Cuối tháng 4 vừa qua, Việt Nam phải đối mặt với đợt COVID-19 thứ tư. Nhiều chuỗi lây nhiễm xuất hiện với biến thể mới đã khiến dịch bệnh lan rộng và nhanh chóng. Một số vùng buộc phải phong toả, người dân thực hiện quy định giãn cách xã hội ở toàn thành phố và ở nhiều khu công nghiệp sản xuất.
YouGov Việt Nam đã phỏng vấn 1.000 người tiêu dùng để hiểu rõ hơn về suy nghĩ và phản ứng của họ trong đợt dịch COVID-19 lần này qua khảo sát trực tuyến Omnibus.
Người Việt Nam nghĩ gì về làn sóng COVID-19 thứ tư?
Một trong số những câu hỏi quan trọng được đưa ra liên quan đến sự bất an của mọi người trước dịch bệnh bùng phát. Hai phần ba (66%) số người tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy “rất sợ hãi”, và 25% nói rằng “khá sợ hãi”. Nhìn tổng quan, 90% dân số Việt Nam lo lắng rằng mình sẽ mắc COVID-19.
Do vậy, không ngạc nhiên mà mọi người thực hiện nghiêm túc những quy định để bảo vệ gia đình và người thân của họ. 84% người Việt đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. 76% rửa tay hoặc sử dụng dung dịch kháng khuẩn thường xuyên và tránh đến những nơi có tụ tập đông người. 71% giữ khoảng cách ít nhất 2m với người khác. Thêm đó, 65% đáp viên tránh sử dụng phương tiện công cộng và 33% công nhân viên chức làm việc tại nhà.
Ngoài ra, người dân cũng ủng hộ và tuân thủ các quy định và biện pháp phòng tránh nghiêm ngặt nhằm giảm sự lây lan của vi-rút. Khi được hỏi: Chính phủ nên làm gì để ứng phó với làn sóng thứ tư này, 83% người dân ủng hộ việc cách ly F1 – những người đã tiếp xúc trực tiếp với trường hợp được xác nhận dương tính. 80% đáp viên đồng tình với việc phong toả những khu vực có liên quan đến các trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19.
72% người dân đồng tình với chính sách cách ly hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua đường hàng không, và 54% người dân mong muốn dừng tất cả các chuyến bay quốc tế vào Việt Nam
Mặc dù có sự bất an về tình hình dịch bệnh, người dân tin tưởng rằng Việt Nam sẽ khoanh vùng và dập dịch như đã ứng phó với các làn sóng dịch trước đây. 54% mọi người nói là “rất tự tin” và 36% nói rằng “khá tự tin” vào khả năng dập dịch bệnh lần này, nghĩa là cứ mười người được hỏi thì chín người tin rằng Việt Nam sẽ sớm qua khỏi đại dịch.
Làn sóng dịch bệnh đã ảnh hưởng thế nào tới hành vi tiêu dùng của người dân
Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi phương thức vận hành và quản lý của nhiều công ty, doanh nghiệp, cụ thể 69% đáp viên đang làm việc ở nhà.
Hai phần ba (62%) đáp viên đã ‘tích trữ’ nhu yếu phẩm cần thiết chuẩn bị ứng phó với quy định giãn cách xã hội mới nhất.
Đề cập đến tình hình tài chính cá nhân, một nửa số người tiêu dùng (49%) nói rằng tình hình tài chính hiện nay đang tồi tệ hơn so với 6 tháng trước.
Tuy nhiên, người dân có niềm tin mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ sớm vượt qua làn sóng thứ tư này. 44% đáp viên cho rằng tình hình kinh tế – tài chính sẽ khởi sắc trở lại trong 6 tháng tiếp theo, 34% dự đoán tình hình sẽ ổn định hơn.
Nhìn chung, chi tiêu của người dân giảm ở cả kênh mua hàng trực tiếp tại cửa hàng và mua hàng trực tuyến. Tuy nhiên, sự sụt giảm này rõ rệt hơn ở các cửa hàng bán lẻ truyền thống, nơi 57% người tiêu dùng cho biết họ chi tiêu ít hơn. Con số đó so với 53% những người giảm chi tiêu trên các kênh mua hàng trực tuyến. Đáp viên giảm chi tiêu nhiều nhất ở hạng mục quần áo, 58% giảm mua quần áo trực tuyến và 62% giảm mua tại các cửa hàng. Mặt khác, chi tiêu tăng mạnh ở các mặt hàng tạp hoá – thực phẩm, cụ thể người dân tăng khoảng 35% khoản chi tiêu này ở cả kênh mua hàng tại cửa hàng trực tiếp và đặt hàng trực tuyến.
Với quy định giãn cách xã hội mới, người dân phải ở nhà nhiều hơn, việc này đẩy mạnh nhu cầu giao dịch trực tuyến. Khi được hỏi về phương thức thanh toán ưa thích của họ trong thời gian gần đây, 38% đáp viên ưu tiên sử dụng ví điện tử, 23% lựa chọn chuyển khoản ngân hàng. Tiền mặt đứng ở vị trí thứ ba với 21%.