“Sa mạc sở dĩ đẹp vì nó ẩn giấu đâu đó một giếng nước” (St. Exupéry)
Sáng sớm, Huy đứng tập thể dục trước sân nhà. Nói là sân cho “oai” chứ chỉ là mảnh đất bằng bụm tay trước căn nhà mướn trong xóm lao động của Huy. Dù sao đó chính là giây phút thư giãn nhất trong ngày của anh chàng hành nghề bán bảo hiểm.
Tốt nghiệp đại học kinh tế ở cái thời bằng cấp lạm phát “phi mã”, phải mất gần ba năm, lang thang khắp nơi, thử việc cả chục chỗ, Huy mới tạm ổn định công việc ở công ty bảo hiểm khá nổi tiếng này.
Nhưng mọi thứ vẫn còn là ở phía trước. Vì vậy căn nhà nhỏ giống như một căn phòng ngủ mỗi tháng năm trăm ngàn đồng trong cái hẻm cụt này với Huy đã là may mắn rồi.
May hơn nữa là chỉ cần bước qua cây cầu sắt nhỏ, đi mấy bước nữa là tới chợ, một cái chợ khá sung, mua bán tấp nập.
Tuy nhiên Huy cũng ít khi đi chợ, thường chỉ nhờ mấy đứa nhỏ trong xóm mua giùm thức ăn. Có nấu nướng gì nhiều mà phải nhọc lo.
Vậy là anh chàng trẻ tuổi này đang lúc đắc chí. Cứ nhìn cái cách anh ta tập chạy tại chỗ, cách anh ta hít thở, miệng cười tủm tỉm là đủ biết. Đã thế còn luôn miệng:
– Thím Tư đi chợ sớm vậy?
– Bé Thủy đi học đó hả?
– Đực Em bữa nay đi làm công ty hay làm riêng?
Chỉ ngụ cư mấy tháng mà Huy đã nhẵn mặt cả xóm. Thực ra xóm lao động này chỉ vài chục nhà, mọi người đều biết nhau dù không ai gốc gác thực sự ở đây cả.
Đa số đến đây thời chiến tranh, tản cư từ quê ra rồi cất nhà ở tạm, lâu ngày định cư luôn. Huy nghe nói cái nhà lớn gần cuối hẻm mới là nhà của chủ nhân phần lớn miếng đất này.
Nhưng sau năm 1975, họ không đóng thuế đất nữa, mạnh ai có nhà nấy lo. Nghèo quá nên cũng ít người đăng ký chủ quyền và nghe đồn sắp tới khu này sẽ nằm trong quy hoạch.
Mặc, người ta vẫn sống, vẫn sanh con đẻ cái, vẫn xây nhà, lên gác, lại còn tận dụng từng mảnh đất nhỏ cất phòng, cất nhà trọ như ông chủ đất nhà Huy đang ở.
- Xem thêm: Hàng xóm
Đứng lắc qua lắc lại, hít thở thêm vài cái đã thấy hai chị em cô Tươi, cô Tốt đi ngang qua. Huy không cần nhìn đồng hồ cũng biết chắc sáu giờ mười lăm.
Hai cô này vào ca bảy giờ ở Cafatex, hôm nào cũng ra đầu chợ đón xe đưa rước công nhân. Huy cứ canh theo hai cô mà đi làm. Nhìn theo bóng hai cô gái, Huy thấy vui vui. Giá như buổi sáng nào cũng được bắt đầu như vậy.
Bởi hai cô thiệt đúng như cái tên cha mẹ đặt, lúc nào cũng vui vẻ, tươi tỉnh. Cô Tươi tròn trịa hơn em một chút, cô Tốt dáng thanh mảnh. Cả hai đều duyên dáng, má lúm đồng tiền. Tiếc là hơi cao tuổi mà chưa cô nào lập gia đình.
