Mắt là cơ quan phức tạp cần nhiều vitamin và chất dinh dưỡng khác nhau để hoạt động tốt. Các bệnh phổ biến về mắt như bệnh võng mạc tiểu đường, thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác, bệnh tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể, có thể tác động đến sức khỏe của mắt.
Vitamin A
Vitamin A đóng vai trò quan trọng đối với thị lực nhờ duy trì sức khỏe giác mạc. Vitamin A cũng là một thành phần của rhodopsin, loại protein giúp mắt nhìn rõ khi ánh sáng yếu. Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều vitamin A giảm nguy cơ đục thủy tinh thể và thoái hóa thời điểm vàng do tuổi tác. Thực phẩm chứa nhiều vitamin A gồm có khoai lang, rau xanh, bí ngô và ớt chuông.
Vitamin E
Vitamin E là chất kháng ô xy hóa mạnh, bảo vệ các tế bào mắt khỏi tổn thương của gốc tự do. Nghiên cứu ở 3.640 người bị thoái hóa điểm vàng phát hiện, sử dụng 400 IU vitamin E và nhiều chất dinh dưỡng khác trong chế độ ăn hằng ngày làm giảm 25% nguy cơ tiến triển của bệnh. Chế độ ăn có đủ vitamin E giúp duy trì sức khỏe của mắt. Thực phẩm nhiều vitamin E gồm có các loại hạt, cá hồi, trái bơ, rau lá xanh và dầu thực vật.
- Xem thêm: Đôi mắt tiết lộ về sức khỏe của bạn
Vitamin C
Vitamin C cần thiết cho mắt để tạo ra collagen, loại protein cần cho cấu trúc của mắt như giác mạc và màng cứng. Nhiều nghiên cứu còn cho thấy vitamin C giảm nguy cơ phát triển đục thủy tinh thể. Những người dùng trên 490mg vitamin C mỗi ngày giúp giảm 75% nguy cơ phát triển đục thủy tinh thể, so với người chỉ dùng 125mg vitamin C hoặc ít hơn. Ngoài ra, thường xuyên dùng viên bổ sung vitamin C còn giảm 45% nguy cơ đục thủy tinh thể. Đặc biệt, trong trái cây họ cam, quýt, ớt chuông, bông cải xanh và cải xoăn chứa nhiều vitamin C.
Vitamin B6, B9 và B12
Kết hợp giữa vitamin B6, B9 và B12 làm giảm lượng homocystein, một protein trong cơ thể liên quan đến viêm và tăng nguy cơ phát triển thoái hóa thời điểm vàng. Một nghiên cứu lâm sàng ở phụ nữ đã chứng minh giảm 34% nguy cơ thoái hóa thời điểm vàng khi dùng 1.000mcg vitamin B12 cùng với vitamin B6 và B9. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để xác nhận lợi ích của các loại vitamin này.
Vitamin B2
Vitamin B2 là một chất kháng ô xy hóa có công dụng làm giảm căng thẳng trong cơ thể, bao gồm đôi mắt. Có sự sụt giảm nguy cơ phát triển đục thủy tinh thể từ 31 đến 51% ở những người có dùng từ 1,6 đến 2,2mg vitamin B2 mỗi ngày, so với người chỉ dùng 0,08mg mỗi ngày. Các chuyên gia y tế khuyên, hãy dung nạp từ 1,1 đến 1,3 mg vitamin B2 mỗi ngày có trong yến mạch, sữa, sữa chua, thịt bò và ngũ cốc.
Vitamin B3
Vitamin B3 ngăn ngừa tăng nhãn áp, là bệnh gây tổn thương dây thần kinh thị giác. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng vitamin B3. Nếu dùng liều cao, 1,5 đến 5gr mỗi ngày, vitamin B3 có thể gây phản ứng phụ như mờ mắt, tổn thương điểm vàng và viêm giác mạc. Trong khi đó, tiêu thụ thực phẩm có nhiều vitamin B3 như thịt bò, nấm, thịt gia cầm, cá, đậu phộng, các loại đậu, không gây phản ứng phụ nào.
Vitamin B1
Nghiên cứu ở 2.900 người tại Úc cho thấy chế độ ăn nhiều vitamin B1 giảm 40% nguy cơ đục thủy tinh thể. Hơn nữa, vitamin B1 được dùng trong điều trị võng mạc tiểu đường ở giai đoạn sớm. Thực phẩm nhiều vitamin B1 gồm có ngũ cốc nguyên hạt, thịt và cá, ngũ cốc, bánh mì, mì ống.
Lutein và Zeaxanthin
Lutein và Zeaxanthin, có trong điểm vàng và võng mạc, là một phần của nhóm carotenoid, giúp lọc ánh sáng xanh gây hại mắt. Các hợp chất thực vật này giúp ngừa đục thủy tinh thể, ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển của thoái hóa thời điểm vàng. Mặc dù, chưa có khuyến cáo chính xác về liều lượng, nhưng dùng 20mg lutein mỗi ngày, trong 6 tháng, được sử dụng trong các nghiên cứu mà không gây phản ứng phụ. Thay vì dùng thành phần bổ sung, hãy tiêu thụ thực phẩm nhiều Lutein và Zeaxanthin như rau bina, cải xoăn và cải rổ nấu chín.