Cuộc sống bây giờ, ai cũng dễ nhận ra, xã hội ngày càng cuồng nhiệt ồn ào, đời sống nhiều biến đổi, hoàn cảnh đầy tính bất định, con người đầy dần ra, mạng xã hội phát triển… gắn liền với lắm giọng đầy tiếng.
Đặc biệt là tiếng chửi – cứ như một nhu cầu đâu đó trong mỗi người Việt – có cớ được bung ra. Đầy quá thì dễ sinh thỏa mãn nhất thời, ổn định đến giả tạo nhàm chán mà an phận bằng lòng. Vậy mà con người bằng mọi giá, cứ thích đầy căng ra.
Ngày vui đầy… thèm lặng trống thênh thang
Đầy ra, cạnh tranh… thường nằm ở những lĩnh vực chính trị, kinh tế… chứ còn giáo dục ở một đất nước vốn có truyền thống Tôn sư trọng đạo như Việt Nam thì có lẽ dường như vẫn “tàng tàng”. Nhưng ngẫm kỹ, ngược lại! Chất lượng giáo dục – giáo dục học đường, giáo dục truyền thống, giáo dục gia đình… tưởng cứ căng đầy dần ra mà thực ra càng giảm xuống… mới xuất hiện sự khủng hoảng, mất niềm tin… Hiện tượng chửi cả Thầy đã từng dạy mình… tưởng như không tưởng ở đất nước hình chữ S lưng tựa vào núi mắt nhìn ra biển… đã bình thường!
Chẳng có gì lạ. Khi đạo đức như một nhãn mác ứng xử thì đầy những người vô đạo đức. Khi văn hóa như một thuật ngữ, một giá trị định vị tràn lan thì thiếu hẳn những con người văn hóa, hành vi và ngôn ngữ văn hóa. Khi minh bạch, công bằng, dân chủ, tự do, sự thật… được rêu rao thì lại đầy những mù mờ, bất cập, áp đặt, độc quyền, hàng giả…
Tương tự như vậy, khi giáo dục được đề cao như quốc sách lại hóa thành “cuốc sách” kinh tế thị trường với bao quyền lực mồm mép. Thông minh được đề cao, đến độ điện thoại – máy tính thông minh, thành phố thông minh, con người thông minh… nhưng thực chất đâu là thông minh trong hai dạng trí tuệ và tài khéo thì giá trị mù mờ. Con người vô tình chỉ còn là một công cụ thuần túy trong lập trình lấp đầy ấy… liệu hồn mà sống!
Chửi cả Thầy mình không phải là dạng phản biện tích cực của trò có thông minh trí tuệ, mà chỉ là dạng thích thể hiện làm đầy của kẻ thông minh tài khéo. Thông minh trí tuệ có chiều sâu mang tính nền tảng, bình tĩnh biết lắng nghe người và lắng nghe mình được hình thành trên cơ sở luận triết học mà nhìn nhận đánh giá sự việc trong tinh thần phản biện sự việc nhiều chiều với ý thức dân chủ, lòng tự trọng, tinh thần khiêm cung trong ý thức can đảm, khát khao cải biến với năng lượng văn hóa tích cực… ngày càng giảm dần, trống vắng dần…
Ngược lại, xã hội nhốn nháo, nhiều giá trị quy kết, đúng sai nhất thời, đen trắng lẫn lộn, lên voi xuống chó… lại xuất hiện dần đầy những dạng thông minh tài khéo, giỏi thích ứng và giải quyết các tình huống bất ngờ của cuộc sống một cách khéo léo mềm dẻo nhất thời một cách láu cá láu tôm.
Và cứ thế, tôm tép nhảy đầy lên bờ. Cơ chế thi cử tốt nghiệp phổ thông lẫn tuyển sinh đại học theo dạng “ba chung” những 5 năm nay dường như càng đầy những lỗ hổng bất cập, chương trình giáo dục, triết lý giáo dục, đội ngũ thầy cô, chương trình sách giáo khoa, kết quả chất lượng học trò… đến giờ như nước lũ tràn bờ.
- Xem thêm: Làm người thầy hạnh phúc
Thật buồn, giáo dục giăng đầy mà những câu hỏi thì thầm bỏ trống. Đi dạy có vui không, tốt nghiệp gắn liền thất nghiệp – bỏ nghề, chuyển nghề có hay hơn không, đi học có thích không, học để làm gì, có kiểu nào để “tỵ nạn giáo dục”… như một nỗi ám ảnh lương tâm.
