Ở Anh đã nổ ra một cuộc bút chiến giữa 2 phe: một bên là tiểu thuyết gia gián điệp, John Le Carré và bên kia là cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc tế Anh, Sir Richard Dearlove. Cuộc tranh cãi chủ yếu nhắm vào tiểu thuyết gia có số lượng sách bán ra lên đến hàng triệu quyển, nhưng cuộc đời vẫn còn rất bí ẩn.
Đây là cuộc bút chiến phát sinh ra trong giới gián điệp đầy bí ẩn, nhưng được công khai lan truyền trên các cột của nhiều tờ báo ở Vương quốc Anh. Một bên là Sir Richard Dearlove, cựu giám đốc M16, Cục Tình báo quốc tế của Anh. Bên kia là cựu điệp viên trở thành tác giả của tiểu thuyết gián điệp bán chạy nhất, John Le Carré.
Sir Richard Dearlove buộc tội nhà tiểu thuyết miêu tả trong các tác phẩm của mình cơ quan tình báo của Anh “tràn ngập tham nhũng và đầy kẻ phản bội”. Đó là điều mà phe này đưa ra, cách đây vài hôm, bên lề của Đại hội văn học Cliveden ở miền Nam nước Anh. Richard Dearlove nói: “Lực lượng tình báo dựa trên sự tin tưởng giữa các đồng sự; ngược lại, các quyển tiểu thuyết của John Le Carré chỉ nói về sự phản bội”. Tóm lại, ông chỉ trích tác giả vì đã đưa ra một hình ảnh xấu trong giới tình báo, gián điệp Anh.
Tiểu thuyết gia 87 tuổi đã phản pháo ngay lập tức bằng cách viết trên tờ The Times của Anh. Ông trích dẫn một số ví dụ về các điệp viên người Anh đã chạy sang các quốc gia Đông Âu trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, trong khi ông đang là một thành viên của cơ quan tình báo. Một cách để nói rằng nếu tầm nhìn của ông ta về thế giới gián điệp là quá thô thiển thì đó có thể là một lý do chính đáng…
Cuộc bút chiến này một lần nữa nhắm vào John Le Carré, tác giả đã bán ra hàng triệu cuốn sách của mình và được xem là bậc thầy của tiểu thuyết gián điệp. Nhưng cuộc đời riêng tư của tác giả luôn được bao phủ bởi một lớp tro bụi dầy cộm bí ẩn.
Một cái nhìn sống sượng về thế giới tình báo
Nếu John Le Carré bị chỉ trích như vậy là vì ông đã phác họa trong tiểu thuyết của mình, một bức chân dung không khoan nhượng về thế giới gián điệp. “Tác phẩm thành công lớn đầu tiên của John Le Carré, L’espion qui venait du froid (Điệp viên đến từ xứ sở lạnh giá) đã tiết lộ, vào năm 1963, cho nhiều triệu độc giả, về thế giới băng giá, bi thảm, trong đó các nhân vật anh hùng, trong y phục bằng vải gabardine sờn rách, của ông đã hoạt động chống lại James Bond. Họ tạo ra và tháo gỡ một số mưu đồ đen tối giữa Đông và Tây, bị nghiền nát bởi một cỗ máy luôn kết thúc quá nhanh”, như tóm tắt của 2 nhà báo Michèle Cotta và André Bercoff của tuần báo Express vào năm 1969.
Vào những năm cuối thập niên 1960, John Le Carré đã rời khỏi ngành tình báo Anh vài năm trước đó. Nhưng ngày tháng chính xác thời gian ông phục vụ trong ngành này không được xác nhận một cách cụ thể, rõ ràng, và các nguồn tài liệu thì đa dạng, không trùng khớp nhau.
Theo Sir Richard Dearlove, ông chủ cũ của cơ quan M16, John Le Carré đã phục vụ trong ngành tình báo Anh vỏn vẹn có 3 năm. Trong chuyên mục của mình được The Times đăng tải, John Le Carré đưa vấn đề thời gian phục vụ này ra tranh cãi.
Cuốn Bách thư toàn thư Britannica xác nhận John Le Carré đã làm việc 5 năm cho Bộ Ngoại giao Anh, tại nhiệm sở ở Tây Đức, từ năm 1959 đến năm 1964, giữa cuộc Chiến tranh lạnh… Có thể đây là vỏ bọc cho một điệp viên thi hành nhiệm vụ ở nước ngoài.
Từ Đại học Oxford đến Sở Mật vụ
Tuy nhiên, John Le Carré được xác nhận có tên thật là David John Moore Cornwell, sinh vào tháng 10 năm 1931 tại Poole trên bờ biển phía Nam nước Anh.
