Vẽ chân dung là một trong những chủ đề hội họa phổ quát từ thời cổ đại. Thời kì mà dòng tranh ukiyo-e của Nhật được yêu thích, ai từng du lịch qua xứ sở anh đào thời Edo đều muốn có một bức bijinga (mỹ nhân hoạ) đem về nhà sưu tầm.
Giới ngoài nước thuộc trường phái Japonisme cũng rất thích bijinga. Các mỹ nhân trong bijinga, từ geisha, dân thường cho đến diễn viên, được các hoạ sư ukiyo-e vẽ mang nhiều nét đẹp đặc trưng của phụ nữ truyền thống Nhật (kiểu tóc búi cao, cái miệng nhỏ chúm chím, khuôn mặt tròn đầy, làn da trắng muốt), khoác lên mình bộ kimono hoạ tiết lộng lẫy là cả một thế giới mới đối với dân yêu thích Nhật (Japonisme) trong giai đoạn này.
Kể từ khi bại trận ở Thế chiến thứ 2, nhiều quan niệm giá trị của Nhật bị thay đổi. Các bức tranh vẽ về các mô-tít liên quan đến văn hóa Nhật Bản, như thần thoại Nhật Bản, đã trở nên lỗi thời; bijinga cũng có số phận tương tự. Cuối cùng nhiều hoạ sĩ đã dừng vẽ chân dung.
Giờ đây, dòng tranh bijinga đang có xu hướng trở lại mạnh mẽ trong mỹ thuật đương đại Nhật Bản, và được nhiều nhà sưu tập yêu thích. Người đóng vai trò quan trọng trong sự hồi sinh của bijinga đương đại đó là Ikenaga Yasuaki. Một hoạ sĩ hàng đầu của dòng bijinga đương đại nhờ sức biểu hiện mạnh mẽ vô song, duyên dáng và độc đáo.
Đôi nét về Ikenaga Yasuaki
Ikenaga Yasuaki sinh ra ở quận Oita năm 1965. Tốt nghiệp trường trung học Midorigaoka trực thuộc trường đại học nghệ thuật tỉnh Oita, là hoạ sĩ chuyên vẽ chân dung phụ nữ bằng sơn đá (nham hoạ cụ) trên nền vải lanh do chính mình tự tay nhuộm màu. Để có được nền tranh với chất liệu và màu ưng ý, Yasuaki đã mất gần 20 năm miệt mài nghiên cứu. Yasuaki chia sẽ:
“Năm 18 tuổi, tôi đến Tokyo để vẽ tranh sơn dầu nhưng thấy không chắc chắn lắm khi vẽ tranh lên giấy bằng nước. Thậm chí cảm thấy khó để dính bột màu vào giấy. Tôi đã cố gắng sử dụng tất cả các vật liệu từ giấy, bảng, kim loại, đá, thạch cao, vật liệu dát vàng… Thậm chí còn dùng cả chất liệu màu tempera và sáp ong. Tất cả đều không diễn ra như cách tôi muốn. Tôi trở về quê với sự thất vọng ở tuổi 27. Một ngày nọ, tôi chà miếng vải lanh lên miếng đất mà mình nhặt được từ cánh đồng trước nhà. Khi vết bẩn trôi đi, tôi đổ nước nóng lên để rửa thì thấy vết bẩn hiện lên rất đẹp. Bức tranh đầu tiên tôi vẽ về một cô gái cũng từ tấm vải lanh màu nâu đất như thế.
28 tuổi tôi lại đến Tokyo một lần nữa để thử tái tạo màu sắc. Tôi mất rất nhiều thời gian để tái tạo gam màu sắc đã xuất hiện một cách tình cờ trước đó. Tôi cứ đi làm lại để tái hiện cho được mẫu màu đó. Cuối cùng tôi đã thành công nó ở tuổi 38. Tôi cho rằng đây là màu duy nhất tôi cần. Khi bước vào tuổi 40, tôi đã ra mắt những tác phẩm của mình với tư cách là một họa sĩ.”