Lương tâm xã hội đau chung, mà người trực tiếp đứng trong cuộc là nhà giáo trong nỗi đau riêng càng thấm gấp bội mà lặng lẽ bất lực trong cả guồng quay đầy của cơ chế. Nhìn vào, cứ tưởng nhà giáo thì thanh thản, an nhàn cứ như thánh hiền.
Nhưng ngẫm kỹ, trong cơ chế đào tạo – sử dụng, đứng lớp – kiêm nhiệm, không khí chính trị – xã hội, đầu vào – đầu ra, lý tưởng và thực thi; số tiền lương trong sáng và nhu cầu thực tế, lòng yêu trọng học trò theo tinh thần dân chủ tự do khai sáng và ngành nghề mưu sinh, tâm huyết – năng lực và lý tưởng mình ký thác cho học trò góp phần làm nên sản phẩm – con người và nhu cầu thực tế biến đổi của xã hội, thực học và bằng cấp… thì giáo viên như một cái máy được lấp đầy những lập trình, còn trống chỗ nào cho tự do phát triển trí tuệ cá nhân, quan điểm giáo dục, hoài nghi tích cực, cách thức tư duy, phương pháp cá biệt…
Đội ngũ trí thức đông dần, bằng cấp giăng đầy, học vị – học hàm đầy dần… mà thật khó tìm một thầy với hai bàn tay trắng – trí tuệ đầy – tâm hồn thương yêu – phong cách độc đáo – hết lòng vì học trò một cách hồn nhiên.
Đó có phải là lỗi của nhà giáo? Cũng là lỗi thật trong cơ chế tự huyễn hoặc lấp đầy những công cụ ràng buộc. Thế nhưng, chọn một nghề mình đam mê ngây thơ và mong muốn cống hiến – đặc biệt nghề trồng cây trồng người phải có tài năng, trí tuệ, lý tưởng, phẩm chất, kỹ năng… mà ngơ ngác hai bàn tay đầy phấn giữa bụi đời… thì ai chẳng xót lòng trở dạ!
Trong bao cái đầy ở thực trạng hiện nay mà sách vở gọi là “cơ chế 4 ệ – hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ”, bình dân gọi là “4m – mồ mả, mồm mép, money, may mắn”… một câu hỏi trống không: mình là ai, đâu là vị trí của nhà giáo trong nhà trường, xã hội, trong trái tim học trò… cứ mãi trắng gió phất phơ, cứ mãi như giọt nắng đầu xuân ủ trong hạt mưa đông…
Thầy và Trò được lấp đầy với bao cương vị, định vị, bao kiêm nhiệm, bao chứng chỉ, bằng cấp, kỹ năng… nhưng đâu là lằn ranh cho khoảng trống đích thực của Thầy và Trò trong giao tiếp thấu cảm dạy và học có được những tư duy khai phóng và cảm xúc gợi mở.
Đâu là khoảng trống cho cảm xúc rung cảm đích thực của Thầy và Trò khi cảm xúc đã được lập trình. Đó là cảm xúc đích thực từ con tim rung cảm và khối óc còn bỏ trống bất chợt bùng lên những khát khao khoảnh khắc – vĩnh hằng, hay chỉ là những cố “đổi mới” tạo hào hứng nhất thời… với những bước lên lớp, phát huy vai trò chủ thể tiếp nhận ở người học biết tự học, thuyết trình với phần mềm Power Point, làm video clip, hóa trang, diễn kịch… về nội dung bài học.
Đầy những công cụ, phương tiện truyền thông, cách thức chuyển tải, trọng tâm ra đề thi… nhưng thiếu hẳn một khoảng trống ở trí tuệ khoa học, con tim thấu cảm, ước vọng lấp đầy… ở Thầy và Trò trong nội dung và cách tiếp cận ở từng tiết học cũng như cả chương trình.
