Trào lưu sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng thịnh hành, có người còn cho là đẳng cấp, nhưng mặt trái lại ít được quan tâm. Nhiều ca nhập viện, tử vong diễn ra trên thế giới gần đây.
Thuốc lá điện tử (E-cigarettes hay Vaping) là sản phẩm mô phỏng thuốc lá thông thường cả về hình thức lẫn chức năng. Nó được Herbert A. Gilbert, doanh nhân người Mỹ kiêm người đệ tử của thuốc lá, sáng chế. Mỗi ngày Gilbert hút hết 2 bao, đã đưa ra ý tưởng thuốc lá điện tử hay “thuốc không khói” vào năm 1963. 4 thập kỷ sau, vào năm 2003, dược sĩ Đông y người Trung Quốc Hàn Lực tiếp tục phát triển và hoàn thiện với hình dạng như ngày nay.
Hơi của E-cigarettes được tạo ra giống như kỹ thuật được áp dụng để tạo sương mù trên các sàn nhảy disco. Khác với thuốc lá truyền thống, E-cigarettes không tạo khói mà sinh ra luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống thuốc lá thật. Do không tạo khói khi hút nên thuốc lá điện tử được các nhà sản xuất quảng cáo rùm beng với khả năng loại bỏ các chất độc và mùi khó chịu như có trong thuốc lá điếu.
Tuy không khác nhiều với thuốc lá điếu, E-cigarettes lại đa dạng về kích thước và hình dạng. Ngoài ra, còn có loại thuốc lá điện tử có thể dùng lại nhiều lần, gọi là E-Shishas, riêng pin dùng cho thuốc lá điện tử có thể sạc và dùng nhiều lần. E-cigarettes được quảng cáo ích lợi vượt bậc so với thuốc lá truyền thống như không chứa các chất độc hại như thuốc lá thường, có thể giúp người hút bỏ dần thói quen hút thuốc sau một thời gian.
Quảng cáo này thiếu hẳn các căn cứ khoa học, cần nhiều thời gian để xác minh, nhưng gần đây đang dần bộc lộ nhiều nhược điểm, hệ lụy, nhiều người đã tử vong vì nó. Do thuốc lá điện tử là sản phẩm mới nên số lượng người dùng tăng nhanh, việc kiểm soát và ban hành luật đã không theo kịp. Ngay cả ở các nước phát triển Âu-Mỹ, các quy định và luật liên quan đến thuốc lá điện tử vẫn chưa hoàn chỉnh.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát & Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), nhóm người trẻ tuổi dưới 18 tuổi có xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử cao gấp 3 lần so với người lớn. Sở dĩ có điều này là do nhiều người ngộ nhận, tin rằng thuốc lá điện tử không có nicotine. Đại học California của Mỹ đã phân tích mẫu nước bọt và nước tiểu của 67 thanh thiếu niên dùng thuốc lá điện tử, 17 thiếu niên hút thuốc lá điếu truyền thống hoặc cả hai và 20 người trẻ khác không hút thuốc. Kết quả: nhóm dùng thuốc lá điện tử có hàm lượng các hợp chất hữu cơ độc hại cao gấp 3 lần nhóm không hút thuốc và tương đương với nhóm hút thuốc lá điếu truyền thống.
Lý do: nicotine không phải là thứ độc hại duy nhất có trong một điếu thuốc lá, mà còn có các hóa chất khác như acrylonitrile, acrolein, propylene oxide, acrylamide, crotonaldehyde…Ngoài ra, các chất bảo quản propylen glycol hay glycerin được sử dụng để giữ các dung dịch trong thuốc lá điện tử ở dạng lỏng, có thể an toàn trong nhiệt độ phòng nhưng khi được đốt nóng ở nhiệt độ để bốc hơi lại vô cùng độc hại. Theo tiến sĩ Mark L.
Rubinstein, giáo sư nhi khoa ở Đại học California ở San Francisco, thành viên nhóm nghiên cứu, các thiếu niên cần hít không khí trong lành chứ không phải khói thuốc, ở bất kỳ dạng nào cũng rất độc hại, kể cả cho người hút lẫn người xung quanh, hay còn gọi là hút thụ động, tức hít phải hơi do người hút phả ra.
