Chết là một chủ đề đáng sợ với hầu hết mọi người. Nhưng dù sao đi nữa, cuối cùng nó cũng sẽ đến với tất cả chúng ta. Một số người, ví dụ người chết trong các vụ tai nạn, không thể kiểm soát được việc họ sẽ chết như thế nào hoặc khi nào.
Những người khác, ví dụ như người mắc bệnh hiểm nghèo, lại có thời gian để quyết định việc họ sẽ đối mặt với cái chết ra sao. Tuy nhiên, có những người không muốn ra đi. Bất chấp hoàn cảnh hiểm nghèo, họ vẫn sống sót trong khi những người khác chắc chắn sẽ bỏ mạng. Dưới đây là những trường hợp từ chối cái chết mặc dù với người khác thì mười mươi sẽ chết.
Người phụ nữ bị treo cổ nhưng không chết
Vào năm 1650, cô hầu gái Anne Greene bị cháu trai của người chủ dụ dỗ và mang thai. Nhưng cô không tiết lộ chuyện này với bất cứ ai. Cô bị sẩy thai 6 tháng sau đó và tự tay chôn xác con trai mình. Khi thi thể được phát hiện, Greene bị buộc tội giết con mặc dù có bằng chứng rõ ràng rằng đứa trẻ đã chết sau khi sinh.
Greene bị tuyên là có tội và bị kết án treo cổ. Vào ngày 14 tháng 12, cơ thể cô đã rời khỏi giàn giáo và treo lơ lửng trên sợi dây thừng trong gần nửa giờ, trong khi có kẻ nhẫn tâm đạp vào ngực cô và kéo chân cô bằng tất cả sức mạnh của họ để chấm dứt cuộc sống của cô.
Cuối cùng, xác cô được mang ra khỏi giàn giáo và chuyển đến bác sĩ phẫu thuật để thử nghiệm. Khi xác cô được đặt vào quan tài, một người bảo vệ nghe thấy Greene dường như còn thở. Anh ta nhảy lên nhảy xuống trên ngực cô vài lần để kết liễu cuộc sống của Greene gọi là hành động “nhân đạo” theo lời anh ta.
Mặc dù vậy, bác sĩ phẫu thuật đã hồi sinh Anne Greene với các biện pháp “kích thích tim bằng nước nóng và lạnh”, dùng ngón tay móc vào trong cổ họng và thụt rửa dạ dày bằng nước ấm. Biện pháp cuối cùng dường như chỉ là một cách chữa mẹo. Anne Greene sau đó được ân xá, kết hôn và có thêm 3 đứa con trước khi chết trong khi sinh đứa con cuối cùng vào năm 1665.
Người đàn ông rơi khỏi quan tài
Năm 1571, một nông dân người Anh tên Matthew Wall đã làm lễ đính hôn thì đột ngột qua đời. Trong khi những người bạn đang mang quan tài của anh lên ngọn đồi dốc về phía nhà thờ thì một trong những người khiêng bị trượt vì dẫm vào những chiếc lá ướt. Chiếc quan tài đập xuống đất với một tiếng uỵch. Trong tiếng va chạm, sự im lặng xảy ra sau đó và sự bối rối không tránh khỏi, họ có thể nghe thấy những âm thanh khác, lần này xuất phát từ bên trong quan tài. Những âm thanh được theo sau bởi những tiếng la hét.
Những người khiêng quan tài đã mở nắp quan tài và thấy Wall còn sống. Anh đã bị hôn mê, và va chạm mạnh của quan tài khi rơi xuống đất đã làm anh tỉnh lại. Sau đó anh đã tiếp tục làm lễ kết hôn với vị hôn thê của mình và có hai con trai. Cuối cùng, Wall đã chết già vào năm 1595.
Trong di chúc của mình, anh đã để lại tiền cho nhà thờ giáo xứ để mỗi năm, vào ngày kỷ niệm đám tang đầu tiên của Wall, tiếng chuông nhà thờ sẽ vang lên như thể cho một đám tang và sau đó lại rung lên như trong một đám cưới. Wall cũng yêu cầu con đường đến nhà thờ phải được quét sạch lá để đảm bảo rằng không có ai bị trượt.
Truyền thống đó được giữ cho đến ngày nay. Mỗi năm vào ngày lễ Old Man, những đứa trẻ trong làng sẽ quét sạch con đường và được thưởng kẹo trong khi tiếng chuông nhà thờ vang lên thánh thót.
Người đàn ông thoát khỏi một chiếc tàu ngầm
John Capes là thợ cơ khí trên chiếc tàu ngầm HMS Perseus khi nó đi từ Malta đến Alexandria vào tháng 11 năm 1941. Vào ngày 6 tháng 12, chiếc tàu đã bị vướng vào một quả mìn ở ngoài khơi bờ biển Cephalonia. Có 61 thuyền viên trên tàu, nhưng chỉ có một mình Capes còn sống sót. Anh cho biết khi ấy anh đang nằm nghỉ trên một chiếc giường tạm được giấu trong ống phóng ngư lôi dự phòng; và khi quả mìn nổ tung, anh cùng 3 người khác đã thoát ra qua một cửa hầm trong phòng máy. Capes nói rằng anh đã lén lấy một ít rượu rum để củng cố tinh thần, giúp đồng đội bảo vệ sự sống của họ và sau đó bơi lên mặt biển cách 52m ở trên.
Capes đã phải bơi 8km vào bờ trong làn nước biển của tháng 12 lạnh lẽo vào ban đêm. Anh bơi đến vách đá trắng của Cephalonia đang bị chiếm đóng và được ngư dân tìm thấy bất tỉnh trên bãi biển vào sáng hôm sau. Họ giấu anh khỏi lực lượng chiếm đóng của Ý trong 18 tháng, chuyển anh ta từ nhà này sang nhà khác để tránh bị bắt.
Năm 1943, Capes cuối cùng đã được đưa ra khỏi đảo. Từ đó, anh đến Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó tới Alexandria để phục vụ trên một chiếc tàu ngầm khác. Mặc dù Capes được trao huân chương Đế quốc Anh, nhiều người nghi ngờ câu chuyện phi thường của anh, đặc biệt là các chỉ huy tàu ngầm đã được lệnh phải gia cố các cửa hầm từ bên ngoài để ngăn ngừa việc chúng được mở ra trong các cuộc tấn công của tàu địch.
Capes mất năm 1985. Nhưng vào năm 1997, câu chuyện của anh cuối cùng đã được xác nhận. Các thợ lặn kiểm tra xác tàu Perseus đã phát hiện chính xác những gì mà anh mô tả, với cửa thoát hiểm được mở khóa và một ống phóng ngư lôi với một chiếc giường tạm thời bên trong. Họ thậm chí còn tìm thấy chai rượu rum của anh!
Người phụ nữ thoát chết nhờ… những tay cướp mộ
Năm 1705, Margorie McCall ngã bệnh và qua đời tại Shankill, Ireland. Trong lúc thức canh người chết, có một người trong số những người thức canh muốn lấy chiếc nhẫn có giá trị mà người quá cố đang đeo. Một số người thân cũng cho biết họ muốn tháo chiếc nhẫn để ngăn thi thể bị những kẻ cướp mộ đào lên. Tuy nhiên chiếc nhẫn vẫn nằm trên tay người quá cố.
Vậy là thi thể của McCall được chôn và cô vẫn đeo chiếc nhẫn. Ngay trong đêm đó, quan tài của cô đã bị bọn cướp mộ đào lên. Sau khi không tháo được chiếc nhẫn, bọn chúng định dùng một con dao để cắt đứt ngón tay đeo nhẫn. Ngay khi lưỡi dao chạm vào da thịt cô, McCall tỉnh lại. Bọn cướp đã bỏ chạy và McCall đi bộ về nhà và gặp gia đình bị sốc của cô.
Khi cô cuối cùng đã qua đời thực sự, McCall quay trở lại nghĩa trang Shankill trong một đám tang lần thứ hai. Trên bia mộ của cô có khắc một dòng chữ: “Sống một lần, Chôn hai lần”. Không biết chiếc nhẫn có được chôn cùng cô hay không?
Vị vua vẫn sống sau 50 lần bị ám sát
Năm 1931, quốc vương Zog của Albania bị bắn khi đang rời khỏi Nhà hát Opera Vienna. Đối với phần lớn các vị vua, đây có thể là chuyện xảy ra một lần trong đời, nhưng vua Zog đã từng bị bắn từ đầu những năm 1920. Lần đó, ông mất vài phút để tự trấn tỉnh và vẫn đến tòa nhà Quốc hội để phát biểu dù vết thương còn đang chảy máu. Điều này thật ấn tượng theo một cách nào đó.
Vua Zog không hoàn toàn được người dân Albania yêu quý. Cuộc sống của ông nghiêng về phía sự thừa mứa, trong khi hầu hết người dân của ông đang sống nghèo khó. Chế độ quân chủ ở Albania còn non trẻ nên ông không được chấp nhận rộng rãi ở bên ngoài đất nước mình. Những yếu tố này cộng với thói quen giết chết các đối thủ chính trị của ông đã khiến Zog trở thành một người đàn ông có dấu ấn tử thần.
Zog bắt đầu thấy cuộc sống khó khăn. Ông cố gắng không xuất hiện ở nơi công cộng. Ông để thành viên gia đình phụ trách quân đội và mẹ ông phụ trách nếm thức ăn của ông. Tuy nhiên, Zog thực sự không phải là người hoang tưởng. Vua Zog được cho là đã sống sót sau ít nhất 50 vụ ám sát, trong đó có một số vụ xảy ra sau khi ông phải sống lưu vong vĩnh viễn vào năm 1939. Cuối cùng ông qua đời vì nguyên nhân tự nhiên vào năm 1961.
Người đàn ông bị gấu vồ
Năm 1818, chàng thanh niên Hugh Glass trốn thoát khỏi một băng cướp biển. Anh bị người Pawnee bắt và được nhận vào bộ lạc của họ. Glass học cách vượt qua những dòng sông lớn, xác định các loại trái cây ăn được, học nhóm lửa và định hướng từ những ngôi sao. Tất cả những điều này sẽ có ích cho anh trong tương lai không xa.
Năm 1822, anh trốn khỏi bộ lạc và tham gia một cuộc thám hiểm săn lông thú do tướng Ashley lãnh đạo ở khu vực phía Bắc sông Missouri. Ở đó, Glass ngạc nhiên khi thấy một con gấu mẹ bảo vệ đàn con của mình. Con gấu tấn công và Glass bị thương nặng. Không thể với lấy khẩu súng của mình, anh buộc phải vật lộn con gấu bằng tay không.
Tin chắc rằng Glass sắp chết, tướng Ashley đặt anh nằm lên một tấm da gấu và kêu gọi người tình nguyện ở lại cho đến khi anh chết. Dường như không có ai quan tâm đến lời kêu gọi. Nhưng hai người đàn ông đã chịu ở lại sau khi được hứa thưởng. Họ đào mộ cho Glass và chờ đợi.
Sau 3 ngày chờ đợi, rõ ràng là Glass dù bị thương nặng, nhưng sẽ không chết nhanh chóng. Vì vậy, họ đã đánh cắp súng trường, dao và các tài sản khác của Glass và để anh lại một mình chờ chết. Khi bắt kịp nhóm chính, họ đã bịa ra cái chết và chuyện chôn cất Glass.
Glass sử dụng các kỹ năng sinh tồn của mình để chăm sóc vết thương. Anh quấn mình trong tấm da gấu và bò suốt 322km trên đường trở lại nền văn minh.
Anh duy trì ý nghĩ sẽ trả thù hai người đàn ông đã bỏ mặc anh cho đến chết và điều này đã cho Glass sức mạnh để tiếp tục. Glass đã dành nhiều tháng để bò đến sông Cheyenne, nơi anh kết một chiếc bè và thả xuôi dòng để tìm người giúp đỡ.
Bất chấp ước muốn trả thù, Hugh Glass đã không giết những người đàn ông đã phản bội mình. Thay vào đó, anh báo cáo sự dối trá của họ cho tướng Ashley và quay về vùng Thượng Missouri. Ở đó, Glass đã có thêm một vài cuộc phiêu lưu trước khi chết trong một cuộc xung đột với bộ lạc Arikara vào năm 1833.
Câu chuyện về Glass đã được Hollywood dựng thành phim Người về từ cõi chết do Leonardo DiCaprio thủ vai chính, và anh đã đoạt giải Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
Nhà thám hiểm đã sống sót sau cuộc nổi loạn, nhịn đói, trúng tên độc và bị đâm bằng giáo
Năm 1521, Ferdinand Magellan, nhà thám hiểm đầu tiên đi thuyền từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương, đã bị giết trong khi đang thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới đầu tiên.
Ông đã rời Tây Ban Nha với 5 chiếc tàu và 250 người vào năm 1519 và hướng đến quần đảo Spice. Ông đã sống sót sau một cuộc nổi loạn của thủy thủ. Sau đó, Magellan mất một con tàu trong một nhiệm vụ trinh sát. Và ông đã đánh giá không chính xác sự rộng lớn của Thái Bình Dương. Chuyến đi mà ông tin rằng chỉ mất vài ngày kéo dài đến 4 tháng.
