Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, vừa trở thành người Việt tiếp theo nằm trong bảng xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index, nhờ giá cổ phiếu Masan tăng mạnh thời gian qua. Hãng tin Bloomberg sáng 19/1 đưa tin, “nước mắm giúp sản sinh tỷ phú USD mới nhất của Việt Nam”.
Cổ phiếu Masan, tập đoàn sản xuất nhiều mặt hàng tiêu dùng, trong đó có nước mắm, đã tăng giá gấp hơn hai lần trong 6 tháng qua, so với mức tăng 37% của chỉ số VN-Index.
Tốc độ tăng giá cổ phiếu này đã nâng giá trị tài sản ròng của ông Quang, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Masan, lên mức 1,2 tỷ USD – theo dữ liệu của Bloomberg Billionaires Index.
“Masan phục vụ người tiêu dùng bằng những sản phẩm ‘phải có’ như nước mắm, mỳ tôm, cho tới những sản phẩm ‘nếu có thì tốt’ như tương ớt, cháo ăn liền hoặc xúc xích”, ông David Anjoubault, Tổng giám đốc công ty nghiên cứu Kantar Worldpanel Việt Nam, phát biểu.
Theo số liệu của Kantar, 95% hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng ít nhất một sản phẩm tiêu dùng của Masan.
“Các nhà sản xuất thực phẩm trong nước như Masan hiểu rõ về nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng tại một quốc gia mà tính địa phương là một nhân tố sống còn để thành công”, ông Anjoubault nói.
Ông Quang và vợ hiện nắm cổ phần 49% trong tập đoàn Masan. Vào thời điểm tháng 9/2015, ông Hồ Hùng Anh, người cùng ông Quang lập nên Masan và hiện là Phó chủ tịch Masan, sở hữu 47,6% cổ phần.
Tuy nhiên, Bloomberg nói hiện không thể xác định được mức cổ phần của ông Hùng Anh trong Masan hiện nay, nên không tính tài sản của ông.
Giá cổ phiếu Masan tăng mạnh trở lại sau một đợt giảm vào năm ngoái do giá thịt lợn tại Việt Nam lao dốc trong bối cảnh Trung Quốc dừng nhập thịt lợn Việt Nam. “Giá thịt lợn hồi phục do Trung Quốc nối lại việc nhập lợn của Việt Nam, gia tăng triển vọng cho cổ phiếu Masan Group trong năm nay”, ông Vũ Xuân Thọ, nhà phân tích cấp cao thuộc Korean Investment & Securities ở Seoul, đánh giá.
Theo thông tin trên website Masan, ông Quang bắt đầu kinh doanh vào thập niên 1990 sau một thời gian học ở Nga, nơi ông lấy bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA) Đại học Kinh tế Nga Plekhanov. Ông cũng có bằng tiến sỹ về khoa học kỹ thuật của Học viện Khoa học Quốc gia Belarus.
Ông Quang nhận thấy cơ hội kinh doanh khi nước Nga trải qua quá trình chuyển đổi kinh tế, và ông khởi nghiệp bằng cách bán mỳ ăn liền cho cộng đồng người Việt ở Nga. Sau đó, ông xây dựng một nhà máy sản xuất 30 triệu gói mỳ mỗi tháng, đồng thời bổ sung thêm các sản phẩm nước tương, nước nắm và tương ớt.
Sau khi thành công ở Nga, ông Quang về Việt Nam vào năm 2001 và tập trung kinh doanh tại thị trường trong nước.
Kantar xếp hạng Masan Consumer là một trong ba nhà sở hữu thương hiệu thực phẩm hàng đầu Việt Nam, bên cạnh Unilever NV và Vinamilk.
Sản phẩm được biết đến nhiều nhất của Masan là nước mắm, với các thương hiệu Chin-Su và Nam Ngư, cùng với thịt và thực phẩm đóng gói. Masan cũng sở hữu hơn 1/3 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương (Techcombank). Triển vọng lên sàn của Techcombank cũng giúp giá cổ phiếu Masan tăng mạnh.
Năm ngoái, Masan Group nhận 250 triệu USD vốn đầu tư từ công ty Mỹ KKR & Co., trong đó 150 triệu USD được rót vào mảng sản xuất thịt có tên Masan Nutri-Science.
Đó là đợt rót vốn thứ ba của KKR & Co. vào Masan Group kể từ năm 2011. Đợt đầu tiên có quy mô 159 triệu USD và là vụ đầu tư cổ phần tư nhân lớn nhất Việt Nam vào thời điểm đó.
Trước ông Quang, Việt Nam đã có hai tỷ phú USD được Bloomberg ghi nhận, bao gồm tỷ phú bất động sản Phạm Nhật Vượng của Vingroup và tỷ phú hàng không Nguyễn Thị Phương Thảo của VietJet Air. Bà Thảo cũng là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của khu vực Đông Nam Á.
- Theo Vneconomy