Theo Huy biết thì ngoài giờ lên ca, hai cô chỉ thui thủi ở nhà. Có lần cô Tốt tâm sự với Huy như với đứa em trai:
– Không chỉ công ty chị mới toàn nữ không đâu. Trên xí nghiệp may cũng hầu như toàn nữ. Chị em xuống ca rồi mệt đừ, nhiều cô, nhiều chị xinh lắm vẫn không có dịp gặp gỡ hẹn hò với ai. Buồn lắm em ơi!
Vậy mà nhìn hai cô, lúc nào cũng thấy nhẹ tênh. Huy thường nói với mình. Thức lâu mới biết đêm dài. Mày còn phải mở mắt ra, học nhiều vào đó nhóc à!
Mà chẳng phải Huy đã nhiều phen lận đận đó sao? Mấy năm đại học, cùng ở với mấy đứa bạn trong căn phòng thuê dưới gầm cầu, Huy cũng mắt thấy tai nghe nhiều điều. Sáng sớm, ngồi uống cà phê ngay dưới dạ cầu, nhìn thiên hạ lũ lượt đi chợ, tán gẫu chuyện trên trời dưới đất với gã chủ quán chỉ trạc tuổi mình, Huy cũng biết được nhiều thứ:
– Quán xá như vầy, thuế má gì không?
– Thuế hoa chi thôi. Bán chui mà, chui tận dạ cầu đây nè.
– Sướng quá còn gì. Lại mát mẻ nữa.
– Sướng gì ông ơi! Nay mai giải tỏa, không biết đi đâu đó.
– Sao mấy nhà kia còn cất lên vậy? Họ ở cả gia đình, mái tôn vách ván hẳn hòi kìa.
– Thì cũng phải có chỗ chui ra chui vào chứ. Tới đâu hay tới đó mà.
Đúng như lời gã chủ quán cà phê, mấy tháng sau bọn Huy phải dời nhà vì lệnh giải tỏa lòng lề đường. Vậy là Huy và gã chủ quán không từ mà biệt, chẳng biết hắn còn bán cà phê nơi nào nữa không?
Từ dạo đó Huy đã lưu lạc, dời chỗ ở nhiều lần. Có lần năm bảy tháng, có lần hơn một năm. Gã sinh viên gốc miệt vườn cũng lăn lộn, từng trải lắm đắng cay ngọt bùi của thành phố này chứ chẳng chơi.
Có lần thấy bà con chui rúc dưới ghe, tấp vào, thả ra từng lúc mà Huy chạnh lòng. Mình chỉ hơn họ cái giường ngủ trên mặt đất chứ có khác gì!
Có khi sống dưới ghe theo nước lớn nước ròng vậy mà đỡ lo bị giải tỏa… Mà sao sáng nay mình nhớ lan man vậy kìa. Huy tự cười, đa cảm quá vậy nhóc.
Còn thay đồ đi làm chớ, xe rác đã gõ leng keng đầu hẻm kia rồi. Đi ngang qua xe rác, Huy còn “hóng” thêm được chút chuyện của mấy bà hàng xóm.
– Mấy đứa nhỏ bên cầu sắt tối qua bẻ khóa chuồng bắt mấy con gà tre của chú Hai Ánh đó.
– Đúng là quá thể. Tụi nó riết rồi hết sợ ai. Sáng nay chú Hai qua hỏi thăm, có mấy đứa đòi “làm thịt” ổng nữa.
– Con rạch này trước đây hiền lắm, dân cư loe hoe, toàn người trong quê tản ra. Ai cũng hiền lành, thiệt thà như đất. Chẳng bù bây giờ…
– Thì chị coi, cả nước dưới rạch cũng đen kịn, đục ngầu chứ có còn trong mát nữa đâu.
Như thế, từ những động tác thể dục, tiếng leng keng của xe hốt rác, những mẩu chuyện vụn vặt, một ngày của Huy bắt đầu.
Trưa có khi Huy về nhà ghé ăn quán bình dân đầu chợ, có khi ăn qua loa đâu đó gần công ty rồi vào làm luôn. Thiệt tình Huy cũng ngại về vì đám con nít trong xóm rất ồn.
Chưa kể những lúc con nước chuyển sang ròng sát vào buổi trưa, bốc lên mùi bùn sình hăng hắc rất khó chịu. Những ngày như thế càng gợi cho Huy nhớ đến dòng sông quê nhà tươi mát, tràn trề.
