Thông tin cho biết, thanh niên làm việc cho Ngân hàng Bank of America đã bị chết sau khi làm việc 72 giờ liền không ngủ. Cái chết thương tâm này đã thổi bùng lên tranh luận về các điều kiện làm việc của thực tập sinh tại Anh quốc. Theo tờ báo, các thực tập sinh trong lĩnh vực tài chính đều cố gắng làm việc không ngừng nghỉ để mong được tuyển dụng lâu dài sau kỳ thực tập. Việc thực tập sinh làm việc một ngày dài, không nghỉ ăn trưa và kết thúc việc rất muộn không có gì là hiếm tại nước Anh. Thậm chí, họ làm cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật.
Văn hóa làm việc cả ngày lẫn đêm hiện đang bị các hiệp hội bảo vệ thực tập sinh, như Hiệp hội Intern Aware chẳng hạn, lên án. Trên tờ nhật báo The Financial Times, người sáng lập ra hiệp hội nói trên đề nghị: “Người chủ cần đánh giá nhân viên trên chất lượng của công việc hơn là trên số lượng giờ làm”.
Hiện tượng làm việc quá nhiều cũng từng xảy ra ở Nhật trong những thập niên 1970. “Karoshi” là từ tiếng Nhật để chỉ hiện tượng chết do làm việc quá sức. Trường hợp đầu tiên là một thanh niên 29 tuổi, làm việc cho một tập đoàn báo chí lớn của Nhật. Từ đó, nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ rằng làm việc quá sức và mất ngủ đã gây hại như thế nào đến sức khỏe con người.
Theo một chuyên gia nghiên cứu về neuron người Đài Loan thì hai nhân tố chính gây nên “karoshi” là những ngày làm việc quá dài và bị stress nặng trong công việc.
Ngoài ra, một số người làm việc theo giờ xê xích hay vừa nhận một việc mới trong một môi trường thiếu quan hệ bằng hữu hay gia đình cũng có nguy cơ bị “karoshi”, bởi hệ thống tim mạch đặc biệt nhạy cảm đối với các rối loạn về nhịp độ thức-ngủ.
- T.P