Cuối thế kỷ 19 đầu thế thế kỷ 20 ở Việt Nam là thời kỳ văn minh phương Tây theo bước chân quân viễn chinh Pháp và những chính sách thực dân được thiết lập, thi hành, đã làm đảo lộn toàn bộ đời sống người dân ở nước thuộc địa.
Nho học Việt Nam bước vào giai đoạn suy tàn và chuẩn bị kết thúc vai trò chi phối xã hội như nó đã từng nắm giữ suốt nghìn năm trước đó, nền giáo dục cũ do vậy cũng dần sụp đổ và phải tìm phương hướng mới cho sự sinh tồn của nó. Bởi ngay cả “thánh địa” văn minh phương Đông rực rỡ một thời từng gây ảnh hưởng bao trùm lên cả vùng Đông Á là Trung Hoa đến nay cũng điêu tàn trước “mưa Âu gió Mỹ”, có tiếc nuối bao nhiêu cũng không thể “cứ dòm ngó mà kính trọng những cơ sở làm cho họ được danh dự thuở xưa đó” như Paul Bert khuyến cáo trong một bức thư gửi Trương Vĩnh Ký (theo Đặng Thúc Liêng trong sách Trương Vĩnh Ký hành trạng, nhà in Xưa Nay, 1927, tr.21).
Trước cơn lốc tân học Tây học, các nhà Nho phải nỗ lực tự đổi mới cho phù hợp với tình hình thực tế, bởi không ai khác, chính họ là những người phải nhận lãnh trách nhiệm cải cách nền giáo dục của đất nước. Trong giai đoạn giao thời giữa giáo dục cũ và giáo dục mới này, dù chữ Pháp, chữ quốc ngữ thay thế rõ rệt vai trò của chữ Hán chữ Nôm theo một xu thế triệt tiêu rõ ràng, nhưng các nhà Nho vẫn là thành phần chính trong tầng lớp trí thức, vẫn là những nhân tố đóng vai trò quyết định không những trong hoạt động giáo dục mà còn trong cả hoạt động quản lý điều hành xã hội, dù dưới sự quản lý của chính quyền thực dân.
Việc sử dụng nhà Nho cũng như chữ Nho đối với người Pháp là việc bất đắc dĩ, thực tế họ muốn thay thế hẳn vai trò của chữ Nho bằng chữ Pháp, cũng như từng muốn triệt tiêu tín ngưỡng phi Thiên Chúa ở Việt Nam, nhưng không thành, bởi trải qua va chạm thực tế với người bản xứ, như các cuộc trấn áp phong trào Cần vương, Văn thân, họ đã thấy được vai trò to lớn của đội ngũ trí thức Nho học. Vì thế thay vì nỗ lực triệt tiêu, người Pháp đã tìm cách chiêu dụ, sử dụng các nhà Nho tình nguyện phục vụ cho sách lược cai trị của mình.
Điều này được chính người Pháp nhìn nhận và thừa nhận, như một bức thư Paul Bert gửi Trương Vĩnh Ký: “Bực Nho học là hạng rất cứng cỏi, bởi vì hạng người ấy rộng rãi, trong dân giã ai có tài thời vào hạng ấy được hết thảy, bởi vậy quyền cai trị tự nhiên phải giao cho họ, và quan trường cũng nhờ họ giúp giùm”, người Pháp hy vọng không còn thấy cảnh các nhà Nho yêu nước “rảo khấp trong chốn thôn quê mà xuối dục [xúi giục] dân làm đều nác [nát] nhà vong mạng”, mà muốn “họ phải giúp sức với tôi mà lo làm cho xứ sở họ thạnh vượng”, bởi như thế thì “dầu về phương diện nào, họ cũng có thể đắc chí về công trình của họ và đắc chí về sở hành của họ nữa” (theo Đặng Thúc Liêng 1927, sđd, tr.22).
- Xem thêm: Ấy là hương vị tiếng nước tôi!
Hay lời của ông chủ bút báo Lục Tỉnh Tân Văn: “Bởi chữ Nho không học nên thiên hạ tánh tình rất tự do ít hay dè dặt. Quan toàn quyền chiêm nghiệm đã quả rằng sự bỏ chữ Nho thiệt rất quan hệ cho nước nhà, nên ngài phải lo lập lại. Trong quy tắc học chánh mới ban hành đây, ngài có thêm một khoản chữ Nho: lớp nhỏ thì dạy viết nét, tập đọc từ chữ, lần lên lớp trộng thì học nghĩa lý, lớp lớn thì học đến sách và văn chương, mỗi bậc thi học sanh phải biết chữ Nho.
