Thuật ngữ “phở” đã đi vào từ điển ẩm thực của nhân loại từ lâu rồi. Tuy nhiên, với nhiều người nước ngoài thì từ “phở” không chỉ là món phở đã được quốc tế hóa: còn nhiều dạng khác của phở nữa. Trong một cuốn sách viết về ẩm thực Việt Nam có tên Khát vọng và khoái khẩu ở Việt Nam: Món ăn, thức uống trong thế kỷ XIX dài lâu (Aspirations and Appetites in Vietnam: Food and Drink in the Long Nineteenth Century), tác giả Erica J. Peters đã đi tìm nguồn gốc của món phở; xem nó xuất hiện lần đầu tiên trên đường phố Hà Nội vào năm nào, là sáng tạo của một hay một nhóm đầu bếp… Nhà nghiên cứu về lịch sử ẩm thực – tiến sĩ Erica J. Peters cho rằng món phở chỉ xuất hiện sau khi thịt bò được chính quyền thực dân Pháp nhập khẩu vào Việt Nam để làm thực phẩm, bởi trước đó thì người Việt bản xứ theo truyền thống không ăn thịt bò, loài gia súc mà họ nuôi để kéo cày, kéo xe.
Phở cuốn
Trong cuốn sách nêu trên, tác giả dành hẳn một chương để nói về nguồn gốc của món phở mà theo bà đó là hôn phối giữa sự tinh thông của ẩm thực Pháp và khả năng thích nghi của ẩm thực Việt – một phiên bản của món ăn pot au feu cổ điển của ẩm thực Pháp và tên gọi “phở” xuất phát từ “feu”. Ông Didier Corlou, đầu bếp nổi tiếng người Pháp sống tại Việt Nam nhiều năm nay, nguyên bếp trưởng của Khách sạn Metropole Hà Nội cũng đồng tình với cách truy nguyên nguồn gốc của phở nêu trên. Ông Corlou cho biết sự tương đồng rõ nét giữa phở và pot au feu là cả hai đều sử dụng hành nướng khi chế biến. Ông Corlou còn đưa ra một cách lý giải khác: những người đầu tiên bán phở trên đường phố Hà Nội thời Pháp thuộc gánh một cái nồi và một cái bếp lò đất – “coffre-feu” trong tiếng Pháp, và phải chăng tên gọi “phở” đến từ “coffre-feu”? Tất nhiên cách truy nguyên nguồn gốc của món phở “kiểu thực dân” đó đã không nhận được sự đồng tình của nhiều người Việt.
Phở xào
Nhưng cho dù còn có những tranh cãi chung quanh nguồn gốc của phở thì không ai có thể phủ nhận đây là món ăn độc đáo của ẩm thực Việt đã được cả thế giới công nhận. Và một trong những yếu tố làm nên món phở thông dụng còn là nguyên liệu bánh phở được làm bằng bột gạo. Từ thứ bánh phở này, người Việt đã chế biến nhiều món ăn đặc sắc khác như phở cuốn nay đã phổ biến ở nhiều hàng quán phía Bắc, cũng như được du khách nước ngoài biết đến chẳng kém gì món gỏi cuốn Nam bộ. Thay vì ăn tô phở với thịt bò, người ta cuốn bánh phở (chưa thái thành sợi) với thịt bò, rau thơm rồi chấm nước mắm pha. Về cách làm, phở cuốn cũng tựa như món cuốn Huế hay gỏi cuốn miền Nam, có điều lớp “áo” bên ngoài dày hơn, phần nhân cuộn bên trong “nặng” hơn. Đến Hà Nội, bạn hãy thử nếm món phở cuốn hiện có mặt khắp nơi nhưng đáng tin cậy nhất là các hàng quán bên hồ Trúc Bạch, đặc biệt là quán phở cuốn Hưng Bền nổi tiếng vùng này.
Phở chiên phồng
Ngoài ra còn có món phở chiên phồng được làm từ những lát bánh phở ghép lại rồi thái cỡ bằng bao diêm, đem chiên phồng lên, ăn cùng với thịt bò xào cần hay xào rau cải. Hoặc món phở xào giòn được chế biến bằng cách cho bánh phở đã thái nhỏ vào chảo ngập dầu, xếp lại thành hình tròn, khi bánh phở gần chín thì cho trứng gà đánh vào, món phở chiên giòn này cũng ăn kèm thịt bò xào rau cải.
Từ Hà Nội, món phở chiên phồng và phở chiên giòn đã được “nhập cư” đất Sài Gòn, thành món ăn khoái khẩu của giới trẻ.
Nam Hồng