Nhiều chuyên gia cho rằng, khung giá đất mới từ 2020-2024 tăng sẽ tác động nhiều đến giá cả thị trường, dự báo khả năng thanh toán của một bộ phận khách hàng không còn đủ khả năng tài chính để mua nhà.
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, định kỳ 5 năm một lần, UBND các tỉnh xây dựng và công khai bảng giá đất các loại vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ.
Bảng giá này được xác định làm căn cứ tính tiền sử dụng đất; tính thuế sử dụng đất; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất…
Hiện nhiều địa phương trên cả nước đang xây dựng bảng giá đất mới cho giai đoạn 2020-2024. Tại Bình Dương, UBND tỉnh này đã đưa ra dự kiến bảng giá đất mới có mức tăng từ 45 – 95% so với hiện nay.
Theo đó, khu vực TP. Thủ Dầu Một sẽ tăng bình quân 50% so với bảng giá hiện hành; thị xã Thuận An và Dĩ An tăng bình quân 95% so với hiện hành; thị xã Bến Cát và Tân Uyên tăng bình quân 60%; huyện Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên tăng bình quân 80%; huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng tăng bình quân 45% so với bảng giá hiện hành.
Tại TP.HCM, bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 đang xây dựng dự thảo chưa được công bố. Còn tại Hà Nội, mới đây Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã ký tờ trình gửi HĐND TP xem xét ban hành nghị quyết về giá các loại đất trên địa bàn, áp dụng từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2024. Theo đó, UBND TP Hà Nội thống nhất chỉ đề xuất giá đất giai đoạn 2020-2024 tăng bình quân 15% so với giai đoạn 2014-2019 thay vì mức 30% như tính toán ban đầu.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), giá thành nhà, đất bao gồm nhiều thành tố, trong đó, có chi phí thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước. Tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ nhà chung cư, trên dưới 30% giá thành nhà phố, trên dưới 50% giá thành biệt thự. Giá thành là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường. Do vậy, khung giá đất, bảng giá đất tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà đất tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.
“Hiện nay, căn hộ nhà ở thương mại hai phòng ngủ có giá vừa túi tiền khoảng trên dưới 2 tỉ đồng. Với cặp vợ chồng (có 1 con) có tiền lương khoảng 20 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm chỉ có thể tiết kiệm được khoảng 5-6 triệu đồng/tháng (60-70 triệu đồng/năm), thì giấc mơ tạo lập nhà ở càng xa vời, nếu không được hỗ trợ ưu đãi tín dụng nhà ở xã hộ – ông Châu nêu dẫn chứng.
Cũng theo ông Châu, khi khung giá đất, bảng giá đất có mức giá quá cao, sẽ tác động đẩy giá thị trường bất động sản lên rất cao, đặc biệt là đẩy giá đất của các dự án (trên thị trường sơ cấp), tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, các ngành kinh tế khác và môi trường đầu tư, kể cả trong việc thu hút dòng vốn FDI.
Bên cạnh đó, chuyên gia bất động sản còn cho rằng, khi giá đất tăng nên giá bán nhà đất chắc chắc phải tăng. Không những thế, chi phí về đất tăng còn kéo theo tất cả các sản phẩm liên quan đến ngành xây dựng như xi măng, sắt thép, gạch… cũng sẽ tăng giá theo, từ đó đẩy giá thành nhà đất lên cao.
Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành khung giá đất
Đánh giá về khung giá đất hiện nay, bà Trần Thị Khánh Linh, Trưởng bộ phận Định giá, Savills TP.HCM cho rằng, bảng giá đất áp dụng cho giai đoạn 5 năm là khá dài bởi bất động sản thường xuyên thay đổi rất nhanh chóng. Theo vị chuyên gia này đưa ra có thể có những giai đoạn điều chỉnh nhỏ như sáu tháng hoặc một năm để phù hợp với thị trường.
Cũng theo bà Linh, hiện nay, theo Nghị định 44/2014 đối với địa phương khi ban hành giá đất không được vượt quá 30% giá tối đa của khung dẫn tới hạn chế tính cập nhật thị trường, làm bảng giá đất luôn có khác biệt lớn so với thực tế giao dịch trên thị trường, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
“UBND các tỉnh, thành phố cần được phân quyền chủ động hơn khi ban hành bảng giá đất để bảo đảm được nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường và phù hợp với thực tế tình hình của từng địa phương” – bà Linh nêu ý kiến.
- Xem thêm: TP.HCM điều chỉnh giá đất nhiều dự án
Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TPHCM… kiến nghị Chính phủ sớm ban hành giá đất cho giai đoạn 2020-2024.
Theo HoREA, Chính phủ cần ban hành khung giá đất cho giai đoạn 2020-2024 để các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương có căn cứ pháp luật và đủ thời gian xây dựng, ban hành bảng giá đất.
Theo hiệp hội, bảng giá đất của các địa phương hiện nay sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12-2019. Nếu không có khung giá đất mới của Chính phủ thì các địa phương không có căn cứ để ban hành bảng giá đất mới và công tác thu ngân sách Nhà nước từ đất sẽ gặp trở ngại vì thiếu cơ sở pháp lý.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị Chính phủ sớm ban hành “khung giá đất giai đoạn 2020-2024”, tốt nhất là giữa tháng 12-2019, để các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương có căn cứ pháp luật và đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất áp dụng kể từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2024.
Cũng tại văn bản này, HoREA đề nghị hai phương án cho khung giá đất giai đoạn 2020-2024 gồm: Đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành khung giá đất giai đoạn 2020-2024 trên cơ sở giữ nguyên mức giá của khung giá đất giai đoạn 2014-2019.
Trong trường hợp buộc phải tăng mức giá của khung giá đất giai đoạn 2020-2024, hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét quyết định mức giá chỉ tăng khoảng 15% để không tác động nhiều đến môi trường thu hút đầu tư và nghĩa vụ của các cá nhân, hộ gia đình.