Ngày 15-11-2020, bộ phim “Đường Trường An” được công chiếu. Bộ phim dựa trên vụ án chiếc quan tài đá của Hoàng hậu Đường Trinh Thuận ở Tây An bị đánh cắp bán sang Mỹ. Những khám phá khảo cổ quanh co, những cuộc khai quật giải cứu gian khổ và cuộc truy tìm theo dấu vết xuyên quốc gia rất thú vị và hấp dẫn.
Đây là trường hợp lần đầu tiên Trung Quốc thu hồi thành công các di vật văn hóa thất lạc ở nước ngoài thông qua các con đường hợp pháp, đồng thời cũng mở ra một hướng đi mới cho việc “thu hồi bảo vật quốc gia”. Gần đây, phóng viên đã đến thăm nhiều bên liên quan đến điều tra vụ án và khai quật khảo cổ, cố gắng khôi phục những bí ẩn của vụ trộm mộ này đã bị quá khứ và cát bụi bị che phủ hơn mười năm nay.
“Lăng mộ vô danh” bị đánh cắp
Ở thôn Bàng Lưu phía Nam thành Tây An có một ngôi mộ hình bát úp của triều đại nhà Đường nằm trơ trọi giữa một cánh đồng.
“Đây là lăng mộ của Đường Hoàng phi Vũ Huệ”. Một người dân trong làng nói với các phóng viên rằng Vũ Huệ Phi là cháu ngoại của Võ Tắc Thiên và là mẹ chồng của Dương Quý Phi.
Trên thực tế, trước khi được xác định là lăng mộ của Đường Hoàng phi Vũ Huệ, ngôi mộ này đã được gọi là “Lăng mộ vô danh”. Trước đây, các chuyên gia di tích văn hóa cũng thiếu các nghiên cứu liên quan về lăng mộ này, dân địa phương luôn cho rằng đây là lăng mộ của một vị hoàng hậu nào đó thời nhà Hán. Cho đến ngày 13-2-2006, cảnh sát Tây An đã phát hiện ra một băng nhóm khai quật và buôn lậu di tích văn hóa quy mô lớn do tên Dương Bưu cầm đầu, cảnh sát phát hiện một số lượng lớn các bức ảnh về ngôi mộ, một số bức tranh tường quý giá bị đánh cắp trên máy tính do tên tội phạm Dương Bưu.
Chiếc quan tài đá này nặng 27 tấn bị những tên tội phạm xẻ thành 31 mảnh rồi bán sang Mỹ với giá 1 triệu đôla. Theo cảnh sát, từ tháng 5-2004 đến tháng 6-2005, Dương Bưu cùng hơn 20 người đã thực hiện 6 vụ khai quật trộm lăng mộ này.
- Xem thêm: Những khám phá lạ về khảo cổ
Để xác định cấp bậc của các di tích văn hóa, cảnh sát đã tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia giám định di tích văn hóa. “Vào thời điểm đó, tôi vẫn không biết đó là lăng mộ của ai, chỉ có thể đánh giá sơ bộ đây là một lăng mộ cấp cao thời nhà Đường”. Cho đến ngày nay, ông Sư Tiểu Quần khi đó là Giám đốc bộ phận sưu tập di tích văn hóa của Bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây, vẫn nhớ lần đầu tiên nhìn thấy nó. Ấn tượng về “Ngôi nhà đá” là không hoàn toàn đơn giản như những quan tài đá được khai quật trước đây, cộng với nền trắng trên các phần lồi lõm, nó có hiệu ứng ba chiều trông rất đẹp mắt.
Khoa học gọi quan tài đá là “Ngôi nhà đá” là một dụng cụ chôn cất quan trọng trong các lăng mộ Trung Quốc và được phổ biến hơn trong hoàng gia và quý tộc, quan tài đá có vai trò làm chậm quá trình mục nát gỗ.
Làm thế nào để xuất cảnh được cả một quan tài đá khổng lồ
Hoàng hậu Đường Trinh Thuận (699-737) còn được gọi là Vương phi Vũ Huệ, là người thiếp yêu thích trong những năm đầu của Hoàng đế Huyền Tông Lý Long Cơ. Cuộc đời của người phụ nữ này đã kết nối 2 người phụ nữ nổi tiếng nhất trong lịch sử triều đại nhà Đường, một người là Võ Tắc Thiên và người kia là Dương Ngọc Hoàn (Dương Quý Phi). Dưới con mắt của các học giả, so với Dương Ngọc Hoàn, người phụ nữ từng trải qua thời kỳ Khai Nguyên hưng thịnh này có giá trị nghiên cứu hơn nhiều.
