Phải mất gần một tuần đi tìm, ông Đầy mới gặp được ông Thiếu. Hai ông vốn là bạn thương hồ, biết mặt hồi cái thời ở truồng tắm mưa, tắm sông chọi sình.
Thuở ấy, cả hai ông đều nhớ dân thương hồ mỗi năm nhóm họp hai lần. Đó là dịp tết và rằm tháng bảy. Họ chọn ngã tư Vàm Neo, ghe lớn neo ở giữa, ghe nhỏ đậu bao quanh. Mọi người quây quần lại, sau phần nghi lễ cúng bái là bữa tiệc tạm gọi linh đình.
Khi ấy thằng cu Đầy cũng giống như thằng cu Thiếu vậy, ngày qua ngày quen ở trên ghe chứ chẳng mấy khi được bước lên bờ. Thiệt thòi đủ thứ. Không được đi học, không quen bạn bè và dĩ nhiên không có cảnh vui chơi như những ai có tuổi thơ sống trên bờ. Mẹ cu Đầy mua sách học vần cho con, cu Đầy học hơn nửa tháng đã chán nản. Nhưng phải nói là trí nhớ cu Đầy tốt. Những câu mẹ đọc trong sách hai, ba lần là cu Đầy đã thuộc. Đến rằm tháng bảy, cu Đầy đem cái sự học của mình khoe với cu Thiếu, lại còn dạy cho cu Thiếu viết chữ nữa. Chữ o thì cu Thiếu viết được, đến chữ a thì cái nét móc được cu Thiếu viết ngắn ngũn giống như chữ ơ nằm nghiêng. Cu Đầy lên giọng, chửi đồ ngu. Cu Thiếu cười hề hề, nói cái chữ vừa viết giống như trái xoài chín bị lột một miếng vỏ. Chán, cu Đầy hổng thèm làm ông thầy nữa. Cu Đầy sực nhớ và khoe chuyến rồi có ra tới cửa biển và xuống đó tắm. Cu Thiếu hỏi lại, bộ không sợ cá sấu sao? Cái mũi của cu Đầy hếch lên, sợ gì, ở đó cũng có nhiều người tắm mà! Cu Thiếu ngây ngô nhờ cu Đầy có dịp ra cửa biển thì múc thùng nước về, nếu nặng quá không múc bằng thùng thì múc bằng ca cũng được, để tắm một lần cho biết nước biển có giống nước sông không. Lần này, cu Thiếu lại bị cu Đầy chửi cho là ngu như con cá mòi nằm sắp lớp. Nước biển thì cũng là nước, mặn chát chứ có ngon lành gì. Cu Thiếu gãi gãi đầu rồi buông câu ờ há!
Nhanh quá, mới đó mà đầy mấy chục năm, gần một kiếp người…
Chiếc ghe của ông Đầy và ông Thiếu đậu sát nhau, gần một ngã ba sông. Người trên bờ nhìn xuống có thể đoán biết ghe của ông Thiếu khá hơn ông Đầy vì có chiếc máy ku-le 4. Nhưng cả hai cái mui bầu thì chẳng hơn gì nhau, đều là lá chằm đóp được bọc ngoài một lớp cao su trắng, mỏng. Ông Đầy lui cui bật bóng điện từ chiếc bình ắc quy rồi nhẩm trách trời tháng mười sao mau hết ngày, đã vậy ở trên bờ cũng bị cúp điện. Ông Thiếu lên tiếng nhắc đêm nay có trăng mùng năm rồi và không quên lặp lại thói quen khi nói hay làm sai một điều gì đó thì buông câu thôi bỏ đi.
Ông Đầy đang dọn chén đũa vô mâm chợt quay lại – cha nội, ông kêu tui bỏ mấy con cá mòi này à? Đâu có, tui biết tính của ông mà, không tin thì mở hộp ra coi… Đúng là rau răm ở trên, cá mòi nằm dưới còn được bốn con.
