Yêu thương tự nhiên giản dị như cơm ăn, nước uống, không khí thở… Loài người có tính xã hội và cảm tính, cho nên lẽ sống trong yêu thương, quan tâm đến việc yêu thương và được yêu thương, cảm thấy được yêu thương thực sự trong dòng chảy đời người. Yêu thương là cội nguồn, năng lượng, là nhu cầu và cảm xúc thiêng liêng mà gần gũi nhất trong cuộc sống con người.
Yêu thương sinh mệnh thời gian
Yêu thương và được yêu thương là cảm hứng sáng tạo, đề tài và chủ đề được lựa chọn muôn thuở trong văn học nghệ thuật với bao nghệ sỹ, nhà thơ, và cả trong khoa học với bao nhà nghiên cứu tâm lý học, sinh học, y khoa…
Yêu thương không thuần túy là tiếng lòng ái ân lứa đôi mà là những biểu hiện, cách ứng xử tốt đẹp nhất xuất phát từ tấm lòng, biểu đạt được tình cảm với nhiều người: thương cha nhớ mẹ, thương anh em, người thân, bạn bè, kẻ cơ nhỡ… Và cả tình yêu quê hương đất nước, dân tộc, nhân loại… Nhiễu điều phủ lấy giá gương – Người trong một nước phải thương nhau cùng. Thật giản dị mà thắm sâu. Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Yêu thương là một trường rộng lớn thông qua từng chủ thể, từ ấy được thi sỹ sử dụng với những khái niệm, phương thưc biểu đạt đa dạng tinh tế… những tầng bậc cảm xúc và đặc trưng thi pháp cho quan hệ luyến ái lứa đôi. Tơ lòng mộc chân từ điệu hồn sáu tám nhịp võng đưa. Yêu em từ thuở nằm nôi… như điệu lá cội ngàn. Bao nhiêu lá rụng thương mình bấy nhiêu…
Dưới góc độ tâm lý học, hai từ yêu và thương đều nhằm diễn đạt trạng thái xúc cảm, đời sống tình cảm của con người. Yêu có tình cảm thắm thiết đến tư hữu độc chiếm như rượu nồng, lửa hai ngọn bất chợt nhất thời. Yêu nhau xa mấy cũng gần – Ghét nhau cách một bàn chân cũng lìa.
Thương nhẹ nhàng dung dị mà đằm sâu đến mênh mông trong tình cảm gắn bó, hết lòng quan tâm chăm sóc chu đáo như nước trắng, gió thổi, sông trôi… Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu. Yêu đam mê ngất ngưởng… nhưng tình thương lớn mới có sự hy sinh lớn, con người sống được nhờ tình thương. Thương anh vô giá quá chừng – Trèo truông quên mệt ngậm gừng quên cay.
Thương và Yêu là hai từ căn bản trong quan niệm luyến ái trai gái Việt. Văn học, đặc biệt thơ ca là dòng lịch sử tâm hồn mỗi cá nhân, dân tộc là minh chứng. Người Việt thiên về khuynh hướng trực cảm mềm như nước. Văn học Ấn duy linh, văn học Trung Quốc duy lý, văn học Nhật duy mỹ… Văn học Việt Nam duy cảm. Nhạy cảm, đa cảm, trọng tình nghĩa là quan niệm, lối sống truyền thống, yêu và thương xuất hiện rất nhiều trong văn học truyền miệng qua ca dao, tục ngữ, truyện thơ Nôm… thể hiện đời sống tình cảm của cha ông ta. Yêu nhau cởi áo cho nhau – Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay. Trực cảm lửa lòng mà mộc mạc tinh tế. Động lực làm nên sức mạnh. Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo – Thất bát sông cũng lội, tam thập lục đèo cũng qua.
- Xem thêm: Chờ và đợi…
Tần số xuất hiện của từ thương trong văn học truyền thống vẫn nhiều gấp chục lần từ yêu để chỉ quan hệ luyến ái những con người sông nước cỏ cây. Một thương hai nhớ ba sầu – Cơm ăn chẳng được ăn trầu ngậm hơi. Thương giản dị mà bao dung, nhẹ nhàng mà đằm sâu, đời thường mà cao cả, cụ thể mà mênh mang… Mười thương là vậy. Mở đầu là thương tóc bỏ đuôi gà, ăn nói mặn mà có duyên… và kết thương con mắt có tình với ai. Chẳng cơn cớ gì cao siêu to tát, cứ như những mảng nhỏ tự dưng hòa quyện, ghép lại bền chặt làm nên cái sự thương. Nhẹ giáo lý đạo đức luân thường Nho giáo, không ham mỹ từ hoa ngữ, tính cách mộc chân lắng ân tình phù sa, xanh thơm hoa quả. Nam bộ sông nước trải lòng buồn buồn nhớ nhớ thương thương. Không đi thì nhớ thì thương – Đi thì lại mắc chiếc mương chiếc cầu… Chân thực mà rộng lòng, nhè nhẹ mà đau đáu, bâng quơ gió đùa mà lặng thơm. Thò tay mà ngắt cọng ngò – Thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ.