(Trích từ cuộc phỏng vấn của Shukado Galary)
Năm 2008, các tác phẩm chân dung của Ikenaga lần lượt được triển lãm trong và ngoài nước. Sau cuộc triển lãm cá nhân lớn diễn ra ở Takashimaya và lần xuất bản cuốn sách nghệ thuật của ông vào năm 2014 với tựa đề “君思う白夜の幸福Hạnh phúc một trăm đêm anh nghĩ về em”, danh tiếng của ông ngày càng được biết đến.
Ikenaga Yasuaki đã làm hồi sinh bijinga như thế nào?
Ikenaga Yasuaki không theo học nghệ thuật chuyên nghiệp, cũng không có bất cứ “chống lưng” nào trong giới. Trong một cuộc đối thoại với một hoạ sĩ Morimoto, Ikegana nói, lý do để anh bắt đầu vẽ chân dung con người là vì muốn vẽ người mình yêu. Ikenaga không thực sự quan tâm đến cách mọi người nhìn vào tác phẩm thế nào. Tất cả đều được vẽ sau những khoảnh khắc “lúng túng” của riêng cá nhân mình.
Nhằm thúc đẩy phong trào vẽ tranh chân dung vốn đã bị mai một kể từ sau Đại thế chiến thứ 2, Ikenaga tạo ra một cuộc vận động với tên gọi “Yubinoha”(Trào lưu của ngón tay) và mời bạn bè của mình đến trưng bày tác phẩm. Tháng 10 năm 2006, triển lãm đầu tiên của “Yubinoha” đã được tổ chức tại Hội trường Ishida Taiseisha ở Kyoto với sự tham gia của ba họa sĩ hội họa đương đại Nhật Bản, bao gồm Yasuaki Ikenaga. Ngón tay ở đây chỉ “ngón tay của nhân vật được vẽ“, nhưng chúng cũng có nghĩa là “ngón tay của người vẽ”.
Với Ikenaga, đó là ngón tay lưu giữ kí ức người mình yêu đang hiện diện trước mắt.
Nếu có người tôi yêu đang hiện diện trước mắt tôi, cái để lưu giữ duy nhất về người đó là ngón tay. Mắt, tai, mũi, môi của tôi có thể giúp ích vào việc lưu giữ hồi ức về người đó, nhưng chỉ ngón tay mới có thể giữ nguyên được hình dạng. Nếu bạn vẽ lại hình ảnh của người mình yêu và lưu giữ kí ức về họ, có thể bạn có thể gặp lại họ ở kiếp sau. Ngón tay nó có nghĩa là như thế.
(Trích từ cuộc trò chuyện với Matsubara của Galary Yuagariart)
Vào năm 2010, Galary Shukado, một trong những gallery ủng hộ đầu tiên trào lưu của Ikegana, tổ chức cuộc triển lãm cùng tên “Yubinoha” tại ”Hội chợ nghệ thuật Tokyo”. Một số hoạ sĩ khác cũng tham gia tổ chức nhiều cuộc triển lãm tương tự sau đó, tạo nên một sự bùng nổ nhỏ trong thế giới nghệ thuật Nhật Bản về trường phái tranh chân dung đương đại. Từ đó, nhiều hoạ sĩ trẻ ở độ tuổi 20 và 30 bắt đầu vẽ nhiều hơn về tranh chân dung thu hút nhiều nhà sưu tập.
Hầu hết các tác phẩm của Ikegana đều tập trung vào khuôn mặt hoặc ngực với bố cục rất ấn tượng. Ikenaga sử dụng rất ít màu sắc, nếu nhìn kỹ sẽ thấy màu sắc rất đồng đều, thậm chí phẳng như một quyển sách tô màu. Ikenaga cũng triệt tiêu đáng kể biểu hiện tạo bóng, một kĩ thuật vẽ quan trọng của phương Tây theo khuynh hướng tăm tối (Tenebrism). Để minh họa nhân vật, anh cố tình hạ thấp độ bão hòa, cố gắng làm sao nền tranh màu nâu đất và quần áo phụ nữ phải trông thật hài hoà trong bức tranh tổng thể.