- Xem thêm: Tình người
Dù vậy, cuộc sống thực sự của xóm chính là lúc đêm về. Đó là khi nhà nhà tụ lại ăn tối, nghỉ ngơi và cả gây gổ, cãi vã nhau.
Còn mấy gã thanh niên, ban ngày làm hồ, vác mướn, buôn bán vặt vãnh thì gom tụ nhậu nhẹt, tán dóc, có khi đánh nhau đến u đầu sứt trán ầm ĩ cả xóm.
Càng sống lâu trong con hẻm, Huy càng ngẫm ra rằng cuộc sống về đêm ở đây không êm ả, bình lặng chút nào.
Mấy hôm nay mùa hến, trưa trưa khi nước gần cạn lại thấy nhiều gương mặt lạ hoắc lui cui dưới rạch. Mỗi người một cái rổ trên tay, một cái giỏ trước ngực. Họ cứ múc lên từng đám bùn sình, lắc lắc cho sình rớt xuống rồi đổ hến vào giỏ. Hỏi một chị dưới rạch:
– Chị xúc ngày được năm ký không?
– Trời, năm ký lấy gì ăn hả em? Hến luộc chín mỗi chén có một hai ngàn đồng, cả ngày được vài chục ngàn đồng là may.
Hóa ra kiếm một hai chục ngàn đồng mua gạo với người lao động cũng khó. Chả trách một tên bạn Huy từng cay cú:
– Tao cho mày hay, chỉ có tiền thiên hạ mà bọn tham nhũng lấy bỏ vào túi mới dễ thôi. Mọi đồng tiền lương thiện đều trầy vi tróc vảy hết.
Đến khi nước ròng sát, có hôm mấy đứa nhỏ tụ tập lượm vỏ chai, móc bọc ni lông. Nhưng dạo sau này bọc rẻ quá, cũng ít ai mua bọc cũ tái chế nên đám trẻ cũng mất dần, có lẽ chúng đã chuyển sang nghề khác.
Những ngày sống kham khổ tại đây may mà Huy còn tìm được chút gió mát luồn lách vào căn nhà oi bức của mình.
Cô sinh viên đầu hẻm, nhà cao cửa rộng có cái tên một loài hoa ngát hương – Quỳnh Chi, chẳng hiểu sao lại thích kết bạn với Huy, cứ tới lui thường ngày và nói đủ chuyện với gã nhân viên bảo hiểm quèn.
Tình bạn với cô gái xinh như mộng ấy khiến gã thanh niên tay trắng có thêm chút mơ mộng, chút hy vọng lãng đãng mơ hồ như mối tình vừa chớm nở. Quỳnh Chi hay nói:
– Ba mẹ em tiến bộ lắm, không phân biệt giàu nghèo gì đâu! Giờ thấy nhà cửa vầy chứ xưa kia ba em cũng là công nhân viên, nhờ làm thầu xây dựng, gặp thời nên khấm khá. Mẹ em mới nghỉ may đồ gần đây thôi.
– Vậy ba mẹ có tính kén chồng giàu cho em không?
– Không đâu. Mà em cũng đâu chịu. Con người ta phải hiểu nhau, tôn trọng nhau mới sống đời với nhau chứ.
Được lời như cởi tấm lòng, Huy càng ươm mộng, càng nuôi ước mơ. Căn nhà hai tầng lầu uy nghi của Quỳnh Chi hình như đã dễ dàng với tới hơn. Ba mẹ cô ta giàu có rồi, họ phải nghĩ đến hạnh phúc cho con chứ…
Ý nghĩ ấy làm mọi vật chung quanh như lấp lánh. Ôi, chưa bao giờ gã trai trẻ ấy yêu đời đến vậy. Càng phấn khởi hơn khi thằng Đực Xanh sống dưới gầm cầu “thó” của Huy chiếc áo sơmi, chính Quỳnh Chi đã mang vào cho Huy chiếc áo mới trắng lốp:
– Mẹ em nhìn ni anh mà may đó. Mẹ nói anh mới ra đời, tiền bạc còn eo hẹp, coi như chút tình của mẹ.
- Xem thêm: Ngày mai…
Tình nghĩa vậy làm sao không cảm động. Anh chàng như sống trên mây, mơ mơ màng màng thấy mọi việc đều êm xuôi, trót lọt. Đùng một cái, Quỳnh Chi đang học năm cuối đại học bỏ ngang đi lấy chồng. Cầm tấm thiệp hồng trong tay, cô gái trong mộng của Huy ra vẻ áy náy:
– Ba mẹ em quyết định mọi việc, em không cãi lại được!
Huy mở thiệp, nhìn tên, nhìn địa chỉ anh chồng và hiểu hết.
– Chúc mừng em. Chừng nào em đi?
Cô gái lại ra dáng e lệ:
– Em chưa biết. Phải chờ anh ấy lo thủ tục.
Đám cưới người yêu đầu đời của Huy đặt tại nhà hàng lớn. Không như trong phim, Huy rất tỉnh táo đến dự. Ông chồng Việt kiều của Quỳnh Chi ngó bộ còn già hơn cả ba cô. Giữa tiệc Huy ra về, lòng không buồn chút nào, chỉ không muốn nhìn lâu hơn nữa vẻ ngượng nghịu của cô gái một thời mộng tưởng trong anh. Bà con trong xóm xì xào:
– Chồng con gì. Nghe nói nhà đó vỡ nợ rồi, phải gả con kiếm tiền trả nợ đó.
Đêm đó, Huy ngồi đối bóng cười khan, thấy mình lớn hơn một chút. Cứ thế, Huy đã sống ở xóm này gần ba năm… Cuộc sống dưới chân cây cầu sắt này cứ dập dềnh lên xuống theo từng con nước lớn nước ròng.
Quỳnh Chi đã đi Mỹ theo chồng. Nếu không hạnh phúc cũng mong cho cô được sung sướng. Huy vẫn nhớ về cô với một tình cảm bâng khuâng, nhẹ nhàng như vậy.
Ít ra cô đã từng tỏa chút bóng mát xuống cuộc đời anh. Có điều không biết Quỳnh Chi có buồn khi biết thực trạng của ba mẹ cô không?
Những con người một thời là thần tượng của Huy giờ lại chửi bới, gây gổ nhau như cơm bữa. Dường như cả hai đã tự bóc trần từng vết sẹo trong tâm hồn qua những lời lẽ cay độc ném vào mặt nhau.
Chồng thâm thủng tiền bạc vì bao gái, vợ ngoại tình với bạn chồng. Cái kiểu “ông ăn chả, bà ăn nem” ngờ đâu lại xảy ra trong căn nhà đẹp đẽ, sang trọng nhất xóm kia.
Một buổi sớm, đúng vào giờ tập thể dục hằng ngày, Huy xách chiếc túi cũ mèm, rời khỏi xóm. Công ty vừa cấp cho Huy một căn phòng trong khu tập thể.
Vậy là một lần nữa Huy lại giã từ xóm lao động. Giờ này con nước lớn đang đổ vào đầy sông khiến dòng rạch có vẻ trong lành êm ả. Nhưng Huy biết, tất cả không phải như bề mặt con nước kia.
Bởi “khi nước ròng sát đáy, mọi thứ sẽ phơi bày”. Và từ trong lòng cái xóm nhỏ tá túc mấy năm trời, Huy đã học được biết bao điều.
Chàng trai trẻ đã biết nhìn sát đáy sông, biết đánh giá một buổi chợ đông, một phiên chợ tàn để rồi biết hiểu sâu hơn những điều ẩn giấu trong mỗi sự vật, mỗi con người…
Khi Huy bước ra đầu hẻm, hai cô Tươi, Tốt cũng vừa ra khỏi nhà. Chiếc xe hốt rác leng keng vào hẻm và… dưới dạ cầu sắt, một chiếc ghe lớn chở đầy khóm vừa cập lại bến chợ…