Từ đây về sau các quan đều thông chữ Nho. Như thế thì tự nhiên trong xứ Đông Dương việc chánh trị dễ dàng rồi”(số 554). Vì thế, nhà cầm quyền Pháp đã ủng hộ việc khôi phục Hán học bằng việc cho lập tờ Đông Dương Tạp chí năm 1913, rồi tờ Nam Phong năm 1917 ở miền Bắc – nơi Nho học còn thịnh hành nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, vai trò của nhà Nho đến lúc này đã không còn được như trước, nhiều chính sách đưa ra nhằm hạn chế quyền lực và ảnh hưởng của họ. Các “thầy Nho” (tịch sĩ) bị cấm tham gia việc quan ở nha môn từ năm 1907 thời Duy Tân (Hà Thành Ngọ Báo 1932, số 2116), thay vào vị trí của “thầy Đồ”, “thầy Cử” là “thầy Thông”, “thầy Phán”. Bênh cạnh niềm tự hào của các trí thức cựu học “dày công đèn sách”, “khoa mục”, “dưới ngòi sẵn là trăm ngàn lời, trong hông chứa nhiều pho sách” (lời Hồ Văn Tai, báo Lục Tỉnh Tân Văn 1918, số 549), họ cũng phải cay đắng tự nhận là “một lũ thất thời” (Nguyễn Bá Trác, báo Nam Phong 1918, số 17).
Cũng cần thấy một điều, rằng việc triệt tiêu vai trò của Nho học cũng như chữ Hán ở Việt Nam giai đoạn này không phải là hoàn toàn chỉ do người Pháp chủ trương, mà thực tế nó cũng được nhiều người Việt Nam bao gồm cả trí thức và thường dân đương thời ủng hộ. Bởi người ta cho rằng đây là cơ hội tốt để xóa bỏ cái học cũ kỹ lạc hậu của Tàu đã duy trì ở nước ta quá lâu, bước vào con đường văn minh tiến bộ của phương Tây cho phù hợp với thời đại mới. Vì vậy, bản thân trong giới trí thức Việt Nam buổi giao thời cũng chia làm hai khuynh hướng: một ủng hộ tiếp tục duy trì việc dạy chữ Nho (bên cạnh chữ Pháp, chữ quốc ngữ), một bài bác hoàn toàn việc dạy chữ Nho.
Khuynh hướng ủng hộ việc tiếp tục dạy chữ Nho đưa ra hai luận điểm: Luận điểm thứ nhất cho rằng “chữ Nho cần cho quốc văn” bởi đây là thứ chữ căn bản để xây dựng quốc văn “khoa học”, “tao nhã” mà chữ Nôm và chữ quốc ngữ không cáng đáng nổi, sự khác biệt giữa việc học chữ Nho khi xưa và hiện nay được lý giải: “Xưa học chữ Nho là vị chữ Nho mà học chữ Nho, nay học chữ Nho là vị quốc văn mà học chữ Nho. Cái mục đích đã khác, cái phương pháp cũng không giống” (Phạm Quỳnh, báo Nam Phong 1918, số 20).
Luận điểm thứ hai cho rằng, chữ Nho và nó gắn liền với luân lý đạo đức truyền thống bao gồm “cái đạo xử thế, đến cái nghĩa cương thường, đến những phép tắc về luân thường đạo lý của các thánh hiền đời xưa để lại để giáo hóa lòng người”, mà thứ này luân lý phương Tây không thể thay thế được, do không phù hợp với người nước ta: “Cái luân lý Tây dạy bằng chữ Tây cho người An Nam tuy không phải là không hay, không phải là không ích lợi, nhưng cái công hiệu, cái sức giáo hóa rất kém, là bởi không hợp cái tính tình riêng người An Nam vậy” (theo báo Nam Phong 1918, số 13).
