Một sự kết hợp rất ư hoàn cảnh nhưng lại thật tuyệt vời giữa dĩa dưa củ cải ửng hồng với tô canh khoai mỡ sắc tím bốc khói thơm, trong mùa dịch COVID-19 dằng dai…
Nguyên liệu củ cải tươi hoặc củ cải muối vốn khá quan trọng với các món: hầm, súp nhờ chứa vị ngọt thanh tự nhiên. Hơn nữa, loại củ khá giàu khoáng chất này, còn giúp trong nước dùng và hãm mặn nếu người nấu nêm muối quá tay(*). Mặc dù đôi khi trên bàn ăn, bạn chẳng thấy khoanh củ cải nào trong món súp hải sản khai vị hoặc món lẩu ngọt kiểu người Hoa. Nhưng “công cán” trong đó của củ cải không hề nhỏ. Với lại, củ cải trắng luôn rẻ tiền hơn cà rốt.
Tuy nhiên, đó là thời kinh tế khởi sắc.
Còn hiện nay, dịch COVID cứ dằng dai, nên những món cách tân với củ cải vẫn rất “đưa cơm”.
Chẳng hạn, dĩa củ cải ngâm nước mắm ăn cùng tô canh khoai mỡ và vài con khô cá đù chiên. Một sự kết hợp rất ư hoàn cảnh nhưng lại thật tuyệt vời! Từng miếng dưa củ cải trắng hồng lấm chấm xác ớt đỏ (loại ít cay) cận kề tô canh tim tím, điểm chút hành xanh và tiêu xám trắng trông thật duyên dáng lại chất chứa hồn quê.
Chính hợp âm giòn rào rạo và thoảng đưa hương mắm của miếng dưa củ cải như một làn gió thèm ăn mới. Nó thôi thúc người ăn hào hứng xấn tới chan – húp những muỗng canh khoai ngọt thơm, rồi nhấn nhá nhai từng đũa khô mặn mòi lẫn béo bùi. Hao cơm hết biết!
Mặc khác, củ cải tươi tuy dễ ăn dễ kết hợp với nhiều nguyên liệu từ bình dân đến cao cấp như: cá kèo, tôm thẻ, thịt vịt, thịt bò…; nhưng nếu ăn suông và thường sẽ dễ gây nóng cổ, nổi mụn. Cho nên, dân nghèo Nam bộ chọn giải pháp đem muối dưa là rất khôn ngoan. Bởi vừa bảo quản lâu hơn vừa tăng độ giòn. Vì muối mặn, nên cần phải có món canh đi kèm để cân bằng. Tùy mùa, tùy điều kiện, có thể là canh tập tàng với mớ rau: mùng tơi, bù ngót, bìm bát dây… hoặc canh cải ngọt hay canh khoai vừa kể.
Thời trước ở quê Gò Công, Tiền Giang, hễ đi chợ gặp củ cải tươi rẻ, má tôi thường mua về phơi khô để giành hoặc làm dưa chua với hỗn hợp gồm: nước tương, đường, tỏi ớt giã… để ăn chay.
Cũng ở miệt Giồng Cát, cách thị xã Gò Công khoảng 5 – 6km, củ cải trắng còn có tên khác là “củ cự”. Bởi đa phần dân ở đây, ngoài làm ruộng còn có nghề tay trái là trồng rau cải. Và những hộ nào ít vốn thường chọn gieo trồng củ cải. Do loại rau này, “ăn” ít phân cũng ít bị sâu bệnh, thời gian thu hoạch lại ngắn, dưới 50 ngày.
Có những khi, giá củ cải tuột xuống dưới 700 đồng/kg. Vậy mà, thương lái chỉ thu mua những củ thẳng đẹp và sạch bóng. Thế là, vợ chồng con cái hì hục nhổ, cắt, khệ nệ mang đi chùi rửa. Lắm lúc, cực quá quá “quạu” (nổi nóng) sinh ra cự cãi rân (vang) trời.
- Xem thêm: Tết Huế mà thiếu dưa cải…
Riêng tôi, còn nghe văng vẳng lời mẫu thân dạy: “Con chim manh còn làm được bảy mâm (**). Hơn nhau là ở chỗ biết làm mới món ăn.”
Những ngày trốn dịch, may nhờ xe rau củ cứu trợ của phường tiếp tế. Trong đó, bịch củ cải ít được bà con “chào đón” hơn. Vì mọi người sợ ăn nhiều sẽ bị nóng. Do vậy, tôi thử lấy xắt phơi heo héo, rồi mang làm dưa mắm để ăn dần. Nào ngờ thành công ngoài mong đợi…
________
Chú thích:
(*) Thành phần dinh dưỡng đáng kể trong 100g củ cải trắng, tươi như sau: 3.7g Glucid, 242mg Kali, 41mg Phospho, 40mg Canxi, 30mg Vitamin C…, theo sách Thành phần dinh dưỡng 400 Thức ăn thông dụng, của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, NXB Y Học ấn hành, trang 269
(**) Ý ẩn dụ từ bài đồng dao: “Con chim manh manh”, nhằm khuyến khích sự sáng tạo nơi các bà nội trợ