Ngày Nhà giáo, ngày vui… Đầy những niềm vui – tri ân – hứa hẹn trong băng khẩu hiệu, biểu ngữ chúc tụng, hoa quả, quà cáp, nụ cười… Có Thầy Cô nào bất chợt thấy trống vắng, thèm lặng lẽ xòe tay gầy đếm nhịp mưa hoa nắng đời mình. Có người học trò nào mình tâm đắc ký thác giờ vắng mặt biệt tăm. Có đồng nghiệp nào tri ngộ, tri kỷ, tri âm… giờ như cỏ hong ngóng lối mòn chiều. Không biết, không nói, không biểu lộ… trong ngày đầy. Mây hối hả gánh sương về trời. Cỏ ngồi gỡ mùa thu hong tóc. Mảnh cười ai soi bóng trời lộng ngọc. Hoa viền trăng loang vũng nắng cố tri… Làm sao có thể xỏ được đôi giày, đôi dép tinh khéo đủ đầy vào hai chân cùng một lúc… Ơi trong sợi mưa đầy ủ lóe nắng gầy. Nhụy hoàng hoa, hương hút cạn điều gì…
Trong khoảng trống tim nở hoa trí tuệ
Ngẫm ra, ở phương Đông, đặc biệt là ở Việt Nam vốn tiếp thu hội tụ văn hóa cửa Khổng sân Trình duy lý cân bằng đạo lý ba ngôi Thiên – Địa – Nhân từ Hoa Hạ, văn hóa tâm linh nội cảm sông Hằng, văn hóa nhạy cảm duy mỹ duy tình Hoa Anh Đào… thu vào Ông Đồ làng quê cho đến tiếp biến Khai sáng phương Tây… thì chọn giáo dục, làm Thầy thì cao sang như Thánh hiền dĩ đạo, tải đạo, minh đạo… chẳng những là nghề mà còn là nghiệp… hỏi mấy ai và thời nào mà chẳng đầy theo gương vạn thế sư biểu.
Làm hàn sĩ trong làng Nho, ông giáo nghèo và lỗi thời thì buồn đến bi đát nhưng cứ an nhàn lạc đạo thanh cao, tự tôn – tự trọng – tự túc – tự lạc… trong niềm vui trò hiếu học, cha mẹ ý thức muốn con hay chữ phải yêu lấy Thầy… và cả chính quyền vua chúa trọng hiền tài mà gọi đến, lắng nghe, ủy quyền…
Làm tu sĩ trong cửa Thiền theo họ Thích, dù có ép xác vẫn đầy vui ăn như sư ở như phạm trong sự yên tọa cúng dường. Làm hiệp sĩ trong thời chiến, ông giáo tay bút tay súng còn đầy cái vui gồng mình náo nhiệt Chiến sỹ thi đua trong hành khúc Ngày và đêm, thao thiết ngọt ngào trong giai điệu Người giáo viên nhân dân…
Đôi khi có chút chạnh lòng trong giới hạn lịch sử, khi chợt nhớ lời nói như đinh đóng cột của Mao Trạch Đông trong bài nói chuyện nổi tiếng ở Thiên An Môn – “trí thức là cục phân”… nhưng thoáng trở buồn rồi lại vui ngay khi biết… về với nhân dân như nai về suối cũ… “cục phân” được vun bón cũng dễ hóa “cục vàng” trong cảm hứng lạc quan cách mạng đầy tràn – Những kẻ quê mùa cũng thành trí thức – Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng… Được nuôi dưỡng, trụ đứng được, giỏi hát đồng ca… chính là điểm tựa sử thi – cộng đồng cao quý mà từ một cấp nào đó được dần chuẩn hóa chung trong xã hội – chứ không phải ở tự thân trí thức giáo dục của người dạy và người học phân cho: giáo viên nhân dân.