Ông Thiếu đi chắt bình rượu thuốc. Cả hai ông đều định đêm nay sẽ uống quắc cần câu mới thôi. Nhưng ngặt nỗi, cái bình rượu nhào thấy cái nhiều hơn nước. Xác trái nhào đã tan ra thành bột, chắc rằng nó đã được ngâm nhiều ngày. Thôi, bỏ đi – ông Thiếu lặp lại câu đó khi ông Đầy vừa lấy đũa gắp miếng cá mòi đưa lên miệng. Bỏ là bỏ cái gì cha nội? Ông định bỏ tui đi à? Nói tầm phào không hà, tui kêu bỏ chai rượu xuống, để tui rót cho. Cái tâm của ông không được tĩnh, cứ đưa lộn vòng hoài… thôi, bỏ đi. Nói chuyện khác coi…
- Xem thêm: Sông linh
Cái chuyện khác được ông Thiếu khơi lại ở đây vẫn là cái tên của ông. Chuyện đó ông Đầy nghe đến thuộc lòng. Ông từng than oán rằng cái tên lúc nào nó cũng vận vào cái bổn mạng. Ông mang tên Thiếu nên chẳng bao giờ thấy mình được dư dả. Ông đã đi hơn hai phần ba đời người, không vợ, không con, tài sản của ông có hiện giờ chỉ là chiếc ghe đi mua ve chai với nhiều mảnh chắp vá. Nó có thể mục nát bất cứ lúc nào. Vậy nhưng, ông đã nghiệm ra ở đời này hình như không có gì là nguyên vẹn cả. Con sông thì được người ta chắp vá rồi nạo vét để sửa dòng thông sâu, con đường thì được người ta chắp vá để sửa lối. Người ta cũng có thể chắp vá những tật xấu, những thói hư. Nhưng với nỗi đau thì không phải lúc nào sự chắp vá cũng trở nên lành lặn.
Ông Đầy vừa uống xong thì lại thấy li rượu đầy được đặt ngay trước mặt. Cha nội, bộ ông muốn tui đi ngủ sớm à? – Ngủ nghê gì, cái nào của ông là của ông, ông không cầu thì nó cũng tới. Ông Đầy bưng li rượu lên mà bật ho húng hắng, vì ông thấy câu nói vừa rồi như có ám chỉ điều gì. Ông Thiếu đang ngồi xếp bằng, vẫn thói quen lấy bàn tay vò vò cái đầu gối với nét mặt rất thanh thản. Có gì lạ đâu, hồi trẻ hai người đã cùng yêu một cô gái. Cũng là dân thương hồ, cô gái có cái tên rất dễ mến là Ngoan. Chẳng biết nghe lời ai, trong ngày rằm tháng bảy, chàng trai mang tên Thiếu mang tặng cho cô Ngoan một bó bông lục bình. Cô Ngoan nhận món quà rồi nói rằng rất thích thứ này, nhưng với món cá mòi cô còn khoái hơn nữa. Hay được chuyện đó, mẹ của Thiếu vọt miệng chửi thằng này lớn mà còn dại. Biết người ta không có cảm tình thì để dành bông lục bình chấm mắm kho ăn còn có nghĩa. Khi đó chàng trai tên Đầy cũng bị cha mẹ mắng là đồ dại gái. Món cá mòi bán đâu có được bao nhiêu lời lớm mà Đầy cứ bán rẻ như cho không cô Ngoan. Chuyện khó xử xảy ra khi cha mẹ cả ba bên nhất quyết không cho con cái mình qua lại, bởi, cái nghề bán buôn trên sông nước này chẳng thấy được cái tiền đồ. Thèm lên bờ có được căn nhà mà giấc mơ không thành hiện thực. Cuộc đời cứ phải trôi tuột buồn khắc khoải như những khúc sông, trôi vô tận như những giề lục bình tím trên sông. Vậy mà cô Ngoan phản ứng bằng cách nhảy xuống sông cho chân vịt máy chém. Nhưng cô đã được chàng trai tên Đầy nhanh nhẹn giải nguy. Rồi sau đó cả hai thành vợ thành chồng mà không có sự đòi hỏi nào. Chuyện đó được người quen xì xầm, chắc là cô Ngoan thấy chiếc ghe của gia đình Đầy lớn hơn chiếc ghe của gia đình Thiếu nên mới đồng ý. Thiếu có biết điều đó nhưng giả vờ làm như không hay. Thiếu lại buông ra một câu nói đã cũ – thôi, bỏ đi. Bỏ cái quái gì? Ông Đầy chợt lớn giọng, vợ con chứ có phải rác trôi sông đâu mà ông biểu bỏ.