“Noi dzậy mà không phải dzậy”… Người thương đứng đó giả lơ không chào. Tính cách phương Nam giản chân dung dị dễ gần mà phóng khoáng mênh mang, bộc mà mềm đằm ân tình, thương từ những nét dịu dàng, duyên dáng, chăm chỉ. Nội trong Lục tỉnh Nam kỳ – Thấy em ăn nói nhu mỳ anh thương… Thấy miệng em cười hữu ý anh thương… Thấy em bổ củi một mình anh thương… Ấy là triết mỹ hiện hữu từ nội cảm thương yêu cái cụ thể nhỏ xinh ở những con người chịu thương chịu khó sông nước lãng du. Nước chảy liu riu lục bình trôi líu ríu – Anh thấy em nhỏ xíu anh thương.
Thương nhớ tự nhiên trong sáng mà mãnh liệt chân thành vượt ra ngoài ràng buộc lễ giáo phong kiến khắt khe. Anh thương em cởi áo vo tròn – Chờ cha mẹ ngủ chui lòn cửa sau. Thương là hai bờ qua lại giao thoa một dòng. Cảm hứng tạo nên, tương tác lưu giữ lắng lòng vẫn là từ em. Đi đường cát nhỏ cỏ mềm – Em thác đi mới mất em sống còn thương anh. Dẫu chẳng tròn, vẫn không tính toán sắc sảo khôn ngoan, cô gái Nam bộ dung dị lòng đau trong sự thương, tình cho đi không lấy lại bao giờ. Thương nhau đút bánh qua rào – Hết thương lấy lại gai cào máu rơi. Yêu như rượu và thương như nước làm nên sự hòa kết, tác động qua lại làm nên mạch sống trong cõi người đầy phức tạp thăng trầm. Sự đời nước mắt soi gương – Càng yêu nhau lắm càng thương nhớ nhiều.
- Xem thêm: Giai điệu núi sông
Cá biệt lặng xanh hằng số
Với quan niệm Văn tải đạo, thi ngôn chí, phương Đông xưa thích cái cao nhã. Nho giáo tiết dục, Đạo giáo quả dục, Phật giáo diệt dục… Tam giáo hợp lại khó có đất cho hai chữ ái tình. Ngay cả áp lực đặc điểm thể loại thi ca cổ điển kín đẹp được mặc định chuẩn mực cũng rất khó phơi lòng. Chỉ còn một cách tự trải lòng thơ theo một cách nào đó. Lịch sử thi ca nghìn năm với 900 năm trung đại (X-XIX) viết bằng chữ Hán và Nôm và 100 năm hiện đại viết bằng chữ quốc ngữ vẫn phản ánh sinh động tâm hồn và cốt cách của người Việt.
Nửa sau thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của thi ca cổ điển Việt mà đỉnh cao nhất là Truyện Kiều. 3254 câu thơ xoay quanh cảnh đời Kiều với một chữ tình 82 lần. Dễ hay tình lại gặp tình… nhà nho Nguyễn Du chỉ một lần dùng từ ái trong tổ hợp từ Việt – Hán trong cuộc tình với Thúc Sinh. Vẻ chi chút phận bèo mây – Làm cho bể ái khi đầy khi vơi. Tài sắc đoạn trường với từ yêu 8 lần. Mở đầu là giới thiệu và tạo cuộc tương ngộ tình đầu Kim – Kiều. Những là trộm giấu thầm yêu chốc mòng… Tiếng đàn nàng Kiều với Kim. Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu. Kiều bán mình chuộc cha, về chốn lầu xanh. Muôn nghìn người thấy cũng yêu. Hội ngộ tương phùng với Kim, trước tình cũ nghĩa xưa, Kiều cảm nghiệm bằng tim đau Người yêu ta xấu với người – Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau. Tấm lòng và nghĩa cử của Kim Tương tri dường ấy mới là tương tri… mà hai người Càng yêu vì nết càng say vì tình.
