Các tỉ phú có những điều mà hầu hết chúng ta không có.
Nhưng đó chỉ là vì chúng ta chưa học mà thôi.
Alex Charfen là một nhà khởi nghiệp hàng loạt, đồng sáng lập và CEO của Charfen – chuyên cung cấp công cụ giúp các nhà khởi nghiệp tăng tốc và phát triển công ty.
Alex Charfen đã dành nhiều thời gian cùng các tỉ phú, nghiên cứu về họ và đây là điều mà ông đã khám phá: Tỉ phú là tỉ phú vì tất cả đều tuân theo một tập hợp các quan điểm hay nguyên tắc độc đáo, giúp họ kiên trì tập trung vào những điều mà người khác lại thấy đó là thử thách.
Alex Charfen gọi 10 nguyên tắc này là “The Billionaires’ Success Framework” (tạm dịch Bộ khung thành công của các tỉ phú).
Nguyên tắc 1: Đơn giản trong mục đích
Tỉ phú là tỉ phú vì khi họ xây dựng một đế chế, họ cực kỳ tập trung vào một mục tiêu cụ thể. Mọi nỗ lực và toàn bộ năng lượng của họ được dành cho việc theo đuổi mục đích được xác định rõ ràng. Ví dụ:
- Henry Ford muốn dân chủ hóa chiếc xe ôtô – để mọi người đều có thể sở hữu ôtô.
- Bill Gates muốn máy tính cá nhân có mặt trong mọi gia đình ở Mỹ.
- Steve Jobs muốn đưa sức mạnh của máy tính vào bên trong một chiếc điện thoại (và làm cho nó cực kỳ dễ sử dụng).
Khi chúng ta nhìn vào toàn bộ các mục tiêu này, chúng có vẻ to lớn, vĩ đại, nhưng tất cả đều có thể được nêu trong một câu duy nhất và dễ hiểu.
Nguyên tắc 2: Đơn giản trong kế hoạch
Các tỉ phú không nổi tiếng với những kế hoạch quá chi tiết, quá công phu.
Herb Kelleher, nhà sáng lập hãng hàng không giá rẻ danh tiếng Southwest Airlines, không sử dụng những con số phức tạp và bí mật kỹ thuật để làm đảo lộn ngành hàng không. Kế hoạch của ông cho Southwest có ba nguyên lý:
- Cất cánh và hạ cánh
- Vui vẻ
- Là một hãng hàng không “giá rẻ”
Những nguyên lý cực kỳ đơn giản này là nền tảng của hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hàng không. Giữ mọi thứ đơn giản giúp tất cả nhân viên – không chỉ những người lãnh đạo chủ chốt – tập trung vào các hoạt động sẽ có tác động lớn nhất đến sự thành công của công ty.
Nguyên tắc 3: Hạn chế những gì bạn sẽ chịu đựng
Các tỉ phú giới hạn những gì họ sẽ chịu đựng – nghe có vẻ vô lý nhưng nó thật sự tuyệt vời.
Các tỉ phú không gặt hái thành công từ những mong muốn của họ; họ thu thập từ thế giới này bằng cách giới hạn những gì mà họ sẽ chịu đựng.
- Họ không chịu đựng những người thiếu năng lực hoặc không giúp ích được gì.
- Họ không chịu đựng nếu không có kết quả.
- Họ không chịu đựng các áp lực xã hội – họ sẵn sàng đón nhận sự cô lập, cô độc và thách thức để xây dựng điều gì đó thật sự lớn lao.
Tỉ phú là 1 phần trăm những người chịu đựng được những gì 99 phần trăm chúng ta tránh, và nói chung tránh được những gì mà 99 phần trăm chúng ta chịu đựng. Họ không ngừng tối ưu hóa cuộc sống của họ. Họ tự hỏi mình hằng ngày “Điều gì tôi có thể tống khứ hôm nay để làm cho ngày mai tốt hơn?”.
Họ có khả năng xác định và thanh lọc mà không do dự, đó là lý do tại sao họ lại tạo ra những thành quả lớn nhất trên thế giới.
