Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa là cuốn từ điển Hán-Việt trong đó các mục từ chữ Hán được chú âm, giải thích bằng tiếng Việt nhưng được viết bằng chữ Nôm. Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là cuốn từ điển nếu không nói là đầu tiên thì cũng là một trong những cuốn từ điển cổ nhất, xuất hiện trong khoảng từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII.
Sự xuất hiện của chữ Nôm là một cái mốc quan trọng ghi nhận sự sáng tạo tài tình của tiền nhân trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc trên con đường độc lập, tự chủ. Vì vậy sự ra đời của một công trình được viết chủ yếu bằng chữ Nôm có một ý nghĩa to lớn.
Với số lượng khá lớn bằng chữ Nôm, tự điển cung cấp cho những nhà nghiên cứu ngữ âm lịch sử Tiếng Việt một kho tư liệu quý về Tiếng Việt và dạng chữ Nôm của thời kỳ mà nó xuất hiện. Ngoài ra, từ điển gồm 40 chương đã đề cập đến nhiều lĩnh vực, phản ánh nhiều tri thức về đời sống, sinh hoạt xã hội và thiên nhiên như hòa cốc, nông canh, hôn nhơn, nhơn luân, thiên văn, nhạc khí, binh khí, pháp khí… vì thế, giá trị của cuốn từ điển này không chỉ dùng để tra cứu thông thường, mà còn là đối tượng của nghiên cứu nhiều ngành khoa học khác, nhất là khoa học xã hội.
Về nguồn gốc sách thì có giả thuyết cho rằng do nhà sư Pháp Tính, tục danh là Hương Chân biên soạn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về tác giả và thời gian ra đời của nó. Các giáo sư Trần Văn Giáp, Hoàng Thị Châu cho rằng Pháp Tính chính là bà Trịnh Thị Ngọc Trúc (? -?), con gái chúa Trịnh Tráng; chính cung hoàng hậu của vua Lê Thần Tông (1619-1643), khi đi tu lấy biệt danh là Chúa bà Kim Cương. Còn trong một công trình công bố vào năm 2005 trên Tạp chí Hán Nôm, tác giả Ngô Đức Thọ cho rằng sách này ra đời vào năm 1401 dưới triều đại nhà Hồ; nếu quả đúng như vậy thì Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa là quyển từ điển đầu tiên của nước ta ra đời từ đầu thế kỷ XV, và dĩ nhiên tác giả của nó không phải là bà Trịnh Thị Ngọc Trúc.
Gần đây, trên Tạp chí Ngôn ngữ số 6/2007, ông Hoàng Tuấn Phổ lại xác định “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa vốn là bộ từ điển cổ (2 quyển) mang tên “Chỉ nam bị loại” (quyển thượng) và “Chỉ nam phẩm vựng” (quyển hạ), khuyết danh, đến giữa thế kỷ XVII được một vị tăng pháp danh Pháp Tính soạn loại (trùng san) hoàn thành vào triều vua Cảnh Hưng thứ hai mươi hai, năm Tân Tỵ, tức là năm 1761, thời điểm chúa Minh vương Trịnh Doanh đang cầm quyền”…
Có thể nói rằng Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa (tạm dịch là chỉ dẫn cách giải nghĩa âm tự) là bộ tự điển Hán-Việt bằng thơ đầu tiên. Sách hiện còn giữ được nhiều bản khác nhau, bản của giáo sư Trần Văn Giáp khảo sát là bản chép tay trên giấy lệnh hội, khổ 22 x 32 cm, 96 tờ, tờ 2 trang. Cũng theo giáo sư Trần Văn Giáp “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa có thể là một bộ sách khá cổ có từ thời Sỹ Nhiếp (đời Hán)… Qua thời Minh xâm chiếm nước ta (thế kỷ XV), sách bị kiểm duyệt rồi đem in lại. Đến đời Hậu Lê Trung Hưng, khoảng năm Cảnh Hưng Tân Tỵ (1761), sách được vị sư có tuổi (túc tăng?) là Pháp Tính đem sửa lại, thêm phần bổ di rồi đem in lại”.
