Thời Pháp thuộc, ngoài Hà Nội có câu hát:
Me-dông tê hát vòng tròn
Đầu đội nón dứa, tay cầm ba toong
Đố ai biết là nhà gì? Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp (Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM, 1992) của nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân – Nguyễn Đức Dân, cho biết: “Xưa tại khu phố Sầm Công (nay phố Lương Ngọc Quyến) có dãy nhà thổ nên có câu hát nửa Tây nửa ta như trên. Tê = t, hát= h, vòng tròn = O, tức chữ THO (tr.255).
Không những thế, còn có cả monsieur cũng du nhập từ tiếng Pháp. Từ này được phát âm thành me-xừ/ mông-xừ/ mơ-xừ để rồi cuối cùng phổ biến nhất là xừ – dùng để gọi người đàn ông nào đó. Cách gọi có thân mật, bông đùa hay xách mé còn tùy thuộc vào ngữ cảnh cụ thể. Điều cũng thú vị không kém là me-xừ/ xừ đã đi vào thơ Việt Nam, hầu như không còn dấu vết “con lai” dù cách ghi sừ/ xừ không thống nhất:
Văn ngài đọc sướng làm sao
Véo von như hót, ngọt ngào như ru
Các xừ mặt lớn tai to
Nghe câu tán tụng tựa hồ lên tiên
(Tú Mỡ)
- Xem thêm: Khoảng trống đời Thầy
Nói chung, bàn về tiếng Việt là một sự lý thú. Chẳng hạn, một người bị ốm/đau phải cậy đến bác sĩ khám bệnh cho mình, hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị nhưng rồi cách nói quen thuộc vẫn là: “Vậy, bạn đi khám bác sĩ chưa?”. Khám là xem xét, xét, lục soát kiểm tra, tìm cho ra một sự vật, sự việc nào đó. Trong ngữ cảnh này mình phụ thuộc vào chuyên môn của bác sĩ, chứ nào phải bác sĩ cậy đến mình mà lại nói thế?
Lại nữa, có người vào quán dõng dạc: “Cho món lươn bằm xúc bánh tráng”. Bằm là băm, chẳng hạn, “Giận cá băm thớt; Giàu thì băm chả băm nem/ Khó thì băm ếch đỡ thèm cũng xong”… Băm cũng là vằm – nhằm chỉ động tác xử lý một vật gì đó vừa có rắn lại vừa có mềm lẫn lộn bằng cách chặt, bổ xuống đều tay, nhanh tay làm cho nhỏ, cho tơi, cho nát, cho thật nhuyễn nhừ. Thế thì, con lươn một khi đã trong trạng thái đó, làm sao có thể xúc bánh tráng, phải ngược lại chứ? Tất nhiên. Những cách nói này, dù tréo ngoe nhưng rồi người nghe cũng hiểu và chấp nhận. Ấy mới là sự độc đáo của trong lời ăn tiếng nói của người Việt.
Rõ ràng, cách viết/ nói của người Việt quá ư cắc cớ.
Không cắc cớ sao được, chẳng hạn, ai cũng biết trong cặp chuỗi từ trái nghĩa chỉ về kết quả trong một/ nhiều cuộc đọ sức: “chiến thắng – thất bại; được – thua; thắng – bại; thắng – thua; thắng – vong”… thế mà có lúc cùng sử dụng cả hai từ trái nghĩa nhưng người đọc/ nghe vẫn… hiểu như thường! Thí dụ, “Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã đánh thắng giặc Nguyên-Mông”/ “Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã đánh bại giặc Nguyên-Mông”. Ai cũng hiểu dưới quyền chỉ huy tài ba, lão luyện, mưu trí của Ngài thì bọn giặc Nguyên-Mông đã bị đánh tan tành xác pháo, bị đánh tả tơi không còn manh giáp.
- Xem thêm: Không dừng lại được biết làm sao!
Lại nữa, với chuỗi từ trái nghĩa khác, thí dụ “ra – vào”, ta nhớ đến câu ca dao có câu:
Con kiến mà leo cành đa
Leo phải cành cộc leo ra leo vào
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cành cộc leo vào leo ra
là hai chuyển động trái ngược nhau. Ấy thế, đôi lúc “ra – vào” được sử dụng như nhau mà vẫn không trái nghĩa.
Nhân dịp xuân mới, bà mẹ bảo cậu con trai: “Năm này, 18 xuân xanh rồi đấy, mừng con đủ tuổi chững chạc ra đời”. Cậu con thưa: “Dạ, con vào đời chắc còn nhiều bỡ ngỡ”. Sở dĩ, người con dùng từ “vào đời” bởi lẽ từ “ra đời” của người mẹ không hàm nghĩa “được sinh ra” như từ điển giải thích mà mặc nhiên được hiểu từ đây, cậu ta bước ra đời/ vào đời, là phải “tự thân vận động, tự lực cánh sinh” chứ không còn nhờ cậy, bám váy mẹ! Ra và vào là hiểu theo nghĩa đó, dù rằng mỗi ngày cậu ta vẫn… từ trong nhà bước ra và… bước vào nhà!