Một số kinh điển của Nho gia và giáo trình dạy chữ Nho đầu thế kỷ 20
Khuynh hướng bài bác có hai luận điểm đáng chú ý. Luận điểm thứ nhất cực lực bài bác việc sử dụng nhiều từ Hán Việt trên báo chí bởi điều này gây khó hiểu cho người đọc, cản trở việc “mở mang dân trí”, như trường hợp Nguyễn Háo Vĩnh – nhà duy tân, Tây học, chủ nhà in Xưa Nay ở Nam kỳ gửi thư phê phán báo Nam Phong: “Chủ bút Nam Phong cùng các người phụ bút dùng nhiều chữ Hán quá, nên coi khó hiểu lắm – có chỗ chẳng hiểu các ngài muốn nói cái chi chi! Coi mà chẳng hiểu thì có ích lợi gì đâu – lần lần người ta ngã lòng trông cậy, chẳng muốn coi nữa!”.
Nguyễn Háo Vĩnh cũng cho rằng đây là thời cơ tốt để “cho tiếng nước ta đứng vững riêng một cõi, chẳng còn làm mọi Tàu nữa”, thậm chí ông còn chỉ trích việc hoàng đế Việt Nam đương thời vẫn dùng chữ Hán khi tiếp xúc hay thông tin đến dân chúng: “Vua Khải Định chỉ ưa chữ Hán, chỉ dùng chữ Hán mà đặt để, mà nói năng… cho đến đỗi nói với những học trò trong các trường lớn trong lúc viếng Hà Nội Ngài cũng lấy chữ Hán mà nói với chúng nó, rồi có người cắt nghĩa ra tiếng An Nam thì chúng nói mới hiểu; cho đến đỗi hiểu dụ dân An Nam, ngài cũng dùng chữ Hán mà đặt để, mà ghi chép tư tưởng của Ngài”, lời lẽ có chỗ gay gắt, “phạm thượng” đến mức báo Nam Phong phải cắt bỏ bớt (báo Nam Phong 1918, số 16).
Luận điểm thứ hai lên án mạnh mẽ quan điểm cần duy trì việc dạy chữ Nho, người lên tiếng quyết liệt nhất là Phan Khôi – một nhà Nho, nhà báo nổi tiếng đầu thế kỷ 20. Trong bài Đánh đổ cái thuyết dạy tiểu học bằng chữ Nho, ông cho rằng việc khuyến khích ủng hộ dạy và học chữ Nho thời bây giờ “là bước giật lùi”, chỉ trích việc Phạm Quỳnh xin với thực dân Pháp cho dạy chữ quốc ngữ ở tiểu học là “chỉ được cái tiếng suông” mà không có hiệu quả thực chất bằng chương trình tiếng Pháp của chính quyền.
Phan Khôi cũng thẳng thắn bác luôn luận điểm duy trì Nho học để giữ luân lý, lời lẽ quyết liệt đến mức bị kiểm duyệt cắt bỏ một đoạn: “Lấy lẽ gì mà đòi đem chữ Nho ra dạy? Căn cứ vào đâu mà bảo dạy con nít bằng chữ Nho? Tôi tưởng kẻ xướng cái thuyết ấy chẳng có dựa vào đâu cho bằng dựa vào luân lý và phong hóa. Chẳng qua họ nói đời nay phong hóa suy đồi – đi lại cũng cứ giở những câu cũ ra: là vì bỏ chữ Nho đi không học.
Mà trong chữ Nho tức là trong Ngũ Kinh Tứ Thơ, có cái luân lý tốt đẹp, cho nên phải học, cho nên phải đem ra mà dạy, đặng có vãn hồi phong hoá. Họ nói làm vậy chớ phong hóa suy đồi, theo như tôi đã nói hai bài trong báo nầy từ trước, thì là sự chưa chắc đâu. Mà dầu cho là thật suy đồi đi nữa, thì cái nguyên nhơn nó nhiều lắm, muốn bổ cứu phải nhờ nhiều phương tiện khác mà bổ cứu, chớ có phải đâu chuyên tại một cớ bỏ chữ Nho mà hòng nói hễ lấy lại chữ Nho thì phong hoá trở nên thuần mỹ ra? Vả lại, cứ như ý tôi nghiệm xét thì học chữ Nho theo lối cũ, đem Ngũ Kinh Tứ Thơ ra mà học, chỉ làm cho người ta ngu đi đó thôi; vậy thì, làm cho phong hóa thuần mỹ mà con người ngu đi, tôi tưởng chẳng bằng để cho nó cứ suy đồi mà mình được khôn ra một chút.
