Cuộc chiến đối đầu Trung Hoa và nước Anh từ năm 1839 đến năm 1842 được gọi là “chiến tranh nha phiến”.
Vào cuối thế kỷ 18, để củng cố quyền bá chủ thương mại tại châu Á, người Anh sử dụng nha phiến như một thứ vũ khí đích thực. Từ thiên niên kỷ thứ nhất, các cây cỏ được sử dụng do đặc tính chữa bệnh của chúng. Nha phiến, được chế tạo từ cây anh túc, đã được biết đến từ thời các vua nhà Đường. Nhưng nha phiến được sử dụng trước tiên với mục đích trị liệu, tuy các tính chất gây nghiện của nó cũng được biết. Vì những lý do thuần túy kinh tế, người Anh sẽ làm tràn ngập thị trường Trung Hoa với loại ma túy đó.
Trong khi Ấn Độ nằm dưới sự kiểm soát của Anh, người Anh muốn thực hiện tại Trung Hoa những lợi lộc giống như tại Ấn Độ. Họ mua các nguyên liệu với giá rẻ rồi bán lại với giá cao những sản phẩm từ ngành công nghiệp vải sợi. Người Anh đã cố bán các sản phẩm đó tại Trung Hoa, nhưng lợi lộc lại không được cao như dự tính. Chính vì thế, họ quyết định quan tâm đến kinh doanh ma túy. Từ năm 1773, họ đạt được độc quyền bán thuốc phiện ở Trung Hoa.
Cây anh túc được trồng tại Bengale, Bihar và Malwa, các khu vực Ấn Độ dưới quyền kiểm soát của Anh. Được sản xuất với giá rẻ, thuốc phiện sẽ tỏ ra là một ngành kinh doanh béo bở hơn là vải sợi.
Kinh doanh thuốc phiện
Tại Trung Hoa, thuốc phiện được sử dụng từ nhiều thế kỷ qua. Vào năm 1620, người dân trên đảo Formose (Đài Loan) bắt đầu trộn thuốc phiện với thuốc lá để sử dụng như ma túy. Người Bồ Đào Nha đã kinh doanh thuốc phiện từ thế kỷ 17 nhờ sự chiếm lĩnh của họ ở Ấn Độ. Họ đã bắt đầu kinh doanh tại Trung Hoa đến mức hoàng đế Trung Hoa đã ngăn cấm buôn bán thuốc phiện. Và người Anh sẽ thay thế. Họ cung cấp loại ma túy này với lượng thật lớn, cho đến 40.000 thùng 65kg mỗi năm tại cảng Quảng Châu.
Công ty Đông Ấn chuyên về ngành kinh doanh này vì tất nhiên họ thu lại lợi lộc rất nhiều. Vào đầu thế kỷ 19, việc bán thuốc phiện là hoạt động chính yếu giữa Ấn Độ thuộc Anh và Trung Hoa. Việc phân phối ma túy được thực hiện bởi các thương nhân Trung Hoa nhưng cũng bởi các quan chức tha hóa của chính quyền hoàng gia. Đến năm 1830, trong khi việc mua bán đang thịnh vượng, người Anh muốn bỏ qua trung gian và bán trực tiếp ma túy theo đường buôn lậu tại các cảng phía Bắc Trung Hoa.
Ma túy và tha hóa
Nhiều mạng lưới được thiết lập, trong đó sự tha hóa chiếm một vị trí chủ chốt. Các mạng lưới tay buôn bắt đầu can thiệp vào cuộc sống kinh tế và chính trị trong nước. Quyền lực hoàng gia, vốn đã rất suy yếu, không thể chống chọi với ưu thế đó của Anh. Thật nghịch lý, chính các nông dân cố chống lại sự xâm chiếm của nước ngoài. Vào năm 1841, cư dân của một ngôi làng nhỏ gần Quảng Châu đương đầu với quân Anh.
Khổ nỗi chính quyền hoàng gia không hậu thuẫn nỗ lực của số nông dân đó bởi vì dựa vào các nông dân đơn giản để tái lập trật tự cũng đồng nghĩa với thú nhận sự bất lực của chính quyền. Hơn nữa, việc buôn bán ma túy giúp cho chính quyền duy trì một sự giả vờ thương thuyết ở cấp độ ngoại giao với nước ngoài.
Vào thời đó, đế quốc Trung Hoa không thích ứng với thực tại kinh tế vào đầu thế kỷ. Đế quốc này quá rộng lớn và sự gia tăng dân số không thể kiểm soát. Sự thiếu thốn cấu trúc ngăn cản việc di chuyển trên một lãnh thổ quá rộng. Các cuộc nổi dậy của nông dân hầu như thường xuyên bùng nổ do đói kém, áp lực thuế khóa và bất bình đẳng. Các mafia địa phương gieo rắc kinh hoàng và tập trung quyền lực do thiếu chính quyền đảm đương các trách nhiệm.
Sự yếu kén của chính quyền hoàng gia có lợi cho phương Tây; họ lợi dụng điều đó để áp đặt cho Trung Hoa những thỏa ước thiệt thòi. Phương Tây thực hiện sự thuộc địa hóa, nhưng không đề nghị đổi lại gì. Những quầy hàng nước ngoài được đặt tại các cảng Trung Hoa trở thành những nhà nước trong Nhà nước đích thực.
