Môi trường đang là vấn đề nóng, được nhiều người quan tâm bởi vì nó ngày càng bị đe dọa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm tràn lan, các hoạt động bảo vệ môi trường ở tất cả các lĩnh vực phải được thực hiện sâu rộng và đi vào thực chất. Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường, thời gian qua, giới trẻ cũng nhiệt tình hưởng ứng trong việc tìm kiếm, phát hiện ra các biện pháp nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường qua các cuộc thi từ cấp trường, cấp quốc gia và cả trên bình diện quốc tế. Có thể chỉ là những sáng kiến nhỏ, những ý tưởng xuất phát từ chính cuộc sống của các bạn, nhưng bằng sự tâm huyết, các bạn trẻ đã thể hiện được quyết tâm bảo vệ môi trường và tìm cách tác động đến nhiều người để cùng thực hiện.
Hành động đẹp của các bạn trẻ: chung tay trồng cây xanh
Trong hội trại sinh thái “Bảo tồn hôm nay – bền vững tương lai” do Công ty Bayer tổ chức cho các đại sứ môi trường Bayer 2013, chúng tôi đã có dịp tiếp cận và tìm hiểu những dự án của các bạn trẻ là sinh viên của các trường đại học tại TP.HCM tham gia chương trình. Mỗi người theo học một chuyên ngành nhưng họ có cùng mối quan tâm về môi trường, thể hiện qua các dự án thiết thực, có tính khả thi cao, đã và đang được triển khai thực hiện để góp phần thay đổi ý thức cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ môi trường.
Sáng kiến cho trẻ em
Đỗ Văn Thiện, sinh viên khoa Quan hệ quốc tế của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết, trước đây chỉ tiếp cận khái niệm môi trường qua những sách vở với những vấn đề như biến đối khí hậu, phát triển bền vững, thủy điện… Qua truyền thông và quan sát của mình, Thiện thấy có những việc kêu gọi mãi nhưng vẫn không có biến chuyển là tình trạng xả rác bừa bãi. Rõ ràng, con người có tác động rất lớn đến môi trường, trong đó những thói quen xấu đã tác động mạnh đến sự xuống cấp của môi trường. Để thay đổi các thói quen từ rất nhỏ như xả rác đến việc xây dựng ý thức tốt trong việc bảo vệ môi trường, nên có những biện pháp tuyên truyền, giáo dục trước tiên cho thiếu nhi. Nghĩ vậy nên khi có ý định tham gia chương trình tìm đại sứ môi trường của Công ty Bayer, Thiện đưa ra dự án “Sách giáo dục cho trẻ em cách quản lý và xử lý rác thải”. Tuy đó là điều không lạ trong chương trình giáo dục của nước ngoài, nhưng ở Việt Nam vẫn chưa có.
Đỗ Văn Thiện đang thuyết trình về dự án của mình
Bắt tay vào thực hiện, Thiện gặp khó khăn vì đối tượng là trẻ em nên phải tìm tòi cách thể hiện sao cho phù hợp, hấp dẫn với lứa tuổi. Tham khảo ý kiến của nhiều người, cuối cùng Thiện quyết định dùng các trò chơi dân gian, những câu chuyện vui nhộn được minh họa bằng những hình ảnh gần gũi để nói về việc tái chế rác thải, lồng vào đó là các phép tính toán để thấy việc tái chế sẽ tiết kiệm được nhiều công sức, tiền của xã hội như thế nào. Thông qua đó, Thiện gửi đến các em nhỏ lời nhắn nhủ: “Bạn có thể trở thành một dũng sĩ ngay khi trong tay bạn chỉ có một chiếc chai nhựa hay vài mảnh giấy. Bạn không chỉ là một học sinh tiểu học, bạn là dũng sĩ tí hon. Bạn hãy hãnh diện vì điều ấy”. Sáu mươi trang sách chứa đựng thông điệp môi trường rất sinh động, không chỉ được các bạn nhỏ yêu thích mà các thầy cô dạy tiểu học cũng rất ủng hộ. Thiện cho biết sẽ tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh nội dung quyển sách trước khi được một công ty phát hành sách hợp tác xuất bản. Với dự án này, Thiện được chọn làm đại sứ thực hiện chuyến du khảo sang Đức vào tháng 11 tới.