- Xem thêm: Chữ “danh” của người quân tử
Tương tự, về các từ chỉ nhiệt độ cao, nhiệt độ thấp, ta có chuỗi từ trái nghĩa như: “ấm – lạnh; lạnh – nóng; ấm – mát; ấm – rét; hàn – nhiệt; nguội – nóng; rét – bức; nực – rét; sôi – nguội; nóng – nguội; lạnh tanh – nóng bỏng…”. Thế nhưng, ai dám bảo cả hai câu này là không… đồng nghĩa? Chẳng hạn, trời mùa đông lạnh buốt, một cô trách với bạn: “Trời rét thế này, sao bạn không mặc áo ấm?”/ “Trời rét thế này, sao bạn không mặc áo lạnh?”.
Trong quá trình tìm về tiếng Việt, ngoài quyển sách đã in Lắt léo tiếng Việt (NXB Trẻ-2016) thì nay, tôi có thêm Cắc cớ tiếng Việt. Biết đâu có người hỏi cắc cớ: “Thế nào là cắc cớ?”. Trả lời thế nào? Ta hãy căn cứ vào từ điển cho “chắc ăn”.
Này nhé, “Cách tinh nghịch, rắn mắt, trớ trêu. “Thuyền dài sông hẹp khó chèo/ Ai xui cắc cớ lúc nghèo gặp em” (Việt Nam tự điển – 1970).
“Oái oăm, gàn dở. Duyên sao cắc cớ hỡi duyên” (Đại từ điển tiếng Việt – 1999).
Bày việc khuấy chơi, đặt điều, lắt lở “Con nít cắc cớ đào lỗ giữa đàng cho người ta sụp” (Đại Nam quấc âm tự vị – 1895).
“Trớ trêu, thình lình, đột ngột, bỗng dưng (Từ điển phương ngữ Nam bộ – 1994).
“Sự gàn dở. “Gái chưa chồng chơi hang Cắc Cớ/ Trai chưa vợ chơi hội chùa Thầy” (Việt Nam tự điển – 1930).
“Tinh nghịch, rắn mắt, hay bày trò trêu ghẹo người khác để cười đùa” (Phương ngữ Nam bộ ghi chép và chú giải – 2015).
“Đột ngột, biểu thị sự việc diễn ra có tính chất thình lình, hoặc có tính chất trớ trêu, hay có hàm ý trêu chọc” (Từ điển Nam bộ – 2007).
Đại khái, cắc cớ là sự tổng hợp các định nghĩa này? Thế nhưng liệu có đủ? Khó trả lời, chỉ dám quả quyết tùy ngữ cảnh cụ thể mà ta có thể hiểu cắc cớ theo các nghĩa vừa liệt kê; hoặc cũng có thể bổ sung nghĩa thêm. Cắc cớ thiệt, chứ nào phải đùa.
Mà cái sự cắc cớ, lắt léo gì gì đó nói chung trong tiếng Việt là gì nhỉ?
Nhà ngôn học tài ba Cao Xuân Hạo đã gọi là “linh hồn tiếng Việt”. Trong tập sách Tiếng Việt, văn Việt, người Việt (NXB Trẻ – 2001), ông viết: “Cái hồn ấy, cái mà Wilhelm von Humboldt gọi là Volkstum “hồn dân”, và Sprachestum “hồn tiếng” mà người bản ngữ đều mang trong xương tủy, và chỉ có một số cực kỳ ít ỏi những người ngoại quốc sống rất lâu giữa lòng bản ngữ mới có được” (tr. 27).
- Xem thêm: Khói đốt đồng thơm mùi ký ức
Và ông nhấn mạnh: “Tư duy của loài người là một, nhưng các phương tiện biểu đạt tư duy trong các thứ tiếng lại vô cùng phong phú và đa dạng. Và chính tính đa dạng của ngôn ngữ, cũng như của các lĩnh vực khác trong nền văn hóa dân tộc, làm cho sự hội nhập có thể được thực hiện mà không dẫn tới sự đơn điệu tẻ nhạt. Một dân tộc đã đánh mất cái linh hồn nằm sâu trong tiếng mẹ đẻ của nó liệu có thể giữ được cái bản sắc độc đáo trong nền văn hóa dân tộc được không, và từ đó, còn có thể đóng góp được gì vào bức tranh muôn màu của văn hóa nhân loại? Không! Linh hồn của tiếng Việt không hề mất” (tr.38).
Về tiếng Việt, ta cứ việc bàn dần. Chẳng gì mà vội. Bởi một lẽ đơn giản, tình yêu dành cho tiếng mẹ đẻ đã ngấm vào máu thịt ngay từ khi chúng ta vừa cất tiếng oa oa lọt lòng.