Dưới đây là 6 sự thật về thuốc lá điện tử (TLĐT) vừa được tạp chí trực tuyến Listverse.com (LC) của Anh cập nhật giúp mọi người hiểu thêm về loại “thuốc không khói” này:
Những bệnh nhân TLĐT đầu tiên ở Mỹ
Đó là một thiếu niên được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Wisconsin (CHW) ngày 11.6.2019 do khó thở, sốt và sụt cân. Ban đầu, các bác sĩ nghĩ rằng bị nhiễm trùng phổi do hít phải bụi mịn trong không khí. Nhưng sau khi làm các xét nghiệm hóa ra không phải vậy mà do phổi hít phải một chất độc nguy hại. Cũng trong tháng 6, ba thiếu niên khác được đưa đến CHW với các triệu chứng tương tự kèm tiêu chảy và nôn.
Giống như bệnh nhân đầu, đường thở của 3 thiếu niên sau bị khô và chảy máu. Ban đầu, các bác sĩ không hiểu tại sao lại có căn bệnh phổi bí ẩn này. Sau khi khám, hỏi cặn kẽ và làm các xét nghiêm thì hóa ra, tất cả đã sử dụng TLĐT nhiều năm. Tuy nhiên, lý do TLĐT là thủ phạm vẫn chưa được hiểu rõ bởi chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu. Các bác sĩ đều kkẳng định sơ bộ nguyên nhân, được đặt tên là EVALI, một ổ dịch không gây nhiễm trùng chết người, và là căn bệnh chưa từng có trước đây.
Ca tử vong đầu tiên vì TLĐT ở Anh
Giáo sư Stanton Glantz, giám đốc Trung tâm Kiểm soát & Giáo dục, Nghiên cứu thuốc lá, trụ sở tại San Francisco, cho biết TLĐT rất hại cho sức khỏe. Giáo sư Glantz còn tham gia phát hành 90 triệu trang tài liệu bí mật nói về ngành công nghiệp thuốc lá. Theo ông, tuy nguy hiểm là vậy nhưng không hiểu sao Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) lại phớt lờ những cảnh báo này, khẳng định Anh không giống Mỹ bởi họ đã cấm sử dụng vitamin E acetate trong TLĐT, bởi từ lâu nó được coi là thủ phạm gây ung thư phổi.
Về phần mình Glantz không có phản đối gì, nhưng ông cũng chỉ ra rằng hóa chất chưa bao giờ được xác nhận là thủ phạm. Ngay cả CDC và lẫn Cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng khẳng định ngay cả trong trường hợp không hít dầu cần sa, vitamin E thì vẫn có thể mắc bệnh. Trên thực tế, tại Anh đã có nhiều người mắc bệnh do TLĐT gây ra trước cả Mỹ.
Năm 2018, các bác sĩ ở Birmingham đã phát hiện một phụ nữ trẻ có triệu chứng kinh điển do hút thuốc lá điện tử bởi tìm thấy lipit béo trong phổi của nữ bệnh nhân này. PHE vẫn tiếp tục khuyến khích công chúng sử dụng thuốc lá điện tử để bỏ hút thuốc, mặc dù năm 2010 Terry Miller, 57 tuổi, được xem là ca tử vong đầu tiên tại Anh do viêm phổi lipoid, hít phải nicotine đậm đặc pha trộn dầu có trong thuốc lá điện tử.
Phổi của nạn nhân TLĐT giống như người bị tấn công bằng khí gas
Trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận Mỹ Mayo Clinic (MC) đang vấp phải “hòn đá tảng” trong quá trình tìm kiếm nguyên nhân gây ra bệnh do hút TLĐT. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học MC đã kiểm tra sinh thiết phổi của 17 bệnh nhân, một số người trong số này đã chết với hy vọng tìm thấy tổn thương do chất lỏng từ TLĐT, dạng như chất béo tích tụ trong phổi. Thay vào đó, MC lại phát hiện thấy phổi của những người này có hiện tượng bị bỏng hóa chất cấp và hình thành sẹo giống như nạn nhân bị tấn công bằng khí gas hay các tác nhân hóa học độc hại.