Sách có 2 bài tựa. Bài tựa đầu bằng chữ Nôm gồm 40 câu thơ tác giả tự giới thiệu và nêu rõ mục đích, phương pháp biên soạn. Bài tựa thứ hai bằng chữ Hán nêu nguồn gốc và quá trình biên soạn sách. Kế đến là phần mục lục.
Phần chính văn có 3.000 câu thơ thu thập 3 394 mục từ phân vào 40 chương bộ: thiên văn, địa lý, nhân luân, thân thể… Mỗi mục từ gồm chữ Hán (đối với những chữ khó có chua âm đọc) và kế tiếp là giải nghĩa bằng chữ Nôm được xếp theo lối nói có vần, chủ yếu là thể Lục bát. Ví dụ, trong chương địa lý có câu như:
Đại Địa đất cả rộng dày
Đại Lỗ rét rày phèn nổi đất chua
Hoặc:
Triều Trường nước lên dãy đầy
Tịch Bôn nước chảy gần ngay giữa dòng
Chúng Lưu nước ngã ba sông
Hồi Lưu nước vật uốn vòng xoáy quanh
Ngoài ra còn có phần bổ di một số chữ Hán được giải nghĩa bằng chữ Nôm viết theo lối “văn xuôi”, cụ thể trong bài tựa của nhà sư Pháp Tính:
“Đến thời Sỹ Vương sang đóng ở nước ta trong khoảng 40 năm, ra sức giáo hoá, giải nghĩa bằng tiếng Nôm để thông hiểu từng đoạn, từng câu, họp lại thành thơ ca quốc ngữ, để ghi tên gọi, ghép vận làm sách Chỉ nam phẩm vựng,… nhưng người đọc còn khó hiểu. Nay, tôi nhà sư xin lựa chọn từng tiếng, chua âm đọc, giải nghĩa đen từng chữ, tay viết thành sách, để làm tỏ những điều cốt yếu, khiến cho độc giả dễ dọc, xuôi vần thuận miệng…” (Giáo sư Trần Văn Giáp dịch).
- Xem thêm: Quốc văn giáo khoa thư gối đầu giường
Trong một bài viết của mình đăng trên báo Phụ Nữ Việt Nam số 269/1970, tác giả Hoàng Thị Châu nhận xét:
“Chính bản thân cuốn sách đã là vô giá. Vì rằng nó là cuốn từ điển Hán-Việt xưa nhất được truyền lại tới tay chúng ta. Nó chứng tỏ công việc biên soạn từ điển, một trong những công tác quan trọng của ngôn ngữ học đã có từ lâu đời của nước ta, ít ra là từ khi có chữ Nôm”.
Trên Tạp chí Ngôn ngữ số 3/1978, tác giả Trần Xuân Ngọc Lan; người phiên âm và chú giải tập sách này xuất bản năm 1985 thì cho rằng: “Trong số những cuốn từ điển Hán-Việt còn lại đến nay, Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa là cuốn được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử tiếng Việt chú ý. Bởi vì văn bản này còn giữ lại nhiều dạng chữ Nôm cổ, nhiều hiện tượng chú âm có thể cho thấy phần nào quá trình hình thành hệ thống phiên âm Hán-Việt, và nhất là một số lượng các từ cổ”. Cũng trong lời tựa của tác phẩm, tác giả viết:
“Đây là một là một tác phẩm Hán Nôm có nội dung liên quan đến nhiều ngành khoa học như văn học, y học dân tộc, sinh vật học, văn hoá dân gian, nông nghiệp, thiên văn học… Nhưng trước tiên, Chỉ nam ngọc âm là một công trình từ điển học… Tóm lại, từ nguyên tắc viết chữ Nôm mang tính quần chúng đến hình thức dịch nghĩa bằng thơ khá chính xác và đầy đủ, và hơn nữa có một bảng từ rất đa dạng gồm cả từ ngữ ngữ văn, từ ngữ của các ngành chuyên môn và có cả điển cố làm cho Chỉ nam ngọc âm khác hẳn các quyển từ điển khác…”.
Có thể nói rằng Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa xuất hiện là một minh chứng khẳng định nỗ lực của tiền nhân trong việc bảo vệ, phát huy nền văn hóa dân tộc hàng trăm năm trước…
- Xem thêm: Bài học khai tâm thời xưa