Các tiệm hút thuốc phiện ở Trung Hoa
Với việc sử dụng thuốc lá vào thế kỷ 17, người ta có thói quen hút thuốc phiện. Loại ma túy này được lấy ra từ củ anh túc, nơi chứa nhựa của cây, chức nhiều loại alcaloid: morphine, narcotine, codéine… Trong các tiệm hút thuốc phiện Trung Hoa, những người tiêu thụ nằm dài về phía trái. Một tay họ cầm một ống tẩu, còn tay kia múc nhựa thuốc phiện vào một ống chứa. Sau đó, họ nung thuốc phiện cho đến khi nhựa cứng lại. Họ đều đặn nhúng giọt nhựa vào lọ rồi nung nóng. Như thế, họ có được một khối tròn cỡ một quả phỉ được hút trong tẩu. Tạo nên khối tròn là cả một nghệ thuật và người thành thạo có thể tiêu thụ hàng trăm quả mỗi ngày.
Thuốc phiện tàn phá giới tinh hoa của Trung Hoa. Những người tiêu thụ là các văn nhân, quan chức và giới trí thức. Họ hoàn toàn lệ thuộc vào loại ma túy này và nghèo túng, không có tiền để mua thuốc. Rất nhanh chóng, sự lạm dụng thuốc phiện tàn phá những định chế truyền thống. Vào năm 1830, người ta ước tính có khoảng 12,5 triệu người nghiện thuốc phiện tại Trung Hoa.
Thuốc phiện gây ra sự xuống dốc của Đế quốc Trung Hoa
Trong thập niên 1830, đất nước Trung Hoa hầu như đóng cửa với nước ngoài. Tuy nhiên một khu phố ở cảng Quảng Châu vẫn mở cửa với các thương nhân nước ngoài. Khu phố được đặt dưới sự kiểm tra của các thương nhân Trung Hoa (hệ thống Cohong)’ ở đấy người Anh trao đổi bông vải và thuốc phiện Ấn Độ với trà và tơ lụa. Cảng Macao vẫn là thuộc địa của Bồ Đào Nha.
Từ năm 1834, người Anh thực hiện nhiều hành động trả đũa chính phủ gây trở ngại cho việc kinh doanh của họ. Đối diện với sự xâm lăng thực sự của thuốc phiện, chính phủ ngăn cấm việc bán loại ma túy đó. Ma túy đã làm mất quân bình hoàn toàn cán cân thương mại. Dù Trung Hoa xuất khẩu các sản phẩm tinh tế, đặc biệt là tơ lụa và trà, nhưng điều này cũng không đủ để bù đắp việc nhập khẩu thuốc phiện Ấn Độ. Hơn nữa, tiền đó không được đầu tư cho Trung Hoa.
Rất nhanh chóng, một cuộc khủng hoảng tiền tệ giáng xuống Trung Hoa. Nhưng như thường lệ, không phải các thương nhân hay những chủ nhân giàu sang phải chịu đựng. Những người nghèo nhất lại càng nghèo thêm trong một đất nước mà đa số người dân sống trong sự nghèo khổ.
Vào năm 1839, Chính phủ Bắc Kinh quyết định ngăn cấm việc nhập khẩu thuốc phiện. Quan huyện Lâm Tắc Từ tuân thủ và phá vỡ một kho thuốc phiện Ấn Độ lớn tại Quảng Châu. Để trả đũa, người Anh gia tăng các hoạt động cướp bóc, oanh tạc Quảng Châu rồi xâm nhập lục địa đến Nam Kinh.
Do không có quân đội mạnh nên chính quyền hoàng gia buộc phải nhượng bộ trước sức mạnh của Anh. Hòa ước Nam Kinh ký kết vào tháng 8.1842 nhượng cho Anh mọi ưu thế thương mại và nhượng hòn đảo Hồng Kông. Nước Anh thu được bán đảo Cửu Long năm 1860 và đến năm 1898 có một nhượng quyền 99 năm tại các lãnh thổ mới trên 235 hòn đảo ngoài khơi Hồng Kông. Theo thỏa ước Trung-Anh năm 1984, lãnh thổ được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Cuộc chiến nha phiến mở cửa Trung Hoa với thương nhân nước ngoài. Trong những năm tiếp theo, Chính phủ Trung Hoa cố gắng củng cố sự phòng vệ và quân đội, nhưng sự nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế, chủ yếu phát sinh từ cuộc chiến nha phiến, làm trầm trọng thêm các căng thẳng xã hội. Những cuộc nổi dậy của nông dân cuối cùng làm rúng động đế quốc.
Một cuộc chiến nha phiến thứ nhì khởi phát từ năm 1856 sẽ kéo dài 4 năm. Nước Anh và Pháp sẽ dính líu vào giai đoạn chiến tranh mới này. Sau cuộc chiến thứ nhì đó, việc nhập khẩu thuốc phiện lại được hợp pháp hóa ở Trung Hoa.