Mặc dù MC không thể thu hẹp nguyên nhân, song lại tìm thấy bằng chứng thuyết phục về chất độc mà người ta tin rằng đây là một sản phẩm phụ chưa biết gây chết người có trong TLĐT. Sau khi kiểm tra một số lượng lớn những người hút TLĐT, các chuyên gia MC đã công bố kết quả nghiên cứu và gọi đây là thủ phạm nguy hiểm có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng sức khỏe của cộng đồng trong tươg lai nếu TLĐT không được quản lý chặt chẽ.
Thuốc lá điện tử có liên quan đến cần sa
Sau khi có những ca bệnh, tử vong vì TLĐT, CDC đã vào cuộc và phát hiện thấy TLĐT có chứa THC. Ví dụ: trong số 17 người có sinh thiết được phân tích bởi Mayo Clinic, có 12 có liên quan đến TLĐT hoặc cần sa. Có khoảng 85% những người thừa nhận hút thuốc điện tử có chứa THC mua trên thị trường chợ đen. Điều này đồng nghĩa, TLĐT có chứa THC có nguồn gốc bất hợp pháp.
Thực tế, hầu hết các bệnh nhân tử vong vì TLĐT đều rất thích hút sản phẩm có chứa THC. Mặc dù không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy THC đứng sau bệnh phổi nhưng dầu cần sa có trong thuốc lá được xem là thủ phạm chống lưng. Theo CDC, có tới 2.051 trường hợp viêm phổi và 39 trường hợp tử vong từ 49 tiểu bang tại Mỹ liên quan đến TLĐT, 23 trên 28 mẫu bệnh phẩm có chứa THC.
Chất phụ gia nguy hiểm
Không chỉ có cần sa, CDC còn phát hiện mối nguy hiểm THC trộn lẫn với phụ gia, đặc biệt là vitamin E acetate. Vitamin E acetate được thêm vào chất độn và để làm lỏng THC. Đây là những hóa chất từng được dùng cho các sản phẩm chăm sóc da, chất chống oxy hóa trong nước hoa. Dầu vitamin E cũng được bán như một chất bổ sung.
Mặc dù acetate là vô hại khi dùng giảm nhăn da hoặc nuốt dưới dạng viên nang, nhưng hít vào thì rất nguy hiểm. Không có gì là đáng ngạc nhiên khi CDC và FDA kiểm tra phổi của những ngưới hút TLĐT đều tìm thấy vitamin E acetate. Hầu hết loại dầu này đều có trong các mẫu THC và có nguồn gốc từ thị trường chợ đen. Theo nghiên cứu, acetate trong phổi có thể sinh ra triệu chứng hô hấp EVALI như đề cập, chính thức được phát hiện từ tháng 4 năm 2019.
Yếu tố khó nắm bắt X
Ngăn chặn sự bùng phát bệnh ở người dùng TLĐT không đơn giản như loại bỏ dầu vitamin E khỏi sản phẩm, mà các chuyên gia y tế còn cho rằng nó còn có nhiều yếu tố cấu thành khác. Theo nghiên cứu của Đại học Pennsylvania, ngay cả quá trình đốt nóng của các thiết bị dùng khi hút được loại trừ thì các loại dầu vô hại như glycerin thực vật và propylene glycol cũng có thể trở nên độc hại khi hút.
Ngoài hai loại dầu này còn có hàng trăm hóa chất khác, khi được đốt nóng và biến thành hơi sẽ rất bất lợi. Đây là những hóa chất trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Đáng tiếc, những người hút thuốc lại không hợp tác để hiểu về căn bệnh này, duy chỉ có những cái chết vì thuốc lá điện tử mới là bằng chứng nói lên tất cả.
Hy vọng trong tương lai các nhà khoa học sẽ vào cuộc, nghiên cứu để “vạch mặt chỉ tên” những thủ phạm có trong đồ hút vô bổ và có hại này, để giúp mọi người, nhất là những người trẻ tuổi cảnh tỉnh. Tại Singapore và Ấn Độ người ta đã cấm các thiết bị dùng cho TLĐT. Nhật Bản cho phép hút nhưng với điều kiện không có chứa chất lỏng điện tử với nicotine. Trung Quốc tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng TLĐT trong tương lai. Nếu điều này trở thành hiện thực thì nó sẽ là một cú hích đối với ngành công nghiệp thuốc lá toàn cầu bởi một phần ba số người hút thuốc trên thế giới hiện nay là người Trung Quốc.
- Xem thêm: Mỹ cân nhắc cấm thuốc lá điện tử