Việc phục dựng hình ảnh nguyên trạng cầu Long Biên bằng ánh sáng không phải để hoài cổ mà chỉ là hối thúc các thế hệ trẻ Hà Nội sớm chung sức đồng lòng phục dựng lại cây cầu mới…
Mùa thu 2109, tại Hà Nội, UNESCO và Signify tổ chức cuộc thi giải pháp xanh, sáng tạo và đổi mới, sử dụng ánh sáng và công nghệ chiếu sáng để thắp sáng và quảng bá cho các di sản văn hóa và địa danh của Hà Nội. Dưới đây là đề xuất “Nhịp cầu ánh sáng” của KTS Nguyễn Văn Hạnh.
Hồng Hà – Hà Nội và cây cầu Long Biên vắt qua ba thế kỷ
Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội là thành phố có lịch sử ngàn năm, nhưng cả triệu năm trước sông mẹ đã thai nghén để sinh ra mảnh đất nằm giữa các dòng sông này. Theo tiếng Việt cổ, sông Cái là sông Mẹ, là sông Hồng vĩ đại chảy từ địa đầu đất Việt rồi đổ ra Biển Đông, dòng sông mẹ mang dòng phù sa bồi bổ nuôi sống bao đời con dân đất Việt từ thửa hồng hoang cho đến tận bây giờ và mãi mãi mai sau.
Khi con nước lớn, sông mang về cá tôm sung túc, khi con nước nhỏ trên dòng sông là đoàn thuyền ngược xuôi kết nối con người, của cải khắp vùng Bắc bộ.
Năm 1902 cầu Long Biên hoàn thành vắt ngang qua sông Cái – khởi đầu giai đoạn phát triển mới giao thương đường sắt, đường bộ để Hà Nội vươn tới những vùng miền xa hơn.
Đầu thế kỷ 20, cầu Long Biên có quy mô lớn nhất châu Á, nó không chỉ đánh dấu giai đoạn chuyển đổi kinh tế Việt Nam từ thuần nông sang phát triển nông công thương nghiệp. Nó là biểu tượng của bước tiến mới: đất nước Việt Nam hội nhập thế giới hiện đại.
- Xem thêm: Chuyện một cây cầu di sản
Tham gia xây dựng cầu có rất nhiều người thợ Việt tài khéo và họ cũng từng bước hội nhập để đem những làng nghề truyền thống ra Hà Nội, lập nên những phố nghề mới. Công kỹ nghệ mới cũng theo đó mà tạo nên cả khu phố hàng sầm uất.
Trải qua hơn trăm năm tồn tại, Cầu Long biên đã chứng kiến bao cảnh đoàn tụ và chia ly, chiến tranh và hòa bình, đổ vỡ và hàn gắn, nhưng cho dù trong hoàn cảnh nào thì cây cầu vẫn gồng mình lên để vượt qua gian khó để hoàn thành sứ mạng kết nối đôi bờ sông Hồng một cách nhẫn nại và kiêu hãnh.
Từ sớm mai cho đến màn đêm buông xuống, trên cầu Long Biên dòng người vẫn tất tả ngược xuôi. Những nhịp cầu gãy đã chắp lại từ lâu, cho dù không duyên dáng thì đảm bảo an toàn cho sự đi lại.
Mai đây, có lẽ Hà Nội sẽ chắt chiu phục dựng lại những nhịp cầu tạm, còn ngay hôm nay, với công nghệ chiếu sáng hiện đại, các nghệ sĩ đã có thể trình diễn những bức tranh Phố Phái kỳ ảo thì họ cũng có thể dùng công nghệ hiện đại để dùng ánh sáng huyền diệu mà gọi lại những nhịp cầu xưa.
Nhịp cầu ánh sáng
Việc phục dựng hình ảnh nguyên trạng cầu Long Biên bằng ánh sáng không phải để hoài cổ mà chỉ là hối thúc các thế hệ trẻ Hà Nội sớm chung sức đồng lòng phục dựng lại cây cầu mới, vừa duyên dáng lại khỏe khoắn.
Các nhịp cầu đã trải qua cả thế kỷ 20, nay lại được hồi sinh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ kết nối đôi bờ sông Hồng trong thế kỷ 21.
Giải pháp chiếu sáng nghệ thuật cho các cây cầu vốn đã có từ lâu. Ngay cả cầu Long Biên cũng đã có đề xuất Cầu Long Biên ngày và đêm được giải thưởng Đánh thức không gian – 2009. Giải pháp là chiếu chùm tia sáng bằng đèn cao áp vào các tấm gương phản chiếu để tạo hình ảnh.
Còn lần này, giải pháp của Nhịp cầu ánh sáng hoàn toàn khác, khi nhằm “hồi sinh” toàn bộ các nhịp cầu đã bị phá hỏng, các chuyên gia, nghệ sĩ, KTS sẽ phục dựng bằng vật liệu tổng hợp siêu nhẹ, siêu bền, cốt sợi thủy tinh, tạo thành khung dây căng kết hợp với dàn không gian để đón tia sáng cực mạnh từ máy chiếu tới.
Do khung dây để trong vắt nên ban ngày sẽ lu mờ dưới ánh sáng mặt trời. Ban đêm ánh sáng từ dàn đèn chuyên dụng chiếu vào toàn bộ cầu Long Biên, các đoạn đứt gãy đã tan biến, thay vào đó là cây cầu ánh sáng nguyên vẹn nối đôi bờ sông Hồng .
Ánh sáng lung linh tái hiện nhịp cầu kết nối lịch sử Hà Nội từ thế kỷ 19 tới thế kỷ 21 hiện đại hóa. Nhịp cầu lung linh văn hiến tiếp dẫn Hà nội – thành phố vì hòa bình của thế kỷ 20 bước tới tương lai thành phố Hà Nội thông minh – sáng tạo trong thế kỷ 21.
Đề xuất Nhịp cầu ánh sáng của KTS Nguyễn Văn Hạnh với sự hỗ trợ tư liệu của KTS Trần Huy Ánh, kỹ thuật trình diễn của KTS Bùi Thế Trung (Hội KTS Hà Nội) và kỹ thuật chiếu sáng 3D maping của họa sĩ Phạm Trung Hưng – Giám đốc Công ty CMYK Việt Nam.
“Thành phố thông minh, lung linh văn hiến”
Đó là tên một cuộc thi do UNESCO và Signify tổ chức nhằm xây dựng các giải pháp xanh, sáng tạo và đổi mới.
Cuộc thi mong muốn thu hút các bạn trẻ, có độ tuổi dưới 30 tham gia, với hy vọng nhận được các sáng kiến, nhằm khai phóng tiềm năng to lớn của ánh sáng trong lĩnh vực phát triển bền vững.
Dưới góc độ văn hóa, ánh sáng có thể trở thành chất xúc tác trong việc tôn vinh văn hóa, nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ đồng thời góp phần tạo ra những thay đổi tích cực thông qua việc kết nối cộng đồng và tạo điều kiện để mọi người suy ngẫm về nguồn gốc, văn hóa và di sản của họ.
Kết quả cuộc thi sẽ được công bố vào cuối tháng 10-2019.