- Xem thêm: Quốc văn giáo khoa thư gối đầu giường
Tôi là kẻ ở trong cửa Nho mà ra, tôi đọc sách họ Khổng từ thuở sáu tuổi, tôi làu thông Ngũ Kinh Tứ Thơ, tôi lại đọc các sách chữ Nho khác rộng lắm nữa, tôi dám nói mấy người đứng lên đề xướng dạy chữ Nho đó, học thức về chữ Nho của họ không bằng tôi, tôi lại cũng có trí khôn và lòng tốt không kém ai, ai yêu nước thương nòi đến đâu thì tôi cũng yêu nước thương nòi đến đó, nhưng tôi xin nói rằng: Cái chữ Nho ấy ngày nay, không còn nên đem mà dạy trong nước Việt Nam nữa, nhứt là không còn nên đem mà dạy trong xứ Nam kỳ nữa.
Người ta ở đời mà lại phải có học là để làm gì? Để mà ở đời. Vậy nên người ta ở đời nào phải học cái học của đời nấy thì mới ở đời được. Cái học đời nay, đại để là tom góp những sự vật bao vây tiếp cận chung quanh loài người, loài người nên biết, mà làm nên sách để dạy nhau. Những điều nên biết ấy, người ta đã sắp sẵn cho theo từng loài, từng thứ, có trật tự và thống hệ, thì chúng ta dễ học, và học thì hẳn là có ích cho sự ờ đời của chúng ta lắm.
Vậy mà lại bảo bỏ đi, đừng học trong lúc nhỏ, để mà học chữ Nho, Ngũ Kinh Tứ Thơ, là nghĩa làm sao? Trong Ngũ Kinh Tứ Thơ chẳng phải là không có đều hay, cũng cần cho người đời nầy. Nhưng nó rời rạc ra, mỗi nơi mỗi nhắm, mỗi chỗ mỗi mớ, không xâu suốt nhau, thì học nó cũng như đi bòn vàng, rất là tốn công mà sở đắc chẳng là mấy.
Con người sống vào đời nay, thời giờ của họ quí báu lắm, hơi nào mà học như vậy được? Huống chi trong Ngũ Kinh Tứ Thơ, phần tốt nhứt là phần luân lý, mà cái luân lý ấy là luân lý của thời đợi phong kiến, không hiệp với cái tỳ vị cùa người đời nay, thì bắt họ học làm sao? Chữ Nho hay là Ngũ Kinh Tứ Thơ, cũng những sách khác bằng chữ Nho chẳng phải là ta không cần học đâu.
Song nó là đồ để riêng cho những người nào muốn chuyên môn về văn học thì dùng mà khảo cứu, chớ đem mà dạy con nít thì nhứt định là có hại cho sự tấn hoá của dân tộc ta lắm vậy. Sanh ra đời nào thì học cái học của đời ấy, mới ở đời được, mới sống cho có giá trị được, lẽ ấy rất là phân minh dễ hiểu, sao không chịu hiểu cho? Ngũ Kinh Tứ Thơ là đồ sách họ sắm để dạy nhau hơn hai ngàn năm trên, cứ trong đó mà học thì cái không khí là cái gì cũng không biết, ngũ quan tứ thể trong mình người ta là sự rất gần, mà cơ quan và công dụng của nó thế nào cũng không hay, thì làm sao lại đòi đem ra để dạy những kẻ có phước hơn họ đã sanh ra trong thế kỷ hai mươi nầy? Người ta nói chữ Nho ích lợi lắm, nhờ nó sẽ duy trì cho luân lý phong hoá của dân tộc ta được.
Họ nói vậy, sao cái phản chứng sờ sờ trước con mắt mà họ không thấy? Thì trong hai năm nay, bao nhiêu quan phủ quan huyện ngoài Trung – Bắc kỳ bị dân kiện lam tang [làm tàng] mà Triều đình và Chánh phủ Pháp trị tội họ đó, có phải toàn là khoa mục xuất thân cả không? Có phải là học chữ Nho từ nhỏ tới lớn đó không? Có phải là những con mọt ở trong Ngũ Kinh Tứ Thơ mà ra đó không? Còn ở Nam kỳ, 70 năm nay không ngó ngàng đến Ngũ Kinh Tứ Thơ nữa, theo họ thì mấy ông quan đã ăn thịt dân rồi mới phải, cớ sao hai năm nay chỉ có một ông bị kiện mà lại được trắng án? Trong cái phản chứng ấy, dầu cho có viện lấy lẽ gì mà chạy chối được nữa, song cái đều hủ bại của chữ Nho nó đã phơi ra ở Trung – Bắc kỳ như vậy mà còn ca tụng nó, còn hoan nghinh nó, thật chẳng ai tin.