Một số chuyên gia thẩm định di tích văn hóa, trong đó có ông Sư Tiểu Quần xác định rằng thông qua các bức ảnh, quan tài đá được trang trí vô cùng tinh xảo ngang bằng với quan tài đá trong lăng mộ của Hoàng tử Đường Ý Đức, Công chúa Vĩnh Thái và Hoàng đế Lý Hiến thuộc thời nhà Đường.
Tháng 9-2008, ông Sư Tiểu Quần trở thành trưởng nhóm khảo cổ dẫn đầu nhóm tiến hành cuộc khai quật giải cứu ngôi mộ này. Cuộc khai quật giải cứu kết thúc vào tháng 5-2009. Sau 9 tháng điều tra thực địa, ông Sư Tiểu Quần và nhóm của ông đã biết được các chuyến đi nghi lễ, đi dạo cảnh phong cảnh, và các trò chơi trẻ em và đã được phơi bày trong các bức bích họa rộng 68m2 trong lăng mộ nhà Đường này. Trong đó, các trò chơi trẻ con, kiến trúc vườn hoa cung đình là lần đầu tiên xuất hiện trong các bức bích họa thời nhà Đường. Một mảnh của quan tài đá có chữ “Trinh Thuận”, căn cứ theo hình dạng ngôi mộ và những tư liệu về tang lễ khai quật được từ trong mộ kết hợp với các tài liệu khác thì xác nhận đây là ngôi mộ của Hoàng hậu Đường Trinh Thuận, tức là Hoàng phi Vũ Huệ.
Sau khi xác định được chính xác chủ nhân của ngôi mộ thì một bí ẩn khác tiếp theo là làm thế nào mà một chiếc quan tài bằng đá có kích thước khổng lồ như vậy lại được xuất lậu ra nước ngoài? Cảnh sát, ông Sư Tiểu Quần và những người làm công tác di tích văn hóa không thể bỏ qua quan tài đá này được, họ gửi thông điệp đến những người thân ở nước ngoài đề nghị luôn chú ý đến thị trường đấu giá để tìm tung tích chiếc quan tài đá này.
Một chuỗi bằng chứng khép kín
Phía cảnh sát cho biết, theo lời khai của những tên tội phạm, khi vào lăng mộ lần đầu tiên chúng đã chụp ảnh quan tài để tìm người mua, sau đó, bọn chúng tiến hành khai quật đưa quan tài đá nặng 27 tấn từ độ sâu 12m lên và và lấy đi 5 bức tranh tường không bị tổn hại. Bọn chúng đã dùng đến 7-8 phương tiện giao thông để vận chuyển, có lần mất một đêm, có lần mất 3 đêm liền.
Theo bọn chúng, từ việc khảo sát rồi triển khai nhân sự, tổ chức đóng gói và vận chuyển lô hàng này là “hoàn hảo”. Điều tra của cảnh sát cho thấy sau khi khai quật lên quan tài đá được chuyển đến Quảng Đông rồi được xuất cảnh sang Hoa Kỳ qua đường Hồng Kông. Điều này đã tạo nên một kỷ lục là di vật văn hóa lớn nhất và nặng nhất đã bị tuồn ra khỏi đất nước cho đến nay.
Vào ngày 15-1-2009, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã ký “Biên bản ghi nhớ về hạn chế nhập khẩu tài liệu khảo cổ từ thời đại đồ đá cũ đến cuối thời Đường, các di tích, tác phẩm điêu khắc và tranh tường ít nhất là 250 năm tuổi”. Bản ghi nhớ quy định rằng “Các di tích văn hóa có được thông qua các con đường bất hợp pháp như buôn lậu không còn được bảo vệ”.
Cho đến nay, việc chiếc quan tài đá trở về Trung Quốc đã trở thành điều tất yếu. Vào cuối năm đó, sau khi liên lạc với nhiều bên, nhà buôn đồ cổ người Mỹ mua chiếc quan tài đá do Dương Bưu đánh cắp đã đồng ý cử một đại diện đến đàm phán với Trung Quốc.
- Xem thêm: 10 bí mật bị chôn vùi trong các hầm mộ
Ông Sư Tiểu Quần đã tham gia vào cuộc đàm phán này. “Việc thu hồi các di tích văn hóa không phải là chuyện đơn giản vì có rất nhiều khó khăn không thể ngờ được. Trong thời gian này, chúng tôi đã phải làm rất nhiều việc như tìm hiểu kỹ tình hình của bên kia, chuẩn bị đầy đủ các bằng chứng, nhiều lần trao đổi một cách thấu tình, đạt lý nghiêm khắc và thận trọng với tổ chức cảnh sát quốc tế”. Ông nhắc lại với các phóng viên rằng khi bắt đầu cuộc đàm phán, thái độ của cảnh sát rất cứng rắn. “Đây là một sự cầu viện và không có chỗ cho thương lượng”.