May mà cõi người trăm năm tài mệnh tương đố còn một chữ thương được dùng những 42 lần dưỡng nuôi sự sống. Thương yêu giữa Kiều và những người thân: cha mẹ, Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải. Lời Kiều biết người biết ta, rỏ nước mắt với Thúc. Lượng trên trông xuống biết lòng có thương? Giữa phận mình và danh giá người mà biết. Thương sao cho vẹn thì thương. Mặc dù Kiều nhận biết Yêu hoa yêu được một màu điểm trang, nhưng không thể phủ nhận tình đau ở Thúc. Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương. Kiều nói với Từ Hải – người đáng mặt người đàn ông nhất trong truyện. Rộng thương cỏ nội hoa hèn… Phận Kiều nhiều người thương, nhà quan, vãi Giác Duyên, Thúc Ông, quản gia, mụ mối và đến cả Hoạn Thư. Thương thay cũng một kiếp người… Từ bản chất đời Kiều Bao nhiêu đoạn khổ tình thương… tỏa ra bao nẻo thương. Thương mình những 5 lần – thương người, thương đời… Hiếu nghĩa trọng tình, đa tình đa đoan, sắc sảo thông minh, tài sắc vẹn toàn như Kiều rồi đọng lại ở thân phận với nỗi thương mình. Khi tỉnh rượu lúc tàn canh – Giật mình mình lại thương mình xót xa.
Trong bầu không khí văn chương trung đại vốn nói chí đạo hàn lâm Cái Ta, tình yêu – tính dục dường như là mảnh đất cấm, cái tôi cá nhân bọc trong vỏ kén phải kín đáo, tỉnh lược, làm mờ… chữ thương có dịp lên ngôi. Nhiều nhất vẫn là cám cảnh tự thương thân. Đầy bản năng phồn thực, tự nhiên tung tẩy nõn nường như Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, biết mình biết ta Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày… cảm xúc yêu thương trong tiếng nói nữ quyền mềm hóa chân thành. Quân tử có thương thì đóng cọc – Xin đừng mân mó nhựa ra tay… Da diết mạnh bạo vẫn nhún mình, cho nên chồng mất đi, người vợ thủ tiết, mở đầu là Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì… khóc thương chồng và khóc thương xót phận mình. Thương chồng nên khóc tỉ tì ti…
Chữ nghĩa không xong, chí không thành, đa tình đa đoan như Tú Xương mới lắng sâu nỗi đau đồng cảm trong nhan đề bài Thương vợ nhằm thể hiện tình cảm dành cho vợ, ngẫm thân mình mà lòng đau. Càng trải nghiệm càng thương. Thương một đời, dù chẳng làm được gì. Tình bạn hay đẹp hơn cả tình yêu. Ở Tuổi già hạt lệ như sương, nhà Nho cuối mùa Nguyễn Khuyến Khóc Dương Khuê – người bạn chí cốt của mình ra đi… trong tiếng thở dài tim đau. Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương… Thương bạn, nhưng cũng mừng bạn nhẹ hơi thở hóa thinh không, thương mình trong giằng co xuất xử, Cáo quan về ở nhà cũng không xong. Nghĩ ta, ta lại chỉ thương ta…
Thương ta của người thi đậu làm quan đến khổ như Nguyễn Khuyến, cũng giống kẻ thi rớt lang thang đến tội như Tú Xương Áo bông che đầu… Hỏi ai, ai đó thương không? ngẫm ra thật thấm thía! Tài – mệnh ghét nhau, tồn sinh nhạy cảm thương thân như Kiều hay sự cám cảnh tự thương phận Nho cuối mùa trong cảnh Tây – Tàu nhố nhăng… Có sự giao thoa trùng lặp ở trí tuệ xúc cảm. Đó là tiếng buồn thương giàu giá trị nhân văn cất lên từ những tài hoa bắt đắc chí – sinh bất phùng thời. Không phải người tài sao trọng dụng được nhân tài. Không phải người hiền thương sao có được yêu thương. Chẳng mấy ai thấu cho, cám cảnh mà tự thương lấy mình.
Hội nhập với văn hóa phương Tây, chữ quốc ngữ nhanh chóng hình thành, gắn bó với cuộc sống thường nhật của người dân, trở thành văn tự phổ thông, phương tiện liên lạc để sáng tác thi ca trong thời đại mới. Khoảng đầu thế kỷ XX, làn sóng phương Tây, phong trào lãng mạn, cái tôi cá nhân làm trung tâm… lan truyền và tác động mạnh. Thương là nền tảng quan hệ truyền thống dần được thay bằng yêu trong quan hệ hiện đại.