Khi đất nước thống nhất, tinh thần cách mạng triệt để, dân chủ tập trung… nhà giáo như nhà chính trị – tư tưởng – đạo đức… trong niềm vui làng nhàng đầy bụi phấn bay bay… như câu đối Tết dí dỏm: Đêm 30 Thầy giáo tháo giầy đi chân đất – Sáng mồng 1 giáo chức dứt cháo bụng trống không… Đến thời toàn cầu hóa, cơ chế mở bùng nhùng, xã hội hóa giáo dục, giáo dục cũng biết (thu giá, thu phí) theo nhiều cách như một miếng đất kinh doanh, giảm thuế nhờ tình thương đạo lý, giàu có hơn, văn minh tiến bộ hơn… ngỡ như hết buồn mà bi đát ê hề…
- Xem thêm: Chữ “danh” của người quân tử
Bao nhiêu cái cơ chế, triết lý, nhân sự, kỹ năng, phẩm giá, tiền lương, chương trình, sách vở, dư luận, niềm tin… rời rạc mà lũ đầy mang mang trong trạng thái bất an. Niềm vui giáo dục được đắp đầy hơn mà trống vắng hoang mang, chức năng được tường minh hơn trong cái nghề như bao nghề khác mà nghiệp dĩ ám đầy, hệ thống chặt chẽ hơn trong bao tổ chức đan xen Đảng – Đoàn – Công đoàn – Phụ nữ – Cựu chiến binh… thầy gương mẫu dạy giỏi – trò hiền hậu hiếu học… mà bằng mặt chẳng bằng lòng trong một tập hợp tạm bợ rời rạc, tệ hơn cả giáo chức thời Tây Sáng vác ô đi tối vác về… kiểu Tú Xương, bi khái hơn những giáo Thứ Sống mòn của Nam Cao…
Và cứ thế… mặc lũ trôi bồi đắp. Bờ có lở… cũng có bến bồi. Phấn trắng bay… có còn hơn không. Đông lạnh giá… ủ tia nắng xuân về. Trong vui đầy… chẳng có nỗi buồn riêng. Trong siêu đau… chẳng đau gì cả. Trong siêu tưởng… thuốc giải thiêng tự huyễn. Đèn cạn dầu… chạm gối vầng trăng. Một thân gầy trong đầy phận trống, muôn phận đau lau trắng hồng hoang. Muôn giáo huấn trắng trời mây trắng, người tự neo mình trong chốt cửa làm Thầy. Muôn lời giảng còng lưng tàng kinh các. Một lời riêng Thầy… góc khuất vô thanh.
Ai có thể lọc màu xanh ra khỏi bầu trời. Ai có thể cầm tia nắng trong tay trống hao gầy. Biết đến bao giờ, trong sự toàn cầu hóa mà không đánh mất chính mình, chuyển từ nhà giáo nhân dân – chiến sĩ thi đua sang nhà giáo cá nhân – hòa hợp cộng đồng bền vững… Niềm vui chân chính từ khoảng trống gợi mở, giá trị đích thực của nhà giáo không phải ở cấp độ nào, khu vực nào, địa vị quyền lực nào, thu nhập ra sao… mà ở trí tuệ khai phóng, tâm hồn xúc cảm, lương tri nở hoa, mồ hôi kết ánh sáng… ngay trong trái tim học trò ở nụ cười thấu cảm vang tiếng gọi Thầy ơi, Cô ơi…
Trong khoảng trống người ta mới dễ nhận ra những năng lượng tri thức, những kỹ năng gợi mở, những phương pháp cá biệt độc sáng, những khát vọng phù hợp… ngủ quên được thức dậy, khai phóng, thấu cảm… ở từng đối tượng, từng khoảnh khắc giàu giá trị nhân văn tương cảm mà không hề mâu thuẫn loại trừ những hằng số mang tính truyền thống của dân tộc và nhân loại.
Học sinh Việt Nam bây giờ thích du học nước ngoài vì nhiều lẽ, nhưng lẽ quan trọng nhất là các em tìm thấy chính mình và Thầy mình trong khoảng trống đầy gợi mở ấy cho hiện hữu và mai này. Ấy là duyên nghiệp hạnh phúc giữa người và người trong vườn trồng cây trồng người, tất yếu dẫn đến hoa thơm quả ngọt mai này trong rừng người.
Trong khoảng trống không bị lấp đầy ràng buộc, người ta mới dễ nhận ra điều giản dị. Một chữ nửa chữ cũng là Thầy… ấy là trân trọng tri ân một chiều, nhiều khi nghiêng theo lễ. Một chữ, nửa chữ cũng là Trò… ấy là trách nhiệm, thương yêu, bao dung, tin cậy. Thầy và Trò trong tương tác dạy và học là đóa hoa nhân văn trong vườn giáo dục được quang hợp sang vườn đời cõi người ta. Trong khoảng trống, hoa trí tuệ mới nở vườn hạnh phúc. Trong khoảng trống thiếu thốn mới biết tôn trọng cái mình đang có và khát khao cái mình sẽ có. Trong khoảng trống mênh mông mới thấy chân trời giàu có những người bay.