Phục vụ nông dân
Cùng đoạt giải đại sứ Bayer 2013 với Đỗ Văn Thiện là Lưu Quản Trọng, sinh viên năm thứ ba ngành Công nghệ sinh học của Trường Đại học Quốc tế TP.HCM. Với đề tài “Lọc nước bằng than hoạt tính từ vỏ cây cà phê”, Trọng đã dành nhiều thời gian thực hiện với mong muốn ứng dụng kiến thức khoa học để giúp ích cho người dân trong việc nuôi tôm. Nghề nuôi tôm mang lại lợi nhuận cao, có nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng cũng có nhiều rủi ro bởi phụ thuộc nhiều vào môi trường tự nhiên, nhất là chất lượng nước, chưa kể tác động của biến đổi khí hậu khiến thời tiết diễn biến bất thường, gây thêm khó khăn cho nghề nuôi tôm.
Quản Trọng, Lam Hồng, Văn Thiện (thứ hai từ trái sang) cùng các bạn sinh viên tham gia chương trình Đại sứ Bayer 2013
Để làm giảm ảnh hưởng của các chất hóa sinh có hại cho tôm trong ao hồ, Trọng sử dụng than hoạt tính để hấp thụ, mà nguyên liệu làm than là chất thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trọng dùng vỏ hạt cà phê đốt ở nhiệt độ cao trong điều kiện thiếu oxy để tạo thành than, sau đó sử dụng khí CO2 hoạt hóa để điều chế thành than hoạt tính. Cách làm này giảm được các tác động gây hại đến môi trường sống của tôm nuôi, giảm tối đa nguy cơ như tôm chết do ngộ độc, cải thiện thành phần dinh dưỡng trong thịt tôm và ngăn ngừa các hội chứng suy giảm khả năng sinh tồn có nguy cơ lây lan cao như hội chứng tôm chết sớm… Dự án này được chuyên gia về ngành nuôi tôm của Bayer đánh giá cao, nếu vận dụng rộng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong nghề nuôi tôm và cải thiện môi trường.
Hướng đến giới trẻ
Một dự án nữa về xử lý rác theo cách làm mới, nhắm vào giới trẻ là truyền thông qua mạng xã hội, kêu gọi mọi người không xả rác có tên gọi Green Hashtag (Dấu thăng xanh) của Hoàng Phạm Lam Hồng, sinh viên năm thứ ba khoa Kinh tế tài chính của Đại học RMIT. Tên dự án được đặt theo một thủ thuật rất phổ biến trên các mạng xã hội gần gũi với giới trẻ Việt Nam hiện nay như ZingMe, Facebook, Twitter…, giúp người sử dụng dễ dàng tìm ra các chủ đề liên quan với bài viết được gắn “hashtag”. Tên dự án còn tượng trưng cho sự kết nối của giới trẻ xoay quanh một mối quan tâm chung là gìn giữ, nâng cao nét đẹp và mỹ quan của TP.HCM thông qua việc cùng triển khai các hoạt động thực tế như cuộc thi chụp ảnh trực tuyến “Bye bye rác”, hoạt động đạp xe…
Hoạt động không xả rác trong dự án Dấu thăng xanh của Lam Hồng
Lam Hồng cho biết, mục tiêu của dự án là tạo ra tiếng nói của người trẻ trong đấu tranh với hiện tượng vứt rác bừa bãi, kết nối các câu lạc bộ xanh và truyền đi thông điệp “Vì một Sài Gòn xanh không rác”. Đối tượng mà dự án hướng đến là các bạn sinh viên từ 18 đến 24 tuổi đang tham gia các nhóm xanh, các câu lạc bộ môi trường. Lý do để Lam Hồng chọn nhóm đối tượng mục tiêu này vì các bạn trẻ có nhận thức và kiến thức tốt về môi trường, có khả năng sử dụng kiến thức đó để tạo ảnh hưởng lên những người xung quanh và tận dụng mạng xã hội Facebook để tạo ảnh hưởng tới giới trẻ nói riêng, xã hội nói chung. Tuy còn mới mẻ, nhưng dự án đã làm được một số việc như tổ chức hoạt động chụp hình với bản cam kết “Tôi không xả rác” cho các sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh ở Ngày hội không rác, tổ chức hoạt động offline giới thiệu dự án Green Hashtag tại quán cà phê Sống Xanh dành cho các bạn yêu thích trên Facebook và các thành viên nhóm yêu môi trường gặp gỡ, chia sẻ cùng nhau. Mới đây, nhóm tổ chức hoạt động đạp xe tuyên truyền không xả rác bừa bãi với sự tham gia của các tình nguyện viên và các nghệ sĩ, tham gia các trò chơi tập thể và trò chuyện về các biện pháp bảo vệ môi trường, thực hiện cam kết không xả rác bừa bãi. “Thay vì đi vào phê phán, chúng tôi nghĩ khuyến khích các hành động đẹp của các bạn trẻ thì sẽ tạo được ảnh hưởng tích cực tới các nhóm khác nhanh hơn” – Lam Hồng lý giải cách làm của mình.
Ngân An