Đợt dịch Coronavirus mới (nCoV) đã thêm một bài học nữa cho chúng ta về cách đối phó với những bệnh lầy từ thú vật. Nó nguy hiểm và khó đoán hơn nhiều người tưởng. Kinh nghiệm cho thấy con người thường ở thế thụ động trong những trận dịch virus mới. Rõ ràng, nCoV đang đẩy 2 mối quan tâm lớn nhất của loài người hiện nay – toàn cầu hoá và thay đổi khí hậu – xuống hàng thứ yếu.
Khi sinh mạng hàng triệu người bị đe dọa
Thế giới đang chật vật đối phó với cuộc khủng hoảng Coronavirus mới, dòng mới của loại virus từng gây ra 2 trận dịch SARS và MERS, nhưng đã vượt qua quy mô của 2 đợt dịch trước về cả số người chết, người nhiễm và tốc độ lây lan. Một lần nữa, sự xuất hiện bất ngờ của nCoV mà nhiều nhà nghiên cứu tin là đến từ cuộc sống hoang dã cho thấy sự nguy hiểm của những căn bệnh nhiễm có xuất xứ từ thú vật.
Dù cảnh báo không hề mới, các biện pháp dự phòng dịch đã được kích hoạt nhưng chúng ta vẫn ở trong thế thụ động. Những hệ quả sự tương tác thiếu kiểm soát giữa người và thú đang là một chủ đề nghiên cứu quan trọng vì nó liên quan đến sinh mạng của số đông, không phải một mà có thể hàng triệu người. Loài vật không cần dùng sức mạnh của nó mà có thể tấn công và giết nhiều người bằng loại vũ khí ký sinh theo nó.
Cách tấn công gián tiếp này gây ra hậu quả khốc liệt hơn nhiều. Tệ nhất là lực lượng tấn công thường vô hình trước mắt thường và không xuất hiện dấu hiệu cảnh báo. Trong 50 năm qua, một loạt mầm bệnh nhiễm đã lan rộng nhanh nhờ tiến hoá sinh học với những đột biến có thể lây từ thú vật sang người. Có những loại virus trước kia chỉ lây giữa thú-thú nay đã lan sang người.
Cuộc khủng hoảng HIV/Aids vào thập niên 1980 phát xuất từ loài linh trưởng lớn, đại dịch cúm gia cầm 2004-07 đến từ gà. Còn heo cho chúng ta đại dịch cúm heo 2009 và cứ tái đi tái lại với cảnh báo có thể lây sang người nếu virus đột biến. Mới đây nhất, triệu chứng SARS (severe acute respiratory syndrome) được phát hiện đến từ loài dơi thông qua ký chủ (vật chủ) cây hương (civet).
Còn dịch MERS 2012 đến từ lạc đà châu Phi. Dơi cũng cho chúng ta bệnh Ebola với tỉ lệ tử vong rất cao. Trong lịch sử, con người từng bị truyền bệnh từ thú vật. Trên thực tế, đa số các bệnh nhiễm mới đến từ cuộc sống hoang dã. Sự lây truyền virus giữa người và thú ngày càng dễ dàng hơn trước, dù chưa phổ biến. Chính sự thay đổi môi trường đã đẩy mạnh quá trình này. Cuộc sống đô thị đông đúc và du lịch phát triển mạnh giữa các nước càng làm các đợt dịch mới lan nhanh hơn.
Cách virus lây từ thú sang người và ai dễ nhiễm nhất
Đa số thú vật mang trên cơ thể chúng một số mầm bệnh vi khuẩn và virus có thể gây dịch. Sự sống còn của một mầm bệnh đã tiến hoá tuỳ thuộc nhiều vào việc nhiễm cho một ký chủ mới nên việc mầm bệnh nhảy từ loài này sang loài khác là một cách để đạt được mục tiêu này.
Hệ miễn dịch của ký chủ mới tìm cách giết các mầm bệnh xâm nhập, có nghĩa là 2 bên bị kẹt trong “trận chiến tiến hoá vô tận” (eternal evolutionary game) và cả hai đều cố tìm ra cách mới để huỷ diệt đối thủ. Khi trận chiến khốc liệt hơn, tỉ lệ tử vong sẽ cao hơn. Ví dụ, có khoảng 10% người bị nhiễm bệnh chết trong dịch SARS 2003 so sánh với dưới 0,1% của dịch cúm thông thường. Cư dân thành phố và thú vật thường sống chung với nhau.
- Xem thêm: Corona – em từ đâu tới?
