“Sáng sớm đi bắt cua đồng,… đi thả diều…”, bài hát làm ta nhớ cảnh quê hương thanh bình, tuổi thơ vùng vẫy, chiều “về ăn cơm” do mẹ nấu.
Những đứa trẻ ấy không biết rằng đời mình sau này đầy khó nhọc, không bao giờ có lại được hạnh phúc bình thường đó nữa. Chúng sẽ thành kẻ xa quê, sống nơi thị thành thèm một khu vườn có tiếng chim hót, thành ông bà Việt kiều dành dụm cả đời để mong về lại nơi xưa đi bắt cua đồng ấy…
“Em làm bài văn đấy à?” – Tôi trêu chọc bà xã. Và nói tiếp: “Em xa xỉ quá, thời buổi này còn bị mấy nhạc sĩ “lừa”, vẽ ra bao cảnh không có để cho ta thèm nhớ lại tuổi thơ. Động lòng trắc ẩn mà họ gọi là “chạm vào người nghe”.
- Xem thêm: Nhớ nhà, là nhớ… nhà nào?
Bởi bây giờ âm nhạc gào thét, mà ca sĩ thì chỉ “từ họng trở ra” còn người nghe thì thấy bài nào cũng giống bài nào. Chứ làm gì có cái quê như vậy nữa. Em không thấy báo nói đấy à, người ta đổ về ngoại thành Hà Nội… câu đỉa bán cho thương lái Trung Quốc, nói là để làm thuốc, đắt gấp mấy cua đồng. Chẳng có nhạc sĩ nào sau này làm bài hát nhớ kỷ niệm… câu đỉa đâu nhỉ”.
Hai vợ chồng nhà tôi thỉnh thoảng chuyện vãn linh tinh. Lúc ngồi cà phê chém gió kể lại cho bạn bè, họ phán: “Nghe chuyện là biết… nhà nghèo”. Vì sao? Là vì không lo lao đi kiếm tiền, không làm thêm thắt được gì mới có thời giờ ngồi chuyện vớ chuyện vẩn.
Nghĩ ngợi linh tinh như vậy giờ chỉ còn mấy ông nhà thơ, mấy bà nhà văn bí đề tài, viết ra không bán được sách thôi. Bà xã tôi hưởng ứng liền: “Đúng rồi, nghèo. Vì chỉ có người nghèo thật mới sợ ai nói mình nghèo, chứ còn càng giàu càng chẳng sợ ai nói gì. Vô tư đi!”.
Bạn bè bắt đầu quay ra bình luận. Một cô bạn nói, về ăn cơm, nghe xa lạ rồi nên nhạc sĩ mới làm bài hát gợi lại thứ quý hiếm tuổi thơ. Quý hiếm là vì các quý ông, có khi cả quý bà nữa – bây giờ không mấy ăn cơm nhà.
Có về ăn cơm không đó? Câu này ở nhiều nhà, thật khó trả lời. Vợ hỏi chồng, mẹ hỏi con trước khi ra khỏi nhà, để biết mà nấu, mà chờ, nhưng không ai trả lời được. “Chưa biết”, “Có thể”, “Có gì gọi điện báo sau” – Đó là những câu trả lời tử tế. Còn có người bị hỏi thì quát lên: “Làm sao biết được?”.
Lạ thật, mình còn chưa biết thì ai biết đây. Có ông còn chờ xem “có thằng nào hú đi không”, chưa biết được. Nhậu thì ít khi có lịch cố định. Lại cứ hỏi, làm gì chẳng quát lên. Các ông nghĩ thế hả! Tưởng phụ nữ thích “về ăn cơm” lắm hả?
Bà xã liệt kê ra ngay: “Anh nhớ lại đi, bữa cơm nhà mình ra sao? Thật đáng sợ. Đến bữa cơm, người nấu đã mệt lắm rồi, còn hò la cho lũ trẻ rời tivi, máy tính ra phòng ăn. Đứa này kêu không ăn cá, đứa kia chỉ thịt mỡ. Ngồi vào bàn thì nhốn nháo, thiếu cái muỗng, chưa có nước mắm, chưa lấy nước.
Chưa gỡ đá trong tủ lạnh ra. Thiếu cái chén đựng xương… Tiếng quát lác trẻ con ầm ĩ. Đó, cảnh về ăn cơm đó. Nấu lên vừa thơm ngon chín tới nóng sốt, còn chưa có ai về ăn. Nhà sáu người thì ăn làm mấy lượt.
Thức ăn, canh rau… nguội hết, chín mềm, rau đỏ lên hết cả xanh ngon”. Tôi nói, thì thế nên đi ăn tiệm là chỉ việc ngồi, có người phục vụ đứng bên, rơi chiếc đũa họ lấy đũa khác, hết đá tiếp đá…
- Xem thêm: Về quê, là sẽ… buồn thương lâu lắm
Bà xã cũng nói, vậy người nấu ăn gia đình cũng phải vậy, nấu xong, dọn ra đủ hết, lại phải đứng bên, phục vụ mọi người ăn nữa hay sao? Lấy đâu ra sức lực? Nhà hàng làm nhiều khâu nhé. Người nấu riêng, người chạy bàn chuyên chỉ chạy bàn. Còn bà nội trợ, làm tất cả. Nấu xong là muốn đi nằm, hết muốn ăn. Đó, về ăn cơm bây giờ thế đó, làm gì có kỷ niệm.
Xong, “chuyện nhỏ xíu” vậy mà cô ấy tổng kết: Những người nhớ nhung kỷ niệm đẹp phần lớn là “bọn” chẳng làm gì, mới thi vị hóa vậy. Giống như ông Tây nọ thăm Vịnh Hạ Long nhìn thấy anh dân chài nằm trên thuyền thả giữa vịnh biển chiều, tay vắt lên trán… liền nói: “Ôi, ông kia chắc tỉ phú mới có cách hưởng thụ cao cấp biển chiều thả thuyền trong vịnh”. Không có đâu!
Thật ra, anh thuyền chài kia mệt lử sau cả ngày lao nhọc, nhà cửa chẳng có, đang lo thắt ruột mấy đứa con lênh đênh không biết học đâu, mà ngày khai trường tới rồi… Vậy mà cho sáng tác sẽ ra ngay bài hát mê ly “Thả thuyền giữa vịnh” cho coi…