Vừa là nghệ sĩ thị giác vừa là nhạc sĩ, những sáng tác của Soni Irawan gợi cảm giác về một thế giới hỗn độn, ngẫu hứng và hồn nhiên. Chủ nghĩa cá nhân trong hội họa của anh đang trở nên thăng hoa hơn bao giờ hết.
Sinh ngày 15-01-1975, lớn lên tại Yogyakarta, thủ đô nghệ thuật của Indonesia, Soni Irawan là nhà sáng lập đáng kính của ban nhạc thể nghiệm Jogjakarta – Seek Six Sick. Chính vì vậy, âm nhạc có ảnh hưởng mãnh liệt và xuyên suốt đến tinh thần và năng lượng sáng tác nghệ thuật của anh. Ẩn hiện trên mỗi bức tranh là những mảng vẽ ngẫu hứng, mảng cắt ghép và hình hài đôi khi sơ hài. Từ lâu, anh đã sử dụng nghệ thuật như một phương tiện thể hiện niềm quan tâm sâu sắc cá nhân để nắm bắt tinh thần sống còn của con người trong cuộc sống hàng ngày.
Âm nhạc khiến hội họa của Soni Irawan trở nên thăng hoa và ngẫu nhiên
Soni theo học tại Học viện Nghệ thuật Yogyakarta vào năm 1993, chuyên ngành in ấn mỹ thuật. Trong trường đại học, những sinh viên thuộc chuyên ngành in ấn thường đoán trước một tương lai mù mịt vì không có nhiều hình mẫu nghệ sĩ in tại Indonesia. Điều đó không có nghĩa không có tác phẩm nghệ thuật quan trọng nào trong lĩnh vực này tại thời điểm đó, chỉ là người dân Indonesia thường ít biết về sản xuất in và không nghĩ đó là một phần của mỹ thuật. Những gì họ biết về khái niệm “tác phẩm nghệ thuật” là điêu khắc và tranh vẽ. Vì vậy, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành in cuối cùng đã phải làm việc trong các công ty xuất bản và quảng cáo.
Trong suốt thời đại học, Soni được dạy về cách in tiêu chuẩn, trong đó có nhiều quy tắc nghiêm ngặt về việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Vì điều kiện khó khăn ấy nên hầu hết sinh viên đều thể hiện sáng tạo trên đường phố bằng cách vẽ tranh tường. Tại đây, Soni và những bạn đồng trang lứa tự do thể hiện bản thân mà không cần để tâm, lo lắng về các quy tắc in ấn khô khan. Họ vô tư thể hiện bất cứ điều gì họ muốn, bất kể các khái niệm nghệ thuật mới nhất.
Cũng thời gian này, Basquiat trở thành tài liệu tham khảo bắt buộc cho những sinh viên yêu thích nghệ thuật đường phố. Hơn nữa, sau khi bộ phim Basquiat (1996) được phát hành, Soni như tìm thấy cho mình một thần tượng phù hợp với sở thích cá nhân. Nghệ sĩ người Mỹ đã mở mang tầm mắt của Soni và trở thành dấu ấn ban đầu trong quá trình anh trưởng thành như một nghệ sĩ.
Với Soni, ngoài vẽ tranh tường, chơi nhạc trong ban nhạc cũng sớm trở thành phương tiện thú vị để thể hiện bản thân.
Vào năm 2002, anh quyết định tham gia Philip Morris ASEAN Art Awards. Thời bấy giờ, Philip Morris ASEAN Art Awards có lẽ là cuộc thi nghệ thuật uy tín duy nhất ở Đông Nam Á. á nhân anh quan tâm vì thấy đây là chương trình chấp nhận bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào, trong khi, các cuộc thi trước giới hạn người tham gia chỉ được nộp tác phẩm tranh vẽ.
Anh sử dụng kỹ thuật đồ họa thông thường kết hợp nghệ thuật stencil mà anh áp dụng trong quá trình thực hành nghệ thuật đường phố. Thật bất ngờ, anh là một trong 5 người tham gia xuất sắc nhất, cùng với S.Teddy D, Ay Tjoe Christy, Ibrahim và Zulkarnaini. Sau đó, anh tham gia vòng tiếp theo ở Đông Nam Á vào năm 2003. Những bước đi đầu tiên này đã góp phần khởi động sự nghiệp nghệ thuật của Soni.
Tuy nhiên, sau cuộc thi này, anh làm việc như một nhà thiết kế đồ họa vì nghệ thuật đường phố và âm nhạc underground không phổ biến hay được xem là nghề nghiệp trong thời điểm đó. Khi Soni bắt đầu chán ngán công việc văn phòng thì một người bạn cũ là Heri Pemad (sau này trở thành nhà sáng lập ArtJog) đột nhiên hỏi về các tác phẩm hội họa của anh. Anh không vẽ tranh trên giấy nhiều mà thường là trên các bức tường. Heri đề nghị bán các tác phẩm nghệ thuật của Soni, và thật đáng kinh ngạc, tất cả đều được mua. Sau đó, Heri mời anh trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Nguồn cảm hứng lớn nhất của Soni chính là nghệ thuật đường phố và rock. Anh bắt đầu chơi nhạc trước khi tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, và bắt đầu khám phá quá trình tạo ra các tác phẩm yêu thích khi chơi nhạc. Anh muốn vẽ như khi chơi nhạc vậy: tạo ra một bố cục hỗn loạn và ngẫu nhiên. Những bức tranh sơn dầu của Soni chứa đầy những nét vẽ ngẫu hứng, những hình vẽ thô – sơ sài hay các mảnh ghép như được cắt ra. Anh sử dụng “oil bar” để các ký tự có tạo hình thô và đậm, bởi anh muốn các công cụ vẽ này gợi cảm hứng về một Soni đang đánh đàn guitar: ngẫu hứng, thô ráp và hồn nhiên. Những oil bar phát ra tiếng đàn dày và thô, trong khi lớp sơn chảy ra như cách âm thanh phản hồi.
Soni chia sẻ với Art Republik: “Nền nghệ thuật Indonesia đã phát triển liên tục trong 10 năm qua, vì văn hóa và công nghệ lần lượt chuyển biến. Điều này không chỉ giúp việc kết nối dễ dàng hơn mà còn tạo ra một đội ngũ nghệ sĩ trẻ và tài năng thế hệ kế cận đáng kể. Các nghệ sĩ có khả năng trở thành bộ lọc của văn hóa và công nghệ thông tin tiến bộ. Nghệ sĩ phải có khả năng thúc đẩy hoặc giữ tư duy của con người nhằm duy trì văn hóa. Tại Jogja, các nghệ sĩ địa phương đang tích cực tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Ví dụ, nhiều trong số họ đã giúp đỡ những nghệ sĩ bị ảnh hưởng thông qua một số phong trào xã hội khi đại dịch bắt đầu.”