Biết tri ân, thương nhớ, nguyện cầu, tin cậy, đổi thay… cũng từ khoảng trống ấy. Cảm ơn Em tặng Thầy chiếc cặp da mới trong một ngày Tháng 11 ngọt ngào. Thầy lặng lẽ xỏ chỉ xâu kim cắt dán chiếc cặp cũ mòn đứt rách… lắm ô trống mà đầy nắng tâm hồn thơm bụi phấn buồn vui trắng mưa sương năm tháng. Cảm ơn cơ chế mới cho Thầy bao kỹ năng mới được lập trình cắt dán lấp đầy trong wifi, internet, giáo án điện tử… Thầy vẫn giữ cho mình trong giáo án cũ nhòe thơm mực thời gian và đầy những khoảng trống không gian với bao gương mặt buồn vui ủ kín trong vết trán nhăn gầy, trong mắt cận mờ đầy bụi phấn bay bay…
- Xem thêm: Cắm câu, nghề đâu có dễ
Giản đơn khi không lãng phí đầy những cầu kỳ. Giản dị khi biết cười vá chỗ rách tâm hồn. Gió mơn man con tim xao xuyến. Liễu đưa mình cười buồn bướm đổi chỗ. Biết rung động trước những điều mới mẻ. Biết thấu thị bao khuất lấp mai này. Viên phấn một đời viết mòn không hết. Thầy nhặt lấy Thầy trong góc trống giảng đường. Trường, lớp, thầy, trò… muôn đời không cũ. Khoảng trống mở ra cho ta biết tạ lòng. Khi kỹ năng sống thành danh được định vị, khi nghệ thuật làm đẹp sống khỏe biết khoe ra… rầm rộ lên ngôi, nét đẹp thuần túy trong trí tuệ và tâm hồn như cái cây khỏa thân tắm rừng, như hạt bụi bay trong nắng trăng sương… Bốn phép cộng, trừ, nhân, chia vốn hữu hạn hóa ra vô hạn trong tay trống hao gầy.
Giữa tâm sen trống không một dấu hỏi
Khi có một khoảng trống, người ta có thói quen trong áp lực guồng quay chung là vội vã lấp đầy… như thể có thêm chỗ để đồ, chỗ thêm những bằng cấp, chứng chỉ kỹ năng, chỗ thêm mớ kiến thức ngẫm ra nhàm ngộp mà vẫn cố để khẳng nhận… dù phải “số hóa” để kịp theo thời. Gặp thời thế… thế thì vẫn thế. Vậy mà lọ mọ lặng lẽ về thăm một Người Thầy trong khoảng trống đời mình lại lấp đầy mênh mang. Trên bàn Thầy, chỉ có một lọ hoa, nhành lá… không tên. Một dòng thời gian mãi trôi gọi lại cái đã qua đọng trong hiện hữu và bắt nguồn một câu hỏi mai này. Một khoảng không gian trống để có được một cái đầu sen nở, một tâm hồn thảnh thơi, nhẹ nhàng tương thông không rào cản, gợi lên một miền hương trí tuệ, mở ra một chân trời miên viễn vẫy gọi cánh chim bay…
Em là ai, em làm gì, em ra trường chưa… Thầy và Trò tin cậy, thương yêu, thấu cảm… ngay trong khoảng trống ấy. Em ra trường, em mang theo gì làm hành trang khoảng trống đời Em… Và mỗi chúng ta, học rất nhiều Thầy, đếm được mấy Thầy đúng nghĩa trong khoảng trống đời mình… Buồn vui mấy độ thu vàng. Rũ sạch bụi phấn lên ngàn mưa sương. Cửa Không hạt nắng cầm chuông. Thơm huyền thoại trắng thức đường chiêm bao. Mênh mang mưa dệt cuối mùa. Trống không ủ ấm nắng xuân hao gầy…
- Xem thêm: Cội nguồn còn đó, nhớ nhau lại về…
Trong khoảng trống, Ngày 20-11 nở hoa biển thơm trăng. Đêm trải tóc ra nằm. Trăng ưỡn cong con sóng. Thân thể trên ngàn năm. Biển khan khúc hồ cầm. Hạt cát thơm bóng chữ. Trống chân trời sáng lên…