Nguyên tắc 4: Hoàn toàn tin cậy vào người khác
Các tỉ phú không chỉ thỉnh thoảng dựa vào người khác; họ hoàn toàn dựa vào đội ngũ để tiến lên mỗi ngày. Từ trợ lý cá nhân đến các thành viên của hội đồng quản trị, nhà tỉ phú rất giỏi nuôi dưỡng những mối quan hệ chuyên nghiệp để họ có thể dựa vào đó khi cần nhất.
Không một cá nhân nào tự mình có thể tạo ra đòn bẩy và động lực cần thiết để làm nên giá trị hàng tỉ đôla. Nhà tỉ phú là người đưa ra yêu cầu, cung cấp sự bảo vệ và hỗ trợ, bởi vì họ biết rằng các doanh nhân khởi nghiệp không thể tự mình đạt được bất cứ điều gì, và khi sát cánh cùng nhau chúng ta tiến về phía trước nhanh hơn.
Nguyên tắc 5: Cam kết tuyệt đối
Một phần do sự phụ thuộc vào người khác, các tỉ phú cũng hoàn toàn tận tâm đối với họ – bao gồm khách hàng, nhà đầu tư, nhưng đặc biệt là với nhân viên và đội ngũ thân thiết của họ.
Dạng ám ảnh này có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, một số người bị ám ảnh bởi việc tạo ra sản phẩm hoàn hảo tuyệt đối, một số bị ám ảnh bởi sự thành công và giàu có trên khắp thế giới. Nhưng sau hết là về con người.
- Những năm đầu trong sự nghiệp, Bill Gates lo sợ về tính khí dữ dội của mình, và đã học cách để trở thành một người thầy – cố vấn mạnh mẽ, có giá trị cho các nhà lãnh đạo hàng đầu ở Microsoft.
- Warren Buffett đã tạo ra một trong những tài sản và đế chế kinh doanh vĩ đại nhất trong lịch sử, nhưng chỉ sau khi ông nhận ra sự cần thiết phải phát triển những nhà lãnh đạo xuất sắc và giữ quan hệ gần gũi với họ.
Và khi nói đến những người tạo ra đòn bẩy cho các tỉ phú, sự cam kết này là tuyệt đối và không thể lay chuyển. Những người quan trọng trong cuộc đời của một tỉ phú, từ các đối tác sáng lập cho đến trợ lý của họ, luôn luôn được quan tâm và thường được yêu cầu gắn bó một thời gian dài trong cuộc đời của họ.
Nguyên tắc 6: Sử dụng các hệ thống truyền thông
Mọi người đều biết rằng giao tiếp là điều cần thiết để doanh nghiệp thành công. Nhưng theo Alex Charfen cho biết, ông đã có cơ hội gặp gỡ nhiều doanh nhân thành đạt và hầu hết họ đều có chung một đặc điểm đáng ngạc nhiên: Họ gặp khó khăn trong giao tiếp. Trên thực tế, các tỉ phú, doanh nhân thành công nhất, có xu hướng gặp khó khăn lớn nhất.
Nhưng họ vẫn thành công vì họ dựa vào những hệ thống truyền thông chứ không phải dựa vào kỹ năng giao tiếp của chính họ. Tất cả các tỉ phú tạo ra những phương pháp để theo dõi chính xác tiến độ, đo lường kết quả và tối ưu hóa hiệu suất. Họ hiểu tầm quan trọng của việc có thể thấy được toàn cảnh thông qua bối cảnh và họ sử dụng các phương thức giao tiếp có hệ thống, nhất quán và đáng tin cậy.
Bằng cách này, họ có thể lấp đầy những khoảng trống mà khả năng của chính họ còn thiếu và tạo ra động lực phát triển.
Nguyên tắc 7: Thông điệp cần được chủ động gửi đến họ
Các tỉ phú không chờ đợi ai đó liên lạc với họ. Họ không dạo quanh để tìm kiếm thông tin mà họ cần hoặc nghiên cứu câu trả lời của họ trong nhiều giờ. Họ mong muốn thông tin sẽ được tuyển chọn, cô đọng và được gửi trực tiếp đến họ mà không cần phải yêu cầu. Đây là những gì họ mong muốn từ đội ngũ của mình.