Nói cho công bằng ra thì trong việc giáo dục, cái sự dạy bằng chữ gì không quan hệ mấy cho bằng cái bổn thân giáo dục ra sao. Nếu giáo dục mà phải đường, thì dạy bằng chữ Nho hay chữ Pháp cũng tốt vậy chớ, cũng ích lợi cho sự làm người ở đời vậy chớ. Gần đây, thấy trong nước có một vài người không biết thể theo cái lòng công đạo chánh nghĩa của nước Pháp. Một vài người ấy, nếu họ không có thế lực gì thì thôi, bằng có thế lực thì lời nói của họ cũng có thể thành ra dư luận mà làm cho Chánh phủ phải chú ý tới.
Trong vài năm nay mà có người xướng xuất ra cái thuyết dạy chữ Nho cho dân Việt Nam, là chỉ vì cái lẽ đó mà thôi. Theo tôi thì tôi cho đó là đều họ tính quẩn lo quanh chớ chẳng nhằm gì hết. Muốn vãn hồi phong hoá, phải chú ý ở nhiều phương diện khác kia, chớ chẳng phải một phương diện giáo dục mà được. Dầu cho có một vài người họ đứng về phương diện họ, tôi cũng chẳng trách làm chi. Chớ còn trong người Việt Nam, tự xưng mình học thức, mà cũng nói như họ, cũng đòi đem chữ Nho để làm hư bao nhiêu mảnh óc còn non, thì tôi phải trách cái thuyết của người ấy, vì nó có hại cho tương lai lớn lắm” (Phụ Nữ Tân Văn 1932, số 124).
Đó là tiếng nói của tầng lớp trí thức, còn đối với tầng lớp bình dân việc học chữ Nho cũng cho thấy ở họ hai khuynh hướng tương tự như trên. Khuynh hướng ủng hộ thể hiện ở chỗ dù chế độ khoa cử đã được bãi bỏ từ năm 1919, nhưng mười năm sau đó trong miền Nam chúng ta vẫn thấy chính quyền ở đây cho phép “thi làm thầy dạy chữ Nho”, “mở kỳ thi cấp bằng cho mấy ông thầy dạy chữ Nho”, không phải để nhà đương cục sử dụng, mà như một cách thừa nhận nhu cầu dạy và học chữ Nho ở làng quê vẫn tồn tại: “Chánh phủ không dùng chi tới, nhưng ai muốn về chốn nhà quê, dạy năm ba chữ kiếm kế sanh nhai, cũng phải có cái bằng nầy mới được”, như kỳ thi tháng 5 năm 1928 được tổ chức tại trường Chasseluop Laubat (Đông Pháp Thời Báo 1928, số 685).
Khuynh hướng phản đối dạy chữ Nho chiếm số đông, thể hiện qua việc họ đề đạt và hăng hái đăng ký học tiếng Pháp, chữ quốc ngữ – là phương tiện mới giúp họ dễ dàng hơn trong cuộc mưu sinh: “Từ khi Chánh phủ, muốn cho vừa lòng người trong xứ, muốn bỏ dẹp khoa học Nho đi rồi, thì xứ Nam kỳ nầy chỉ còn một hai nhà noi tục lệ ông bà, cho con học Nho mà thôi, còn bao nhiêu đều theo khoa học chữ Langsa và quốc ngữ” (Lục Tỉnh Tân Văn 1918, số 568).
Song dù cho nhận được sự ủng hộ của một bộ phận trí thức, dân chúng và người cầm quyền, thì đến cuối thế kỷ 19, nhất là bước qua đầu thế kỷ 20, chữ Nho cũng đã đánh mất vai trò là văn tự chính thức, phổ biến trong giáo dục Việt Nam. Sự tồn tại của nó bấy giờ chủ yếu chỉ là giúp cho việc chuyển giao từ văn tự Hán Nôm cũ sang văn tự chữ quốc ngữ mới. Việc dạy và học chữ Nho lúc này cũng chi được xem là một giải pháp tạm thời giúp cho việc học chữ quốc ngữ hiệu quả hơn mà thôi. Tuy vậy, chữ Nho cùng vai trò của các nhà Nho trong bối cảnh lịch sử – xã hội giai đoạn giao thời giữa hai thế kỷ này thực sự là một vấn đề đáng được tìm hiểu.