Lần này đến ông Thiếu bật ho. Ông uống một lượt ba li như thay cho một lời xin lỗi. Ông biết rất rõ cái cảnh khổ của ông Đầy hiện giờ, nhưng ông lại không biết cách nào để trợ giúp. Cái cảnh đó, nói như ông Thiếu, nó đã xảy ra từ những cái chuyện ‘lỡ’. Ông Đầy lỡ có vợ, lỡ có con. Vợ của ông cũng lỡ để đứa con rơi xuống sông chết đuối khi ông lên bờ bữa vào quán nhậu. Khi đó ông cũng lỡ nặng lời, lỡ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay để rồi vợ ông không dám xuống ghe. Bà ấy trốn tạm trong nhà một người lạ. Trong cơn nóng giận, ông lỡ chèo ghe đi.
Đến khi ông quay lại thì vợ của ông không còn ở đó, mặc dù chỉ xa có ba hôm. Người chủ nhà nói, khi ông đi, qua ngày hôm sau vợ ông liền đi tìm. Cuộc tìm kiếm giữa hai người như trò chơi trẻ nít nhưng không ngày có đoạn sum vầy. Họ tìm mãi trên những nhánh sông. Dù vậy, ngày qua ngày ông cứ nuôi hi vọng sẽ tìm thấy vợ mình. Ông đi bán cá mòi. Ghe chèo đến đâu ông dò hỏi đến đó. Ông nói vợ tên Ngoan, mọi người có nhìn thấy ở đâu không? Ai ai cũng lắc đầu. Ông lại nói vợ ông mặc quần đen và cái áo màu xanh đọt chuối. Nghe vậy thì đố ai biết. Ông lại nói rõ ra rằng, vợ ông có nốt ruồi to bằng đầu đũa nằm dưới bụng. Người ta lại cười ồ. Họ nhao nhao réo lên đài mà nhắn tin đi bố già ơi!
Cảm ơn mọi người đã nhắc nhở, việc đó ông đã mò mẫm làm rồi. Nhưng cái địa chỉ của ông là chiếc ghe bán cá mòi thì ai biết ở đâu mà lần tìm. Nếu có nhớ chăng thì vợ ông sẽ nhớ tới cái ngã tư Vàm Neo. Và ông đã quay lại nơi đó nhiều lần, nhưng mười mấy năm rồi, cái cảnh nhóm họp dân thương hồ đã không còn, cho nên ông cứ chèo ghe đi đi về về một mình chẳng khác nào nhánh lục bình mồ côi không tìm được bến đậu.
Thôi, bỏ đi – ông Thiếu nhại giọng – cha nội, nhìn cái mặt ông khóc không ra nước mắt tôi nhớ tới cảnh tượng cháy ghe. Đó là do tàu chạy sóng lớn làm đổ cái bếp dầu. Cái mui lá chằm đóp lửa phừng phừng cháy. Cái máy ku-le 4 cũ mốc của tui bị phựt xăng cũng bốc cháy. Lúc đó ở giữa sông nước, nếu tui hô bớ người ta cháy ghe chắc là tui sẽ bị người ta cho là điên nặng. Cha nội, rồi lúc đó ông làm sao? Còn làm sao nữa, tui nghiêng ghe cho nó chìm luôn. Lỡ bệnh rồi đâu có sợ bị trúng gió. Ờ, kể ra tui cũng khốn nạn thiệt. Lúc có vợ, có con khi nào tui tìm thăm ông đâu. Thôi bỏ đi! Ờ, bỏ đi…
Ông Đầy nói vậy mà không phải vậy. Thực tế ông đang nghĩ tới đứa con xấu số của ông. Nó mất khi bập bẹ nói được ba ba, mẹ mẹ. Nó được vợ chồng ông đem chôn lén nơi bến sông, đoạn vắng người qua lại, chỗ đó bây giờ đã được người ta san lấp, rồi đắp đê, làm bờ kè xi măng hẳn hoi. Mỗi khi ngang qua ông chỉ biết đứa con ông nằm dưới đó, ở đoạn đó, khúc đó. Cũng mới hồi hôm này, ông lại chiêm bao thấy vợ và con. Nhưng ông không vui mừng, vì ông biết con ông đã mất, điều đó chỉ khoét sâu thêm vết thương chưa lành miệng. Tóc ông vốn đã bạc. Tóc của vợ ông còn bạc nhiều hơn. Nhìn dáng vẻ khắc khổ của bà ấy từ xa nhìn ông mà không nói gì, ông càng thêm quặn sâu nỗi đau. Ôi! Chẳng lẽ bà đã chết rồi ư? Rồi ông gẫm trong mơ màng giấc mộng. Cuộc đời mà, thử hỏi một người phụ nữ bị chồng khốn nạn bỏ rơi, lúc không một đồng lận lưng, không nơi nương tựa thì sống bằng cách nào đây. Điều họ chỉ có thể làm được là ai thuê gì làm nấy bằng sức vóc và khả năng của bản thân. Nhưng cái bẫy người luôn há mõm thật to, thật rộng sẵn sàng nuốt chửng con mồi khờ khạo lỡ sập bẫy. Khi cùng đường thì người ta hoặc là trở nên con người dễ dàng sa vào tội lỗi để mưu cầu cái lẽ sống cho bản thân hoặc họ có thể lóe lên những khát vọng và sống mãnh liệt như một ánh sao băng thật ý nghĩa trong cuộc đời. Mà điều đó thì hiếm thay. Ông lại tặc lưỡi. Cha nội, cái bình rượu nhào cạn nước rồi. Ờ, cái bóng đèn bình cũng sắp cạn điện, nó đỏ như cái mặt của ông với tui vậy, ông Thiếu rè rè giọng khi thấy ông Đầy cứ mặc nhiên suy tưởng.
