Don Tapscott là tác giả chuyên viết sách về thế hệ trẻ gắn liền cuộc sống với internet. Ông đã đặt tên cho thế hệ này là “những người thiên niên kỷ” (millennials), riêng những ai sinh từ năm 1978 đến 1997 được ông gọi là “thế hệ mạng”.
Trong quyển sách gần đây nhất của mình mang tên Grown Up Digital: How the Net Generation Is Changing Your World (tạm dịch: Thế hệ mạng đang làm thay đổi thế giới của chúng ta như thế đấy) do Nhà xuất bản McGraw – Hill ấn hành năm 2009, Tapscott mô tả “dân mạng” thông minh và đánh giá cao sự cộng tác cũng như sự tự do mà họ có được. Tuy cách nghĩ và cách làm của họ gây khó khăn hơn cho công việc quản lý so với các thế hệ đi trước, nhưng điều đó lại rất hứa hẹn về những giá trị mà họ mang lại.
Đặc điểm của thế hệ mạng
Ngay từ ngày đầu, họ đã lớn lên và được vây quanh bởi công nghệ số, đặc biệt là internet. Điều này làm ảnh hưởng đến cách họ hành động trong cuộc sống. Họ là những người thích cộng tác và đối thoại một cách tự nhiên. Họ muốn có những niềm vui, dù ở trường hay trong công việc, ở đó thì tốc độ là chuyện bình thường và đổi mới là một phần cuộc sống.
- Xem thêm: Để quản lý tốt nhân viên thế hệ Y
Don Tapscott cho rằng nhược điểm của thế hệ mạng là thiếu kỹ năng xã hội, thiếu thời gian cho thể thao và cho việc chăm sóc sức khỏe. Một số ý kiến cho rằng thế hệ mạng hư hỏng, không muốn đóng góp mà chỉ muốn có quyền lực, nhưng nghiên cứu của tác giả lại khác. Không có dữ liệu nào hỗ trợ cho góc nhìn tiêu cực về thế hệ mạng, mà ngược lại, sự tình nguyện của họ ở cả cấp trung học lẫn đại học đều cao nhất so với mọi thời.
Tại Mỹ, tỷ lệ trẻ em “sạch” (không sử dụng ma túy hay rượu) ở trung học ngày càng cao trong suốt 15 năm qua. Chỉ số IQ của thế hệ này cũng tăng cao hằng năm, điểm vào đại học cao nhất so với mọi thời và không có khó khăn gì khi họ tiến vào các trường đào tạo tốt nhất. Nghiên cứu dân số học cho thấy họ tự tin, lạc quan, sáng tạo và độc lập, nhưng trong quản lý họ có thể gặp khó khăn.
Để đáp ứng sự đòi hỏi của họ về cơ hội học hỏi, phản hồi, cân bằng công việc và cuộc sống, các nhà quản trị doanh nghiệp phải thay đổi văn hóa của tổ chức và cách tiếp cận quản lý, đồng thời vẫn giữ được những nhu cầu đã thành nếp của lực lượng nhân viên lớn tuổi. Thế hệ mạng sử dụng internet ngay nơi làm việc để giải quyết công việc, tái nạp năng lượng hoặc loại bỏ sự nhàm chán.
Họ vào các trang mạng xã hội, đọc tin thời sự và dùng các công cụ như Google, IM hay YouTube nhiều lần trong ngày. Họ không cho là mình đang lạm dụng hệ thống. Khi trở thành những nhân viên trẻ, họ hay bị va vào bức tường thủ tục của doanh nghiệp và muốn được giải tỏa về mặt đời sống số, nhưng những người sử dụng lao động chống lại xu hướng này.
Cần thay đổi mô hình quản lý phù hợp
Mô hình cũ, gồm tuyển dụng, đào tạo, giám sát và giữ chân nhân viên cần được từng bước thay đổi bởi mô hình mới với sự hợp tác và tiến hóa. Những người sử dụng lao động có nhiều cách làm cho bản thân trở nên thu hút hơn trong con mắt của thế hệ nhân viên trẻ, ví dụ tùy biến hơn trong các dạng mô tả công việc, tổ chức đào tạo có pha lẫn trò chơi, giữ liên lạc với nhân viên cũ để có người mới và ý tưởng mới…
Kiểu phỏng vấn tuyển dụng cũ sẽ được thay vào bằng cuộc trò chuyện hai chiều và ba tháng đầu tiên là để nhân viên đánh giá về công ty, chứ không phải là các nhà quản trị đánh giá về nhân viên mới.
Nghiên cứu của Don Tapscott cho thấy những doanh nghiệp chủ động chọn và áp dụng các tiêu chuẩn cho thế hệ mạng đang hoạt động tốt hơn các doanh nghiệp không làm được điều này. Các tiêu chuẩn ông nêu trong quyển sách được giới thiệu ở phần đầu bài viết này là những dấu hiệu chính yếu về hiệu quả làm việc cao trong thế kỷ XXI. Có lẽ đã đến lúc những nghiên cứu của Don Tapscott cũng cần được các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.