Magellan và thủy thủ đoàn của mình bắt đầu bị đói. Thức ăn cạn kiệt, chất lượng nước uống trở nên tồi tệ và các thủy thủ bắt đầu mắc bệnh scorbut (do thiếu vitamin C). Khi cuối cùng tàu đến được đảo Mactan của Philippines, họ gần như đã chết. Để bày tỏ lòng biết ơn Chúa vì đã giúp tìm thấy hòn đảo, Magellan quyết định cải đạo cho dân bản địa sang Kitô giáo. Tuy nhiên, ông đã sử dụng đại bác và súng hỏa mai thay cho kinh thánh.
Hỏa lực pháo từ các tàu của Magellan không hiệu quả vì rạn san hô quanh đảo giữ mục tiêu ngoài tầm bắn. Vì vậy, ông và các thủy thủ đã lội lên bờ với bộ áo giáp trên người. Bộ lạc nhận ra rằng chân của thủy thủ đoàn không được bảo vệ và nhắm mũi tên của họ thấp hơn.
- Xem thêm: Chết… tích cực
Với những thủy thủ của mình đã bỏ chạy, Magellan vẫn tiếp tục chiến đấu. Ông bị trúng mũi tên tẩm độc. Dù vậy, ông vẫn kiên trì chống cự. Cuối cùng, Magellan ngã quỵ trong vùng nước nông ở rìa đại dương. Một thổ dân đã đâm một ngọn giáo tre vào mặt Magellan.
Magellan đã giết kẻ tấn công bằng cây thương của mình. Nhà thám hiểm đang cố gắng rút thanh kiếm của mình bằng cánh tay bị thương thì khoảng một tá dân bản địa lao vào ông. Họ đâm Magellan bằng những cây giáo sắt và tre, cùng với dao găm của họ.
Mặc dù Magellan đã chết, một số người của ông vẫn tiếp tục nỗ lực và cuối cùng hoàn thành chuyến đi vào năm 1522. Chỉ có 20 người trong số 250 thành viên ban đầu đã về đến quê hương.
Người phi công dùng tay nâng cánh máy bay
Keith Caldwell là một phi công chiến đấu ở mặt trận phía Tây trong Thế chiến thứ nhất. Ông là phi công không quân có điểm cao nhất của New Zealand với 25 nhiệm vụ thành công.
Sau thất bại trong việc gia nhập quân đội (khi chiến tranh bùng nổ) khi chỉ mới 18 tuổi, Caldwell đã ghi tên vào trường hàng không New Zealand. Anh đã giành được “vé” của mình vào tháng 12 năm 1915 và đến Anh để gia nhập Royal Flying Corp vào đầu năm 1916. Thời điểm mà Caldwell tham gia chiến đấu vào tháng 7 năm 1916, anh chỉ mới đạt 35 giờ bay trên cả hai lục địa.
Ở tuổi 22, anh được thăng chức chỉ huy đội bay và được mọi người xem là một phi công chiến đấu giỏi, không biết sợ hãi. Đến tháng 10, Caldwell đã tăng số lượng máy bay bị anh bắn hạ lên đến 9 chiếc. Anh được thưởng một huân chương chiến công và được đề cập hai lần trong các báo cáo.
Caldwell được mọi người biết đến với những cú nhào lộn làm động tác giả, bao gồm một cú bổ nhào theo đường xoắn ốc trong cuộc đấu tay đôi với phi công người Đức Werner Voss. Caldwell đã nhảy ra khỏi máy bay ngay trước khi máy bay bị rơi xuống đất.
Trong những tuần cuối cùng của cuộc chiến, dường như may mắn của Caldwell đã hết khi anh dính vào một vụ va chạm trên không. Cú va chạm làm hỏng các thanh chống của cánh máy bay và khiến máy bay của anh quay mòng mòng xuống dưới. Để kiểm soát cú rơi, Caldwell bò vào bên cánh dưới, loại bỏ vật cản và giữ thanh chống cánh bằng một tay trong khi điều khiển cần lái bằng tay kia.
Caldwell đã kiểm soát được vụ rơi đủ để có thể hạ cánh xuống phía sau tuyến phòng thủ của Anh. Anh nhảy khỏi máy bay chỉ vài giây trước khi nó chạm đất. Caldwell sống sót sau Thế chiến thứ nhất, không một vết xước và trở về New Zealand để trở thành một nông dân. Caldwell sau đó đã quay lại quân đội và phục vụ tích cực trong Thế chiến thứ hai và cũng sống sót.