Dù đã là U60, tôi và nhiều bạn bè cùng trang lứa vẫn rộn ràng khi tháng 9 về cùng với mùa tựu trường nhộn nhịp. Tôi vẫn thuộc nằm lòng bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh. Miền Nam không có mùa thu với“Lá ngoài đường rụng nhiều” nhưng vẫn có “Những đám mây bàng bạc” và “Lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm nôn nao của buối tựu trường”. Ngày tựu trường là ký ức thiêng liêng, ngọt ngào của tuổi học trò. Cả mùa hè xa trường nên ai cũng mong chờ ngày khai giảng để gặp lại thầy cô và bè bạn. Trước đó phải chuẩn bị tập vở, quần áo, phù hiệu, sách giáo khoa. Thường là dùng lại sách cũ, có khi cả chục năm. Nhà đông anh em chỉ cần mua một bộ, dùng lần lượt. Vừa tiết kiệm, vừa dễ học hỏi các anh chị. Rồi ghé trường làm thủ tục. Có cảm giác trường lớp cũng nhớ mình. Cả đêm thấp thỏm đợi sáng và ngày khai giảng luôn vỡ òa hạnh phúc…
Đó là chuyện ngày xưa. Khai giảng bây giờ chỉ là hình thức. Học sinh mất dần cảm xúc còn phụ huynh thì tất bật đủ thứ lo toan. Ngày nay, mùa hè cũng là mùa học thêm, trường nào cũng “tựu trường” trước ít nhất nửa tháng. Khai giảng chỉ là hình thức, rập khuôn với những diễn văn lê thê, dài dòng báo cáo, phát biểu viết sẵn, những nghi thức máy móc. Khai giảng là của học sinh nhưng đang dần biến thành của lãnh đạo nhà trường với lãnh đạo địa phương. Nhiều trường còn tổ chức lễ khai giảng thử, tập dợt mấy ngày liền. Báo cáo với vài người nhưng lại bắt cả trường chịu trận ngồi nghe và làm phông trang trí. Khai giảng nhưng nhiều trường chỉ cử đại diện học sinh tham dự và cố tổ chức hoành tráng để “oai” với phụ huynh, với lãnh đạo và cả với các trường khác. Thầy cô thì uể oải, học trò mệt mỏi, chẳng ai còn hứng thú. Nhiều em bị tước mất “Quyền dự lễ khai giảng”. Lễ khai giảng ngày càng bị biến tướng. Vô tình, các em đã học cách dối trá và đối phó từ buổi lễ thiếu cả sự chân thực và trân trọng đối với các em.
Phụ huynh có con vào đầu cấp thì lo chạy trường từ mấy năm trước như những “áp phe cuộc đời”. Chạy từ nhà trẻ, chạy lên mẫu giáo. Chạy vào lớp 1 rồi lớp 6, lớp 10 và vào đại học. Nhà nhà chạy như cuộc đua marathon cả nước. Rồi lo đóng tiền trường, tiền hội phụ huynh, tiền đồng phục… và… Có đến mấy chục khoản. Mỗi năm lại “sáng tạo” thêm vài khoản mới. Nhiều gia đình chạy vạy mửa mật. Mùa khai giảng trở thành mùa chạy, mùa lo toan, mùa ám ảnh, mùa đóng hụi chết… Không thể có chất lượng nghiêm túc nói chi tới việc cất cánh nếu cứ giáo dục kiểu “phản giáo dục” như vậy. Hãy trả ngày khai giảng cho các em. Tựu trường phải là mùa vui của cả nước. Thiên hạ đều làm như vậy.
Nguyễn Văn Mỹ