Ông Sư Tiểu Quần nói rằng dữ liệu từ các cuộc khai quật khảo cổ học rất có ích vào thời điểm này. Các mảnh vỡ của quan tài đá còn ở trong lăng mộ và quan tài đá không hoàn chỉnh trong tay nhà buôn người Mỹ trùng khớp với nhau. Các bức ảnh lưu trên trong máy vi tính và các bức tranh tường còn lại trong lăng mộ đã tạo nên một chuỗi bằng chứng xác đáng. Nhà buôn đồ cổ người Mỹ đồng ý trả lại, nhưng đưa ra một số điều kiện khắc nghiệt như yêu cầu bồi thường tài chính, chi phí vận chuyển và công việc đóng gói phải do phía Trung Quốc chịu trách nhiệm, v.v.
Quan tài đá bị đánh cắp trở về Thiểm Tây
Không lâu sau cuộc thương lượng đầu tiên, nhà buôn đồ cổ người Mỹ đã đến Tây An. Chúng tôi đã đưa ông ấy đến lăng mộ của Vương Phi Vũ Huệ để khảo sát thực địa. Trong thời gian ở Tây An, nhà buôn đồ cổ Mỹ đã đồng ý trả lại chiếc quan tài. Ông nói: “Nếu quan tài đá được đặt ở Hoa Kỳ nó sẽ là một tác phẩm nghệ thuật cổ đại của Trung Quốc, còn nếu được đặt ở Trung Quốc thì đó là một giai đoạn của lịch sử”.
Ông Sư Tiểu Quần nói rằng nhà buôn đồ cổ cũng đưa ra một yêu cầu khác, “Ông ấy nghĩ đây là một khoản quyên tặng”. Đòi hay tặng? Hai bên gặp bế tắc và ông Sư Tiểu Quần đề nghị thay đổi từ ngữ, gọi là “trở lại”.
Vào lúc 19 giờ ngày 29-4-2010, sau khi hoàn thành thủ tục hải quan kiểm tra xuất nhập cảnh và kiểm dịch, chiếc quan tài đá của Đường Trinh Thuận Hoàng hậu bị đánh cắp lưu lạc 6 năm đã được trở về Thiểm Tây.
Sau hơn một tháng lắp ráp, chiếc quan tài bằng đá có trang trí tinh xảo, sơn màu rực rỡ đã đứng uy nghi, hiện ra đầy đủ trước mắt mọi người.
Quan tài bằng đá này cao 2,45m, dài 3,99m, rộng 2,58m, tổng cộng nặng 27 tấn, được cấu tạo từ 31 thành phần đá xanh với các hình dạng khác nhau, bên ngoài được trang trí bằng hoa lá, động vật kỳ lạ và các hoa văn đẹp mắt. Điều thú vị hơn là bên trong có tổng cộng 10 tấm đều được trang trí bằng chạm khắc đường nét tinh xảo. Có tổng cộng 21 hình người phụ nữ, một số đang mặc quần áo, một số đang chơi dưới gốc cây hoa với hoa cài trên trán và mái tóc.
Lưu giữ cội nguồn văn hóa và linh hồn dân tộc
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tích cực thực hiện hợp tác song phương với các quốc gia nhằm chống nạn buôn bán trái phép các di tích văn hóa, việc thu hồi, trao trả các di tích văn hóa đã bị thất lạc có kết quả đáng mừng.
“Mỗi nền văn minh tiếp nối dòng máu tinh thần của một đất nước, dân tộc cần được lưu truyền, gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hãy giữ lấy cội nguồn văn hóa, hồn cốt của dân tộc”. Ông Sư Tiểu Quần cho rằng việc di tích văn hóa thất lạc được trở về cho thấy công an và bộ môn bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc đã làm việc có hiệu quả và kiên quyết.
Ông Sư Tiểu Quần cho rằng “văn vật là vật mang lịch sử và văn hóa và một khi chúng rời khỏi văn hóa mẫu thể đã sản sinh ra chúng thì giá trị của chúng sẽ bị mất đi rất nhiều.
Sự trở về của quan tài đá đã làm phong phú thêm tư liệu khảo cổ học thời Đường, đồng thời cung cấp những tư liệu vật chất rất tốt để nghiên cứu hệ thống lăng tẩm và phong tục xã hội thời bấy giờ. Cho dù các di tích văn hóa quý giá ở Trung Quốc bị thất lạc ở bất cứ đâu, chúng tôi tự tin có năng lực thu hồi về”.