Một nhân vật chủ chốt được xem là chủ đề chính ngay khi đề cập đến tuổi thơ của John Le Carré là cha ông. Richard Thomas Archibald Cornwell “là một người đàn ông xuất sắc, nhưng cũng là một tay lừa bịp, một tên mạo danh đã bịa ra những câu chuyện đáng kinh ngạc”, John Le Carré cho biết trong một bộ phim tài liệu được phát sóng trên kênh truyền hình Arte vào năm 2008.
Theo tờ Le Monde, ông bố này là “một kẻ lừa đảo bảo hiểm đáng sợ”. Ông ta lái chiếc xe Bentley mới cáu cạnh, nhưng lại nợ nần ngập đầu. Ông ta thuộc tầng lớp xã hội ưu tú Anh, nhưng lại nhiều lần vào tù ra khám. Về người mẹ của mình, John Le Carré chỉ gặp bà vào năm 21 tuổi vì mẹ ông rời bỏ cha ông từ rất sớm.
Tiểu thuyết gia tương lai học ở trường có uy tín: Đại học Sherborne của Anh, Đại học Berne của, Thụy Sĩ, rồi Đại học Oxford của Anh.
John Le Carré giảng dạy tại một trong những cơ sở uy tín nhất của Anh
Sau khi học xong và ra trường, John Le Carré khởi nghiệp bằng nghề dạy học. Ông giảng dạy tiếng Pháp và tiếng La tinh tại Trường Eton. Đây là một trong những ngôi trường uy tín nhất của Anh.
Nhưng giảng dạy là một giai đoạn mờ nhạt trong cuộc đời của John Le Carré. Theo tờ The Times hay cuốn Bách khoa toàn thư Britannica, ông giảng dạy tại Trường Eton từ năm 1956 đến năm 1958, trước khi gia nhập Bộ Ngoại giao Anh.
Tại nhiệm sở tình báo ở Tây Đức trong cuộc Chiến tranh lạnh
Nhưng theo thông tin từ tờ Le Figaro, ông thực sự gia nhập Bộ Ngoại giao vào năm 1952. Sau đó, Bộ Ngoại giao đã gởi ông đến Hamburg (Đức), nơi ông được cơ quan mật vụ tuyển dụng… Điều chắc chắn duy nhất là ông đã nắm giữ một số vị trí ở các thành phố khác nhau của Tây Đức, trong đó có Hamburg, Bonn.
Sự nghiệp của ông trong ngành tình báo Anh kết thúc vào “giữa những năm của thập niên 1960”, theo thông tin từ tạp chí Télérama. Tại sao và chính xác khi nào John Le Carré rời khỏi M16 vẫn còn là một ẩn số. Ông đặc biệt luôn giữ kín đáo về thời điểm này.
Sau đó, ông dành hết tâm huyết cho việc viết lách. Ông đi du lịch đến nhiều nước như Campuchia, Việt Nam, Kenya, Nga…
“Tôi là kẻ nói dối”
Những cuộc gặp gỡ và các chuyến đi của ông là nguồn cảm hứng và tư liệu giúp ông hoàn thành nhiều cuốn tiểu thuyết rất thành công như La taupe (Chuột chũi), Le Tailleur de Panama (Người thợ may ở Panama), La Constance du jardinier (Tính kiên trì của người làm vườn), Un traitre à notre gout (Kẻ phản bội như ý)… Thông thường, những âm mưu trong tác phẩm của ông gắn liền với bối cảnh Chiến tranh lạnh. Nhưng ngày nay, thời kỳ đó đã rơi vào quá khứ và ông đã cải biên cho thích nghi.
Ông vẫn tiếp tục viết và luôn gắn kết với tình hình thực tại. Trong quyển tiểu thuyết mới nhất xuất bản ngày 17.10 vừa qua tại Vương quốc Anh, câu chuyện diễn ra vào năm 2018. Nhân vật chính của quyển sách mô tả Brexit là “điên rồ”, và có những lời lẽ rất gay gắt đối với đương kim Thủ tướng Borris Johnson, lúc bấy giờ là Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao…
- Xem thêm: Điệp viên trong đời thực
Trong khi đó, tác giả đã thành công trong việc duy trì những mảng tối của đời ông. John Le Carré là “nhà văn Anh bí ẩn nhất của thế kỷ 20”, tờ Le Figaro kết luận.
Bạn không nên trông chờ vào ông để tìm ra manh mối. Trong cuốn Le Tunnel aux pigeons (Đường hầm của chim bồ câu) về cuộc đời mình xuất bản năm 2016, ông viết: “Tôi là một kẻ dối trá. Sinh ra trong dối trá, được giáo dục trong dối trá, được đào tạo để nói dối bởi một cơ quan mà nói đối là lý do để tồn tại, và thành thạo nói dối là ngón nghề viết văn của tôi”.