Những người trị giá hàng tỉ đôla không “mắc lầy” với những thông tin không quan trọng và không phù hợp – họ biết chính xác những gì họ cần xem và khi nào họ nên xem. Những người chịu trách nhiệm tạo đà trong thế giới của một tỉ phú được yêu cầu chủ động truyền đạt thông tin này mà không cần được yêu cầu. Họ chủ động đẩy thông tin quan trọng lên trên mỗi việc và mỗi ngày để người tỉ phú biết đầu tư thời gian, sức lực của mình vào đâu.
Nguyên tắc 8: Tiêu thụ có chủ đích
Tiêu thụ mà không có chủ đích là lãng phí.
Các tỉ phú cực kỳ có chủ ý với việc tiêu thụ tài nguyên của họ và không có tài nguyên nào được tiêu thụ thấu đáo hơn thông tin. Thông thường, thông tin họ cần sẽ liên quan đến một vấn đề hoặc quyết định rất cụ thể. Nếu không có nhu cầu, họ có xu hướng bỏ qua thông tin.
Nếu thông tin không đưa được bạn tới nơi bạn muốn, thì nó sẽ làm bạn thất vọng. Các tỉ phú biết điều này, và bạn cũng nên như vậy.
Nguyên tắc 9: Ra quyết định dựa trên dữ liệu và câu chuyện
Các tỉ phú không đánh bạc – họ ra quyết định dựa trên sự kết hợp của dữ liệu và câu chuyện. Bởi vì họ biết giá trị của quan điểm kép – một bắt nguồn từ con số và một bắt nguồn từ con người.
Nếu họ chỉ dựa vào dữ liệu, thì một con số sai lệch, một điểm dữ liệu được ghi lại không chính xác có thể làm lệch đáng kể khả năng đưa ra quyết định đúng của họ. Nếu họ chỉ dựa vào tường thuật, lý luận của họ sẽ bị chủ quan do mức độ phổ biến hoặc do tình cảm, và họ sẽ đưa ra quyết định mà không có bất cứ điều gì khách quan hậu thuẫn.
Chỉ bằng cách phân tích dữ liệu và có những cuộc trò chuyện sâu sắc với đúng người, các tỉ phú mới có thể nắm bắt đủ bức tranh để đưa ra quyết định chất lượng.
Nguyên tắc 10: Minh bạch một cách chủ động
Nhiều người nghĩ về minh bạch như là sự sẵn sàng để trả lời các câu hỏi. Nhưng điều khiến các tỉ phú tách biệt với hầu hết mọi người là khả năng minh bạch một cách chủ động.
Các tỉ phú chủ động trong truyền thông để tránh những hiểu lầm và loại bỏ bất kỳ trở ngại nào đối với tổ chức của họ. Họ biết rằng những mục tiêu mơ hồ và một mục đích không rõ ràng có thể ngăn chặn đà phát triển, vì vậy, họ không chờ đợi mọi người tiếp cận họ bằng những câu hỏi. Họ hiểu tầm quan trọng của việc chủ động xuất hiện và chia sẻ những gì họ cần với những người xung quanh.
Sự minh bạch chủ động là rất quan trọng vì nó bảo đảm rằng các đội nhóm hiểu được kết quả và có chung quan điểm. Minh bạch chủ động cũng giúp tăng sự tự tin trong quá trình lãnh đạo. Việc thiếu minh bạch chỉ làm tăng áp lực và sự ồn ào cho các tỉ phú, đồng thời gây khó khăn cho việc tạo ra kết quả mà họ mong muốn.
Dù ở tầm mức kinh nghiệm hay quy mô kinh doanh nào đi nữa, “Bộ khung nguyên tắc thành công” của các tỉ phú tự thân bao gồm những bài học mà mọi doanh nhân có thể tích hợp để xây dựng các doanh nghiệp tăng trưởng cao và xây dựng các doanh nghiệp xung quanh họ.