Thơ Mới – đòi hỏi tự do cá nhân trong xã hội bấy giờ rạo rực, lòng khát khao yêu đương tuổi trẻ và nỗi buồn vô cớ tuổi thanh xuân… yêu và thương hữu hiệu bày tỏ nỗi lòng. Yêu không còn là vùng đất cấm, cái tôi cá nhân bộc lộ bao sắc thái cung bậc trong biển trời xúc cảm. Rõ nhất là Nguyễn Bính tự nhận Tôi là thi sỹ của thương yêu giao thoa chân quê – phố thị, truyền thống – hiện đại trên nền tảng bộ tâm, và Xuân Diệu – nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới, ông hoàng thơ tình tạo nên một triết lý yêu như một giá trị nhân văn độc đáo sâu sắc. Nói nhiều khoảnh khắc của, kiểu Nguyễn Bính. Yêu yêu yêu mãi thế này – Tôi như một kẻ sa lầy trong yêu, kiểu Xuân Diệu – Chỉ biết yêu thôi chẳng hiểu gì của kẻ Đa tình dẫu Khi chết rồi tôi sẽ yêu ma…
May thay, còn có chữ thương dài hơn chữ yêu, tự thân lặng lẽ mà ngân vang da diết, bao dung… như Không đề tự lòng. Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau… Ấy là con sóng vấn vương một đời. Cứ thương nhớ mãi thì cho hết đời… (Nguyễn Bính). Ngay từ Bài thơ tuổi nhỏ, thi nhân đã khẳng định tự nhiên Làm sao sống được mà không yêu… nhưng tiếp liền mở rộng nhẹ đằm Không nhớ không thương một kẻ nào… Và may quá, yêu như rượu nồng vội qua, vẫn chưa quên thương như nước bình đạm dưỡng nuôi, thương một lần vấn vương một đời lặng lẽ, đàn trăng nước tương hợp giao hòa. Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh = Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần (Xuân Diệu).
Cung đàn hòa điệu yêu thương
Thi ca hình dung một xứ sở. Tấm lòng và bàn tay lưu truyền và gìn giữ di sản yêu thương tương tác. Yêu và thương như là dạng tín hiệu, ký hiệu ngôn ngữ thường nhật, hàm nghĩa chứa đựng cái biểu đạt và cái được biểu đạt tạo mã tự nhiên, mã xã hội… qua bàn tay thi nhân các thời nguyên thủy dân gian, cổ điển hàn lâm, lãng mạn hiện đại, đương đại đa văn hóa toàn cầu hóa… mang đến tính cấu trúc nội tại như một liên ký hiệu ngôn từ đa nhân cách trong quá trình ứng dụng tương ứng với một khung văn hóa cụ thể ở tính tự thân, nguồn phát sáng tạo và tiếp nhận. Yêu và thương là dạng ký hiệu thẩm mỹ liên văn hóa, đa tầng bậc thể hiện ở các cấp độ vô thức, cổ mẫu, đối thoại, ẩn dụ, trì biệt, sáng tạo, đồng quy, so sánh… trong một khung tương tác thi nhân – văn bản – độc giả.
Ngôn ngữ chỉ là phương tiện, công cụ của tư duy cảm xúc. Lần mò sách vở, gõ từ khóa Love vào thanh công cụ tìm kiếm, google cho ra những 8 triệu kết quả. Bạn chọn từ nào, lúc nào… tùy bạn. Nhưng yêu thương chỉ có thể cảm nhận bằng con tim yêu thương. Trong thực tại hiện hữu như món quà của cuộc sống, bàn tay yêu thương hơn cả mọi ngôn từ. Trong nghịch cảnh làm điều gì bằng tình yêu thương, ấy là khoảnh khắc sống thực sự hóa vĩnh hằng. “Nơi nào có tình thương yêu thì nơi đó luôn có điều kỳ diệu” (Loilla Cather).
- Xem thêm: Chảy đi sông ơi…
Trong cuộc tồn sinh hôm nay, vật chất càng phong phú, yêu thương lại nghèo nàn dần. Xã hội hiện đại hóa, số hóa, hưởng thụ hóa đầy toan tính đến độ vô cảm… liệu yêu thương có còn hòa điệu, vừa là bản năng tự nhiên vừa cần trí tuệ cảm xúc thấu hiểu. Mặt trời ẩn trong tim, cho đi chính là nhận về. Thương như một địa chỉ buồn nhẹ nhàng mà day dứt. Lớp trẻ đương đại dẫu biết thương là hay, đằm trong bầu trời bình yên… nhưng vẫn thích nói – nghe và làm bằng ngôn ngữ hình thể: Yêu ở cái tôi khoảnh khắc – đa ngã trong bối cảnh toàn cầu hóa… Biết sao được… Thôi thì hát vui Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn…