Mục tiêu chính lời cảnh báo mới được đưa ra của các nhà khoa học là không để xảy ra tình trạng loài người khai thác cạn kiệt tất cả các tài nguyên thiên nhiên của Thái dương hệ để dùng cho các hoạt động công nghiệp trên trái đất.
Đây là cảnh quan nguy hiểm mà hậu quả không có ai gánh chịu khác ngoài chính chúng ta. Nếu hoạt động này không được tiến hành thận trọng và xảy ra cuộc chạy đua “tận dụng khai thác tối đa”, loài người sẽ không còn nơi nào để sống.
Lời cảnh báo đúng lúc
Các nhà khoa học muốn đưa ra các giới hạn về sản lượng khai thác các quặng mỏ trong Thái dương hệ. Theo họ, con người nên bảo vệ Thái dương hệ trước hoạt động khai thác mỏ trên các thiên thạch và các tỉ phú nên công nghệ không nên tận dụng sự giàu có để đầy nhanh hoạt động này đến mức vượt khỏi tầm kiểm soát. “Các tài nguyên quí giá của hệ Mặt trời nằm ngoài trái đất nên được bảo vệ thay vì lạm thác bừa bãi” – họ đưa ra lời cảnh báo.
Một cuộc chạy đua vào không gian mới đang diễn ra với các mục tiêu khác nhau. Hai công ty Blue Origin và SpaceX thuộc số đối thủ nặng ký trong cuộc đua này. Trong khi SpaceX cố hạ thấp phí tổn phóng rocket thì Blue Origin đặt mục tiêu sẽ đưa hàng triệu người lên làm việc và sống trong không gian. Hàng tỉ USD đã được bỏ ra cho cuộc chạy đua mới với sự tham gia của một số tỉ phú, hứa hẹn sẽ tạo ra một thế hệ kinh doanh không gian tương lai mà nơi đến là các hành tinh trong hệ Mặt trời và các thiên thạch.
Sợ mọi việc sẽ vượt quá tầm kiểm soát, một nhóm nhà nghiên cứu không gian đã cho đăng một thỉnh nguyện thư trên số mới nhất của tạp chí Acta Astronautica trong đó họ khuyến cáo các chính phủ và chính trị gia nên suy nghĩ nghiêm túc hơn khi nói đến không gian bên ngoài và nên sớm thông qua luật lệ quản lý các hoạt động khai thác quặng mỏ bên ngoài trái đất, cả trên các thiên thạch lẫn trên những hành tinh của Thái dương hệ và mặt trăng của các hành tinh này. Mục đích của họ là tránh sự lạm dụng và đi chệch hướng khi kỹ nghệ khai thác không gian đang tăng tốc.
“Nếu hệ Mặt trời bị huỷ diệt vì bất cứ mục đích gì, khoa học hay lòng tham, con người sẽ không còn đất sống. bảo vệ không gian là bảo vệ trái đất. Vài trăm năm nữa chúng ta sẽ thấy cuộc khủng hoảng nghiêm trọng xảy ra với Thái dương hệ. Nếu con người không có những biện pháp thích đáng ngay từ bây giờ, hiểm hoạ sẽ còn tệ hơn những gì đang xảy ra trên trái đất” – tiến sĩ Martin Elvis, nhà thiên văn học cao cấp tại Trạm quan sát thiên văn Smithsonian (SAO), một trong hai người soạn thỉnh nguyện thư nói với tờ The Guardian.
Nguyên tắc 1/8, “cho 1 cấm 7”
Người kia là Tony Milligan, triết gia tại Đại học King’s College London. Milligan kêu gọi áp dụng nguyên tắc 1/8 (one-eighth principle) trong đó con người chỉ nên dùng 1/8 tài nguyên khả dụng trong hệ Mặt trời và 7/8 còn lại ở lại hãy để nguyên giống như những lâm viên bảo tồn quốc gia (National Park) ở Mỹ. Ví dụ khu vực The Valles Marineris trên sao Hoả, thung lũng lớn nhất trong hệ mặt trời sẽ được bảo vệ như thung lũng Grand Canyon trên trái đất.
“Như vậy, 85% Thái dương hệ sẽ không bị con người xâm phạm. Chúng ta chỉ được phép khai thác 15% còn lại. Các khu rừng nguyên sinh không gian này sẽ giúp bảo vệ các hành tinh, các mặt trăng của chúng và các thiên thạch khỏi sự lạm thác và trục lợi của kỹ nghệ khai mỏ” – Ian Sample, biên tập khoa học của tờ The Guardian nhận định. 1/8 là không hề nhỏ vì theo tính toán, 1/8 quặng sắt trong “vành đai thiên thạch” đã nhiều gấp 1 triệu lần số quặng thép có trên trái đất. Nếu nền kinh tế không gian phát triển với nhịp độ 3,5% con người sẽ khai thác hết 1/8 này trong vòng 400 năm.
Với nguồn tài nguyên dồi dào chưa đụng đến trong không gian và với khả năng công nghệ cao như hiện nay trên trái đất, các chuyên viên tin rằng sẽ sớm xảy ra cuộc chạy đua tìm vàng trong không gian. Tháng 11.2018, tỉ phú Neil deGrasse Tyson tuyên bố ông sẽ là người đầu tiên khởi động cuộc chạy đua khai thác mỏ trên các thiên thạch. “Nếu có thể khai thác số tài nguyên khổng lồ này, chúng ta sẽ loại trừ được cuộc chiến tranh giành các quặng mỏ ngày càng khan hiếm trên trái đất” – ông nói.
Ví dụ Helium-3 là một tài nguyên hiếm trên trái đất (và tốn kém rất nhiều tiền để khai thác) nhưng có nhiều trên mặt trăng. Tiến sĩ Gerald Kulcinski, cựu thành viên Hội đồng Tư vấn thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) nói với tờ Wall Street Journal: “Helium-3 được dùng để tạo ra nguồn năng lượng mới. Giá một tấn hiện nay khoảng 5 tỉ USD trong khi một tấn vàng chỉ khoảng 42 triệu USD! Cách biệt quá lớn!”.
Khi nghiên cứu về tương lai không gian, Elvis và Milliga khẳng định “con người đang có suy nghĩ sai lầm về việc khai thác không gian”. Theo họ con người chỉ còn 60 năm để khai thác sạch những mỏ nguyên liệu quí đã được phát hiện. “Chúng ta nghĩ sao khi ánh trăng không còn thấy trên bầu trời hay vành đai nước tinh khiết quanh sao Thổ không còn nữa sau 100 năm?” – Elvis đặt câu hỏi.
Cuộc chạy đua không ngừng mà sẽ tăng tốc
Trong khi Blue Origin và SpaceX tập trung vào việc đưa vệ tinh của khách hàng vào không gian mà doanh thu có thể lên đến 5 tỉ USD, cả hai công ty cũng sẽ sớm bổ sung thêm các dự án béo bở hơn như kế hoạch của SpaceX đưa mạng vệ tinh cung cấp dịch vụ internet lên bầu trời với doanh thu 20 tỉ USD/năm vào năm 2025. Mạng này sẽ thay cho cáp quang internet trên trái đất.
Sức hấp dẫn của tài nguyên không gian đã dẫn đến việc đầu tư lớn vào các công ty khai thác không gian thương mại mới thành lập. Năm 2012, công ty Planetary Resources, Inc chuyên khai thác mỏ trên các thiên thạch cho biết đã ký thoả thuận với công ty Virgin Galactic của tỉ phú Richard Branson để xây dựng tên lửa Launcher One có khả năng đưa hàng loạt viễn vọng kính không gian và đội robot Arkyd lên quĩ đạo thấp của trái đất để khám phá và khai thác quặng mỏ trên các thiên thạch gần trái đất (Near-Earth Asteroids).
NASA cũng có kế hoạch phóng một con tàu không gian vào năm 2022 và con tàu sẽ đến thiên thạch Psyche vào năm 2026. Theo ước tính, 95% khối lượng Psyche là sắt, nickel và các kim loại khác như vàng, platinum, đồng. Trong khi Mỹ chưa có kế hoạch đưa thiên thạch này về trái đất và chưa có công nghệ để khai thác tại chỗ, NASA ước tính trị giá số quặng này khoảng 10 triệu tỉ USD! “Với nguồn lợi nhuận kếch xù như thế, khai thác mỏ trên không gian sẽ trở thành động lực mới cho kinh tế toàn cầu” – nhà nghiên cứu Li Mingtao trai Trung tâm khoa học Không gian quốc gia (NSSC) thuộc Viện hàn lâm Khoa học TQ (CAS) nói. Ông và các đồng nghiệp đang tìm cách bắt giữ một thiên thạch nhỏ đường kính 6,4 mét nặng nhiều trăm tấn cách trái đất hơn 100 triệu km.
Năm 2018, giáo sư Matt Weinzierl của Trường kinh doanh Harvard đã có bài tiểu luận nêu rõ tổng số tiền đổ vào hoạt động khai thác không gian đã tăng từ 500 triệu USD trong năm 2008 lên 2,5 tỉ USD trong năm 2016. Mức tăng đáng nể. Trong khi tỉ phú Elon Musk (chủ nhân của các công ty công nghệ SpaceX, Tesla và SolarCity) mơ về một thành phố trên sao Hoả thì tỉ phú Jeff Bezos của Amazon mơ về việc chiếm cứ một số “thuộc địa” trên không gian. Năm 2022, cuộc thử nghiệm điều hướng thiên thạch (The Double Asteroid Redirection Test-DART) của NASA sẽ được thử nghiệm và đây là cuộc trình diễn đầu tiên “công nghệ bảo vệ trái đất” trước nguy cơ va chạm của thiên thạch.
Theo tính toán, một tên lửa bắn lên từ trái đất sẽ đụng vào một thiên thạch nhỏ di chuyển như mặt trăng quanh một thiên thạch khác trong hệ thống thiên thạch Didymos. Thiên thạch nhỏ này không gây nguy hiểm cho trái đất nên được xem là mục tiêu lý tưởng để đo sự thay đổi quĩ đạo của nó sau tác động của lực. Đo sự thay đồi quĩ đạo của một thiên thạch quay quanh Mặt trời do tác động ngoại lực khó hơn và tốn kém hơn nhiều.
Thiên thạch, mặt trăng, sao Hoả là các mục tiêu đầu tiên
Các công ty khai mỏ đang nhắm đến hàng ngàn tỉ quặng sắt và kim loại quý có trong các thiên thạch cũng những khoáng chất quí hiếm và hàng tỉ tấn nước trên Mặt trăng. Công ty khai thác thiên thạcch (AMC) của nước Anh hy vọng sẽ đưa một vệ tinh vào quĩ đạo trong những năm sắp tới để điều tra các thiên thạch gần trái đất nhất.
Các kim loại quý như platinum và vàng có thể được đưa về trái đất, nhưng đa phần quặng khai thác được sẽ dùng xây dựng những nơi cư trú trên mặt trăng và làm nhiên liệu cho tên lửa. Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) đã có kế hoạch xây dựng môt thành phố nhỏ trên Mặt trăng. Nước đóng băng nằm dưới hai cực mặt trăng khi tách thành hydrogen và oxygen sẽ được dùng làm nhiên liêệu để phóng tàu thăm dò từ không gian thay vì từ mặt đất.
Con người đang cố gắng khai thác mỏ trong Thái dương hệ hay trích những vật liệu hữu dụng từ hành tinh khí khổng lồ sao Mộc với khối lượng khí nhiều hơn phần còn lại của hệ Mặt trời cộng lại. Vì khai mỏ trên mặt trời hay sao Mộc là rất khó khăn do nhiệt độ bề mặt trời cực kỳ nóng và cấu tạo khí khổng lồ của sao Mộc nên sao Hoả, các hành tinh đá và mặt trăng là chọn lựa khả thi và đỡ tốn kém hơn. Không giống với cực Nam và Bắc của trái đất, với 6 tháng tối, 6 tháng sáng do lệch trục quay, mặt trăng gần như thẳng hàng với quỹ đạo của nó quanh mặt trời.
Do không bị lệch trục khi quay, các cực của mặt trăng gần như được tắm ánh sáng quanh năm. Điều đó có nghĩa là nguồn điện mặt trời tại cực sẽ được cưng cấp liên tục không bị gián đoạn nếu đặt hệ thống điện mặt trời tại đó. Các mỏ khai thác quặng gần đó sẽ có điện quanh năm. Nhờ vậy, Helium 3 và các quặng có giá trị khác hình thành trên mặt trăng từ hàng tỉ năm sẽ được khai thác dễ dàng hơn.
Elvis than phiền là các công ước hiện có về không gian cho phép các quốc gia giàu có khám phá và khai thác không giới hạn tài nguyên trong không gian, kể cả việc xây dựng các trạm nghiên cứu và quyền mặc định “ai đến trước là chủ”. “Trong tình hình Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu có chương trình đổ bộ lên Mặt trăng và sự dự phần tích cực của các tỉ phú Mỹ, việc chấn chỉnh các công ước không gian cần được thực hiện sớm” – ông nói.