Môi trường sống và thay đổi khí hậu làm dịch chuyển và mất nơi cư trú của thú; thay đổi cách sống, nơi sống và cả thức ăn của chúng. Chọn nơi cư trú của con người cũng thay đổi. 55% dân số toàn cầu hiện sống trong thành phố so với 35% cách nay 50 năm. Các thành phố lớn chính là nơi cư trú lý tưởng cho động vật hoang dã; từ chuột, gấu trúc, sóc, cáo đến chim, chó rừng, khỉ.
Chúng sống trong các không gian xanh như công viên, vườn nhà và ăn những thứ con người thải ra. Thường thì thú vật hoang dã sống tốt trong thành phố hơn trong rừng nhờ nguồn cung thức ăn dồi dào. Không gian đô thị trở thành nơi tốt nhất cho các mầm bệnh tiến hoá, đột biến và lây lan. Vậy thì ai có nguy cơ cao nhất đối với bệnh lây từ thú hoang? Các mầm bệnh tiến hoá hay đột biến khi chuyển sang sống trong kỷ chủ mới thường nguy hiểm hơn.
Đó là lý do tại sao dịch bệnh virus mới nào cũng phải được quan tâm nghiêm túc. Một số thành phần dân số dễ tổn thương và dễ nhiễm bệnh hơn các thành phần khác. Các cư dân đô thị nghèo làm việc trong các lĩnh vực vệ sinh và dọn dẹp cống rãnh dễ tiếp xúc với nguồn lây và mầm bệnh.
Họ cũng có hệ thống miễn dịch yếu hơn do ăn uống thiếu thốn, phải sống trong những khu nhà cấp thấp thiếu vệ sinh và ô nhiễm nặng. Nếu ngã bệnh, họ cũng không có khả năng tìm được sự chăm sóc y tế kịp thời và tốt.
Các đợt dịch mới cũng dễ lây lan trong các thành phố lớn đông đúc chật chội, với nhiều người thở chung một bầu không khí tù túng và chạm vào những bề mặt mang mầm bệnh. Văn hoá ẩm thực truyền thống tại một số cộng đồng còn khuyến khích cư dân đô thị ăn những mòn ăn hoang dã săn bắt được tại chỗ hay các khu vục chung quanh. Những người già có hệ miễn dịch kém, có tiền sử bệnh, phụ nữ mang thai và trẻ em cũng thuộc số có nguy cơ cao.
Dịch bệnh thay đổi hành vi của con người
Với những quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi đợt dịch nCoV, các hệ quả kinh tế là rõ ràng. Lệnh cấm du lịch áp dụng tại nhiều nước; nhưng dù không cấm, nhiều người do sợ lây nhiễm từ những người chưa lộ bệnh đã hạn chế tối đa việc đi lại.
Nói chung, Coronavirus đang làm thay đổi cách dịch chuyển của số đông. Qua lại biên giới, nhập cảnh bị kiểm soát chặt nên nhiều công nhân không thể trở lại nơi làm viêc của họ sau mùa nghỉ tại quê nhà. Hoạt động cung cấp lương thực và những thứ cần thiết khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Đây là những hệ quả thường gặp từ cơn thịnh nộ của tự nhiên, dù là thiên tai hay dịch bệnh.
Năm 2003, thảm hoạ SARS kéo dài 6 tháng làm thiệt hại khoảng 40 tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu (trong đó có cả chi phí trị bệnh, ngăn chặn dịch) và tác động xấu đối với sản xuất, dịch vụ và du lịch. Vậy chúng ta có thể làm gì để đối phó với dịch bệnh? Các chính phủ và xã hội có xu hướng phản ứng với một bệnh lây nhiễm mới như một “cuộc khủng hoảng độc lập” thay vì thừa nhận nó là một “triệu chứng phát sinh từ một thế giới đang thay đổi”.
Môi trường sống và khí hậu càng thay đổi nhiều, hệ sinh thái của trái đất càng bị tàn phá và tạo cơ hội cho các bệnh mới nổi dậy. Theo các nhà khoa học, chỉ có khoảng 10% mầm bệnh của thế giới được hiểu rõ nên chúng ta cần tập trung nhiều nhân lực và vật lực hơn nữa để nhận biết phần còn lại, đặc biệt là ở những loài thú đang mang mầm lây và dân số của chúng.
Ví dụ: có bao nhiêu con chuột đang sống tại thủ đô London của nước Anh và chúng mang những mầm bệnh gì? Nhiều cư dân đô thị thích nuôi thú cưng trong nhà mà không ý thức về nguy cơ nhiễm mầm bệnh chúng mang. Vì vậy, phải lập hồ sơ thú nuôi đầy đủ (nhất là thú lạ mới mang vào khu dân cư) và kiểm dịch thật tốt số thú hoang bị giết, ăn thịt và bán tại chợ.
Dịch bệnh không bao giờ từ bỏ con người
Cải thiện tình trạng vệ sinh đô thị cũng là biện pháp cần thiết để loại bỏ hay giảm mạnh điều kiện cho các mầm bệnh phát tác và lan rộng. Muốn vậy, phải thay đổi cách quản lý và ứng xử với môi trường và cách chúng ta tương tác với nó. Môi trường phải trở thành nơi thân thiện và bảo vệ con người chứ không phải là nơi ẩn chứa những nguy cơ cho con người.
Tuy nhiên, dù áp dụng biện pháp nào, chúng ta cũng phải chuẩn bị sẵn tư tưởng: mầm bệnh luôn là… tương lai của con người. Chúng ta không thể tiêu diệt hết hay lẩn tránh nó. Sống chung với mầm bệnh, nhưng trong tư thế của kẻ mạnh và được trang bị những vũ khí tốt hơn để đối phó với chúng. Cách nay một thế kỷ, đại dịch cúm Tây Ban Nha nhiễm cho hơn nửa tỉ người trên toàn thế giới và làm chết 50-100 triệu người.
Tiến bộ khoa học và đầu tư lớn cho sức khoẻ toàn cầu giúp chúng ta quản lý và đối phó tốt hơn với các đợt cúm mới. Nhưng nên nhớ: nguy cơ không bao giờ hết vì dịch bệnh luôn chờ con người mất cảnh giác để tổng tấn công. Nếu một đại dịch như cúm Tây Ban Nha xuất hiện lần nữa, thế giới sẽ rất khác bây giờ. Vào giữa thế kỷ 20, một số người phương Tây tuyên bố lạc quan rằng “loài người đã chinh phục hoàn toàn được các bệnh nhiễm”.
Nhưng thực tế cho thấy họ đã sai. Vệ sinh đô thị kém, bất bình đẳng xã hội, thay đổi khí hậu vẫn tiếp tục gây tác hại cho hệ sinh thái trái đất khiến một nhà khoa học phải khẳng định: “Con người không bao giờ thoát khỏi nguy cơ tiềm các của những bệnh nhiễm giết người hàng loạt, nhất là bệnh đến từ thú vật”.
Tốc độ phát triển vắc-xin nhanh hơn trước
Sự hoảng loạn sẽ đến khi xuất hiện một virus mới lây lan nhanh với tỉ lệ tử vong cao; hàng trăm ngàn người bị nhiễm; không có thuốc chữa, không có vắc-xin! Những thảm hoạ như vậy đã xảy ra nhiều lần trước đó. Chỉ trong 5 năm qua, thế giới đã đối mặt với các trận dịch Ebola, Zika, một dòng Coronavirus có tên MERS (Middle East Respiratory Syndrome) và nay là loại virus mới 2019-nCoV.
Nhưng khác với các đợt dịch trước đó phải mất nhiều năm mới phát triển được vắc-xin, lần này thế giới lao vào nghiên cứu và phát triển vắc-xin chỉ vài giờ sau khi dịch được công bố. Ngành y tế Trung Quốc công bố nhanh mã di truyền của 2019-nCoV để giúp các nhà khoa học xác định virus đến từ đâu, có thể đột biến thế nào và cách bảo vệ con người chống lại nó.
Tiến bộ công nghệ, sự cam kết hỗ trợ kinh phí dồi dào của các chính phủ, tổ chức tư nhân sẽ giúp các trung tâm nghiên cứu vacicine sớm tìm ra vắc-xin mới và thử nghiệm hiệu quả. Tại phòng thí nghiệm của công ty Inovio ở San Diego, bang California (Mỹ), các nhà khoa học đang dùng loại công nghệ ADN tương đối mới để phát triển một vắc-xin tiềm năng có tên INO-4800 và dự tính sẽ thử nghiệm trên con người vào đầu mùa hè năm 2020. Kate Broderick, phó chủ tịch nghiên cứu và phát triển của Inovio, nói: “Nếu Trung Quốc cung cấp chuỗi ADN của 2019-nCoV, chúng tôi có thể dùng công nghệ máy tính để thiết kế mẫu vắc-xin trong vòng 3 tiếng.
Các vắc-xin dựa vào ADN của chúng tôi mới ở chỗ chúng dùng chuỗi ADN của virus để tấn công những phần đặc biệt của mầm bệnh mà cơ thể cần tập trung tấn công nó. Chúng tôi dùng chính các tế bào của bệnh nhân để làm nhà máy sản xuất vắc-xin, giúp tăng cường hệ thống tự vệ của họ”. Inovio cho biết nếu thử nghiệm bước đầu trên con người thành công sẽ có cuộc thử nghiệm trên diện rộng và sau đó sẽ áp dụng tại Trung Quốc.