- Xem thêm: Nước ròng
Hai chiếc bóng cô đơn chảy nhòe nhoẹt khúc sông vắng và đêm ấy trăng cũng buồn hiu. Gió trên sông phả vào người, đêm đã bắt đầu rớt lạnh. Trăng lơ lửng treo trên nóc nhà của nhân loại. Ai cũng muốn với tay hái nhưng mãi vô vọng. Có lẽ cái đẹp chỉ đứng từ xa mà nhìn.
Buồn quá hè, ông nghe tui hát nè. Rồi ông Thiếu tằng hắng lấy giọng vô nhịp ‘Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi. Đường dài mịt mùng anh không tới nơi…’ tới đó ngắc ngứ. Thôi đi cha nội, nghe ông ca mà muốn xỉn luôn cho rồi. Vừa nói ông Đầy vừa lần mò sang ghe bên cạnh. Ông về chỗ ngủ nhưng lại nhầm ghe của ông Thiếu là ghe ông. Thôi, kệ đi. Lỡ say ngủ đâu cũng được, ghe ông với ghe tui có khác gì nhau, cũng lênh đênh một dòng trôi vô định. Đoạn, ông Thiếu quờ quạng dọn mâm chén đũa rồi chui thẳng vô mui ghe của ông Đầy. Bóng điện vẫn chưa tắt. Ngọ nguậy một lúc, ông Thiếu ló đầu ra ngoài mui, còn chuyện này tui quên nói với ông. Hậy, chuyện gì nữa? Thì tui nhớ cái lần bị cháy ghe, lúc vớt lên lại thì đâu còn mui để che chắn. Đến tối, tui lủi ghe vô hàng bần. Tui buộc dây mùng lên nhánh bần mà ngủ. Nhưng đến sáng, tui thấy cái mùng nó phất phơ, vói tay lên mà không tới. Vậy cha nội bị ma nhát chứ gì? Nói bậy đi, tui không nhát ma thì thôi chứ con ma nào dám nhát tui chứ ông? Đó là vì lúc tui giăng mùng thì nước lớn, đến sáng thì nước lại ròng. Ờ, tui hiểu rồi, đến giờ này thì ông cũng vẫn còn ngu như con cá mòi vậy. Mèng ơi, ông mà còn chửi nữa là tui không đi kiếm bả giúp ông đâu. Mà ông cũng tệ ghê, kiếm vợ ở gần không gặp thì đi kiếm ở xa. Biết đâu bả lên tuốt thành phố ăn nên làm ra rồi hoặc là có chồng khác ở xứ nào xa lơ xa lắc, ở đó mà… ông làm như không có ghe cá mòi của ông thì cái chợ nổi nó vắng hoe vậy. Mà thôi, bỏ đi.
Giọng của ông Thiếu bỗng im bặt. Nhanh quá. Hình như ông Đầy đã ngủ. Chung quanh ông Đầy lúc này là những con sóng nhỏ vỗ lách tách vào be ghe, mà không, nó như đang vỗ vào cõi lòng ông vốn đã quen tròng trành với những nhịp chèo xuôi ngược. Ông mơ màng ngủ. Ông lại mơ màng thấy giữa con nước đứng, có hai chiếc ghe đậu sát nhau từ từ đi ngược chiều khi mặt trời vừa ló dạng.