“Đối với tôi, vẽ tranh giống như làm tình”
Các cô gái được Ikegana vẽ mang nhiều nét bí ẩn, tuyệt đẹp, exotic, đâu đó lại toát ra một cảm giác mạnh mẽ rất “nam tính”. Đặc biệt, họ không hề ẩn danh hay chỉ là một sản phẩm trừu tượng. Trong tiêu đề tranh của Ikenaga, tên của người mẫu được khắc lên và tính cá nhân được mô tả như một sự ưu tiên hơn là phong cách của người đẹp. Các nhà sưu tập, những người yêu tranh say mê tranh Ikegana, phải lòng những cô gái đó, tìm kiếm người phụ nữ mà Ikenaga miêu tả, dù đó chỉ là một ảo mộng.
“Các cô gái trẻ đẹp là hiện thân của quỷ, những con quỷ kì lạ.
Tôi không chủ ý vẽ họ.
Là một cô gái, một thần tượng,
hay là cô nào đó đang lang thang giữa khoảng không này,
tôi cũng thấy mơ hồ.
Đó là một sự ghi ghép về sự xung đột và ức chế.” (Yasuaki Ikenaga)
(Trích từ cuốn sách nghệ thuật “Hạnh phúc một trăm đêm anh nghĩ về em”, Ikenaga Yasuaki
”Đối với tôi, vẽ tranh giống như làm tình. Chúng ta không thực sự chứng minh bất cứ điều gì trong khi làm tình cả. Đó chỉ là một hành động xác nhận xem chúng ta có thể ôm người mình yêu sâu đến mức nào. Tuy nhiên, trong tình dục, nếu làm tình xong rồi thì nó kết thúc, nhưng bằng cách sử dụng cọ sơn, tôi vẫn có thể vuốt ve cơ thể của người tôi yêu trong nhiều ngày.” (Yasuaki Ikenaga)
Ikegana từng chia sẽ, anh ý thức mình sẽ trở thành hoạ sĩ khi lên 3 tuổi. 10 tuổi Ikegana bắt đầu vẽ. Thời đi học anh hay vẽ những cô bạn cùng lớp, ngồi đằng sau họ, quan sát cái dái tai họ hàng giờ rồi, một cách quan sát mà thậm chí là người yêu cũng không làm vậy với người yêu của mình. Khi bắt đầu theo đuổi công việc sáng tạo chuyên nghiệp như một hoạ sĩ, Ikegana muốn vẽ chân dung với ý nghĩ đơn giản, “tôi muốn vẽ người mình yêu”. Anh vẽ họ đơn giản ở mức có thể, không chủ ý tạo ra nhân vật thành cô này, cô kia. Như mà cách mà anh nói, vẽ tranh giống như làm tình vậy.
Ikenaga không nhắm đến cái gọi là trường phái “bijinga (mỹ nhân hoạ)” ngay từ đầu. Anh không chi tiền mua hoạ cụ mà mất đến 20 năm chỉ để tạo ta một nền tranh bằng vải lanh với gam màu nâu đất mình ưng ý. Tìm tòi, thử nghiệm bằng nhiều cách thức để tìm cái mình tâm đắc và theo đuổi tới cùng. Hưởng ứng phong trào yubi-no-ha của Ikenaga, nhiều hoạ sĩ đương đại Nhật Bản tên tuổi như Okamoto Toko, Ayana Otake, Miyaza ki Yu…cũng bắt đầu vẽ lại tranh chân dung và được nhiều nhà sưu tập yêu thích.
Trong khi bijinga bị đám đông đẩy lùi và xem là một mô-tít “bình thường”, Ikenaga là một cái tên rất đặc biệt trong giới mỹ thuật đương đại của Nhật vì đã thổi được một luồng sinh khí mới cho nó.