Đào Thị Minh khi làm thơ, ký tên là Vân Đài. Nhà thơ Cẩm Lai có kể lại chân dung của nữ sĩ: “Dáng chị cao thanh mảnh, vầng trán rộng, mũi thẳng, đôi má bầu bĩnh dễ thương và cặp môi chúm chím như trái đào chín mọng”.
Ông trời kể ra cũng trớ trêu. Bao nhiêu người giàu sang phú quý ở đất Hà thành đến tán tỉnh, đều không được ông se duyên để lọt vào mắt xanh của nữ sĩ. Cô đem lòng yêu thương chàng sinh viên họ Huỳnh quê ở Trà Vinh ra Hà Nội theo học trường Y. Lập tức, mối tình này bị gia đình hai bên phản đối kịch liệt. Nhà gái cho rằng, đàn ông ở đây thiếu gì mà không nhận lời, lại đi lấy người đâu đâu ở tít phương Nam, có biết gì về gia đình người ta đâu? Còn nhà trai lại phản ứng, ở phương Nam thiếu gì gái đẹp, sao không se duyên mà phải ra tận Hà Nội, rồi còn phong tục, tập quán cách biệt nhau thì sao?
Nhưng hỡi ôi! Khi yêu người ta bất chấp tất cả, họ chỉ biết vâng theo lời chỉ bảo của trái tim hơn là theo lý trí. Nữ sĩ Vân Đài cũng vậy. Bà bỏ lại tất cả để theo người tình về Trà Vinh. Trong những năm đầu tiên, hai người sống với nhau khá hạnh phúc và dần dần gia đình bên chồng cũng chấp nhận mối lương duyên này. Nhưng năm tháng êm ấm không dài, người chồng theo bạn bè xấu lao vào con đường đỏ đen cá cược nên cuối cùng phải bán nhà trả nợ. Trong thơ của Vân Đài đã bắt đầu nhuốm nỗi buồn da diết:
Canh khuya trằn trọc dưới vầng trăng
Trời đất gây chi nỗi bất bằng
Rứt giậu chỉ e tàn cúc héo
Phá trời đâu sợ tán mây giăng
Bốn phương mưa gió chồn chân ngựa
Hai nẻo non sông đứt ruột tằm
Mây biển mênh mông thuyền một lá
Chân trời cánh nhạn mịt mù tăm
(Đợi chờ – 1929)
Khóc lóc, giận hờn, khuyên can chồng mãi cũng không được, cuối cùng bà đành chọn giải pháp như trong thơ của Thế Lữ: “Anh đi đường anh, tôi đường tôi/ Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi”. Bà dẫn hai con nhỏ là Hùng, Tuyết trở ra Hà Nội sau 13 năm sống ở Trà Vinh, còn chồng giữ lại hai con lớn là Khải, Khanh. Ngày chia tay, bà ngậm ngùi:
Cái bóng xuân qua gió thoảng ngoài
Đời người cũng thế thế mà thôi
Giang san gánh nặng thương thân yếu
Quãng vắng đường xa bước ngậm ngùi
Nỗi lòng biết ngõ, ngõ cùng ai
Sông sâu cá lặn
Cánh nhạn bên trời
Ngày xanh thấm thoát xuân xanh chóng
Non nước vơi đầy có thế thôi
Về Hà Nội, Vân Đài mở hiệu bán bánh mì, bán hoa giả, làm bánh ngọt, đi dạy nữ công gia chánh tại Trường Nữ tư thục Hoài Đức… để có tiền nuôi con. Lúc này, bà vẫn tiếp tục làm thơ, viết cộng tác cho nhiều tờ báo như Phụ Nữ Tân Văn, Phong Hóa, Ngày Nay, Đàn Bà, Tri Tân… nổi tiếng là người lịch lãm và đã có những tác phẩm thơ được xuất bản như Hương xuân (in chung với Anh Thơ, Hằng Phương, Mộng Tuyết), Tơ lòng (in chung với Đào Anh). Năm 1941, nói về thơ của Vân Đài, Hoài Thanh – Hoài Chân viết trong quyển Thi nhân Việt Nam: “Chọn thơ Vân Đài tôi phân vân quá. Bài nào cũng được. Không có gì sâu sắc. Vân Đài chỉ là một người chơi thơ. Nhưng lời thơ bao giờ cũng nhẹ nhàng êm ái. Ít khi tiếng Nam có vị ngọt ngào như thế. Ấy cũng vì Vân Đài chỉ ưa nói những gì rất mong manh, rất bình yên…”. Vân Đài là một trong những nhà thơ nữ hiếm hoi của phong trào Thơ Mới, cùng thời với Anh Thơ, Hằng Phương, Mộng Sơn, Thu Hồng, Nguyễn Thị Manh Manh, T.T.Kh, Mộng Tuyết…
Đặc biệt hai quyển Làm bếp giỏi và Thanh lịch của nữ sĩ Vân Đài đã được tái bản nhiều lần. Có thể xem đây là một trong số những cuốn sách ít ỏi của phụ nữ viết cho phụ nữ với sự tâm tình, chia sẻ nhằm cùng nâng nhau lên, chẳng hạn, theo bà: “Người phụ nữ có giáo dục là người biết cách ăn ở và biết xử sự khôn khéo bất cứ trường hợp nào. Có lễ độ mà không suồng sã, có mực thước nhưng vẫn chân thành. Đối với mọi người bao giờ cũng vui vẻ chân thật, mà không nham hiễm dối trá. Người ấy là người tự chủ được mình và sai khiến được tất cả con cái, người ở của mình về đường giáo dục nữa”. Đây là quyển sách viết tại Luang-Prabang năm 1940, đọc lại vẫn còn thấy chưa lỗi thời. Quyển sách này nhiều người ưa thích và nó đã đi vào giai thoại văn học, rằng, có lần nhà viết kịch Đoàn Phú Tứ có lần trêu bà bằng câu:
Thanh lịch Vân Đài thanh lịch… kịch
Vừa dứt lời, bà đã đối lại:
Ngã ba Phú Tứ ngã ba… hoa.
Cái hay của câu đối này đều có tên tác phẩm của hai người nổi tiếng. Trở về Hà Nội, 4 năm sau bà kết duyên với một người đàn ông góa vợ là Nguyễn Khắc Tường – chuyên viên ngành vô tuyến điện và sống hạnh phúc đến trọn đời. Nhưng ít ai biết rằng lúc này bà đã hoạt động cách mạng, bị Nhật bắt giam:
Năm tám ngày giam trại Hiến binh
Bao nhiêu hình phạt vẫn xem khinh
Roi tra điện kẹp càng căm uất
Xích sắt cùm lim phớt nhục hình
Áo vẫn chỉnh tề chân vẫn vững
Tim không rung chuyển dạ không kinh
Nước non đã hẹn cùng chung mộng
Quyết đập cho tan nỗi bất bình.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám, việc làm có ý nghĩa nhất của bà là từng làm Hội trưởng Hội Bảo Anh Hà Nội – cứu đói cho hàng ngàn trẻ em mồ côi thoát khỏi nạn đói năm 1945. Với một người có tâm hồn vị tha như thế thì việc cả gia đình bà hào hứng đi theo kháng chiến là lẽ tất nhiên. Hồn thơ của bà rung động cùng non sông, đất nước ngày càng hay hơn trước. Có điều lạ, mối tình đầu tiên dù đã tan vỡ nhưng cảnh vật Trà Vinh vẫn đi về trong những tập thơ sau này của bà như Về quê mẹ, Mùa hái quả… với tình cảm tha thiết:
Có những đêm lòng ta ghi nhớ mãi
Dưới trăng ngà trong ấp Bảy, ấp Ba
Ngâm Lục Vân Tiên sang sảng giọng cụ già
Bày trẻ nhỏ lắng nghe quên chạy nhảy
Ta nhớ mãi một trưa hè nắng cháy
Dưới bóng tre rũ lá thấp ngang đầu…
(1962).
Mối tình đầu tiên dù tan vỡ, nhưng vẫn để lại trong tâm trí nữ sĩ Vân Đài những kỷ niệm khó phai.